1. Hợp đồng sở hữu trí tuệ

Có thể một hợp đồng kinh tế quốc tế cũng liên quan tới các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ như lixăng sử dụng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết sản xuất.

Tranh chấp phát sinh từ các li-xăng sở hữu trí tuệ rất đa dạng, đó là:

– Liệu có phải trả tiền bản quyền không;

– Số tiền bản quyền phải trả;

– Liệu các phát triển sản phẩm mới có được tính gộp vào li-xăng không;

– Các trường hợp một bên có quyền chấm dứt lixăng;

– Bồi thường do vi phạm li-xăng;

– Liệu giới hạn hợp đồng về việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ có vi phạm các quy tắc cạnh tranh không; và

– Liệu một người làm công có thể có quyền sở hữu một quyền sở hữu trí tuệ không.

Phương thức giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ phải được xem xét cẩn thận. Theo luật của một số nước, các tranh chấp trên có thể giải quyết bằng trọng tài – nhưng không phải là theo luật của tất cả các nước đều như vậy. Ví dụ, ở hầu hết các nước, quyết định của một trọng tài viên về hiệu lực của một bằng sáng chế sẽ chỉ có giá trị ràng buộc các bên trong tranh chấp – không có giá trị ràng buộc bên thứ ba. Điều này bởi một quyết định như vậy có thể chỉ thuộc thẩm quyền của toà án quốc gia nơi bằng sáng chế được cấp.

Trong một số trường hợp nhất định, một sự giúp đỡ mang tính chất mệnh lệnh có thể cần thiết và đôi khi cũng đủ để chấm dứt việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Có thể làm được việc này thông qua các toà án quốc gia.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và phương thức giải quyết tranh chấp vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty luật LVN Group (tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam để được hỗ trợ – > Tham khảo: Dịch vụ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ).

 

2. Cho ví dụ về các tranh chấp sở hữu trí tuệ với đối tác nước ngoài

 

2.1 Dự liệu về các trường hợp có thể phát sinh tranh chấp

Các tranh chấp về sở hữu trí tuệ không chỉ phát sinh từ các hợp đồng sở hữu trí tuệ. Chúng có thể phát sinh từ nhiều loại hợp đồng khác.

Ví dụ:

– Các hợp đồng li-xăng (bao gồm các hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế là một phần của hoạt động thương mại, như các hợp đồng đại lý hoặc độc quyền tiêu thụ);

– Các hợp đồng chuyển giao sở hữu trí tuệ, như trong trường hợp hợp nhất công ty hoặc liên doanh; và

– Các hợp đồng liên quan tới sở hữu trí tuệ (ví dụ: các hợp đồng nghiên cứu và hợp đồng lao động).

Phạm vi của một tranh chấp hợp đồng thường hẹp hơn phạm vi của hợp đồng mà tranh chấp phát sinh từ đó. Vì vậy, trong khi lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp cụ thể, rất hữu ích nếu các bên có thể dự đoán các loại tranh chấp họ có thể gặp phải. Điều này sẽ giúp các bên khi phải lựa chọn giữa tranh tụng tại toà và trọng tài – cả hai đều có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý – hoặc giữa tranh tụng tại toà, trọng tài và hoà giải, trung gian, thẩm định kỹ thuật và các phương thức giải quyết tranh chấp “mềm dẻo” khác. Hơn nữa, nếu các bên chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp, việc các bên dự đoán được loại tranh chấp có thể phát sinh sẽ giúp họ lựa chọn được tổ chức trọng tài thường trực phù hợp. ở điểm cuối cùng này, khi một hợp đồng quốc tế chủ yếu hoặc chỉ liên quan tới sở hữu trí tuệ, các bên có thể lựa chọn hệ thống giải quyết tranh chấp của một tổ chức được tôn trọng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ví dụ như Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (the World Intellectual Property Organization – WIPO), tổ chức này giám sát các cơ chế giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ khác nhau – xem dưới đây, và Phòng thương mại quốc tế (mặc dù không chuyên về sở hữu trí tuệ, các báo cáo của ICC cho thấy 12% vụ kiện thụ lý tại Toà án trọng tài quốc tế ICC liên quan đáng kể tới sở hữu trí tuệ).

