Xin chào Luật sư của LVN Group. Ngày 10/3/2018 (thứ 7) tôi có đến ngân hàng Tpbank Phạm Hùng để thực hiện giao dịch thì được nhân viên ngân hàng Ngô Thị Tố Uyên (quầy 13) tư vấn rằng ngân hàng đang triển khai gói gửi tiết kiểm qua bảo hiểm AIA : mỗi năm gửi hơn 50 triệu, sau 6 năm nhận 430 triệu. Tôi nghĩ đây là chương trình của ngân hàng Tpbank nên đồng ý tham gia. Sau đó nhân viên ngân hàng chuyển tiền trong tài khoản của tôi sang công ty bảo hiểm AIA và bảo tôi kí vào tờ “hồ sơ yêu cầu bảo hiểm”. Thời điểm đó tôi chưa kí và chưa nhận hợp đồng bảo hiểm vì hôm đó là thứ 7. Sau khi về nhà, tôi tìm hiểu thông tin thì biết đó là gói bảo hiểm của AIA nên không muốn tham gia nữa. Sáng thứ 2 (12/3/2018) tôi đến ngân hàng tpbank phạm hùng xin hủy, không tham gia gói bảo hiểm đó thì 1 bạn nhân viên khác bảo tôi kí vào đơn hủy và đóng thêm tiền cho đủ thì mới hủy được. Tôi nói là chưa kí vào hợp đồng bảo hiểm thì bạn ấy nói là bên bạn ấy làm hồ sơ điện tử, vì đã có chữ kí của tôi và tiền đã chuyển sang aiaAIA nên bên AIA đã có hợp đồng của tôi. Tôi kí vào đơn hủy và đóng thêm tiền. Bạn ấy nói sau 1 tuần sẽ hoàn lại tiền tôi đã đóng hôm thứ 7 và cả tiền hôm nay đóng.
Luật sư cho tôi hỏi : 1) Tôi chưa kí vào hợp đồng bảo hiểm thì có cần phải làm các thủ tục hủy không?
2) Thời điểm này tôi hủy (2 ngày sau khi kí vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm) thì tôi sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng mà không bị trừ đi khoản chi phí nào phải không. 3) Thời gian hủy hợp đồng cho đến khi nhận lại được tiền đã đóng là bao lâu. Mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư của LVN Group. Cảm ơn Luật sư của LVN Group.
Luật sư trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Bộ phân Luật sư tư vấn của Công ty Luật LVN Group. Sau khi được các Luật sư nghiên cứu, Chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
I. Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự năm 2015;
II. Nội dung tư vấn pháp lý
Căn cứ theo quy định của pháp luật, “hồ sơ yêu cầu bảo hiểm” mà bạn ký là một đề nghị giao kết hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định. Do vậy, trường hợp này bạn có thể căn cứ vào điều kiện vô hiệu của giao dịch dân sự và thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng.
1. Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn
1.1. Nhầm lẫn là điều kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu
Liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch, thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu; trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này (Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005). Còn theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, thì trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được (Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do đó, theo Bộ luật Dân sự năm 2005, muốn xác định hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn phải có 3 căn cứ: Thứ nhất, có lỗi vô ý của chủ thể gây ra nhầm lẫn; thứ hai, có sự nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng; thứ ba, bên gây ra nhầm lẫn không chấp nhận sửa đổi hợp đồng theo yêu cầu của bên nhầm lẫn. Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nhầm lẫn là điều kiện cần, không đạt được mục đích của giao dịch là điều kiện đủ để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quan tâm đến hậu quả của việc nhầm lẫn dẫn đến không đạt được mục đích của giao dịch.
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 126 BLDS năm 2015 quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn:
1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
1.2. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên bị nhầm lẫn, thì hoặc là bên bị nhầm lẫn chịu thiệt hại hoặc bên kia chịu thiệt hại. Vậy ai sẽ bồi thường những thiệt hại đó? Vấn đề có vẻ như đã được giải quyết, vì theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường[4]. Nhưng thực tế lại không như vậy. Quy định nói trên chỉ có thể được áp dụng cho trường hợp hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, vì nhầm lẫn theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005 là do lỗi vô ý của bên không nhầm lẫn. Mặc dù khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định như vậy nhưng không thể được áp dụng để xác định ai phải bồi thường thiệt hại, vì nhầm lẫn theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 không đề cập đến lỗi.
