Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật Minh khu
1. Trả lời tình huống
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi xin trả lời thắc mắc của bạn như sau:
1.1 Cơ sở pháp lý:
– Luật cán bộ công chức năm 2008
– Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
1.2. Nội dung trả lời:
Trường hợp của bạn không được quy định rõ ở các văn bản pháp luật có liên quan về cán bộ, công chức. Tuy nhiên tại Khoản 10 Điều 7 Luật cán bộ, công chức năm 2008 có quy định rằng:
“Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.”
Và tại Điều 50 Luật cán bộ công chức 2008 cũng có quy định:
“1. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
2. Công chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.”
Việc điều động công chức được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định 24/2010/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức:
“Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
1. Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
2. Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật;
3. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy, nếu bạn muốn chuyển công tác từ tỉnh Quảng Bình về tỉnh Thái Bình thì bạn cần phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đang công tác và cơ quan dự kiến chuyển đến, và khi đó bạn không phải thi tuyển công chức mà làm thủ tục thuyên chuyển công tác.
Và như vậy bạn có thể được biên chế công chức nhà nước như ở tỉnh Quảng Bình.
– Về thủ tục chuyển công tác hiện nay thực hiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức,viên chức của mỗi tỉnh, ở mỗi tỉnh khác nhau thì thủ tục sẽ khác nhau, nhưng bắt buộc phải có các nội dung sau đây:
+ Đơn xin chuyển công tác;
+ Văn bản đồng ý cho chuyển công tác của cơ quan có thẩm quyền (quyết định điều động);
+ Văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan chuyển đến;
– Về thẩm quyền tiếp nhận thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi bạn sẽ chuyển đến công tác.
2. Điều kiện luân chuyển, điều động cán bộ, viên chức
Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 quy định:
– Điều động được hiểu là việc cán bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức này sang cơ quan tổ chức khác mà không có sự thay đổi về chức vụ, quyền hạn
Không phải bất kì lúc nào, bất kì lý do hay hoàn cảnh nào cơ quan có thẩm quyền cũng điều động, luân chuyển người lao động đi làm nơi khác. Theo quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP về việc tuyển dụng sử dụng quản lý công chức như sau:
Căn cứ vào Điều 26 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định:
Điều kiện để điều động cán bộ:
– Trường hợp có nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể phù hợp với tình hình hiện tại của công việc
– Theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu chuyển đổi vị trí làm việc
– Khi các cơ quan, tổ chức có kế hoạch về việc sử dụng cán bộ viên chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị với nhau thì cán bộ viên chức phải thực hiện theo quyết định đó
Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử giữ một chức vụ lãnh đạo khác trong một thời hạn nhất định để thực hiện quá trình đào tạo, rèn luyện nâng cao chuyên môn theo yêu cầu nhiệm vụ.
Điều kiện luân chuyển cán bộ:
– Nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có kế hoạch luân chuyển cán bộ viên chức và đã được cấp trên phê duyệt thì cán bộ viên chức đó phải thực hiện theo quy định
– Việc luân chuyển cán bộ viên chức giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ
– Việc luân chuyển cán bộ viên chức chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt của cấp trên và đối tượng cán bộ viên chức được luân chuyển là người giữ chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch vào các chức vụ cao hơn
Như vậy, nếu muốn được chuyển công tác ngoài việc do cơ quan cấp trên điều động thì việc cá nhân cán bộ, viên chức chuyển nơi công tác phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý.
– Nếu việc chuyển công tác là do ý trí tự nguyện, mong muốn của cán bộ viên chức do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, muốn chuyển về nơi làm việc gần nơi cư trú thì theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT–BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Khi viên chức chuyển công tác thì đồng nghĩa với việc người lao động phải chấm dứt hợp đồng tại cơ quan cũ và phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của thủ trưởng cơ quan chủ quản. Nếu viên chức chuyển công tác được tuyển tại cơ quan mới thì người đứng đầu cơ quan đó phải kí hợp đồng làm việc và hoàn tất thủ tục giấy tờ để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ viên chức: chế độ lương, bảo hiểm xã hội căn cứ vào trình độ, quá trình đào tạo,…
3. Quy trình chuyển nơi công tác của cán bộ, viên chức
– Để được chuyển nơi công tác thì cán bộ, viên chức cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ cơ bản sau:
+ Đơn xin chuyển nơi công tác (có kí xác nhận và đóng dấu của cơ quan chủ quản)
+ Văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan mới
+ Sơ yếu lý lịch hợp lệ: có dán ảnh và xác nhận của thủ trưởng cơ quan
+ Văn bằng, chứng chỉ (nếu có_bản sao công chứng, chứng thực)
+ Bản sao công chứng, chứng thực quyết định mức lương hiện tại
+ Bản sao quyết định bổ nhiệm vị trí hiện tại
+ Giấy tờ tùy thân: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao công chứng, chứng thực)
Ngoài các loại giấy tờ trên thì tùy thuộc vào quy định của mỗi tỉnh sẽ cần thêm một số loại giấy tờ khác
– Sau khi cán bộ, viên chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ trên thì nộp trực tiếp tại phòng tổ chức cán bộ (đối với cán bộ), nộp tại sở nội vụ (đối với viên chức). Trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận nội dung trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ không có vấn đề gì thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định gửi đến các cơ quan có liên quan.
– Cán bộ, viên chức được điều động, lưu chuyển nhận quyết định tại cơ quan có thẩm quyền và nhận giấy thôi trả lương tại phòng tài vụ để nộp về cơ quan mới.
4. Có phải đăng ký mã số thuế cá nhân khi chuyển nơi công tác
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư 95/2016/TT-BTC quy định:
“b) Cá nhân được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời cũng là mã số thuế của cá nhân khi cá nhân phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.”
Mã số thuế đã cấp không được sử dụng để cấp cho người nộp thuế khác.
Như vậy, trường hợp của bạn khi chuyển nơi sinh sống và làm việc thì không phải chuyển mã số thuế, cũng không phải cấp lại mã số thuế cá nhân mà vẫn sử dụng mã số thuế cá nhân đó. Khi tới đơn vị mới công tác bạn cung cấp trực tiếp cho cơ quan của bạn hoặc bạn lên chi cục thuế cấp huyện nơi bạn làm việc để đăng ký mã số thuế cá nhân.
Khi mã số thuế cá nhân của ban bị người khác đăng ký và sử dụng trái pháp luật thì bạn phải đến cục thuế để kiểm tra và yêu cầu phát hiện ra đơn vị nào đang sử dụng mã số thuế cá nhân của mình để ngăn chặn việc sử dụng mã số thuế cá nhân của bạn trái pháp luật, đồng thời xử lý vi phạm đối với hành vi đó.
5. Công chức mới công tác 1 năm đã thuyên chuyển công tác định kỳ, có đúng luật?
Tôi làm công chức văn phòng thống kê (bằng trung cấp kế toán doanh nghiệp) qua thi tuyển từ tháng 11 năm 2005 đến năm 2011 thì bị điều động hoán đổi, trong quá trình công tác không có vi phạm kỷ luật gì cả. Vậy mà lãnh đạo UBND phường mời tôi làm việc điều động chuyển đổi với một đồng chí công chức tài chính kế toán (bằng trung cấp kế toán ngân sách) vừa thi đậu công chức năm 2010 công tác hơn 1 năm. Điều động với lý do theo nghi định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, và với biên bản lý do la đồng chí tài chính quản lý thu phí các loại chưa đạt qua nhắc nhở nhiều lần nên điều động hoán đổi. Tôi xin hỏi việc điều động hoán đổi này theo quy định trình tự thủ tục có đúng không? Nhưng từ khi điều động đến nay công việc tôi gắp nhiều khó khăn không phát huy được sở trường của mình. Nếu tôi có nhu cầu hoán đổi trở lại được không?
Tư vấn:
Công ty Luật LVN Group cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 158/2007/NĐ-CP sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 150/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác” là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quyết định điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có đủ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các vị trí trong các lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Nghị định này”.
Như vậy, công chức phải có thời hạn công tác đủ 36 tháng thì mới được chuyển đổi vị trí công tác. Nhưng người được chuyển đổi vị trí công việc với bạn lại mới công tác được 1 năm thì chưa thuộc diện được chuyển đổi do vậy việc chuyển vị trí công tác cho người mới công tác được 1 năm là sai pháp luật.
Về việc điều chuyển bạn thì phải đúng theo nguyên tắc của Điều 4 luật này là bắt buộc điều chuyển theo định kỳ, và phải điều chuyển đúng chuyên môn, nghiệp vụ của bạn. Do đó, nếu bạn bị điều chuyển nhưng vẫn đúng chuyên môn, nghiệp vụ thì bạn bắt buộc phải điều chuyển theo quy định của pháp luật.
Nếu công việc hiện tại khó khăn, không đúng sở trường bạn có thể gửi đơn đến người đứng đầu cơ quan của mình đề cập đến những khó khăn để cơ quan xem xét thuyên chuyển cho bạn đến vị trí công việc phù hợp. Còn nếu không được xem xét thuyển chuyển thì bạn có thể chờ đến thời gian thuyên chuyển định kỳ tiếp theo:
“Điều 7. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác
Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 03 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân”.
Tức là sau 3 năm nữa bạn sẽ được định kỳ thuyên chuyển công việc thì sẽ được chuyển sang một vị trí khác thay cho vị trí hiện tại.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group