Môi trường pháp lý
Các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học của các tổ chức và cá nhân sáng tạo ra và sở hữu nó, được bảo hộ trên phạm vi toàn cầu theo các điều ước quốc tế đa phương do WIPO và các tổ chức quốc tế khác đồng quản lý (bao gồm Berne, Rome, Geneva, Brussels, Trips, UCC, WCT, WPPT). Trong đó Công ước Rome có các quy định về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng; Công ước Brussels liên quan đến việc bảo hộ các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá bảo hộ các biện pháp công nghệ để quản lý quyền phát sóng. Việt Nam đã là thành viên của công ước Berne, Rome, Brussels, Geneva, Trips. Các nước là thành viên của các điều ước quốc tế phải có nghĩa vụ bảo hộ cho công dân và pháp nhân của các nước thành viên khác, theo điều ước quốc tế và luật pháp quốc gia. Ngược lại, công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên điều ước quốc tế được hưởng quyền theo điều ước quốc tế và luật quốc gia của các nước thành viên điều ước.
Việt Nam đã ký kết ba điều ước song phương với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên bang Thuỵ Sỹ với các nội dung bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Như vậy, ngoài nghĩa vụ và quyền được hưởng tại 5 điều ước quốc tế đa phương, công dân và pháp nhân Việt nam còn được hưởng quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo 3 điều ước song phương này.
Luật pháp quốc gia đã có các quy định đầy đủ và đồng bộ cho việc bảo hộ tại quốc gia và là cơ sở pháp lý cho việc hội nhập quốc tế. Bộ luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 100 CP của Chính phủ hướng dẫn hai luật này là hành lang pháp lý quan trọng khuyến khích tài năng sáng tạo, bảo hộ các giá trị sáng tạo của công dân và tổ chức có quyền sở hữu. Các quy định về quyền, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ, về chủ sở hữu quyền, việc chuyển quyền sử dụng, chuyển giao quyền của tổ chức phát sóng đã được quy định tại các điều, khoản của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 100 CP. Tuy nhiên, quyền của tổ chức phát sóng thuộc quyền liên quan đến quyền tác giả, vì vậy nó chỉ phát sinh khi tổ chức phát sóng không gây phương hại đến quyền tác giả.
Như vậy, môi trường pháp lý của quốc gia và quốc tế về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng đã được thiết lập công khai, minh bạch. Vấn đề đặc biệt quan trọng còn lại là thực thi. Các chủ thể quyền ở đây là tổ chức phát sóng, các công ty dịch vụ truyền hình phải chủ động áp dụng các biện pháp mà pháp luật không cấm để bảo vệ quyền chính đáng của mình, cũng như phải thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng. Các cơ quan thực thi phải nỗ lực theo thẩm quyền do pháp luật quy định, để bảo hộ có kết quả trong thực tế. Trong đó phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp quyền. Thách thực thực thi này không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia, mà là toàn cầu bởi Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương nêu trên, và là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Xâm phạm quyền – vai trò của pháp luật
Tất cả các quốc gia châu Á đều có Luật bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng, nhiều điều ước quốc tế đã có hiệu lực tại các quốc gia này. Nhưng châu Á là khu vực có thị trường truyền hình phức tạp nhất thế giới. Thiệt hại trong năm 2006 là 1,13 tỷ USD tại khu vực này. Theo Hiệp hội phát sóng truyền hình cáp và vệ tinh châu Á (CASBAA) thì hoạt động xâm phạm quyền phát sóng đã xuất hiện tội phạm có tổ chức với quy mô thương mại ở một số quốc gia. Hoạt động thu trái phép tín hiệu vệ tinh, giải mã rồi phân phối đến thuê bao là hành vi ăn cắp phổ biến, thường được thực hiện từ các Công ty truyền hình cáp của các quốc gia; đấu trộm vào đường truyền cáp, phân phối bất hợp pháp bộ giải mã tín hiệu vệ tinh, các bộ thu tín hiệu vệ tinh bị làm giả và buôn bán trái phép, tách thẻ cho nhiều đầu thu, dùng chung đường truyền internet, vệ tinh, nhân bản thẻ, sao thẻ phụ là các hành vi diễn ra với mức độ khác nhau tại hầu khắp các quốc gia trong khu vực, gây thiệt hại cho các chủ đầu tư chương trình phát sóng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Dưới con mắt của các nhà đầu tư thì Việt Nam được coi là thị trường không thân thiện vì các hành vi trên diễn ra phổ biến.
Hành vi xâm phạm quyền của tổ chức phát sóng hạn chế tăng trưởng, gây thiệt hại đến môi trường đầu tư, môi trường sáng tạo, môi trường pháp luật, tài chính của Chính phủ và sự phát triển của môi trường kỹ thuật số.
Để xử lý tình trạng này phải có một nền pháp luật hiệu quả với một số tiêu chí sau đây:
– Pháp luật tạo sân chơi bình đẳng, chặt chẽ, minh bạch và khả thi;
– Pháp luật thúc đẩy cạnh tranh, tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực then chốt như công nghệ kỹ thuật số;
– Pháp luật không giới hạn phân phối, cung cấp chương trình;
– Pháp luật không hạn chế bất hợp lý đối với quảng cáo;
– Pháp luật thúc đẩy các hoạt động truyền hình nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, khoa học và công nghệ hiện đại;
– Pháp luật bảo hộ hữu hiệu quyền tác giả và các quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng), trong đó đặc biệt quan tâm tới quyền điện tử.
Các chủ thể quyền phải áp dụng các biện pháp công nghệ mà pháp luật không cấm để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận, khai thác bất hợp pháp tác phẩm. Thông tin quản lý quyền là các thông tin gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm khi truyền phát trên môi trường kỹ thuật số, bao gồm các thông tin về tác giả, chủ sở hữu, về điều kiện khai thác, sử dụng tác phẩm, về mức giá thanh toán. Các biện pháp công nghệ ở đây là các rào cản, với các chế độ đa tầng dạng thuật toán, luôn được thay đổi, nhằm tối đa hoá an ninh, ngăn chặn các hành vi sử dụng biện pháp công nghệ để ăn cắp. Các chìa khoá, mật khẩu cung cấp cho nhà sử dụng hợp pháp cũng phải đảm bảo sự an toàn trong quá trình khai thác quyền. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư cần triển khai ở cấp độ công nghệ an ninh cao nhất hiện có, để bảo vệ quyền của mình.
Hợp tác và cạnh tranh
Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của công nghệ số, công nghiệp truyền hình không dừng lại ở phát sóng truyền thống và thị trường nội địa mà đã kết nối các lục địa, thỏa mãn nhu cầu của thị trường rộng lớn và đa dạng. Chính vì vậy, hợp tác và cạnh tranh như là người bạn đồng hành để cùng phát triển. Trong đối tác đã hàm chứa đối trọng và ngược lại, những đối trọng dẫn đến giải pháp tồn tại và phát triển. Thị trường độc quyền bị xóa bỏ bởi các kênh truyền hình cạnh tranh trong phân phối làm bùng nổ đầu tư. Các tổ chức phát sóng, các nhà đầu tư cạnh tranh và hợp tác trên các loại hình công nghệ và dịch vụ khác nhau như: Phát sóng vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình điện thoại di động (Mobile TV). Tổ chức nào có chương trình chất lượng cao, luôn tạo ra và tiếp thị tốt sản phẩm phù hợp với dân bản địa, có giá dịch vụ thấp sẽ là tổ chức chiếm thị trường với thị phần cao.
Dự báo Mobile TV sẽ có 120 triệu người sử dụng trên toàn cầu vào năm 2011, tăng từ 2,56 triệu trong năm 2006; sẽ có 146 triệu thuê bao truyền hình kỹ thuật số trả tiền tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2011.
Việt Nam với trên 80 triệu dân, mức tăng trưởng nhanh, có chừng 20 triệu hộ gia đình sử dụng Tivi, 17 triệu thuê bao điện thoại di động, truyền hình trả tiền mới phát triển 1,1 triệu thuê bao là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới, trong đó có IRDETO, lấy mục tiêu khách hàng tại Việt Nam với các dịch vụ: DTH, DHT, Cáp, IPTV, DVTV, DVB-H, DMB. Các đối tác của Việt Nam hiện tại bao gồm VTC, BTV, HTVC, SCTV, VCTV, HTV, VTV, VNPT, FPT, VDC, Vinaphone, Mobiphone, Vietel, Sphone.
Kết quả cuối cùng của đầu tư là tiền tệ hóa chương trình với công thức hợp tác:
Hãng truyền hình + Nhà khai thác về DTH, DHT, Cáp, IPTV, Mobile TV + Mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ truy cập có điều kiện + quản lý quyền kỹ thuật số.
Công cụ tăng trưởng kinh tế
Là ngành công nghiệp giải trí “hái ra tiền”, truyền hình là một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, khai thác lợi thế của nhiều công nghệ hiện đại, đa tính năng.
Ví dụ sau đây là một trong các điển hình. Với thương hiệu hàng đầu thế giới, Time Warner là công ty truyền thông và giải trí đã đầu tư kinh doanh và thành công rực rỡ ở các dịch vụ truyền thông theo yêu cầu, truyền cáp, phim giải trí, mạng lưới truyền hình và xuất bản. CNN, Cartoon, Turner, HBO, Cinema, Time Inc v.v… là những tên tuổi có mặt khắp toàn cầu. Tập đoàn Turner đã khai thác lợi thế của mình trên khắp thế giới, trong đó Châu Á là một thị trường hấp dẫn với Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Việt Nam.
Hãng STAR bị thiệt hại vì bị xâm phạm bản quyền vào những năm từ 1960 – 1969. Hiện có 400 kênh, với 87 triệu thuê bao; băng thông rộng là 30 triệu thuê bao; tăng trưởng GDP là 3,2%, thu nhập 70 tỷ USD.
Ở Malaysia với tỉ lệ vi phạm bản quyền truyền hình là 3% thì có thu nhập gần 60 triệu USD vào năm 2000, nhưng tăng lên 150 triệu USD vào năm 2006. Trong khi tại Thái Lan tỉ lệ vi phạm bản quyền truyền hình là 71% chỉ thu nhập 40 triệu USD vào năm 2000 và tăng lên 60 triệu USD vào năm 2006. Tương tự như vậy, tại Phillipines có thu nhập 10 triệu USD vào năm 2000, và chỉ tăng lên 40 triệu USD vào năm 2006, vì tỷ lệ vi phạm bản quyền truyền hình là 70%.
Các dẫn chứng trên phần nào phản ánh các hoạt động mở rộng kinh doanh và giá trị gia tăng của việc đầu tư, khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền, tuy nó còn xa lạ với Việt Nam. Cũng từ đó nhận thấy cuộc chiến chống vi phạm bản quyền truyền hình là vấn đề của toàn cầu, đặc biệt là của khu vực Châu Á.
Khi đề cập tới truyền hình thu tiền, cần phải hình dung tới hai nguồn thu chính là tiền thuê bao và tiền quảng cáo. Theo các chuyên gia thế giới thì doanh thu quảng cáo của truyền hình hiện thấp hơn 60% so với doanh thu thuê bao. Ở một ngành công nghiệp dựa vào cả hai nguồn thu này thì đó vừa là cơ hội vừa là thách thức. Thị trường Việt Nam với hình dung sơ bộ của CASBAA thì kích cỡ của “miếng bánh” quảng cáo và thuê bao có thể đạt mức 350 triệu USD chỉ trong vòng 5 năm. Đó cũng là lý do xứng đáng để CASBAA phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật tổ chức Hội thảo về Truyền hình thu tiền tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 10/7/2007. Nó là tiềm năng trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy các tổ chức truyền hình, các nhà đầu tư công nghệ, dịch vụ truyền hình hãy nhận ra giá trị chung, tìm chìa khoá cho sự hợp tác thành công, nhằm tăng trưởng kinh tế.
TS. Vũ Mạnh Chu – Cục Bản Quyền tác giả
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)