Sau bao nhiêu ngày sau đại hội thì phải bầu được lãnh đạo? Trước Đại hội, tôi là phó chủ tịch phụ nữ và được quyền thay chủ tịch vì đang khuyết chức danh chủ tịch, nhưng sau Đại hội đảng ủy đang có hướng phân công tôi sang làm phó chủ tịch hội nông dân, còn phó chủ tịch hội nông dân sang làm chủ tịch hội chữ thập đỏ và ngược lại chủ tịch hội chữ thập Đỏ chuyển sang làm phó chủ tịch hội phụ nữ còn chức danh chủ tịch phụ nữ chưa có ai.

Nếu xét về tiêu chuẩn tôi đã hỏi đồng chí chủ tịch hội LHPN huyện Lạng Giang và được trả lời trước Hội nghị họp ngày 12/7 giữa Đảng ủy xã và chị em trong Ban chấp hành là tôi đủ điều kiện làm chủ tịch nhưng Đảng ủy không giới thiệu thì huyện cũng chịu. Công tác bố trí sắp xếp như vậy có hợp lý không ?

Trường hợp như tôi cấp trên trả lời đủ tiêu chuẩn nhưng Đảng ủy xã không bố trí mà còn đang tìm người và hơn 30 ngày qua, phụ nữ xã vẫn chưa có người đứng đầu. Xin hỏi như vậy có được không? Công tác nhân sự là do cấp nào quyết định?

Chúng tôi rất mong sớm nhận được hồi âm của Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn! 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật của công ty Luật LVN Group.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến,gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau: 

Cơ sở pháp lý:

Hướng dẫn số 37/HD-BTV Công tác nhân sự để bầu Ban Chấp hành tại Đại hội Phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 và bầu Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành

Nội dung tư vấn:

1. Bầu chủ tịch hội phụ nữ ở xã

*Tại phần 6.I Hướng dẫn 37/HD-BTV quy định quy trình chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt, theo đó, đối với cấp cơ sở quy trình nhân sự thực hiện qua 4 bước:

Bước 1: Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm cho ý kiến về:

+ Việc tái ứng cử hay không tái ứng của bản thân; đề xuất người thay thế nếu không tái ứng cử. (Mẫu số 2)

+ Việc tái ứng cử hay không tái ứng của từng ủy viên Ban Chấp hành khóa đương nhiệm. (Mẫu số 3)

+ Giới thiệu những nhân sự khác ngoài Ban Chấp hành khóa đương nhiệm có đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành khóa mới. (Mẫu số 3)

+ Giới thiệu nhân sự tham gia Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt. (Mẫu số 4)

Bước 2: Giới thiệu nhân sự tham gia Ban chấp hành của các chi hội

+ Tổ chức Hội nghị Chi hội (toàn thể hoặc đại diện hội viên do Ban Chấp hành Hội LHPN xã, phường thống nhất) để lấy ý kiến giới thiệu về nhân sự dự kiến Ban Chấp hành khóa mới theo cơ cấu quy định.

+ Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng đến chi hội trưởng giới thiệu về nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

Bước 3: Trình xin ý kiến Ban chấp hành trước khi báo cáo Cấp ủy và Hội cấp trên

Trên cơ sở bước 1 và bước 2, Ban Chấp hành khóa đương nhiệm họp, thảo luận thống nhất về số lượng, cơ cấu và chốt danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới.

Bước 4: Báo cáo Cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp

Căn cứ vào quá trình chuẩn bị nhân sự nêu trên và Danh sách nhân sự dự kiến giới thiệu bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ Hội LHPN xã, phường báo cáo, xin ý kiến Cấp ủy cùng cấp quyết định.

Khi có văn bản của Cấp ủy thì báo cáo Hội cấp trên trực tiếp.

Khi có thông báo của Cấp ủy và Hội cấp trên trực tiếp, Ban Thường vụ tiếp thu, hoàn thiện, trình Ban Chấp hành kỳ họp cuối cùng trước khi diễn ra Đại hội.

* Và Tại Phần II, Hướng dẫn này quy định: 

“Để công tác nhân sự tại Đại hội đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc và thực sự dân chủ, sau khi đại hội biểu quyết về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu Ban chấp hành khóa mới, Đoàn Chủ tịch đại hội sẽ báo cáo trước đại hội về dự kiến danh sách  nhân sự để bầu Ban chấp hành khóa mới do Ban Chấp hành khóa đương nhiệm chuẩn bị, thực hiện việc thảo luận  về các nhân sự cụ thể do Ban Chấp hành khóa đương nhiệm giới thiệu và thực hiện việc ứng cử, đề cử nhân sự ngoài danh sách (nếu có).

– Việc ứng cử, đề cử thực hiện đảm bảo theo Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội (ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ- ĐCT, ngày18/11/2015).”

Theo đó, nếu bạn đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội phụ nữ, bạn có thể tự mình ứng cử và phải đảm bảo quy chế bầu cử trong hệ thống hội. Căn cứ theo bước 4 Tại quy trình nhân sự trên thì công tác nhân sự cấp cơ sở là do Cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp quyết định.

2.  Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp:

– Cấp Trung ương;

– Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương);

– Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương);

– Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).

Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

3. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan chuyên trách các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Cơ quan lãnh đạo các cấp Hội:

– Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc.

– Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó.

– Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp Hội là Ban Chấp hành cùng cấp.

– Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.

Cơ quan chuyên trách các cấp Hội:

Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.

4. Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp

– Đại hội các cấp được tổ chức năm năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định.

– Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.

– Thành phần, số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội mỗi cấp gồm:

+ Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm;

+ Đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu hoặc từ chi hội (đối với đại hội cấp cơ sở);

+ Đại biểu chỉ định: số lượng không quá 10% tổng số đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định.

– Nhiệm vụ của Đại hội cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh:

+ Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;

+ Thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;

+ Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;

+ Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.

– Nhiệm vụ của Đại hội toàn quốc:

+ Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận, quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;

+ Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;

+ Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

5. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở

Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở

– Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội.

– Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở quyết định thành lập các chi hội; dưới chi hội có thể thành lập tổ phụ nữ. Chi hội, tổ phụ nữ sinh hoạt ít nhất ba tháng một lần.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở

* Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:

– Nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên;

– Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành Hội cùng cấp và Hội cấp trên;

– Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án và giám sát việc thực hiện; phát hiện, có biện pháp giải quyết kịp thời khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bị vi phạm;

– Công nhận hội viên; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nhiệm vụ của hội viên theo quy định Điều lệ;

– Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;

– Ban Chấp hành họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.

* Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:

– Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành; triệu tập và chuẩn bị nội dung họp Ban Chấp hành;

– Quản lý, phát triển hội viên; xây dựng, quản lý quỹ hội; thu, chi, trích nộp hội phí và sử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội; thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật.

– Ban Thường vụ họp một tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!                                  

Trân trọng./.                                  

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