Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Thư ký Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế (TRC), nhận xét về thực tế này bằng cụm từ ngắn gọn: Công cụ bị bỏ quên.
Không biết quản thế nào ?!
Vào đầu tháng 5/2009, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thu, thoái thu thuế tự vệ. Quan điểm Bộ Công Thương cho rằng, việc triển khai các biện pháp tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước trước các sản phẩm nhập khẩu bán giá rẻ (do được hỗ trợ của nước sản xuất) vào thời điểm này là cần thiết.
Nhìn bề ngoài, đề nghị của Bộ Công Thương là “rất đúng, rất trúng” những yêu cầu bức thiết hiện tại của DN. Bộ này “chứng minh” cụ thể bằng việc công bố nhận được văn bản, hồ sơ của một số đơn vị, DN, hiệp hội… đề nghị các cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp tự vệ mạnh mẽ để bảo vệ hàng hóa do DN trong nước sản xuất trước sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt của các loại hàng hóa nhập khẩu. Nhưng tìm hiểu kỹ, thì phải đặt câu hỏi là tại sao đến thời điểm này Bộ Công Thương mới công bố trước dư luận về đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn về thu, thoái thu thuế tự vệ ?
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Thực ra thì sao ? Từ năm 2002, tức là 16 năm tính từ thời điểm chuyển sang định hướng phát triển kinh tế thị trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 (25/5/2002) về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN. Như tên gọi, pháp lệnh nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng hóa nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế VN đang phát triển ngày càng mạnh theo định hướng hội nhập kinh tế thế giới. Mặt khác, thời điểm này, việc đàm phán gia nhập WTO của VN đang đi vào giai đoạn cuối. Và vì thế, pháp lệnh này rõ ràng là sự chuẩn bị kịp thời, hợp lý, đón trước những vấn đề thương mại mà VN sẽ gặp phải trong tương lai gần.
Cần nhanh chóng triển khai việc áp dụng điều tra chống bán phá giá, nhằm đảm bảo công bằng cho hàng sản xuất trong nước. Bởi theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong hàng NK vào VN, nếu việc NK một mặt hàng nào đó tăng đột biến gây thiệt hại hoặc đe dọa đến sản xuất mặt hàng đó trong nước, Bộ Công thương được áp dụng các biện pháp đề nghị tăng thuế NK, áp dụng hạn ngạch, cấp phép NK, phụ thu… |
Hơn 18 tháng sau, ngày 8/12/2003, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 150/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/5/2002. Gần 4 năm sau nữa, đến ngày 9/1/2006, Chính phủ mới tiếp tục ban hành Nghị định số 4/2006/NĐ-CP về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức… của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong thời gian đó, VN đã tham gia Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG), Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng… bao gồm các nguyên tắc chung có liên quan đến tự vệ trong thương mại mà tất cả các thành viên WTO phải tuân thủ. Cuối năm 2006, VN đã được công nhận là thành viên chính thức WTO.
Từ đây sẽ thấy, việc chưa có Thông tư hướng dẫn về thu, thoái thu thuế tự vệ như Bộ Công Thương khẳng định là thực tế rất khó chấp nhận, xét từ góc độ quản lý nhà nước. Vì đã mất tới 7 năm (2002 – 2009), mà Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN vẫn chưa thể phát huy tác dụng cụ thể bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Các cơ quan của Chính phủ vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm hoàn thiện quy định chi tiết để triển khai pháp lệnh. Hậu quả là pháp lệnh của Quốc hội đã bị… vô hiệu hóa vì sự chậm trễ ấy. Nếu hiểu pháp lệnh của Quốc hội như là thiết kế một khu chợ, thì có thể thấy Chính phủ đã “xây” xong khu chợ ấy bằng các nghị định hướng dẫn pháp lệnh. Nhưng các bộ thuộc Chính phủ thì lại chưa hình dung được cách “quản lý… chợ” bằng thông tư hướng dẫn. Và giờ thì các Bộ đang “giục” nhau, rằng: Phải có ai đó nhận nghĩ cách “quản lý… chợ” chứ ? Đương nhiên, Bộ nào nhận, thì cũng là nhận luôn trách nhiệm về sự chậm trễ trước – và có thể còn là sau – đó trong ban hành thông tư. Bộ còn lại sẽ được hiểu là… vô tội.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2008, tổng doanh thu hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của VN là 58 tỷ USD, tăng tới 31 % so với năm 2007. Dự báo, doanh thu thị trường bán lẻ VN sẽ tăng khoảng 13,6%/năm trong giai đoạn 2008 – 2012. Hết 4 tháng đầu năm 2009, doanh số bán lẻ và dịch vụ của VN đã đạt mức 360,4 nghìn tỷ VND, tương đương 21,2 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua có khả năng tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới vì lương đã được tăng. Trong năm 2008, A.T.Kearney – hãng tư vấn nước ngoài Mỹ – đánh giá VN đã vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Thị trường hấp dẫn ấy, hệt như một cái chợ lớn. Nhưng trong đó, người quản lý chợ không biết cách buộc tất cả người ra vào chợ phải mua vé. Thế nên, những người mua vé để buôn bán trong chợ đang và sẽ khốn đốn vì những người trốn vé.
