Khách hàng: Chào Luật sư. Mong Luật sư cho tôi một số mô hình áp dụng thành công trường phái kinh nghiệm quản lý.

Cảm ơn rất nhiều!

Trả lời:

1. Tiểu sử Ernest Dale

Ernest Dale là một nhà nghiên cứu về khoa học quản lý nổi tiếng của Mỹ. Trong các tác phẩm của mình, ông đã cố ý không sử dụng từ “nguyên tắc”. Tác phẩm “Những nhà tổ chức vĩ đại – The great organizers” là tác phẩm tiêu biểu của ông về việc sử dụng phương pháp so sánh để nghiên cứu vấn đề quản lý xí nghiệp. Trong cuốn sách này, ông công khai phản đối sự tồn tại của bất kỳ nguyên tắc phổ biến nào về tổ chức và quản lý. Ông đã sử dụng phương pháp so sánh để nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thành công ở 4 công ty Mỹ là Dupont, Công ty Động cơ thông dụng, Công ty Sắt thép toàn quốc và Westinghouse và trên cơ sở đó viết ra cuốn sách này. Ông cho rằng, cho đến nay, chưa có ai nắm được những nguyên tắc phổ biến về quản lý xí nghiệp mà nhiều nhất là chỉ có thể nói đến “những điểm giống nhau cơ bản” trong các tổ chức khác nhau. Nguồn tri thức thực sự về quản lý là kinh nghiệm của những nhà tổ chức vĩ đại ở các công ty lớn, chủ yếu là cá tính đặc biệt và tài năng xuất chúng của những nhà tổ chức vĩ đại ấy.

2. Trường phái kinh nghiệm quản lý

Ernest Dale là một trong những đại diện chủ yếu của trường phái kinh nghiệm chủ nghĩa trong quản lý. Trường phái kinh nghiệm chủ nghĩa còn được gọi là trường phái giám đốc, vì mục tiêu chủ yếu của nó là cung cấp kinh nghiệm thành công và phương pháp quản lý doanh nghiệp một cách khoa học cho các giám đốc. Những học giả thuộc trường phái này bao gồm các nhà nghiên cứu về quản lý, các nhà kinh tế học, xã hội học, thống kê học, tâm lý học, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, cố vấn các doanh nghiệp lớn. Những người này cho rằng lý luận quản lý cổ điển và lý luận về khoa học hành vi không thể thích nghi với nhu cầu phát triển xí nghiệp.

Quản lý doanh nghiệp phải xuất phát từ thực tế, lấy kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu để trong những tình hình nhất định, truyền thụ những kinh nghiệm ấy cho những người làm công tác quản lý thực tế và những người nghiên cứu công tác quản lý, đưa ra những kiến nghị có giá trị. Những người theo trường phái kinh nghiệm chủ nghĩa thường chủ trương dùng phương pháp so sánh để nghiên cứu vấn đề quản lý xí nghiệp, chứ không nên xuất phát từ những nguyên tắc chung.

3. Công ty Dupont – Doanh nghiệp tiên phong trong tổ chức, quản lý một cách có hệ thống

Phương thức quản lý của Henry Dupont trong thời gian đầu chủ yếu là phương thức “một người điều khiển”. Trong gần 40 năm, ông tự mình quyết định tất cả những vấn đề lớn và nhỏ của công ty, thậm chí giải quyết cả những vấn đề tài chính, nhà ở của gia tộc Dupont. Sau khi ông mất, ba người anh họ của ông đã bắt tay vào việc cải cách công ty, từng bước xây dựng bộ máy tổ chức và thể chế quản lý của công ty một cách có hệ thống. Sau đó được một số người phát triển thêm, khiến cho công ty đạt được những thành tích xuất sắc.

Nguyên nhân chủ yếu khiến công ty thành công là thiết lập được cơ cấu tổ chức và thể chế quản lý có hệ thống cùng với tính tập thể trong công tác quản lý của nó. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, mọi người có thể phát hiện ra nguyên nhân thành công của công ty không phải là ở bản thân cách làm việc tập thể, cũng không đơn giản vì đó là một tập thể được hình thành bằng phương thức dân chủ với nguyện vọng tốt đẹp và sự kiên trì trong công việc vì những mục tiêu lý tưởng nào đó. Đồng thời, vì đã thiết lập được hệ thống thông tin với những người khác làm cho những người có liên quan đến việc thực hiện mục tiêu của công ty có quyền quản lý trong quá trình tham gia công việc của công ty.