 

2.2 Soạn thảo một điều khoản trọng tài liên quan tới các vấn đề về sở hữu trí tuệ

Để tạo thuận lợi cho việc thi hành một phán quyết trọng tài liên quan tới các nội dung sở hữu trí tuệ quan trọng và để ngăn ngừa các vấn đề có thể giải quyết bằng trọng tài, Uỷ ban trọng tài quốc tế của ICC đã đưa ra các ví dụ khác nhau về các điều khoản bên cạnh điều khoản trọng tài chuẩn, qua đó các bên thoả thuận việc thi hành phán quyết.

Các ví dụ được đưa ra dưới đây thuộc loại các điều khoản có thể đưa vào hợp đồng, bên cạnh điều khoản trọng tài, nhằm thuyết phục một toà án công nhận hiệu lực thoả thuận của các bên là được đưa các bất đồng của họ ra trọng tài, thậm chí cho dù các bất đồng đó liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ. Hiệu lực của các điều khoản này nên được xem xét cẩn thận đối với các quy tắc của luật áp dụng cho trọng tài và các toà án có thẩm quyền nơi việc thi hành phán quyết được yêu cầu.

Ví dụ 1: “Tranh chấp này là tranh chấp thương mại cá nhân giữa các bên và tác động đến thương mại quốc tế. [Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh dưới đây là tranh chấp thương mại cá nhân giữa các bên và tác động đến thương mại quốc tế.]“

Ví dụ 2: “Các bên thoả thuận rằng tranh chấp và các khía cạnh liên quan của tranh chấp đó được giải quyết bằng trọng tài bắt buộc về các quyền của các bên đối với nhau.”

Ví dụ 3: “Trong trường hợp để quyết định vụ tranh chấp này cần tới sự xem xét của Uỷ ban trọng tài về tất cả các vấn đề liên quan tới hiệu lực, bắt buộc thực thi và sự vi phạm [quyền sở hữu trí tuệ] của bất kỳ bên nào đối với bên kia, Uỷ ban trọng tài sẽ có thẩm quyền xem xét tất cả các vấn đề nêu trên và đưa ra quan điểm đối với tất cả các vấn đề đó. Các bên thoả thuận rõ ràng là Uỷ ban trọng tài không có thẩm quyền tuyên bố bất kỳ [quyền sở hữu trí tuệ]nào nói trên có hiệu lực hoặc không có hiệu lực, bắt buộc thực thi hoặc không bắt buộc thực thi, hoặc bị vi phạm hoặc không bị vi phạm, tuy nhiên, với điều kiện là Uỷ ban trọng tài có thể đưa ra ý kiến đối với các bên là liệu theo quan điểm của Uỷ ban trọng tài, một toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hiệu lực, bắt buộc thực thi hoặc vi phạm bất kỳ [quyền sở hữu trí tuệ] nào nói trên. Uỷ ban trọng tài sẽ chỉ rõ [có thể tuyên bố] các lý do của Uỷ ban trọng tài khi đưa ra ý kiến đó. Tuy nhiên, quan điểm và bản tuyên bố lý do của Uỷ ban trọng tài sẽ không được các bên coi đó là tuyên bố về hiệu lực hoặc vô hiệu, bắt buộc thực thi hoặc không bắt buộc thực thi, vi phạm hoặc không vi phạm bất kỳ [quyền sở hữu trí tuệ] nào nói trên.”

Ví dụ 4: “Phán quyết của Uỷ ban trọng tài:

a. Tuyên bố hành vi nào, nếu có, mỗi bên có thể hoặc không thể thực hiện đối với bên kia,

b. Có giá trị chung thẩm, bắt buộc và có hiệu lực chỉ giữa hai bên hoặc các bên,

c. Không bên nào có thể kháng án, và

d. Không được coi hoặc khẳng định bởi bất cứ bên nào là có tác động đến bất kỳ người hoặc thực thể nào không phải một bên trong vụ kiện.”

