1. Khái quát về Hàn Phi Tử
Hàn Phi (280 – 232 TCN), sống cuối đời Chiến Quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất đất nước Trung Quốc, ông thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn. Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là thuyết Pháp trị. Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó Quản Trọng, Thương Ưởng,Thân Bất Hại đã khởi xướng. Tuy nhiên, ông được đánh giá là tập đại thành tư tưởng pháp trị của Pháp gia với việc ông đã tổng hợp tất cà những tư tưởng của các nhà triết học Pháp gia trước đó. Đồng thời, ông còn dung hợp và kế thừa những gì tinh túy nhất của hai trường phái Nho gia và Đạo gia. Từ những tư tưởng kế thừa này không những đã tạo nên những nét đặc sắc nhất của triết học Pháp gia, mà còn trở thành một hệ thống lý luận hết sức chặt chẽ, sinh động và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của lịch sử Trung Hoa.
Trong quan niệm về chính trị, Hàn Phi cho rằng việc ổn định xã tắc không thể dùng “đức trị” như Nho gia; “kiêm ái” của Mặc gia; “vô vi nhi trị” của Đạo gia mà phải dựa vào sự biến đổi của lịch sử, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử người làm chính trị phải làm sao đưa ra phương pháp trị nước hiệu quả nhất. Ông cho rằng lịch sử xã hội luôn trong quá trình tiến hoá và trong mỗi thời kỳ lịch sử thì mỗi xã hội có những đặc điểm dấu ấn riêng. Do vậy, không có một phương pháp cai trị vĩnh viễn, cũng như không có một thứ pháp luật luôn luôn đúng trong hệ thống chính trị tồn tại hàng ngàn năm. Từ đó, ông đã phát triển và hoàn thiện tư tưởng “pháp trị” thành một đường lối trị nước khá hoàn chỉnh và thích ứng với thời đại lúc bấy giờ, coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để đem lại hoà bình, ổn định và công bằng cho xã hội. Trong Thiên Hữu Độ ông nói: Không có nước nào luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn yếu, hễ những người thi hành pháp luật mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật yếu thì nước yếu.
Xuất phát từ luận điểm muốn trị nước cần phải có pháp luật, dùng nó để điều chỉnh hành vi của con người, là công cụ để nhà nước cai quản thần dân. Theo Hàn Phi, quyền lực có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cho quá trình cai trị đất nước của người cầm quyền. Muốn xã hội ổn định thì cần phải thay đổi về các biện pháp chính trị, vì thời thế luôn thay đổi cho nên luật pháp cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ông chủ trương xây dựng một xã hội với tinh thần thượng tôn pháp luật dựa trên sự kế thừa tư tưởng của những thế hệ đi trước. Nếu như Thận Đáo đề cao “thế” trong phép trị nước, Thân Bất Hại lại cho rằng “thuật” là yếu tố cơ bản, còn Thương Ưởng đề cao “pháp”. Thì tiếp thu những tư tưởng của các nhà triết học Pháp gia trước, Hàn Phi là người đầu tiên coi trọng cả ba yếu tố “thế”, “thuật”, và “pháp” trong phép trị nước của ông. Trong đó, “pháp” là nội dung của chính sách cai trị được thể hiện bằng luật lệ; “thế” là công cụ, phương tiện tạo nên sức mạnh, còn “thuật” là phương pháp, cách thức để thực hiện nội dung chính sách cai trị. Ông cho rằng ba yếu tố đó phải thống nhất không thể tách rời trong đường lối trị nước. Vì vậy, trong đường lối pháp trị của mình, Hàn Phi nhấn mạnh:
