Căn cứ Luật Xây Dựng năm 2014; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết là Nghị định 46/2015/NĐ-CP) và Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (gọi tắt là thông tư số 26/2016/TT-BXD), quy định:

Không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình cấp III trở xuống, nhà ở riêng lẻ và công trình tạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng của các công trình này vẫn phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

Trường hợp có tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có thể áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề trên như sau:

 

1. Các trường hợp không cần lập quy trình bảo trì công trình xây dựng

Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 31 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; trường hợp không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho:

(1) Công trình cấp III trở xuống; nhà ở riêng lẻ; công trình tạm.

+ Công trình cấp III trở xuống được quy định trong Thông tư 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 06 năm 2021 quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

+ Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (bao gồm: nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).

+ Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính.

(2) Nếu có tiêu chuẩn về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có thể áp dụng tiêu chuẩn hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.

Mặc dù, trường hợp trên là những trường hợp không cần lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng các công trình này vẫn phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

 

2. Thực hiện bảo trì công trình xây dựng

Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự tổ chức thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì công trình được phê duyệt nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có điều kiện năng lực thực hiện.

Tiến hành kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.

Bảo dưỡng công trình được thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì công trình xây dựng được phê duyệt.

Sửa chữa công trình thì sẽ có: sửa chữa định kỳ công trình (gồm: sửa chữa hư hỏng hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì) và sửa chữa đột xuất công trình được thực hiện khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng.

Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì được thực hiện trong các trường hợp sau: (1) kiểm định định kỳ theo quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt; (2) khi phát hiện thấy công trình, bộ phận công trình có hư hỏng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; (3) khi có yêu cầu đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình phục vụ cho việc lập quy trình bảo trì đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì; (4) khi cần có cơ sở để quyết định việc kéo dài thời hạn sử dụng của công trình đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình; (5) khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì phải được thực hiện trong các trường hợp sau: công trình có dấu hiệu lún, nghiêng, nứt và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình; theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng;…

Trường hợp có nhiều chủ sở hữu thì ngoài việc chịu trách nhiệm bảo trì phần công trình thuộc sở hữu riêng của mình, các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì cả phần công trình thuộc sở hữu chung theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với công trình chưa bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng và thực hiện việc bảo trì công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

 

3. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo trì công trình xây dựng

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 quy định xử phạt hành chính về xây dựng:

+ Thực hiện hành vi không lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm theo quy định thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi buộc lập kế hoạch bảo trì xây dựng công trình hằng năm theo quy định.

+ Không tổ chức lập quy trình bảo trì công trình xây dựng hoặc không thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy trình được duyệt thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi vi phạm buộc lập quy trình bảo trì hoặc thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định.

+ Không bàn giao, bàn giao chậm hoặc bàn giao không đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt cho chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Chủ đầu tư buộc phải bàn giao đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt.

+ Không lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt theo quy định đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Chủ sở hữu, đơn vị quản lý và sử dụng công trình buộc thực hiện lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt.

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật LVN Group qua số 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!