Em làm nhân viên tư vấn tại một trung tâm anh ngữ từ hồi 2018 đến tháng 2 năm 2021 thì bị cho nghỉ việc. Sau 3 tháng thử việc thì vào làm chính thức mà không hề được ký hợp đồng. dù nhiều lần có hỏi nhưng bảo mai rồi lại không hề có. Làm việc tại đây còn bị giữ bằng gốc Đại học hoặc đóng 10 triệu làm quỹ bảo đảm. Làm hết 1 năm mới được đóng bảo hiểm. phải nhắn tin cho kế toán trưởng xin xác nhận vào làm được một năm rồi mới được đóng. Không có ngày nghỉ phép. Đến khi em bầu gần đến ngày nghỉ thì kiếm cớ đuổi việc bằng nhiều lý do hết sức vô lý. Cho đến nay vẫn còn giữ bằng đại học gốc của em và 2 tháng lương.

Em biết những hành vi của trung tâm như vậy là không đúng luật, nhưng em không có được lập luận tốt để bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy kính mong Luật sư của LVN Group đưa ra giúp em căn cứ pháp lý chứng minh các hành vi trên của trung tâm tiếng anh là phạm luật, để em đòi lại tiền lương và bằng gốc ạ.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019

– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

– Nghị định 28/2020/NĐ-CP

2. Luật sư tư vấn:

Tư vấn xử lý vi phạm của công ty về thời gian thử việc, giữ bằng gốc, đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ đang mang thai.

Qua thông tin bạn chia sẻ để thấy được rằng trên thực tế mặc dù đã có quy định pháp luật rõ ràng song một số đơn vi sử dụng lao động vẫn bất chấp pháp luật đưa ra những quy định nội bộ sai trái. Bạn làm việc trong một môi trường bị bị xâm phạm quá nhiều quyền lợi chính đáng mà luật ghi nhận. Chúng tôi sẽ đánh giá từng vi phạm của trung tâm anh ngữ này và đưa ra những căn cứ rõ ràng cho bạn trong bài viết dưới đây.

2.1. Thử việc 3 tháng có đúng không?

Điều 25 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

“Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Theo như thông tin bạn cung cấp, vị trí công việc của bạn là “nhân viên tư vấn”. Đối chiếu với quy định trên thuộc quy định tại khoản 2, theo đó thời gian thử việc sẽ là không quá 02 tháng. Như vậy, hành vi buộc thử việc trong thời gian 03 tháng là không phù hợp quy định pháp luật.

Hành vi thử việc quá thời hạn quy định có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc

b) Thử việc quá thời gian quy định”

Bên cạnh đó sẽ phải buộc trả cho người lao động tiền lương cho khoảng thời gian thử việc quá quy định đó.

2.2. Hết thời gian thử việc không ký kết hợp đồng lao động?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Khoản 2 Điều 13 Bộ luật lao động có quy định “Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”

Bên cạnh đó, điều 27 Bộ luật lao động 2019 quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Theo đó, ngay khi hết thời gian thử việc, kết quả thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động ngay với người lao động. Như vậy, việc trung tâm anh ngữ không ký kết hợp đồng lao động chính thức với bạn cũng là trái pháp luật.

2.3. Phải nộp bằng gốc hoặc đóng bảo đảm 10 triệu?

Chúng tôi vẫn thường nói với khách hàng của mình rằng, hễ cứ bắt gặp công ty nào đòi giữ bằng gốc thì hãy “chạy ngay đi”. Bởi lẽ, họ biết rõ sai nhưng vẫn buộc người lao động thực hiện để ràng buộc người lao động thì chắc chắn công ty có vấn đề.

Cụ thể hành vi này đã được quy định rõ tại Điều 17 Bộ luật lao động và là hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

2.4. Làm việc chính thức sau một năm mới được đóng bảo hiểm?

Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Cùng với đó, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Như vậy, trung tâm anh ngữ là đơn vị có sử dụng lao động dó đó thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, và đương nhiên bạn đã làm việc chính thức thì sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ khi ký hợp đồng lao động.

Hành vi trốn đóng bảo hiểm này nhẹ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng (khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).Tùy mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Cụ thể:

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Có thể thấy, trung tâm anh ngữ trên đã đi từ sai trái này đến sai trái khác, và tất cả những sai trái này đều là có dụng ý ngay từ đầu đó là không ký hộ đồng lao động để người lao động không có cơ sở để khiếu nại hay gây khó dễ.

2.5. Bầu gần ngày nghỉ sinh thì kiếm cớ đuổi việc?

Điều 37 Bộ luật lao động quy định người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo đó, việc trung tâm anh ngữ kiếm cớ đuổi việc bạn khi gần đến ngày bạn nghỉ sinh là hành vi vi phạm pháp luật.

Với hành vi vi phạm này trung tâm anh ngữ sẽ có nghĩa vụ sau: (Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019)

– Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

– Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.

– Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Từ việc phân tích hành vi và đưa ra cơ sở pháp lý trên đây, bạn có thể viết đơn tố cáo hành vi sử dụng lao động mà không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội đến cơ quan có thẩm quyền để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Cơ quan có thẩm quyền ở đây đó là thanh tra Sở lao động – Thương binh và xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Hy vọng giải đáp trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Chúc bạn sớm tìm được công việc mới với môi trường làm việc như mong muốn.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người lao động nhận ra được công ty mình đang vi phạm quy định pháp luật về lao động và xâm phạm quyền lợi của mình nhưng vì đã chấp nhận làm việc nên đành im lặng. Nhưng không có sai trái nào có thể che đậy được mãi, hãy mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Chúng tôi đã có rất nhiều bài tư vấn cụ thể về những trường hợp tương tự để bạn đọc tham khảo và ứng dụng trong trường hợp của mình. Nếu bạn đọc còn có những vướng mắc khác hãy lựa chọn dịch vụ tư vấn trực tuyến của chúng tôi để được trao đổi cặn kẽ và hơn hết đưa ra giải đáp đúng vấn đề bạn đang gặp phải nhanh chóng nhất thông qua Hotline: 1900 6261 hoặc gửi thư yêu cầu tư vấn trên website: luatLVN.vn tại mục “đặt câu hỏi”.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group