Tính cách “doanh nhân”

Doanh nhân là một từ mới được dùng lại ở ta gần đây. Dịch sang tiếng Anh ta dễ nhớ tới từ “businessman”. Từ này được hiểu khá rộng: Luật sư của LVN Group cũng là một businessman. Có lẽ vì thế doanh nhân ở ta được hiểu là “các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, giám đốc chuyên nghiệp hình thành do sự phát triển sản xuất, quyền sở hữu và quyền kinh doanh có thể và trong nhiều trường hợp tác rời nhau; nhưng cũng có những chủ sở hữu đồng thời là doanh nhân”. Doanh nhân hiểu theo nội dung đó là doanh nhân chuyên nghiệp, hiện đại. Ở ta hiện nay mà tìm biện pháp để hình thành và phát triển lớp doanh nhân cỡ này thì e quá tham vọng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Bởi vậy, xin đi về ngọn nguồn, và khoan bàn tới doanh nhân hiện tại.

Doanhnhân mà chúng ta muốn có, trong tiếng Anh gọi là “entrepreneur”. Chúng ta chưa có danh từ thông dụng để chỉ loại người này, ở đây tạm dùng từ “doanh nhân”. Như thế, ở đây, từ doanh nhân có và không có ngoặc kép có nội dung khác nhau. Vai trò của “doanh nhân” được công nhận trong lý thuyết là công lao của Joseph Schumpeter vào năm 1934. Schumpeter ca ngợi sự năng động của “doanh nhân”, tính phiêu lưu có tính toán của họ, và cho đó là yếu tố đã làm cho nền kinh tế phát triển. Vào thời điểm trước năm 1934, thì “doanh nhân” phần lớn là những “nghiệp chủ” (owner manager). Họ làm chủ và điều hành cơ sở kinh doanh của mình. Đó là lớp người thứ nhất trong số doanh nhân. Những người mà ở ta thưởng nêu như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền; còn trên thế giới thì cuối năm 1998, tạp chí Time đã nêu tên như Ford, Disney, Morite hay Gates. Các “doanh nhân” đã khởi nghiệp trong khung cảnh của chính sách tự do kinh doanh (laissez – faire). Đặc tính của “doanh nhân” đã từng được nói nhiều. Nhưng cái quan trọng nhất của họ là bỏ vốn của mình ra làm ăn, mất còn với số vốn đó, và phiêu lưu có tính toán. Nhờ những đặc tính của mình, “nghiệp chủ” đã gây dựng nên cơ đồ.

Từ “nghiệp chủ” đến “nhà quản trị trung cấp”

Khi cơ ngơi của “nghiệp chủ” phát triển, mặt hàng đa dạng, nguyên liệu mua từ nhiều nơi, mạng lưới phân phối rải trên nhiều chốn. Công việc vô số kể, người trong nhà làm không hết, họ phải thuê người ngoài. Từ đây, một lớp doanh nhân thứ hai ra đời, tiếng Anh gọi là “nhà quản trị trung cấp” (middle manager) làm ăn lương. Nhờ cơ sở mở rộng, “nghiệp chủ” có nhiều tiền, họ không cần gọi vốn ai; nên dù thuê người ngoài, họ tiếp tục điều hành cơ sở mình. Từ ý của chủ, các quản trị viên ăn lương đề ra các thể thức phối hợp công việc giữa họ với nhau để mua bán, phân phối hàng hóa. Khi có nhiều cơ sở của “nghiệp chủ” cùng phát triển theo mô hình đó thì họ sẽ phải cạnh tranh với nhau, và yếu tố cạnh tranh là giá cả. Thế là có những cuộc tranh đua giữa các cơ sở và nó tác động trở lại ông chủ: phải làm thế nào để tuyển chọn và đánh giá quản trị viên trung cấp cho đúng?

Chính ở điểm này, cách quản trị theo kiểu “nghiệp chủ” đã tỏ ra yếu kém. Lý do của sự yếu kém là vì chủ nhân vẫn nắm quyền quản lý, nắm trọn vẹn vì cơ sở có nhiều tiền mặt không cần đến bên ngoài. Họ rất hãnh diẹn với hiểu biết của họ về doanh nghiệp mình, tiếp tục chìm đắm trong công việc sự vụ hàng ngày, đích thân kiểm soát sổ sách của từng đơn vị; chẳng có ai thu thập thông tin hay giúp ý kiến.

Vì thế, trong lịch sử, các cơ sở của “nghiệp chủ’ đã không giúp gì vào việc tạo nên những phương pháp quản trị kinh doanh từ trên xuống dưới (top management) để từ đó nảy sinh một lớp doanh nhân thứ ba, tiếng Anh gọi là “nhà quản trị cao cấp” (top manager), loại doanh nhân chuyên nghiệp.