Đồng sàng, nhưng dị mộng !
Thực ra, quy kết toàn bộ trách nhiệm trong chậm ban hành cơ chế tự vệ thương mại cho các cơ quan chức năng là không công bằng. Với tư cách là những đối tượng trực tiếp tham gia kinh doanh tại thị trường trong nước, giới DN rõ ràng phải thông tỏ nhất tình hình cạnh tranh của hàng hóa VN với hàng hóa nước ngoài. Bao gồm cả cạnh tranh lành mạnh và cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thế nên, về nguyên nhân các công cụ tự vệ thương mại chậm phát huy hiệu quả bảo vệ sản xuất trong nước, cũng có phần trách nhiệm không chịu “kêu”, không chịu tác động tới cơ quan quản lý của giới DN.
Vài năm gần đây, đã có một số vụ việc được kiến nghị tới cơ quan quản lý để có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện (chỉ là biểu hiện thôi) gian lận thương mại của một số loại sản phẩm nhập khẩu. Chẳng hạn, Hiệp hội Thép là tổ chức tích cực nhất trong kiến nghị tăng thuế nhập khẩu với sản phẩm thép xây dựng nhập khẩu. Trên cơ sở kiến nghị ấy, việc xem xét quá trình nhập khẩu, tăng thuế nhập khẩu… đã được áp dụng. Ngoài ra có thể nhắc tới nỗ lực tăng thuế nhập khẩu giấy in báo, sách, giấy viết lên 29%. Nhưng cũng là thực tế, việc tăng thuế này chủ yếu để hỗ trợ sản phẩm “nội”, thay vì áp dụng như một công cụ tự vệ trước sản phẩm nhập. Lý do là bởi kể cả trong trường hợp cạnh tranh lành mạnh, thì giá thép, giấy, cũng như nhiều loại sản phẩm trong nước sản xuất khác, cũng không có hi vọng “đua” được với sản phẩm ngoại về giá bán. Thực tế là, vì giá cao, sản phẩm nội cũng kém luôn hàng ngoại cả về hệ thống phân phối. Và khi giá sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu, thì không thể đặt vấn đề áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.
Mặt khác, số lượng các yêu cầu áp dụng tự vệ thương mại còn ít cho thấy DN nội vừa không chú ý tới thị trường trong nước, và vừa không biết phải xử trí ra sao trước các hành vì gian lận thương mại (nếu có) của sản phẩm nhập ngoại. Mà nếu biết vận dụng, thì DN cần chứng minh có hiện tượng bán phá giá gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Hoặc chứng minh chênh lệch về thuế suất áp dụng đối với hàng nhập khẩu đã ảnh hưởng đến cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa trong nước. Năng lực tự thân một DN sẽ khó có khả năng đáp ứng yêu cầu này. Mà cần phải sử dụng vai trò hiệp hội, hay của rất nhiều DN. Như vậy, nếu khả năng liên kết của các DN nội chưa cao, lại phải mất thời gian lâu dài, chi phí lớn… thì dường như các vụ kiện chống bán phá giá do DN nội tiến hành khó có khả năng xảy ra. Đó là chưa tính tới ngay cả trong trường hợp các DN có đầy đủ chứng cứ, thì việc áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại vẫn khó khăn nếu thiếu các chế tài chi tiết, cụ thể để vận dụng xử lý như đã nêu ở trên.