Ví dụ 5:

“Các bên thoả thuận rõ ràng rằng quyết định của toà án dựa trên phán quyết của Uỷ ban trọng tài có thể ủng hộ, hoặc chống lại, bất cứ bên nào trong bất kỳ phạm vi quyền hạn nào mà Uỷ ban trọng tài cho rằng là phù hợp với hoàn cảnh, và mỗi bên bị bất cứ quyết định nào như vậy của bên kia do đó đồng ý và biến mình trở thành đối tượng của thẩm quyền của bất kỳ toà án nào đưa ra những quyết định như trên.”

Ví dụ 6:

Các bên đồng ý kết hợp chặt chẽ các điều khoản của phán quyết thành [một hợp đồng li-xăng, chuyển giao công nghệ,v.v…có liên quan hoặc làm nền tảng] như một sửa đổi bắt buộc đối với hợp đồng và bắt buộc thi hành, có hiệu lực từ ngày phán quyết có hiệu lực.”

 

3. Đăng ký tên miền quốc tế

Bởi các tên miền trên Internet (ví dụ như .com, .net, .org) có thể có giá trị rất lớn nên việc cấp và sử dụng các tên miền đã gây ra nhiều tranh chấp do đăng ký tên miền bị lạm dụng. Ngày 1 tháng 12 năm 1999, Hội tên và số đăng ký trên Internet (the Internet Corporation for Assigned Names and Numbers – ICANN) điều phối đăng ký tên miền Internet đã đặt ra Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (the Uniform Domain-Name Dispute-Resolution Policy – UDRP), tất cả những người đăng ký các tên miền phổ biến nhất .com, .net và .org phải tuân thủ. Theo Chính sách này, các tranh chấp phát sinh từ đăng ký tên miền bị lạm dụng có thể đưa ra giải quyết bằng biện pháp hành chính nếu người nắm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá nộp đơn kiện cho một nhà cung cấp dịch vụ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. ICANN sẽ huỷ bỏ, chuyển giao hoặc thay đổi việc đăng ký tên miền sau khi nhận được quyết định của Ban hội thẩm hành chính (Administrative Panel) hoạt động theo Chính sách của ICANN. Thủ tục thường được tiến hành bằng văn bản. Các tranh chấp tên miền và nhãn hiệu hàng hoá khác có thể được giải quyết bằng thoả thuận, tranh tụng toà án hoặc trọng tài. Thủ tục tiến hành không quá 55 ngày. Phí có thể từ 750 Đô la Mĩ cho tranh chấp liên quan tới một tên miền trước hội thẩm viên duy nhất tới 3.750 Đô la Mĩ cho tranh chấp liên quan tới ít nhất ba tên miền trước ba hội thẩm viên.

Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2000, có khoảng 1.600 đơn kiện liên quan tới 2.700 tên miền đã dược nộp trong vòng 8 tháng đầu năm của năm 2000. Bốn tổ chức được ICANN công nhận làm nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp là: Viện nghiên cứu giải pháp tranh chấp CPR (the CPR Institute for Dispute Resolution – CPR), eResolution (eRes), Diễn đàn trọng tài quốc gia (the National Arbitration Forum – NAF) và Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (the World Intellectual Property Organization – WIPO). Vào thời điểm cuốn sách này được phát hành, ICANN đã chỉ định thêm một số nhà cung cấp dịch vụ mới.

(Để biết thêm chi tiết về các thủ tục giải quyết tranh chấp của ICANN và các vụ kiện đã giải quyết và các quyết định đã ban hành, xem tại website của ICANN: http://www.icann.org. Bạn cũng có thể vào website: http://www.arbiter.wipo.int để biết thông tin về các dịch vụ giải quyết tranh chấp của WIPO.)