“Nhà quản trị cao cấp”

Phải có một quá trình phát triển khác diễn ra thì quản trị viên cao cấp mới xuất hiện. Ấy là sự tập trung hóa các cơ sở kinh doanh, theo hàng ngang, rồi đến hàng dọc. Sự tập trung này là quá trình phát triển tự nhiên của các cơ sở. Khi có nhiều cái mạnh và yếu cùng phải cạnh tranh, cái mạnh sẽ mua cái yếu. Tập trung hóa là một sự phát triển nằm ngoài mỗi cơ sở. Việc đó giống như có mười cây nấm to nhỏ chụm vào với nhau. Nêu ra điểm này là để phân biệt với sự bành trướng từ bên trong của cơ sở “nghiệp chủ” vốn giống như một cây nấm tự lớn lên. Khi mười cây nấm – về mặt vốn liếng và điều hành – chụm lại thành một do kết quả của quá trình tập trung hóa thì nó tạo nên những cơ sở kinh doanh có một tính chất mới. Để phân biệt, các sử gia kinh tế gọi loại mới là “managerial enterprise”, còn cái của các nghiệp chủ là “entrepreneurial enterprise”. Ta tạm dịch là “xí nghiệp của chủ” và “xí nghiệp quản trị”.

Sự hình thành “xí nghiệp quản trị” diễn ra khá dài, ở Mỹ là từ cuối những năm 1910 đến đầu những năm 1940. Trong quá trình ấy, có hai sự kiện chính diễn ra; đó là sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý và việc tạo lập phương pháp quản trị tân tiến, hoặc hiện đại.

Khi các quản trị viên cao cấp điều hành “xí nghiệp quản trị” họ vẫn trì tinh thần phiêu lưu có tính toán của những “nghiệp chủ”. Nhưng để giao dịch với nhau, mà không ai là chủ, họ bị bó buộc phải đặt ra các thể thức điều hành mới, có hệ thống, giúp khắc phục những “vui buồn bất chợt của chủ”. Phương thức quản trị kinh doanh tân tiến đã ra đời để giải quyết vấn đề phối hợp công việc giữa những người – không ai là chủ – về việc mua nguyên liệu, sản xuất, phân phối, tiếp thị…

Hoạt động kinh doanh càng mở rộng thì phải kiểm soát tiền bạc cho chặt chẽ.

Các quản trị viên nắm tiền bạc của tập đoàn phải đề ra các thể thức kế toán, kiểm soát nội bộ và đánh giá hiệu quả của tập đoàn. Họ cải tiến và phát triển những thể thức kế toán trong “xí nghiệp của chủ” để áp dụng trong tập đoàn. Phương pháp có khác nhưng mối quan tâm không đổi. Việc đánh giá cơ sở cũng phải chính xác. Vậy là phải nghĩ ra phương pháp đánh giá. Trước kia hiệu quả kinh doanh của mỗi công ty con được tính bằng các lấy số thu trừ số chi, ai có hiệu số cao là giỏi. Nhưng điều đó chưa chắc nếu so số tiền đầu tư đã bỏ vào để sinh ra số lãi đó. Vậy là không so số tiền lời mà so số tiền lời với số tiền đầu tư đã bỏ ra để có nó. Từ đó, có cách tính hiệu quả theo mức hoàn vốn (rate of return). Và những cải tiến liên tục này đã tạo nên phương thức quản trị tài chính hiện đại ngày nay.

Tuy nhiên, những phương thức tân tiến kia đã không thể phổ biến nếu bản thân các nhà quản trị không hội họp với nhau, chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, tạp chí chuyên ngành ra đời, hội chuyên gia xuất hiện. Ba quá trình kia đã tác động vào nhau làm chuyển đổi “xí nghiệp quản trị” và rồi nền kinh tế. Những người này vẫn bị buộc phải mang tính chịu rủi ro của “doanh nhân” cho nên làm dở là mất việc. Rủi ro bây giờ khác với xưa. Xưa “doanh nhân” mất vốn; nay doanh nhân mất việc. Quá trình trên cho thấy doanh nhân hiện đại hay chuyên nghiệp đã thành hình thế nào. Ở ta bây giờ khi đọc một quyển sách dạy quản trị kinh doanh là ta đứng ngay ở vị trí của lớp doanh nhân hiện đại đấy.

Doanh nhân ta

So ta với quá trình phát triển ở trên, và phân loại doanh nhân theo tiêu chuẩn của sách vở ta thấy: chúng ta có nhiều “nghiệp chủ”. Họ là “doanh nhân” Vua Lốp những năm 1980, là các doanh nhân được thưởng huy chương dạo Tết vừa qua.

