Nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội đã có từ rất sớm. Ngay từ năm 1919, trong Bản yêu sách gửi tới Hội nghị Véc xây, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu: Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Đến năm 1922, trong tác phẩm Việt Nam yêu cầu ca, Người viết: Bảy xin Hiến pháp ban hành; trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Tư duy này đã đạt đến chân giá trị của nền pháp quyền. Bởi vì, trong nền pháp quyền, mọi hoạt động của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều tuân theo pháp luật. Lấy pháp luật làm nền tảng để đảm bảo cho tự do, công bằng và dân chủ.
Sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 03/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước dân chủ mới, Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp”1. Vì thế, Người yêu cầu cần “phải có một Hiến pháp dân chủ”2, chính Người đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp dân chủ năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Chúng ta thấy tư tưởng của Người về xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN) được thể hiện ở những nội dung chủ yếu như sau:
Thứ nhất, pháp luật xã hội chủ nghĩa phải thể hiện ý chí của giai cấp công nhân nhằm bảo vệ Tổ quốc, thực hiện quyền lợi của nhân dân lao động
Sinh thời, các nhà kinh điển từng chỉ rõ: “Không có Nhà nước và pháp luật phi giai cấp mà pháp luật là ý chí của giai cấp được đề lên thành luật”3. Giai cấp thống trị sử dụng pháp luật thông qua bộ máy nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Như vậy, bản chất giai cấp của pháp luật là phổ biến của tất cả các kiểu hình thức nhà nước. Nắm vững quan điểm đó, khi xây dựng pháp luật XHCN, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Pháp luật của chúng ta… là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động. Pháp luật ta không những đặt ra là để đàn áp kẻ thù của cách mạng mà còn để cải tạo xã hội theo định hướng XHCN, giáo dục quần chúng làm cách mạng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp của mình”4. Để xây dựng pháp luật XHCN, Hồ Chí Minh chủ trương phải dựa hẳn vào lực lượng nhân dân, lực lượng lao động và số đông dân chúng.
Tính giai cấp của pháp luật XHCN Việt Nam là bảo vệ Tổ quốc và thực hiện quyền lợi cho nhân dân lao động. Người viết: “Phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn… Trước hết, phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Phải có quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, không sợ hy sinh, gian khổ” và “Pháp luật phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước nhà được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đổ bọn thực dân xâm lược, đánh đổ Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân”5. Chủ trương này thể hiện tính cách mạng triệt để của pháp luật XHCN là nhằm thiết lập trật tự cách mạng, lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới, trong đó, thiết lập trật tự mới phải xuất phát từ pháp luật, bằng pháp luật.
Thứ hai, pháp luật xã hội chủ nghĩa phải thực sự dân chủ nhằm chống quan liêu, mệnh lệnh và sự tùy tiện của cá nhân
Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự khác nhau căn bản giữa pháp luật XHCN và pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản là ở chỗ: “Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động… Luật pháp của giai cấp bóc lột đặt ra để áp bức các giai cấp bị bóc lột. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, những trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân”6. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng đặt ra pháp luật để trừng trị giai cấp chống lại mình và mục đích đầu tiên của giai cấp bóc lột là trừng trị và áp bức giai cấp, bản chất của pháp luật bóc lột là phản dân chủ, phản tiến bộ. Còn pháp luật của chúng ta là pháp luật dân chủ, tiến bộ, là pháp luật hướng tới giải phóng nhân dân lao động, thực hiện tự do cho xã hội. Hồ Chí Minh viết: “Bản Hiến pháp chúng ta thảo ra… phải tiêu biểu cho các nguyện vọng của nhân dân… Sau khi thảo xong, chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là một bản Hiến pháp của nhân dân, của chế độ dân chủ”7.