Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hành chính của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
– Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (hiệu lực 01/01/2022)
– Nghị định 120/2021/NĐ-CP (có hiệu lực 01/01/2022)
1. Gửi hồ sơ và thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 120/2021/NĐ-CP, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải thông báo ngay bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.
Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Văn bản thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Họ, tên người vi phạm;
b) Lý do lập hồ sơ đề nghị;
c) Quyền đọc, ghi chép những nội dung cần thiết trong hồ sơ của người nhận được thông báo; địa điểm, thời hạn đọc, ghi chép;
d) Quyền phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị tại cuộc họp tư vấn.
Việc đọc, ghi chép các nội dung cần thiết của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc, ghi chép các nội dung cần thiết, tùy từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gửi hồ sơ đến một trong các chủ thể sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định.
2. Tổ chức cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 120/2021/NĐ-CP, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp.
Thành phần tham gia cuộc họp tư vấn gồm có:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trưởng Công an cấp xã;
c) Công chức tư pháp – hộ tịch;
d) Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở;
đ) Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên, thì ngoài những thành phần quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, phải có sự tham gia của công chức văn hóa – xã hội, cộng tác viên công tác xã hội hoặc cộng tác viên trẻ em (nếu có); đại diện nhà trường (nếu có); đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đang ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì phải có đại diện của cơ sở đó;
e) Trường hợp cần thiết, có thể mời đại diện tổ hòa giải, cơ quan Công an nơi đã chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tham dự.
Những người được mời tham dự cuộc họp tư vấn:
a) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên;
c) Người bị hại (nếu có);
d) Người đại diện hợp pháp tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của đối tượng (nếu có).
Việc mời những người tham gia cuộc họp được thể hiện bằng văn bản và phải được gửi trước khi tổ chức cuộc họp ít nhất là 03 ngày làm việc.
Những người tham gia cuộc họp phải được phát biểu ý kiến tại cuộc họp.
Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được, thì có thể gửi ý kiến bằng văn bản.
Hoãn cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên không tham dự được mà có lý do chính đáng.
Cuộc họp tư vấn được hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 02 ngày làm việc, thời gian hoãn không tính vào thời gian xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp này.
Trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên vẫn không thu xếp tham dự cuộc họp sau thời gian hoãn nêu trên do không có mặt tại địa phương, điều kiện sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác thì phải có trách nhiệm cử người đại diện cho gia đình tham dự cuộc họp.
Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vẫn tiếp tục được tổ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cố tình trốn tránh không tham dự cuộc họp tư vấn;
b) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được cuộc họp tư vấn và cũng không gửi ý kiến bằng văn bản;
c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thể tham dự được cuộc họp tư vấn do có lý do chính đáng và đã hoãn theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Lưu ý: Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ được tổ chức khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên được mời.
Trình tự, nội dung của cuộc họp tư vấn:
a) Đại diện Công an cấp xã nêu hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, kết quả xác minh, chứng cứ thu thập được, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, biện pháp hòa giải, các biện pháp giúp đỡ, giáo dục đã áp dụng đối với người đó (nếu có);
b) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trình bày lý do vi phạm pháp luật, nhận thức của mình về hành vi vi phạm và kế hoạch sửa chữa khuyết điểm; đưa ra các chứng cứ có liên quan.
Trường hợp họ vắng mặt và có ý kiến bằng văn bản, thì ý kiến của họ phải được đọc tại cuộc họp;
c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, lý do vi phạm, trách nhiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên tại gia đình;
d) Người bị hại phát biểu ý kiến về thiệt hại của mình;
đ) Công chức văn hóa – xã hội hoặc cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em (nếu có); đại diện nhà trường (nếu có) phát biểu ý kiến về nhân thân của người bị đề nghị giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đề xuất biện pháp giáo dục, hỗ trợ phù hợp;
e) Các thành viên thảo luận về sự cần thiết áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của đối tượng; các hình thức, biện pháp giáo dục; thời gian áp dụng biện pháp; lựa chọn cơ quan, tổ chức phù hợp để giao trách nhiệm giáo dục, quản lý đối tượng; khả năng áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, các hình thức giáo dục, hỗ trợ đối với đối tượng là người chưa thành niên.
Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản và lưu vào hồ sơ.
3. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Căn cứ vào biên bản cuộc họp, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ngay sau khi kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm có:
a) Báo cáo tóm tắt về nội dung cuộc họp, trong đó đề xuất áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn; lý do đề xuất; các ý kiến khác nhau của thành viên cuộc họp tư vấn (nếu có).
Trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, ngoài những nội dung nêu trên, báo cáo tóm tắt phải đề xuất thời hạn áp dụng, cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý đối tượng;
b) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 19 Nghị định này;
c) Biên bản cuộc họp tư vấn;
d) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình của Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định:
a) Áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;
b) Chuyển lại để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của Trưởng Công an cùng cấp trong giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 24 Nghị định này.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét ra một trong các quyết định sau đây:
a) Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
c) Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.
5. Mẫu quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
>>> Mẫu quyết định số 01 ban hành kèm theo Nghị định 120/2021/NĐ-CP
ỦY BAN NHÂN DÂN (1) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./ QĐ-XPTT |
(2) …………, ngày…. tháng …. năm….. |
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn*
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (1) ……………………..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số: …./2021/NĐ-CP ngày…. tháng…. năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Xét đề nghị của Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
1. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có tên sau đây:
Họ và tên: …………………………………………………………………….. Giới tính: ………………………..
Ngày, tháng, năm sinh: …/…/……
Nơi thường trú/tạm trú: ……………………………………………………………………………………………
Nơi ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………..
Số định danh cá nhân/CMND/Hộ chiếu số: ……………………………………………………………….;
ngày cấp: …./…./……; nơi cấp: …………………………………………………………………………………
Dân tộc: ………….. Tôn giáo: ………….. Trình độ học vấn: ……………………………………………..
Nghề nghiệp: …………………………………………………………………………………………………………
Nơi làm việc/học tập: ………………………………………………………………………………………………
<Họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ>(*): ………………………………………………………….…….
Địa chỉ liên hệ: ……………………………………………………………………………..………………….…….
…………………………………………………………………………………………………………………..…..…….
2. Lý do áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn:(3)
……………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………..
3. Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là …. tháng, kể từ ngày …./…./………
Điều 2. Quyết định này được giao cho:
1. Ông/bà có tên tại Điều 1 Quyết định này là người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn để chấp hành.
2. (4) …………………………………………………….. để giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này.
3. Ông/bà (5) ………………………………………….. để phối hợp giáo dục và quản lý người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. <Người/cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên>(**) bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có tên tại Điều 1 Quyết định này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Trưởng Công an (1) ……………………………………………………………………., các cá nhân có tên tại Điều 1 và cơ quan/tổ chức có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN |
___________________
* Mẫu này được sử dụng để quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 26 Nghị định số: …./2021/NĐ-CP.
(*) Áp dụng đối với trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên.
(**) Lưu ý lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế.
(1) Ghi tên của xã/phường/thị trấn.
(2) Ghi địa danh theo hướng dẫn về thể thức của Chính phủ.
(3) Ghi cụ thể hành vi vi phạm; nơi thực hiện hành vi vi phạm; điều, khoản văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng.
(4) Ghi cụ thể theo từng trường hợp:
– Trường hợp người bị áp dụng biện pháp có nơi cư trú ổn định hoặc là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định thì ghi tên của cơ quan/tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.
– Trường hợp người bị áp dụng biện pháp là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định thì ghi tên của cơ sở bảo trợ xã hội.
(5) Ghi họ và tên của cha, mẹ/người giám hộ của người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại, xã, phường, thị trấn.
(6) Tổ chức/cá nhân khác có liên quan (nếu có).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group