2. Quan điểm coi trọng pháp luật
Theo Hàn Phi, bản tính con người là ác, có nhiều tật xấu như hám danh, hám lợi, tranh giành nhau, lười biếng, ích kỷ. Cho nên con người tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình và chà đạp lên lợi ích của người khác. Muốn kìm hãm những ham muốn của con người, theo Hàn Phi cần sử dụng pháp luật để cưỡng chế khiến họ không dám làm điều ác. Hàn Phi khẳng định tầm quan trọng của pháp luật: “Bỏ pháp luật và thuật trị nước mà lấy cái tâm để trị thì Nghiêu cũng không chỉ chỉnh đốn được một nước. Bỏ cái quy, cái củ lấy ý mà đo đạc bừa thì Hề Trọng (quan coi xe cộ của Hạ Vũ) không thể làm thành một bánh xe. Bỏ thước tấc để so sánh cái dài, cái ngắn, thì Vương Nhĩ (tên người vợ khéo ngày xưa) không thể nêu được chỗ ở giữa. Nhưng nếu một ông vua trung bình nắm lấy pháp luật mà trị nước, một người thợ vụng giữ cái quy, cái củ, cái thước, cái tấc, thì vạn điều không sai một điều. Kẻ làm vua chúa nếu có thể bỏ được các điều mà người giỏi cũng không làm được, để giữ cái mà người vụng làm vạn điều không sai một thì sức người dùng được hết mà công danh được xác lập” [6, tr.252].
Lấy “pháp” làm gốc để ổn định trật tự xã hội, Hàn Phi cho rằng, khi nói tới “pháp” là nói đến những điều luật, luật lệ mang tính nguyên tắc, được biên soạn rõ ràng, minh bạch như khuôn mẫu, đuợc chép trong đồ thư và bày ra nơi quan phủ, ban bố rộng rãi cho dân chúng biết việc gì được làm và việc gì không được làm. Hàn Phi viết: “Pháp là hiến lệnh công bố của các công sở, thưởng hay phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận, giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp”[6, tr.478]. Nội dung chủ yếu của pháp luật theo Hàn Phi là thưởng và phạt, ông gọi đó là hai đòn bẩy trong tay vua để giữ vững chính quyền. Do đó, thưởng và phạt không được tùy tiện, mà phải tuân theo nguyên tắc: Thưởng thì phải “tín”, phạt thì phải “tất”. Thưởng phải trọng hậu, phạt phải nặng, bởi lẽ khi thưởng trọng hậu thì dân sẽ ham làm những điều thiện để mong lập công, còn khi phạt phải thật nặng để dân sợ mà không dám làm điều ác.
Thưởng phạt phải nghiêm minh, đúng pháp luật. Pháp luật là chuẩn mực cho sự thưởng phạt “dùng pháp luật để trị nước là để khen ngợi người đúng, người phải, trách đúng người quấy thôi. Pháp luật không thể a dua người sang cũng như dây mực uốn theo gỗ cong”[6, tr.62]. Thưởng phạt không thể vì tư tình, cứ theo phép công, dù là người tham mà có tội cũng bị phạt. Cho nên, trong khi thi hành pháp luật thì “không tránh người thân và đại thần, thi hành cả với người yêu”[6, tr.389], và thưởng phạt cũng bất kể kẻ sang, người hèn. Mục đích của việc thưởng phạt nghiêm minh theo Hàn Phi là để cứu loạn cho dân chúng, trừ họa cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già được hưởng hết tuổi trời cho, trẻ con được nuôi dưỡng… Những nội dung và mục đích này chính là những yếu tố quan trọng không những dùng để phân biệt phải trái, tốt xấu mà còn trở thành yếu tố không thể thiếu trong đường lối trị nước của người cầm quyền.