Bốn tháng đầu năm 2009, VN đã nhập khẩu Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá hơn 2,8 tỷ USD, trong khi chỉ xuất đi 900 triệu USD. Năm 2008, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của VN là trên 15,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu là 4,6 tỷ USD. Các số liệu này không bao gồm giá trị lượng hàng nhập lậu khổng lồ từ Trung Quốc đang ngày đêm chảy vào VN qua các nẻo đường bộ, đường biển… Ngoài ra, là “kim ngạch” nhập khẩu các loại hàng hóa tiêu dùng – gồm cả nhập chính thức và nhập lậu – cũng lớn không kém từ các nước Đông Nam Á, cũng như từ các nước khác. Hàng lậu về tới mọi địa phương của VN vô cùng… thoải mái, và hàng nhập khẩu hợp pháp cũng về thoải mái… không kém. Trong khi đó các sản phẩm nội vô cùng chật vật khi tìm kiếm chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước. Thực tiễn này rất khó xử lý khi ngay các DN sản xuất và thương mại trong nước chưa tìm được tiếng nói chung, hành động thực tế để hỗ trợ nhau. Trong khi đó thì vẫn quá thiếu các kênh hỗ trợ thông tin, hỗ trợ pháp lý để DN có thể tận dụng trong nỗ lực giành lại thị trường trong nước từ các sản phẩm ngoại được trợ giá để bán vào thị trường VN. Ngay cả hành lang pháp lý chống lại các hiện tượng thương mại không lành mạnh thì vẫn chưa hoàn thiện. Có nghĩa, mối liên kết nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà quản lý của VN vẫn chưa chặt chẽ, nếu không nói là chưa có. Và trong trường hợp ấy, thì bàn chuyện nâng cao khả năng tự vệ cho hàng VN trên sân nhà, dẫu là vấn đề thực, vấn đề có tính thời sự trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này, cũng chẳng khác gì… ngủ mơ giữa ban ngày.
Nên ban hành thông tư hướng dẫn về thu, thoái thuế tự vệ
Đó là nội dung của công văn mà Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính thời gian vừa qua.
Bộ Công Thương cũng cho biết, vừa qua bộ này nhận được văn bản, hồ sơ của một số đơn vị, DN đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu. Một số loại hàng hóa đang được nhập khẩu mạnh từ nước ngoài đã được hưởng một số chính sách ưu đãi của nước sở tại như giảm thuế, miễn thuế… Chính vì vậy, các hàng hóa này gây khó khăn lớn, chiếm lĩnh thị phần của hàng hóa VN cho dù về chủng loại, chất lượng, giá cả thì hàng VN không thua kém.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng việc triển khai các biện pháp tự vệ vào thời điểm này là cần thiết. Theo Pháp lệnh Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN năm 2002, trong vòng 30 ngày sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm ra quyết định điều tra và có thể áp dụng biện pháp tạm thời nếu tình hình khẩn cấp. Trên cơ sở quyết định của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ tiến hành các thủ tục thu, nộp, hoàn thuế theo quy định.
Để có thể triển khai công tác điều tra, áp dụng các biện pháp tự vệ kịp thời, có hiệu quả, tạo sự rõ ràng trong quyền lợi và trách nhiệm các ngành sản xuất, các nhà nhập khẩu trong nước và các nhà xuất khẩu hàng của nước ngoài, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng có văn bản hướng dẫn việc thu, nộp và hoàn trả thuế tự vệ.
Quốc Dũng (Báo doanh nhân )
THAM KHẢO DỊCH VỤ LIÊN QUAN:
1. Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ;
2. Tư vấn đăng ký mã số, mã vạch;
3. Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả;
4. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ;
5. Tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;
6. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại EU;
7. Dịch vụ tư vấn bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp;