Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Với cách nhìn nhận khách quan về thuế, có thể thấy bản chất của thuế là loại quan hệ phân phối gắn với nhà nước, loại quan hệ giữa nhà nước với người nộp thuế. Bản chất này không thay đổi trong những xã hội có chế độ kinh tế, chính trị khác nhau. Bất kể xã hội nào cũng thể hiện quan hệ thu và nộp như nhau. Đối với các hành vi trốn tránh, chậm nộp, nộp thiếu số tiền thuế phải nộp đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cùng với việc bị truy thu thuế. Vậy truy thu thuế là gì? Và cá nhân, doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế khi nào? 

 

1. Khái niệm truy thu thuế:

Thuế bị truy thu trong tiếng Anh được gọi là Back Taxes, được hiểu là “tax that has not been paid for previous financial years” (khoản thuế chưa nộp trong các năm tài chính trước).

Như vậy, thuế bị truy thu là những loại thuế chưa được thanh toán toàn bộ hoặc một phần trong năm khi chúng đáo hạn. Việc truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế, yêu cầu đối tượng nộp thuế cần phải nộp phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Thuế bị truy thu đề cập đến các khoản thuế nợ từ một năm trước. Người nộp thuế có thể chậm nộp thuế vì lý do cố ý hoặc vô ý. Một số lý do này bao gồm:

  1. Việc kê khai thu nhập và không thực hiện nghĩa vụ thuế;
  2. Không báo cáo tất cả thu nhập kiếm được trong năm tính thuế;
  3. Bỏ qua việc khai thuế trong năm tính thuế nhất định.

Các khoản thuế truy thu chưa thanh toán có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều người nộp thuế không có đủ phương tiện để chi trả. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, chính phủ có thể thực hiện một trong nhiều chiến lược để giải quyết các khoản thế truy thu, chẳng hạn như các khoản phí cấp bách, yêu cầu người nộp thuế phải trả tiền ngày lập tức hoặc đôi khi đưa ra một số chương trình tiết lộ tự nguyên giúp người nộp thuế tránh các cáo buộc hình sự và cho phép nhiều lựa chọn thanh toán.

 

2. Cá nhân, doanh nghiệp bị truy thu thuế khi nào?

Truy thu thuế liên quan đến các khoản nợ thuế từ năm trước đó và người nộp thuế có thể vô tình hoặc cố ý chậm. 

Thuế bị truy thu thường được áp dụng cho kỳ thuế của năm trước mà đến năm nay doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Khi đáo hạn 1 năm, doanh nghiệp buộc phải thực hiện báo cáo tài chính.

Nếu trong báo cáo tài chính kê khai thuế không đầy đủ, có biểu hiện gian lận, hoặc kê khai đúng nhưng vẫn không chịu nộp thuế đúng thời gian quy định thì các đơn vị cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định truy thu với doanh nghiệp.

Hiện nay, thực trạng trốn thuế đang là một trong những tình trạng phổ biến không chỉ với nền kinh tế Việt Nam. Trên toàn thế giới, tình trạng này rất phổ biến. Chính vì vậy, các cơ quan thuế cũng luôn sát sao trong việc giám sát, kiểm tra theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Điều này không chỉ đảm bảo được tính công bằng của pháp luật. Nó còn là việc quan trọng đảm bảo nguồn thu thuế của nhà nước. Cũng như việc truy thu thuế sẽ cho thấy sự công bằng với những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tuân thủ các yêu cầu của pháp luật.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì người nộp thuế thực sự gặp phải các khủng hoảng tài chính, không thể đáp ứng được việc nộp thuế đúng quy định. Những lúc này, tùy vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế cũng sẽ có những chế tài nhất định trên tinh thần hỗ trợ người nộp thuế hết sức để họ có thể gia hạn khoản thuế với thời gian lựa chọn. Điều này giúp người nộp thuế có thêm sự lựa chọn thanh toán và tránh được những cáo buộc hình sự.

 

3. Một số vấn đề pháp lý khác liên quan đến truy thu thuế:

3.1. Các loại truy thu thuế hiện nay:

Hiện nay, truy thu thuế có nhiều loại khác nhau. Tùy vào từng trường hợp mà sẽ có những quy định riêng về vấn đề truy thu hay xử lý chậm thuế. Cụ thể bao gồm:

  1. Truy thu thuế thu nhập cá nhân;
  2. Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp;
  3. Truy thu thuế hộ kinh doanh.

 

3.2. Thẩm quyền truy thu thuế: 

Hiện nay, việc truy thu thuế thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế, cơ quan hải quan. Bao gồm các cơ quan là:

– Cục thuế;

– Chi cục thuế;

– Tổng Cục thuế;

– Cục hải quan;

– Tổng cục hải quan;

– Chị cục hải quan (đối với loại hàng hóa xuất nhập khẩu).

Bên cạnh đó, tùy vào từng đối tượng như cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp,… mà thẩm quyền truy thu thuế sẽ thuộc về những cơ quan khác nhau.

 

3.3. Thời hạn truy thu thuế:

Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có nhiều quy định mới so với quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC. Cụ thể, căn cứ theo khoản 6 Điều 8 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, thời hạn của việc truy thu thuế được quy định như sau: 

  1. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày lập biên bản vi phạm hành chính về thuế.
  2. Thời hạn truy thu thuế là 10 năm trở về trước chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định trên.

 

3.4. Các quy định về xử lý với việc chậm nộp tiền thuế:

Theo quy định của Luật Quản lý Thuế năm 2019 và Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đó là: các tổ chức, cá nhân nếu chậm nộp tiền vi phạm thì mức phạt là 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định và tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Nếu tổ chức, cá nhân không tự giác thực hiện việc nộp tiền phạt, thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm thông báo, đôn đốc tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật.

 

3.5. Các quy định về xử lý với hành vi trốn thuế:

Một là, xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trốn thuế.

Theo Điều 17 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quy định về việc xử phạt đối với hành vi trốn thuế cụ thể như sau:

– Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;

+ Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;

+ Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

+ Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

+ Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

+ Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

+ Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định này;

– Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

– Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

– Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

– Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có 3 tình tiết tăng nặng trở lên.

Hai là, truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế./.

Trên đây là những thông tin về Truy thu thuế là gì? Cá nhân, doanh nghiệp bị truy thu thuế khi nào? và một số vấn đề liên quan khác. Nếu bạn đọc cần hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật thuế trực tuyến 24/7 thông qua số hotline: 1900.0191. Xin chân thành cảm ơn!