3. Tư tưởng về quyền lực (trọng “thế”)
Hàn Phi cho rằng chỉ có “pháp” mà thiếu quyền lực để cưỡng bức người thì dẫu người làm vua cũng không thể bảo đảm cho bề tôi phục tùng sự cai trị của mình. Đồng thời, dẫu có pháp luật nhưng nhân dân không tuân theo cũng không thể đảm bảo cho pháp luật được thực hiện có hiệu lực. Theo Hàn Phi, ngoài “pháp” ra thì “thế” cũng là yếu tố có vai trò cơ bản trong đường lối chính trị. Quan niệm về “thế” của Hàn Phi đó là một thứ quyền lực được đặt ra cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật chứ không phải thứ quyền lực nảy sinh một cách “tự nhiên” trong “chủ nghĩa nhân trị”. Bởi lẽ, muốn có luật pháp rõ ràng minh bạch, được ban bố khắp thần dân, được thần dân tôn trọng và thi hành thì cần phải có “thế”. “Thế” là địa vị, thế lực, quyền uy của người trị vì đất nước, có vị trí hết sức quan trọng, không thể thiếu được. “Thế” không chỉ là địa vị, quyền hành của vua mà còn là sức mạnh của dân, của đất nước, của vận nước. Vì thế, nhiều người khi cai trị nước, chỉ cần có “thế” là có thể trị vì thiên hạ, điều này đã được chứng minh bằng lịch sử đất nước Trung Quốc cổ đại.
Để nâng cao “thế” của nhà vua, Hàn Phi chủ trương trong nước nhất nhất mọi thứ đều phải tuân theo pháp lệnh của vua kể từ hành vi, lời nói đến tư tưởng. Trọng “thế” tức trọng sự cưỡng chế, cho nên Hàn Phi cho rằng chủ quyền phải tập trung cả vào một người là vua, vua phải được tôn kính, tuân theo triệt để và dân không được quyền làm cách mạng, không được trái ý vua, vua bắt chết thì phải chết, không chết tức là bất trung. Điều này gần với tư tưởng Trung quân của Nho gia.
Quan hệ giữa “thế” và “pháp”, theo Hàn Phi hai yếu tố này không thể tách rời nhau. Nếu cái thế (quyền lực) nằm trong tay người kém cũng có thể làm rối loạn pháp luật và gây tai họa cho nước. Cho nên quyền lực (thế) được đặt ra cho những “người trung bình”, “người trung bình” là người ở giữa người tài giỏi (như Nghiêu, Thuấn) và người kém (như Kiệt Trụ) và biết giữ gìn “pháp” và “thế” thì nước yên trị, nếu trái “pháp”, bỏ “thế” thì nước nổi loạn.
4. Phương pháp tuyển chọn nhân tài (trọng “thuật”)
Nhờ vào cái “thế” mà vua đặt ra và ban bố luật pháp, chọn các bề tôi để giao nhiệm vụ và thực hiện luật pháp. Nhưng làm thế nào để chọn đúng người, giao đúng việc, làm thế nào để vua có thể cai quản được bộ máy quan lại và nhân dân khắp nước. Điều đó lại phụ thuộc vào “thuật”. Hàn Phi phê bình Thương Ưởng rằng, chỉ có pháp luật nhưng không có thuật thì không biết rõ kẻ gian. Dù pháp luật có tô vẽ giải thích ra rõ mười phần, người làm tôi vẫn ngược lại dùng nó để làm chỗ dựa để mưu đồ lợi riêng. Do vậy người làm chúa phải có “thuật”, theo Hàn Phi “thuật” là cái nằm kín đáo trong bụng, để so sánh các đầu mối của sự việc và ngấm ngầm cai trị các bề tôi.
“Thuật” chính là cách thức, là phương pháp, mưu lược, thủ đoạn trong việc tuyển và sử dụng người khi giao việc, nhờ nó mà luật pháp được thực hiện, giúp nhà vua có thể trị quốc, bình thiên hạ. Nhiệm vụ của thuật cai trị là phân biệt rõ những quan lại trung thành, tận tâm và những quan lại xu nịnh ma giáo, thử năng lực của quan lại, kiểm tra công trạng và những sai lầm của họ với mục đích tăng cường bộ máy cai trị trên cơ sở bộ máy luật pháp và chế độ chuyên chế. Để thực hiện được nhiệm vụ này, “thuật” phải được giữ kín đáo.