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Pháp luật của chế độ thực dân và phong kiến là chuyên chế, bản chất của chuyên chế là độc quyền, phản dân chủ. Trong chế độ chuyên chế, mọi hoạt động của giai cấp phong kiến, thực dân đều là sự tùy tiện của cá nhân, địa chủ, quan lại và thực dân. Để vạch trần bản chất của sự tùy tiện này, Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Trong luật Gia Long cũ của nước ta, có một điều quy định rằng kẻ nào chạy qua đường khi vua đi ngang qua là phạm tội”8. Sự tùy tiện của pháp luật thực dân ở các nước thuộc địa đã gây ra tội ác đối với nhân dân thuộc địa, nó phản văn minh, phản tiến bộ, thể hiện sự man rợ đối với con người. Hồ Chí Minh viết: “Mỗi người Việt Nam lúc nào cũng phải mang theo mình thẻ thuế thân, khi hỏi phải xuất trình; ai quên hoặc đánh mất sẽ bị bỏ tù”9. Còn khi cần tăng thêm nguồn thu thì bọn nhà đoan “cứ việc chữa lại các con số của tài khóa rồi bắt các làng phải đóng thuế cho số đinh và điền cao hơn con số đã phân bổ đầu năm… Chẳng còn luật lệ nào khác ngoài sự tùy tiện của bọn nhà đoan”, hơn thế nữa “một người Pháp bắn vỡ sọ một người Trung kỳ bằng súng lục; ông viên chức Pháp kia nhốt một người Bắc kỳ vào cũi chó sau khi đánh đập tàn nhẫn anh ta; ông thầu khoán Pháp này trói tay một người Nam kỳ cho chó cắn, rồi đem giết đi; ông thợ máy Pháp hạ sát một người Việt bằng súng săn; ông nhân viên hàng hải Pháp khác xô người gác cầu bản xứ vào đống than hồng cho chết, v.v… và v.v… lại không bị trừng trị? Bởi vì “Pháp luật, công lý đối với người bản xứ? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài, đấy mới là thứ xứng đáng với lũ giòi bọ ấy”10. Từ những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy bản chất của pháp luật thực dân, phong kiến là sự tùy tiện cá nhân với mục đích áp bức nhân dân lao động và dân tộc bản xứ.
Pháp luật XHCN mà chúng ta xây dựng không chỉ có ý nghĩa như là một công cụ để trấn áp kẻ thù, xử lý, trừng trị những kẻ phạm tội mà còn là công cụ tuyên truyền, giáo dục hữu ích đối với nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu những người phụ trách thi hành pháp luật phải nêu cao cái gương: “Phụng công, thu pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”11. Còn đối với Chính phủ, Người từng khẳng định trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I rằng: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây là một Chính phủ liêm khiết… và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ – đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”12. Có như vậy mới xây dựng được pháp luật XHCN mang tính nhân văn và tính dân tộc sâu sắc.
Thứ ba, pháp luật xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy tính tích cực của nhân dân, đẩy mạnh sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động
Hồ Chí Minh khẳng định, pháp luật XHCN phải phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng chế độ mới. Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân ta sẵn có truyền thống tốt đẹp là lao động cần cù, sinh hoạt giản dị, lại có tinh thần yêu nước nồng nàn. Chúng ta cần phát huy truyền thống và tinh thần ấy”13. Người yêu cầu “mỗi công nhân, đã là chủ của xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động… các xí nghiệp, các cơ quan, các trường học, các đoàn thể… cần phải tăng cường kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh mọi hành động tự do chủ nghĩa và dân chủ quá trớn”14. Pháp luật phải quy định rõ vai trò và trách nhiệm công nhân trong việc tham gia quản lý xí nghiệp. Phải thực hiện kỷ luật lao động cho nghiêm, quản lý lao động cho tốt, quản lý vật tư chặt chẽ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và kiên quyết chống nạn quan liêu, chống tham ô, lãng phí.
Hồ Chí Minh gắn việc xây dựng pháp luật XHCN với nâng cao năng suất lao động, thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp. Muốn quản lý tốt phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải làm đến nơi đến chốn, làm tốt, vượt mọi khó khăn”15. Người yêu cầu công nhân phải giữ kỷ luật lao động và thi đua lao động, lao động phải tự nguyện. Mỗi công nhân cần phải nhận thức được rằng: mình là người chủ xí nghiệp, là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất, nếu bê trễ, lười biếng sẽ làm ảnh hưởng chung đến xí nghiệp, đến nhà máy. Cho nên, cần phải thi đua lao động và chấp hành tốt kỷ luật lao động, thông qua thi đua và giữ gìn kỷ luật sẽ tạo ra tính sáng tạo, gúp công nhân phát triển được tài năng của mình.
