1. Thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính

Theo dõi việc THAHC là nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS. Cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. Theo đó, thẩm quyền theo dõi THAHC của cơ quan THADS đối với các vụ việc có bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án thì không phụ thuộc vào Tòa án cấp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc mà phụ thuộc cấp Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ việc. Cụ thể là Cục THADS có thẩm quyền theo dõi việc THAHC đối với những bản án, quyết định về vụ án hành chính do Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm; Chi cục THADS có thẩm quyền theo dõi việc THAHC của Tòa án nhân dân cấp huyện đã xét xử sơ thẩm.

2. Trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính

2.1 Tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án và thực hiện theo dõi thi hành án hành chính

Khi cơ quan THADS nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hànnh chính mà trong đó có nội dung thuộc các trường hợp quy định thì phải thực hiện theo dõi việc THAHC. Cơ quan THADS phải tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và phân công Chấp hành viên theo dõi. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về buộc cơ quan lập danh sách cử tri, sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri hoặc quyết định áp dụng biện pháp tạm thời thì phải ra ngay thông báo về tự nguyện thi hành án. Nội dung thông báo nêu rõ thời hạn tự nguyện, trách nhiệm tổ chức thi hành án, việc xử lý trách nhiệm nếu không chấp hành án.
Từ quy định của pháp luật nêu trên cho thấy thời hạn ra thông báo và xác định thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án mà cơ quan THADS thực hiện chưa đảm bảo tính khả thi. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 311 Luật TTHC quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án từ thời điểm người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Thế nhưng, tại thời điểm cơ quan THADS nhận bản án, quyết định của Tòa án không xác định được người phải thi hành án đã nhận được bản án, quyết định vào thời điểm nào để xác định thời hạn tự nguyện thi hành án trong thông báo. Để ấn định thời gian tự nguyện thi hành án thì cơ quan THADS phải có thông tin về thời điểm cấp, gửi bản án, quyết định cho người phải thi hành án. Nếu khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao mà chưa có thông tin này thì cơ quan THADS sẽ mắc phải một trong hai vi phạm, đó là về thời hạn ra thông báo hoặc trong thông báo không ấn định rõ thời gian tự nguyện thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án đã nhận bản án, quyết định trước hoặc sau khi cơ quan THADS nhận được bản án, quyết định của Tòa án thì rất khó xác định thời gian tự nguyện thi hành án về thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án trước khi Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS, có thể người phải thi hành án đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nội dung của bản án, quyết định, lúc này thông báo tự nguyện thi hành án của cơ quan THADS là không cần thiết nữa. Trường hợp người phải thi hành án nhận thông báo tự nguyện thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự nhưng chưa nhận được bản án, quyết định của Tòa án thì người phải thi hành án cũng chưa phát sinh thời hạn tự nguyện thi hành án, lúc này thông báo tự nguyện thi hành án không có hiệu quả, không còn ý nghĩa nữa.
Đối với trường hợp đã có quyết định buộc THAHC thì người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án khi nhận được quyết định buộc THAHC. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC, Viện kiểm sát và cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Cơ quan THADS có quyền yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án, thủ trưởng trực tiếp của người phải thi hành án cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án. Cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, việc quy định cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ liên quan đến THAHC cho thấy sự “gượng ép” khi thực hiện nhiệm vụ không đúng với “tên gọi” của mình. Do vậy, xu hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới cần phân định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS và THAHC. Trước mắt, trong khi chưa có một cơ quan nào khác đảm trách công tác này, cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ theo dõi việc THAHC theo quy định của Luật TTHC và Nghị định số 71.
Sau khi nhận được quyết định buộc THAHC, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc, lập biên bản với người  phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính. Quy định thời hạn Chấp hành viên phải làm việc với người phải thi hành án trong trường hợp này không thực sự khả thi. Khi người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp hoặc Giám đốc các sở ngành thì thời hạn 03 ngày làm việc là rất khó khăn cho Chấp hành viên. Luật TTHC năm 2015 cũng đã thu hẹp phạm vi đối tượng được ủy quyền tham gia trong TTHC, theo đó chỉ cho phép ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng. Những người này luôn có kế hoạch công tác, lịch làm việc từ trước, nếu Chấp hành viên muốn làm việc với họ cũng phải có hẹn lịch trước và hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên. Do vậy, quy định thời hạn này luôn đặt Chấp hành viên vào tình trạng vi phạm về thời hạn làm việc với người phải thi hành án.