Nhờ có “thuật” mà bậc đế vương mới có thể thành công trong việc trị vì thiên hạ. “Thuật” còn thể hiện ở việc dùng người với nguyên tắc cơ bản đó là “chính danh” – theo quan điểm của Nho gia. Kế thừa quan điểm của Nho gia, Hàn Phi cho rằng, mỗi người cần thực hiện những tiêu chuẩn với danh phận của mình, và không ai dám làm trái hoặc làm quá với danh phận đã định. Khi đề cập đến “thuật” trong phép trị nước còn nhằm mục đích chọn đúng người, để giao đúng việc, sắp xếp công việc phù hợp với sở trường của từng người, người nào không có tài đức thì nhất thiết không được bố trí giữ chức vụ, không được trọng dụng. Nhờ đó, nhà vua sẽ chọn được những người đủ tài đức làm giường cột cho quốc gia. Muốn biết việc thực hiện của bề tôi đến đâu thì nhà vua cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của họ mới có thể mang lại thành công. Để sử dụng tốt “thuật” trong việc trị nước, nhà vua nhất thiết không nên vì sở thích cá nhân, không yêu riêng bất cứ một ai và không tin ai cả. Nhà vua cũng không nên bộc lộ cho bề tôi biết những sở thích của mình, yêu cái gì và ghét cái gì, bởi lẽ bề tôi sẽ lợi dụng để lấy lòng nhà vua.
Thực chất “thuật” của Hàn Phi chỉ là thủ đoạn của “người làm vua” dùng để điều khiển cho các quan lại phải giữ gìn pháp luật và tuân theo mệnh lệnh. Nói cách khác là thuật dùng người. Vua dùng bề tôi theo cách chính danh, căn cứ vào đó để thưởng, phạt, tức là lời nói, việc làm của bề tôi phải tương xứng. Nói mà không làm cũng như làm mà không nói. Làm không hết chức trách cũng có tội như làm quá chức trách. Hàn Phi còn nêu rõ bảy thuật làm cho “an” và sáu đường làm cho “nguy”. Ông phân tích từng thuật để thấy rõ từ cái lợi, cái hại của nó. Chẳng hạn như: Tập hợp sự khôn ngoan. Tập hợp những người khôn để hỏi thì những người không khôn sẽ trở thành khôn. Hiểu sâu một vật thì những điều kín đáo đều biến mất.
5. Những giá trị trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi
Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử được coi là một bước tiến lớn, đánh dấu một thời kỳ quan trọng trong việc ổn định trật tự xã hội bằng pháp luật của lịch sử Trung Quốc. Đây là quan niệm đạt đến đỉnh cao tư tưởng chính trị – pháp lý thời cổ đại, góp phần tô điểm thêm những giá trị tư tưởng đặc sắc của phương Đông trong kho tàng chung của nhân loại, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa tích cực với thực tiễn đương đại hôm nay.
Thứ nhất, trong đường lối chính trị của mình, Hàn Phi tử đã nhận thấy tầm quan trọng của pháp luật đối với việc ổn định trật tự xã hội đương thời. Then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh là phải dựa vào pháp luật. Có pháp luật và pháp luật được thi hành một cách phổ quát và đúng đắn thì xã hội mới ổn định, xã hội ổn định lại là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc. Ông cũng đã chỉ ra rằng, để đảm bảo trật tự xã hội, cần phải thay đổi các biện pháp về chính trị, vì thời thế luôn thay đổi cho nên luật pháp cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, tư tưởng pháp trị của ông đã được Tần Thủy Hoàng đánh giá cao và có giá trị trong công cuộc trị nước, giúp nhà Tần thống nhất được Trung Quốc.