 

4. Cho ví dụ về các tranh chấp về tên miền quốc tế

1. Quyết định ngày 7 tháng 3 năm 2000 về Vụ kiện số NAF 0092529 giữa Philips India Limited và Proton Engineers

Cuối tháng 1 năm 2000, Philips India Limited đã nộp đơn kiện Proton Engineers (Bị đơn) vì đã đăng ký tên miền là: philipsindia.com. Bị đơn đã phát triển website của Philips India và nộp đơn xin đăng ký tên miền năm 1998. Tuy nhiên, thay vì nộp đơn xin đăng ký thay mặt và nhân danh Philips India Limited, Bị đơn đã lấy tên mình để đăng ký tên miền. Trọng tài viên, được chỉ định theo Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất của ICANN, đã lưu ý rằng tên miền do Bị đơn đăng ký dễ gây nhầm lẫn và tương tự như nhãn hiệu hàng hoá hoặc nhãn hiệu dịch vụ mà Philips India Limited có quyền sở hữu, rằng Bị đơn không có quyền lợi hợp pháp đối với tên miền và tên miền đã được đăng ký và sử dụng với dụng ý xấu. Vì vậy, trọng tài viên ra lệnh chuyển giao tên miền cho Nguyên đơn. Phán quyết công bố ngày 7 tháng 3 năm 2000.

2. Quyết định ngày 3 tháng 4 năm 2000 về Vụ kiện số WIPO D2000-0034 giữa ISL & FIFA và Chung, Korea & một số người có liên quan

FIFA, Liên đoàn bóng quốc tế và là nhà tổ chức World Cup, và ISL, đại lý marketing độc quyền của FIFA đã kiện Bị đơn về việc lạm dụng 15 tên miền như: worldcup2002.com, 2002worldcup.org. Hai năm sau khi những tên miền này được đăng ký, Bị đơn đã gửi thông báo tới một trong các Nguyên đơn: “Tôi là chủ của các tên miền trên. Tôi hiểu rằng công ty bạn đang chuẩn bị lập một website. Tôi muốn hỏi rằng liệu những tên miền trên có thể sử dụng được cho website của công ty bạn không? Nếu bạn quan tâm đến bất kỳ tên miền nào nói trên, tôi sẵn lòng bán lại cho công ty bạn.” Các Nguyên đơn cho rằng các tên miền trên dễ gây nhẫm lẫn và tương tự như các nhãn hiệu World Cup của FIFA đã đăng ký ở nhiều nước, kể cả ở Hàn Quốc và Nhật Bản nơi sẽ diễn ra World Cup 2002.

Hội thẩm viên duy nhất đã thừa nhận 13 tên miền có cụm từ “World Cup” dễ gây nhầm lẫn và giống với nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký World Cup. Tuy nhiên, hai tên miền còn lại (wc2002.com và wc02.ocm) không thể làm người ta nghĩ ngay đến World Cup (hội thẩm viên cho rằng hai tên miền đó có thể nói đến “nhà vệ sinh (water closet)”. Hội thẩm quyết định rằng việc sử dụng các tên miền nói trên, thậm chí vì các mục đích phi thương mại, là không hợp pháp hoặc gian lận bởi đơn giản là Bị đơn đã sao chép website chính thức của Nguyên đơn mà không có thêm ý tưởng mới nào bổ sung.

Về luận điểm cho rằng Bị đơn đã hành động không thiện chí, hội thẩm viên nhận thấy đề nghị bán các tên miền của Bị đơn không hình thành sự kiện là Bị đơn giành lấy các tên miền trước hết vì mục đích bán lại chúng cho Nguyên đơn. Tuy nhiên, kết luận hợp lý duy nhất từ sự kiện Bị đơn đã đăng ký một số lượng lớn các tên miền nói trên là Bị đơn có ý định cất giữ các tên miền nhằm ngăn cản các Nguyên đơn đưa nhãn hiệu hàng hoá World Cup thành một tên miền tương ứng. Vì vậy, hội thẩm viên  đã yêu cầu chuyển giao 13 tên miền (trừ hai tên miền chỉ có chữ “wc”) cho FIFA.

Luật LVN Group (tổng hợp)