2.2 Lập hồ sơ theo dõi việc thi hành án hành chính

Ngay khi được phân công theo dõi việc THAHC, Chấp hành viên thực hiện lập hồ sơ theo dõi, cập nhật và bổ sung đầy đủ các tài liệu vào hồ sơ vụ việc, trong hồ sơ thể hiện toàn bộ quá trình theo dõi việc THAHC. Trong THADS thì việc lưu trữ hồ sơ thi hành án được thực hiện theo quy định của Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp, theo đó hồ sơ lưu trữ được đánh bút lục theo trình tự cụ thể. Quyết định thi hành án mang bút lục đầu tiên và là cơ sở để lập hồ sơ lưu trữ, tra cứu dữ liệu lưu trữ thi hành án. Còn đối với hồ sơ theo dõi THAHC chỉ có quy định hồ sơ gồm có bản án, quyết định của Tòa án, văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án, thông báo kết quả THAHC; quyết định buộc THAHC, các văn bản chỉ đạo, quyết định xử lý trách nhiệm, các tài liệu khác có liên quan nếu có, mà chưa có quy định hoặc hướng dẫn việc thực hiện lưu trữ theo tiêu chí nào để làm cơ sở dữ liệu tra cứu, lưu và bảo quản hồ sơ lưu trữ. Từ vướng mắc này, Tổng cục THADS đã có Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS ngày 16/10/2018 ban hành kèm theo quy trình theo dõi THAHC áp dụng trong hệ thống thi hành án dân sự, trong đó có hướng dẫn việc lập, rà soát, thẩm tra và lưu trữ hồ sơ theo dõi THAHC. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hướng dẫn trong nội bộ ngành để tháo gỡ vướng mắc, cần thiết phải được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài những quy định chung về thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC, bên cạnh đó Luật TTHC và Nghị định số 71 cũng có quy định trình tự thực hiện đối với những trường hợp thi hành án cụ thể.

3. Ý nghĩa của thi hành án hành chính

Từ tính chất đặc thù của THAHC luôn có một bên đương sự là “cơ quan hành chính nhà nước” hoặc “người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước” hoặc “cá nhân, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước” với đối tượng phải thi hành là các quyết định hành chính, hành vi hành chính nên THAHC có nhiều ý nghĩa.
Một là, THAHC thể hiện bản chất nghiêm minh khách quan của pháp luật và hoạt động áp dụng pháp luật. Đây là giai đoạn quyết định trong việc hiện thực hóa kết quả của quá trình giải quyết vụ án hành chính trước đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải trải qua một quá trình phức tạp không phải chỉ để có bản án, quyết định phù hợp với quy định của pháp luật mà cuối cùng là để các phán quyết đó được thi hành trên thực tế.
Bản án, quyết định của Tòa án khi được thực hiện nghiêm chỉnh góp phần thể hiện bản chất nghiêm minh của pháp luật và của hoạt động áp dụng pháp luật. Hai là, THAHC đạt hiệu quả là thể hiện sự công bằng của xã hội, quyền dân chủ của người dân được đảm bảo. Bản án, quyết định của Tòa án là một kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xem như thể hiện công lý. Qua đó, người dân nhận được sự công bằng, lẽ phải mà họ mong muốn. Tuy nhiên, nếu kết quả đó không được thi hành trên thực tế hoặc thi hành không nghiêm chỉnh thì hoạt động giải quyết, xét xử của Tòa án cũng chưa đạt được hiệu quả về mặt thực tế. Điều đó cũng không thể hiện được sự công bằng của xã hội, quyền dân chủ và những lợi ích hợp pháp của người dân cũng chưa được đảm bảo.
Ba là, hiệu quả của THAHC có tác động lớn trong việc hình thành tâm lý pháp luật của người dân về hệ thống pháp luật và hoạt động của bộ máy nhà nước. Bản án, quyết định của Tòa án quyết định những vấn đề gắn với người dân, cơ quan nhà nước, nếu việc thi hành án trong trường hợp này không hiệu quả sẽ gây ra sự bất mãn và làm giảm sút niềm tin của người dân về sự nghiêm minh của pháp luật. Hiệu quả của THAHC có tác động đến việc hình thành tâm lý pháp luật của người dân về hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Nếu THAHC được nghiêm minh thì người dân càng có niềm tin vào pháp luật và sự bảo vệ của pháp luật đối với quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bốn là, thi hành án hành chính góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý hành chính. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là một trong những yếu tố định hướng cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Những sai sót trong quản lý nhà nước được ngăn chặn, được cảnh báo và đề nghị sửa chữa, bên cạnh đó những quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng đắn trong quản lý được ủng hộ, từ đó hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Thông qua việc thi hành các bản án, quyết định hành chính, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải tự xem xét lại mình, cẩn trọng hơn trong việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi hành chính. Từ đó, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.
Năm là, THAHC hiệu quả là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó, giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính – Công ty Luật LVN Group