Thứ hai, trong tư tưởng pháp trị của mình, để ngăn ngừa những hành vi vi phạm luật pháp, giải quyết có hiệu quả những hành vi sai trái. Hàn Phi yêu cầu luật pháp phải có tính nghiêm minh, phải đảm bảo tính khách quan trong việc xử phạt để phạt đúng người, đúng tội. Người cầm cán cân công lý phải luôn gương mẫu, tôn trọng pháp luật. Phạt nặng những người dựa vào chức quyền và địa vị của bản thân để vi phạm pháp luật. Những người có công phải thưởng, nhằm khuyến khích tinh thần tự giác, tự nguyện trong nhân dân. Nếu thi hành pháp luật mà thưởng phạt không nghiêm sẽ làm cho người dân coi thường pháp luật, tạo cơ hội tăng thêm nhiều tội ác trong xã hội. Muốn làm được điều đó phải được tăng cường bằng các hình thức như kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện đúng chức năng, hành vi.
Thứ ba, trong tư tưởng pháp trị, Hàn Phi luôn chú trọng tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhà nước phải hoạt động dựa trên cơ sở của pháp luật, và pháp luật đặt ra phải phù hợp với thực tiễn. Theo ông, một hệ thống pháp luật tốt không phải được xây dựng dựa trên ý muốn chủ quan của cá nhân, mà cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc, pháp luật phải minh bạch, được ghi thành văn bản và phổ biến rộng rãi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền.
Thứ tư, với chủ trương trọng dụng nhân tài, Hàn Phi Tử đã nhấn mạnh việc sử dụng người có đức, có tài không quan tâm tới việc xuất thân từ tầng lớp nào, miễn sao họ có tài năng thật sự và luôn lo cho dân, cho nước, luôn lấy lợi ích nhân dân đặt lên hàng đầu. Người sử dụng phải biết con người mình đang dùng có thực tài gì thì bố trí công việc cho phù hợp, nếu không nắm vững thực tài của họ, thì dễ giao nhầm việc dẫn đến những tổn thất là điều không thể tránh khỏi.
Tóm lại, với quan niệm lấy pháp luật làm công cụ trị nước, học thuyết pháp trị của Hàn Phi đã có tác động chỉ đạo cả một thời gian dài trong chế độ xã hội phong kiến Trung Quốc. Sở dĩ học thuyết của Hàn Phi có giá trị trong công cuộc trị nước, đã được Tần Thủy Hoàng áp dụng và thống nhất được Trung Quốc là vì tư tưởng pháp trị của Hàn Phi đã tổng hợp được ba học thuyết Nho, Lão, Pháp mà ở đó Nho là tài liệu xây dựng, Pháp là bản thiết kế, Lão là kỹ thuật thi công của ngôi nhà đó. Ngày nay, ở mức độ nhất định, một số nội dung trong quan niệm về đường lối chính trị của Hàn Phi như: định pháp, sự minh bạch, rõ ràng, tính nghiêm minh, công bằng, tính phổ thông của pháp luật…vẫn còn có giá trị gợi mở đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước mà Đảng và nhân dân ta đang tiến hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Doãn Chính(1998) Đại cương lịch sử triết học phương đông cổ đại, Nxb Chính Trị Quốc Gia.
2. Phùng Hữu Lan (2007), Lịch sử triết học Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Lịch sử triết học Trung Quốc (1989), Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
4. Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới (Lưu Kiếm Thanh và Phạm Hồng Thái dịch), (2001), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
5. Lê Văn Quán (2006), Đại cương lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nxb Lao động, Hà Nội.
6. Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch) 2001 , Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Nguyễn Hữu Vui (2004), Lịch sử triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Lã Tuấn Vũ (1964), Những tư tưởng chính trị Trung Quốc. Nxb Sự Thật, Hà Nội.
Bài viết tham khảo: Góp phần tìm hiểu đường lối chính trị của Hàn Phi và những giá trị lịch sử của nó; ThS. Hà Thị Hiên – Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh