1. Khái quát pháp nhân thương mại
Câu hỏi tư vấn:
Kính thưa Luật sư LVN Group, tôi không hiểu những thuật ngữ như pháp nhân hay pháp nhân thương mại. Vậy Luật sư có thể giúp tôi gải đáp rõ ràng hơn được không ạ? Tôi cảm ơn!
Trả lời:
Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân và pháp nhân thương mại như sau:
a. Pháp nhân
Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Khi một tổ chức được coi là pháp nhân khi tổ chức đó được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan, có cơ cấu tổ chức rõ ràng (Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân), có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
b. Pháp nhân thương mại
Điều 75. Pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một tổ chức được coi là pháp nhân khi tổ chức đó là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác có đầy đủ điều kiện của một pháp nhân và có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Trân trọng!
2. Hình phạt theo quy đinh pháp luật và các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
a. Hình phạt
Theo điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 30. Khái niệm hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Theo điều luật, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, có nhiều biện pháp cưỡng chế như xử phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại về tài sản, xử lý kỷ luật, biện pháp dân sự… Tuy nhiên, so với các biện pháp cưỡng chế khác thì hình phạt trong hình sự là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, bởi nó tước quyền của một cá nhân hay pháp nhân thương mại bất kỳ khi những chủ thể nào có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước này chỉ được quy định duy nhất trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Hay nói cách khác, ngoài quy định trong Bộ luật hình sự thì không có bất kì một đạo luật nào được quy định về tội phạm và hình phạt. Các hình phạt trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện hành được quy định rất cụ thể, rõ ràng, loại hình phạt nào được áp dụng cho hành vi phạm tội nào và giới hạn cụ thể cho từng hình phạt. Hình phạt được đặt ra, tuy nhiên hình phạt đó phải tương xứng với tính chất hoặc mức độ nguy hiểm cho xã hội của người hoặc pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội.
Biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước này chỉ do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
b. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Theo điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Đối với hình phạt chính gồm 3 hình phạt:
a. Phạt tiền
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng. (Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
b. Đình chỉ hoạt động có thời hạn
Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm. (Điều 78 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
c. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. (Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Đối bvới hình phạt bổ sung cũng gồm 3 hình phạt sau:
a. Phạt tiền
b. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. (Điều 80 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
c. Cấm huy động vốn
Cấm huy động vốn được áp dụng đối với trường hợp khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
– Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư26;
– Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
– Cấm huy động vốn khách hàng;
– Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
– Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Với trường hợp cấm huy động vốn Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Trân trọng!
3. Xóa án tích theo quy định của pháp luật hiện hành
Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Điều 69. Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Án tích được hiểu là hậu quả pháp lý của việc phạm tội và là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự. Đây là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án nhưng không có tính vĩnh viễn. Án tích tồn tại trong quá trình người phạm tội bị kết án về một tội phạm cho đến khi được xóa án tích.
Đối với một cá nhân được xóa án tích sẽ có hai trường hợp là: Đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên đối với pháp nhân thương mại phạm tội không quy định cụ thể về các trường hợp như vậy theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 điều 69 quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”
– Vậy trường hợp Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Người được miễn hình phạt tức là người được miễn trách nhiệm hình sự quy định như sau:
Điều 59. Miễn hình phạt
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
theo đó khoản 1 và 2 quy định như sau:
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trân trọng!
4. Trường hợp được xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Căn cứ điều 89 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 89. Xóa án tích
Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Như vậy theo quy định của pháp luật, xóa án tích đối với một cá nhân phạm tội bao gồm xóa án tích đương nhiên và xóa án tích do quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại pháp luật chỉ quy định trường hợp một pháp nhân thương mại khi bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Theo đó, nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Theo đó, tại điều 445 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân như sau:
Điều 445. Thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân. Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp pháp nhân bị kết án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
Thủ tục đương nhiên được xóa án tích đối với pháp nhân được áp dụng theo điều 446 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 446. Thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích.
5. Khi nào thì một pháp nhân thương mại được miễn hình phạt theo quy định của pháp luật?
Khách hàng: Kính thưa Luật sư của LVN Group, khi một doanh nghiệp (pháp nhân) phạm tội thì trong trường hợp nào pháp nhân đó mới được miễn hình phạt ạ?
Xin cảm ơn!
Trả liời:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý về trường hợp một pháp nhân thương mại được miễn hình phạt
Căn cứ điều 88 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 88. Miễn hình phạt
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Đối với một pháp nhân thương mại phạm tội, để pháp nhân thương mại đó có thể được miễn hình phạt thì phải đạt đủ 2 điều kiện:
Thứ nhất, Pháp nhân thương mại phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả. Đây là trường hợp đã khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại mà mình đã gây ra. nếu trường hợp chỉ khắc phục được một nửa thì không thể miễn hình phạt đối với hành vi phạm tội đó của pháp nhân.
Thứ hai, Pháp nhân thương mại phạm tội đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Vậy khi pháp nhân phạm tội chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho cá nhân hoặc đối tượng nào bất kỳ. khi đó pháp nhân thương mại phạm tội phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì Tòa án mới xem xét và cân nhắc việc miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội đó.
Trân trọng!