Bên cạnh đó, những lý luận thịnh hành lúc đó cùng phương thức quản lý kiểu cá nhân cũng không phải là cơ sở thành công lâu dài của công ty. Mặc dù hai nhân tố đó có tác dụng nhưng những điều kiện dẫn đến thành công của công ty là rất đa dạng và tinh vi. Người ta có thể ví mục tiêu của công ty là sự thống nhất hữu cơ những mục tiêu của các bộ phận hợp thành và nếu ví hoạt động kinh doanh của công ty cùng hiệu quả của nó với đời sống tập thể trong sinh vật học thì điều đó cũng có thể đúng.

4. Nhân tố tạo nên thành công

Trong những nhân tố và điều kiện dẫn đến thành công của công ty, có một số nhân tố hết sức quan trọng, đáng chú ý nhất là sự phát triển mang tính triết lý và khả năng thích ứng của công ty với hoàn cảnh xung quanh. Tư duy triết học của công ty này có hai điểm chủ yếu là chủ nghĩa lý trí và chủ nghĩa thực dụng. Những người trong gia tộc này luôn luôn chú ý đến quan niệm về giá trị mà họ có được qua kinh nghiệm của mình, từ đó vận dụng ảnh hưởng của nó để chống lại những khái niệm chưa được kinh nghiệm chứng minh. Nhưng các nhà quản lý của công ty này cũng kiên trì những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa lý trí. Đó là những quy tắc và tiêu chuẩn của chủ nghĩa tư bản tư nhân. Những suy nghĩ về sự tăng trưởng của sản phẩm do quá trình cạnh tranh tạo nên, mối quan hệ nhất trí giữa rủi ro và yêu cầu điều khiển. Những chuẩn mực ấy vừa phù hợp với những hoạt động không bị ràng buộc của xí nghiệp và cũng phù hợp với việc giám sát hoạt động đầu tư của xí nghiệp. Ngoài ra, trong việc đào tạo cán bộ quản lý và việc quyết định người kế nghiệp, công ty này cũng có kinh nghiệm của mình. Ở công ty có một câu nói là: “Người ứng cử rất nhiều nhưng người trúng cử rất ít”. Những người trong gia tộc Dupont không giống như những người tôn thờ quá trình hợp tác chủ trương rằng về cơ bản, nhà quản lý nên cho mọi người tham gia quản lý kinh doanh mà không có một sự phân biệt nào. Gia tộc này cho rằng cần phải lựa chọn và huấn luyện người lãnh đạo một cách chu đáo. Đó là một quá trình lựa chọn nghiêm khắc. Riêng những người được đưa vào các vị trí cơ bản như bộ phận kinh doanh và tài vụ còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác. Những yêu cầu cơ bản đó có thể khái quát là sự đồng nhất về quan điểm và sự khác nhau về năng lực. Yêu cầu thứ hai đòi hòi người quản lý phải có những khả năng kỹ thuật khác nhau. Còn yêu cầu thứ nhất lại đòi hỏi những điểm như đã tham gia cấp quản lý của công ty trong một thời gian dài, tiếp nhận nguyên tắc quản lý kết hợp giữa lợi nhuận với chủ nghĩa lý trí và chủ nghĩa thực dụng, năng lực thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Một đặc trưng khác của ban lãnh đạo cấp cao công ty này là tính hướng ngoại cao độ, tức là sự chú ý ở mức cao đối với các sự kiện, sự khích lệ của các yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng của các nhân tố đó.

Trong các nhân viên quản lý cao cấp của công ty này, tư duy hướng ngoại chiếm vị trí thống trị. Đại đa số những hành động quan trọng của Dole đều được hình thành từ động cơ mang tính lý trí. Ông dùng sự thật khách quan hoặc những quan niệm đúng đắn để chỉ đạo mình. Những nguyên tắc hoặc sự thật đó đã trở thành thước đó của đại đa số các hành động của công ty.

Những người trong gia tộc này và cộng sự của họ, bắt đầu từ một tập đoàn sản xuất chất nổ đã có cống hiến mang tính sáng tạo to lớn trong việc quản lý doanh nghiệp một cách có hệ thống. Tư tưởng và kế hoạch của họ dựa trên sự kết hợp những nguyên tắc chung và những bài học có được qua kinh nghiệm thực tế. Sự nghiệp của họ là do những người đã được lựa chọn kỹ càng và từ lúc còn trẻ đã giữ vị trí cao trong công ty. Do truyền thống của gia tộc và do được đãi ngộ cao, họ luôn luôn giữ được nhiều điều hay trong phương pháp kinh doanh của các thế hệ trước. Họ nhận thức được sứ mệnh của mình, sẵn sàng mang của cải, tri thức truyền lại cho lớp trẻ và đã xây dựng được một tập đoàn công nghiệp lớn nhất trong 22 năm đầu của thế kỷ XX.

5. Công ty Động cơ thông dụng trong lĩnh vực tổ chức và quản lý kinh doanh

Trong thời gian từ năm 1916 đến năm 1920, người sáng lập và xây dựng Công ty Động cơ thông dụng là William Dulant. Với năng lực quản lý tài chính và thúc đẩy việc bán hàng một cách thông minh, ông đã tập hợp nhiều xí nghiệp nhỏ thành một công ty lớn. Nhưng ông không thành thạo trong việc sử dụng công tác kế toán để nâng cao hiệu quả của công ty, có thiếu sót trong việc khống chế hàng tồn kho, đặc biệt là không chú ý tiếp thu những kiến nghị của người khác. Ông ra quyết định theo kiểu cá nhân, lại gặp giai đoạn kinh tế suy thoái, khiến cho công ty lâm vào cảnh khó khăn. Sau đó, Strong đã đến thay thế, cải tổ nó, lập được thành tích lớn.

Việc cải tổ công ty được Strong đề ra năm 1920 bằng một bản kiến nghị về cơ cấu tổ chức của công ty. Bản kiến nghị đã nêu ra 2 nguyên tắc:

– Không nên hạn chế chức trách của những cán bộ quản lý chủ yếu ở mỗi đơn vị. Mỗi tổ chức do cán bộ quản lý chủ yếu lãnh đạo phải có đầy đủ những chức năng cần thiết, để nó có thể phát huy tính chủ động và phát triển một cách hợp lý (sự phân quyền trong đơn vị tác nghiệp).

– Một số chức năng tổ chức mang tính tập trung là tuyệt đối cần thiết cho sự phát triển hợp lý và sự phối hợp, điều hòa các hoạt động của công ty. Bộ phận tham góp ý với nhân viên ở khâu quản lý trực tiếp về công việc chuyên môn, tiến hành đánh giá mang tính tập quyền về thành quả các đơn vị để kiểm tra tình hình thực hiện chức trách được giao.

Strong cho rằng, để thực hiện kế hoạch đó cần chú ý 4 điểm sau đây:

– Quy định một cách rõ ràng chức năng của các đơn vị cấu thành hoạt động của công ty. Xem xét quan hệ qua lại giữa các đơn vị và quan hệ giữa các đơn vị với tổ chức trung tâm. Phân công công việc rõ ràng trên cơ sở chuyên môn hóa;

– Quy định địa vị của tổ chức trung tâm, đồng thời điều hòa quan hệ hợp tác của tổ chức trung tâm với toàn bộ công ty để chúng có thể phát huy tác dụng cần thiết và hợp lý;

– Tập trung toàn bộ chức năng kinh doanh trong tay tổng giám đốc với cương vị là nhà kinh doanh cao nhất của công ty;

– Trong phạm vi thực tế hết sức hạn chế số lượng cán bộ quản lý báo cáo với tổng giám đốc. Mục đích của việc này là để cho tổng giám đốc không phải chú ý đến những việc mà ông có thể yên tâm để cho cán bộ quản lý cấp dưới xử lý, nhằm thực hiện tốt hơn sự chỉ đạo những công việc lớn.

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).