Như vậy, khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do bị nhầm lẫn và vì hợp đồng vô hiệu nên một hoặc các bên bị thiệt hại nhưng không thể xác định được lỗi, thì việc áp dụng khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không thể.
Chúng ta có thể xem xét hai trường hợp: Một là, bên bị nhầm lẫn chịu thiệt hại; hai là, bên không nhầm lẫn chịu thiệt hại khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo yêu cầu của bên bị nhầm lẫn.
Bạn thực hiện việc ký “yêu cầu bảo hiểm” tại ngân hàng VPBank Phạm Hùng và do nhân viên của ngân hàng tư vấn dẫn đến việc bạn bị nhầm lẫn thông tin về gói tiết kiệm bảo hiểm. Bên cạnh đó, bạn phải xác nhận lại những thông tin mà nhân viên nữ đã tư vấn cho bạn có khả năng gây nhầm lẫn hay không. Từ đó bạn có thể yêu cầu trả lại tiền mà bạn đã chuyển khoản với lý do giao dịch vô hiệu do bạn hiểu sai, nhầm lẫn thông tin. Nếu bên AIA không chấp nhận yêu cầu của bạn, bạn có thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
2. Hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng, cụ thể:
Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.
Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm bạn ký hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và chuyển tiền thì hợp đồng giữa bạn và AIA chưa có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Bạn cần lưu ý những vấn đề sau để bảo vệ quyền và lợi ích của mình:
Thứ nhất, bạn mới ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Còn việc nhân viên VPBank làm hồ sơ điện tử và sử dụng chữ ký số của bạn để gửi cho Công ty AIA có được sự đồng ý và ủy quyền từ bạn. Nếu không chứng minh được việc bạn đồng ý thì việc nhân viên tự ý gửi hồ sơ điện tử và chuyển tiền là không có căn cứ. Bạn có quyền yêu cầu nhân viên này chịu trách nhiệm và hoàn trả lại số tiền đã chuyển.
Thứ hai, bạn ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm được coi là lời đề nghị giao kết. Vậy ngân hàng AIA nhận được yêu cầu của bạn vào thời điểm nào và Bên ngân hàng AIA cũng chưa trả lời về việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tại thời điểm bạn thông báo không tham gia Hợp đồng bên AIA có hai khả năng có thể xảy ra. Nếu bên AIA chưa nhận được yêu cầu của bạn thì bạn có quyền hủy đề nghị giao kết và nhận lại số tiền. Nếu bên AIA đã nhận được yêu cầu của bạn thông qua nhân viên bên VPBank thì việc xử lý yêu cầu đề nghị bảo hiểm và số tiền của bạn sẽ căn cứ vào nội dung thỏa thuận tại hồ sơ yêu cầu mà bạn đã ký và những thỏa thuận khi bạn trao đổi với nhân viên VPBank.
3. Trường hợp bên công ty bảo hiểm không đồng ý hủy hợp đồng thì xử lý như thế nào?
Trường hợp bên bảo hiểm cho rằng bạn đã ký điện tử và cho rằng hợp đồng đã được xác lập và đã có hiệu lực. Nếu bạn muốn hủy thì cần nộp một khoản tiền để hủy và bạn không đồng ý. Như chúng tôi phân tích ở trên rõ ràng khi giao kết hợp đồng bạn đã không được cung cấp thông tin chính xác và đã có sự nhầm lẫn về thông tin dẫn đến việc giao kết hợp đồng. Vậy trường hợp này hoàn toàn có căn cứ pháp lý để tuyên hủy hợp đồng trên.
Vậy trường hợp này bạn có thể khởi kiện lên Tòa án yêu cầu Tòa án tuyên hủy hợp đồng này theoq uy định của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group