Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Thống kê cho thấy, kể từ năm 2001 đến nay, trung bình Toà án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) đã thụ lý hơn 500 vụ việc mỗi năm. Các tổ chức trọng tài quốc tế khác cũng tiếp nhận và giải quyết một số lượng vụ việc tương đối lớn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Tại Việt Nam, tuy mới được hình thành, nhưng trọng tài cũng được khuyến khích sử dụng trong một loạt các luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hàng hải… Hiện nay, Việt Nam đã có Pháp lệnh Trọng tài thương mại (ban hành năm 2003) là văn bản quy định khá chi tiết về trọng tài, trình tự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Trọng tài vốn phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế bởi có nhiều tính ưu việt, đáp ứng được nhu cầu của các DN. Lợi thế đầu tiên khi DN lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này là thủ tục tố tụng linh hoạt. Đây là một trong những tiêu chí mà các DN thường quan tâm khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp. Luật trọng tài các nước quy định thủ tục tố tụng trọng tài rất đơn giản, chủ yếu dựa trên thỏa thuận của các bên.

Các bên được tự do thỏa thuận về toàn bộ quá trình tố tụng và các hội đồng trọng tài có nghĩa vụ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận của các bên. Ví dụ, các bên có thể quyết định số lượng trọng tài viên của hội đồng trọng tài, cách thức chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn trọng tài viên, thời gian giải quyết vụ tranh chấp, luật áp dụng, ngôn ngữ, địa điểm giải quyết vụ tranh chấp…

Bên cạnh đó, tính trung lập, vô tư khách quan và chuyên nghiệp của hội đồng trọng tài cũng là yếu tố quan trọng để DN có thể tin cẩn lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này. Với đặc thù là cơ chế giải quyết tranh chấp tư, thẩm quyền được hình thành dựa trên thỏa thuận của các bên, trọng tài luôn nhấn mạnh các tiêu chí vô tư, khách quan và trình độ của các trọng tài viên. Theo Điều 13 Pháp lệnh Trọng tài thương mại, các trọng tài viên có nghĩa vụ “vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp”.
Để đảm bảo tính trung lập và khách quan, một số trung tâm trọng tài đã đưa ra một số giới hạn về tiêu chí quốc tịch trọng tài viên. Theo Quy tắc tố tụng của ICC, trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch hội đồng trọng tài phải là người có quốc tịch khác với quốc tịch của các bên tranh chấp (Điều 9 khoản 5).

Các trọng tài viên thường là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong một số lĩnh vực cụ thể, như bảo hiểm, tài chính, vận tải, xây dựng… Những tranh chấp chuyên ngành này đòi hỏi người phân xử phải có kiến thức rộng và am hiểu trong lĩnh vực đó. Do vậy, việc giải quyết sẽ được chính xác và khách quan hơn.

Trong xu thế hiện đại, ngoài các tổ chức trọng tài lớn, có thể giải quyết các tranh chấp trong nhiều lĩnh vực, một số nước đã thành lập các tổ chức trọng tài chuyên ngành. Ví dụ, Ủy ban Trọng tài hàng hải Tokyo (the Tokyo Maritime Arbitration Commission – TOMAC) thực hiện chức năng trọng tài của Sở Giao dịch thuê tàu Nhật Bản (Japan Shipping Exchange) trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá, đóng tàu, bảo hiểm hàng hải, trao đổi, môi giới mua bán tàu và các phương tiện xa bờ, tài chính.

Hiệp hội Mua bán gạo và lúa mạch ở London (the London-based Grain and Feed Trade Association – GAFTA) thực hiện dịch vụ trọng tài mỗi năm xử khoảng 250 vụ liên quan đến mua bán gạo. Chỉ riêng tại châu Âu, đã có 6 nước có tổ chức giám sát tố tụng trọng tài cho tranh chấp liên quan tới cà phê. Các tổ chức này thường không nằm tại thủ đô các nước: ở Bỉ là Phòng trọng tài cà phê Antwerp, ở Italia có Phòng trọng tài cà phê Italia ở Genoa và Phòng trọng tài Trieste…

Một nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các DN của trọng tài là không công khai. Đây cũng là đặc điểm khác biệt so với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án và là ưu điểm của phương thức trọng tài. Trong quá trình kinh doanh, bí quyết kinh doanh là yếu tố quan trọng, nhất là trong những lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ cao, nếu giải quyết tại tòa án sẽ có nguy cơ bị lộ bí mật, nhưng khi giải quyết tranh chấp trọng tài, thì nội dung tranh chấp sẽ được giữ kín. Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam cũng có quy định về vấn đề này. Cụ thể, một trong những nghĩa vụ của trọng tài viên là “giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết” (Điều 13 khoản 2.d).

Quyết định trọng tài là chung thẩm, ràng buộc các bên và được công nhận quốc tế. Đây là một trong những ưu điểm cơ bản của phương thức trọng tài. Nguyên tắc chung thẩm hay xét xử một lần được ghi nhận rộng rãi trong hệ thống pháp luật trọng tài quốc tế. Với nguyên tắc chung thẩm, thời gian giải quyết vụ tranh chấp sẽ được rút ngắn.

Thông qua một loạt công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, các quyết định trọng tài sẽ được công nhận và thi hành tại 142 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Đây là một ưu thế quan trọng đối với các quyết định trọng tài có yếu tố nước ngoài.

Cùng với nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu, các tranh chấp thương mại đang phát sinh ngày càng nhiều với tính chất phức tạp ngày càng cao. Với những điểm ưu việt như trên, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đang được giới luật gia quốc tế và trong nước khuyến cáo sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án

SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ – THS. VŨ ÁNH DƯƠNG  – VIAC

Trích dẫn từ:http://www.vir.com.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)