“Nhà quản trị trung cấp” chúng ta có nhiều, nhờ các đại học chuyên ngành đào tạo hơn mười năm qua. “Nhà quản trị cao cấp” chúng ta chưa có vì trong khu vực tư nhân chưa có một sự tập trung nào. Các công ty “đại gia” vẫn là “xí nghiệp của chủ”. Quyền sở hữu chưa tách khỏi quyền quản lý. Không có doanh nhân loại thứ ba này thì chưa có doanh nhân chuyên nghiệp hay hiện đại.

Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước có là doanh nhân chuyên nghiệp không? Thưa không, nếu xét theo các quá trình và tiêu chuẩn trên. Thậm chí họ không phải là “doanh nhân” vì không bị rủi ro mất vốn, cũng chẳng phải là quản trị viên vì không bị rủi ro mất việc (nếu mất là vì phạm vào luật hình). Hơn nữa, họ chưa thể trở thành nhà quản trị cao cấp vì sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý chưa có ở khu vực quốc doanh. Chúng ta đã cố gắng tập trung hóa qua các tổng công ty 90, 91 nhưng ở những nơi này ai trong ban lãnh đạo có vốn của mình bỏ vào đó? Ngoài ra, trong các công ty thành viên, thể thức quản trị kinh doanh và quản trị tài chính tân tiến của các “xí nghiệp quản trị” chưa có. Hơn nữa, với quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay thì khó có doanh nhân chuyên nghiệp xuất hiện từ khu vực này. Thật vậy, muốn đầu tư vào một dự án lớn, phải hỏi ý chủ quản, đầu tư lỗ, chủ quản lãnh! Chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa nào?

Để phát triển và hình thành tầng lớp doanh nhân

Nhìn trong bối cảnh ấy, những biện pháp đã được đề nghị trên báo chí như cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nhân, điều chỉnh… thì đều đúng và cần thiết nhưng chỉ là để tạo ra lớp doanh nhân “nghiệp chủ”. Chúng ta cần họ và hoan hô họ. Nhưng để tạo nên các lớp doanh nhân là nhà quản trị trung hay cao cấp thì phải có những biện pháp khác.

Đối với “nhà quản trị trung cấp”, sự phát triển của họ tùy thuộc rất nhiều vào thái độ và cách sử dụng của “nghiệp chủ”. Các trường đại học đã đào tạo ra nhiều nhà quản trị, nhưng những người này sau khi vào làm tại các doanh nghiệp tư nhân thì số thành công không bao nhiêu. Kiến thức chuyên môn của họ khi đi vào các cơ sở của “nghiệp chủ” đều bị thui chột.

Đối với các quản trị viên cao cấp thì, sự hình thành lớp doanh nhân này ở ta chắc còn phải lâu; vì phải có ba điều kiện nối tiếp nhau:

(l) các doanh nghiệp phát triển mạnh nữa để có sự tập trung;

(2) có sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu;

(3) có các phương thức quản trị kinh doanh và tài chính tân tiến.

Hiện nay, chúng ta có cái (3) nhờ học các lớp quản trị kinh doanh, nhưng hai tiền đề đầu chưa có, trong dân doanh lẫn quốc doanh. Chúng ta có thể rút ngắn quá trình, chứ không thể đi tắt đón đầu!

Trong hoàn cảnh ấy, biện pháp để hình thành và phát triển doanh nhân ở ta, theo thiển ý, nên như sau:

– Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ đã từng được nêu để làm cho có nhiều “nghiệp chủ” xuất hiện hơn nữa, cho cơ sở của họ càng mở rộng. Trong khi chờ đợi thực hiện biện pháp thứ hai.

– Tạo ra những cơ hội để giới thiệu, trình bày, giúp cho lớp “nghiệp chủ” này tiếp cận và hiểu biết các ích lợi của các phương pháp quản trị kinh doanh và tài chính hiện đại. ISO là một thí dụ.

– Thay đổi quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước và để giám đốc quốc doanh mất việc nếu làm ăn thất bại. Đây là cách nhanh nhất để phát triển doanh nhân chuyên nghiệp. Có nhiều người giỏi trong đó lắm, nhưng họ bị trói tay. Liệu nhà nước có còn sợ giao tiền đi thì mất luôn không?

Nhận định đúng thực tế thì sẽ có biện pháp đúng. Doanh nhân rất thực tế. Họ cần sự hỗ trợ cụ thể và thích hợp.

Luật sư: Nguyễn Ngọc Bích

Nguồn:  Thời báo kinh tế Sài Gòn

————————————————————–

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.