Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Chào Luật sư của LVN Group! Em muốn đặt câu hỏi như sau:

Trước khi em nghỉ việc tại công ty, thì em có 1 quyết định thi hành án, mỗi tháng trừ 15% mức lương của em. Trừ từ lương tháng 3/2020 tới lương tháng 9/2020. Thì 1/10 em nghỉ việc.

Em nghe nói là bên thi hành án phong toả hết các khoản em được nhận sau khi nghỉ việc như: tiền thôi việc, tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền bảo hiểm xã hội. Cho em hỏi là phong toả như vậy là có đúng không? Hay chỉ được phong toả trừ 15% theo mức thi hành án mà em bị trừ mỗi tháng? Em có thể tự nộp thi hành án 15% theo mức lương cơ bản vùng cho bên thi hành án được không? Vì theo em biết điều 34 luật thi hành án năm 2008 thì em không bị thi hành án các khoản trợ cấp này? Và hiện giờ em vẩn chưa có việc làm mới thì chưa có thu nhập chỉ dựa vào tiền trợ cấp thât nghiệp thì e phải thi hành án như thế nào?

Mong nhận được hồi đáp của Luật sư của LVN Group.

Em cảm ơn!

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật thi hành án dân dự 2008, sửa đổi bổ sung 2014;

Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật thi hành án dân sự;

Nghị định 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật phí và lệ phí;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án là sự sử dụng quyền lực của Nhà nước để đưa Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành trên thực tế theo các nguyên tắc do pháp luật Thi hành án dân sự quy định. Các nguyên tắc đó là: Chỉ áp dụng các biện pháp do pháp luật quy định; Khi đủ điều kiện thi hành án và hết thời hạn tự nguyện trừ trường hợp quy định tại Điều 66 Luật thi hành án;

“Điều 66. Biện pháp bảo đảm thi hành án

1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

3. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

a) Phong toả tài khoản;

b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. “

Cần căn cứ vào nội dung bản án, điều kiện của người phải thi hành án, đề nghị của đương sự;Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết; Không được tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian mà luật cấm.

Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong sáu biện pháp cưỡng chế được quy định tại khoản 2 Điều 71 và được cụ thể hóa tại Điều 78 Luật Thi hành án. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là việc Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và các thu nhập hợp pháp khác chuyển cho Cơ quan Thi hành án hoặc người được thi hành án một phần hay toàn bộ thu nhập của người phải thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo Bản án, Quyết định của Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Việc áp dụng biện pháp này được xác định khi người phải thi hành án có thu nhập tương đối ổn định và không tự nguyện.

Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:

“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”

Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án. Điều 78 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:

Điều 78. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự vẫn giữ nguyên quy định như trên.

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án đúng quy định phải đảm bảo đủ hai điều kiện: người phải thi hành án có thu nhập thuộc trường hợp có thể bị cưỡng chế tại khoản 1 Điều 78 và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78. Theo đó có các trường hợp sau:

1. Các bên đương sự có thỏa thuận về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án. (điểm a)

2. Bản án, quyết định của Tòa án có tuyên ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. (điểm b)

3. Thi hành án cấp dưỡng. (điểm c)

4. Thi hành án theo định kỳ. (điểm c)

5. Khoản tiền phải thi hành án không lớn. (điểm c)

6. Tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án. (điểm c)

Như vậy, có thể thấy các khoản tiền như: tiền thôi việc, tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền bảo hiểm xã hội là khoản thu nhập khác của người phải thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 nêu trên. Đồng thời, nếu quý khách thuộc một trong 6 trường hợp nêu trên thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của quý khách. Cụ thể là các khoản tiền quỹ khách được hưởng từ: tiền thôi việc, tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền bảo hiểm xã hội.

Về mức khấu trừ: Chấp hành viên sẽ ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức khấu trừ sẽ phải căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Qúy khách lưu ý, ở đây cơ quan thi hành án sẽ khấu trừ chứ không phải phong tỏa tài khoản. Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

Còn nếu trong bản án hoặc thỏa thuận của quý khách hàng đã thể hiện rõ ấn định trừ vào thu nhập của quý khách thì sẽ khấu trừ số tiền đã thể hiện trong bản án chứ không phải phong tỏa.

Điều 34 luật thi hành án dân sự 2008 quy định về “từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án” chứ không quy định liên quan đến vấn đề quý khách đang đề cập.

“Điều 34. Từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định;

b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;

c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

2. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án.”

Có thể quý khách đang nhắc đến chi phí thi hành án. Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định những trường hợp không phải chịu phí thi hành án bao gồm: Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Điều này bị bãi bỏ bởi Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 120/2016/NĐ-CP.

Kết luận: Qúy khách cần kiểm tra lại trường hợp của mình là phong tỏa tài khoản hay khấu trừ vào tài khoản. Nếu khấu trừ vào tài khoản cần đáp ứng hai điều kiện như phân tích ở trên. Còn trường hợp phong tỏa tài khoản chỉ được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềThi hành án”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group