Thứ tư, pháp luật phải bảo vệ quyền con người, để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa
Hồ Chí Minh đã nhìn thấy, pháp luật là một trong những yếu tố quyết định trong việc thiết lập và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Người yêu cầu mọi quyền của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, phải bằng pháp định. Là một người xuất thân từ một dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh thấu hiểu rất rõ nổi khổ của nhân dân các nước thuộc địa, bị thực dân chà đạp lên nhân quyền. Người phê phán tội ác của chủ nghĩa thực dân, chà đạp lên nhân phẩm, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, phi nhân tính. Người chỉ rõ, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp thì Việt Nam biến thành một địa ngục. Ở Đông Dương, thực dân Pháp xử án người An Nam thường “xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo… Nếu vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người”16. Tính chất tùy tiện của pháp luật thực dân và phong kiến đã gây ra những tội ác man rợ, tàn khốc mà Hồ Chí Minh đã từng chứng kiến. Để đấu tranh loại bỏ tội ác đó, giành lại quyền làm người cho nhân dân các dân tộc thuộc địa, cần phải viện dẫn đến pháp luật, sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu nhất.
Bản yêu sách gửi tới Hội nghị Véc – xây đã thể hiện rõ tư tưởng này. Người yêu cầu: “Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị” và “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”17. Khi cách mạng thắng lợi, Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là thành lập Chính phủ lâm thời và ban hành Hiến pháp để bảo đảm quyền tự do, dân chủ, quyền con người của nhân dân ta, quyền bình đẳng nam nữ, giai cấp, tôn giáo… Chúng ta thấy, từ Bản yêu sách đến Tuyên ngôn độc lập, đến Hiến pháp năm 1946, quyền con người ngày càng được ghi nhận và mở rộng đầy đủ hơn. Nếu trong Bản yêu sách chỉ yêu cầu thực hiện quyền con người như: tự do đi lại, tự do báo chí, tự do hội họp… thì ở Hiến pháp 1946 quyền dân chủ, quyền bầu cử, ứng cử, tự do tư tưởng được khẳng định cụ thể và chi tiết. Trong Hiến pháp 1959, quyền con người mà cụ thể là quyền công dân được phát triển ở chiều sâu: như quyền khiếu nại, tố cáo đối với bất cứ cơ quan nhà nước nào về hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước; quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi; quyền học tập; quyền tự do nghiên cứu khoa học; sáng tác văn học nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác… Nội dung này thực sự là cơ sở pháp lý vững chắc cho nhân dân thực sự được hưởng quyền tự do dân chủ của mình.
Thứ năm, pháp luật xã hội chủ nghĩa phải hướng tới đoàn kết dân tộc và xây dựng xã hội đồng thuận
Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ trực tiếp và chủ yếu của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thống nhất nước nhà nên pháp luật XHCN phải hướng tới đại đoàn kết dân tộc. Người viết: “Bây giờ nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp còn góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân”18.
Năm 1959, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp Việt Nam phải ghi rõ những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ của nhân dân”19.
Nước ta là nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Đế quốc, phong kiến cố tình phá hoại tình đoàn kết và sự bình đẳng giữa các dân tộc, gây thù hằn giữa các dân tộc, thi hành chính sách chia để trị. Đảng và Chính phủ ta phải luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc, để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội. Pháp luật của ta, làm thế nào phải chuyển tải được nội dung quan trọng này. Đây là mục tiêu chính của Hiến pháp 1959 mà Hồ Chí Minh yêu cầu. Điều 3 của Hiến pháp ghi rõ: Nước Việt Nam mà một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc và nhiệm vụ của Nhà nước ta là giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Theo Người, pháp luật XHCN không chỉ khẳng định được đầy đủ những nội dung trên, mà cao hơn là phải phát huy được hiệu lực trong thực tế.
Trên đây là những nội dung cơ bản mà Hồ Chí Minh chủ trương để xây dựng pháp luật XHCN trong chế độ dân chủ mới. Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang phát huy triệt để tư tưởng của Hồ Chí Minh để vận dụng có hiệu quả vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
(1) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội 1985, tr. 128.
(2) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 128.
(3) C.Mác và Ph. Angghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1980, tr. 562.
(4) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 185.
(5) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 188.
(6) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 185.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 8, tr. 322.
(8) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 186.
(9) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 48.
(10) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 55.
(11) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 174.
(12) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 158 – 159.
(13) Hồ Chủ tịch và pháp chế, Hội luật gia Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh. 1985, tr. 111.
(14) Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 110.
(15) Hồ Chí Minh: Về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1976, tr. 33.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t. 1, tr. 420.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. tr. 435.
(18) Hồ Chủ tịch và pháp chế, Sđd, tr. 93.
(19) Hồ Chí Minh: Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr. 263.
ThS. Nguyễn Thế Phúc; ThS. Nguyễn Văn Kiệm – Trường Đại học Khoa học Huế