>> Luật sư tư vấn luật dân sự về ủy quyền rút tiền, gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn:
1. Có được ủy quyền rút tiền tiết kiệm không?
Theo thông tin Quý khách hàng cung cấp thì số tiền tiết kiệm này là tiền chung của hai vợ chồng, do đó quyền định đoạt số tiền tiết kiệm này là quyền chung của cả hai vợ chồng. Vậy nên nếu trường hợp vợ bạn không thể về được Việt Nam thì vợ bạn phải ủy quyền cho bạn ra làm thủ tục rút tiền trong sổ. Việc vợ bạn ủy quyền cho bạn đi rút tiền tiết kiệm là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật, cụ thể theo Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên mà trong đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền theo phạm vi ủy quyền được quy định cụ thể trong hợp đồng ủy quyền. Bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao cho bên được ủy quyền khi các bên có thỏa thuận về việc trả thủ lao hoặc pháp luật có quy định khác”. Mặt khác việc ủy quyền cho người khác rút sổ tiết kiệm cũng không thuộc các trường hợp cấm không được ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Do đó: Trường hợp vợ bạn không thể về được Việt Nam vợ bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho bạn để bạn có thể ra ngân hàng rút số tiền tiết kiệm chung của hai vợ chồng.
2. Thủ tục ủy quyền rút sổ tiết kiệm
2.1 Trường hợp hai vợ chồng cùng ở nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 có quy định về nhiệm vụ công chứng, chứng thực của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài theo đó: “Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam sẽ được thực hiện các nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận là thành viên tham gia”.
Ngoài ra Khoản 1 Điều 78 Luật công chứng năm 2014 cũng đã có quy định về việc Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài được quyền công chứng các loại văn bản sau:
- Di chúc;
- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế;
- Văn bản ủy quyền;
- Các hợp đồng và các giao dịch theo quy định của Luật công chứng và các văn bản pháp luật về lãnh sự, ngoại giao. Tuy nhiên không được quyền công chứng hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho, hợp đồng cho thuê, hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.
Như vậy: Trường hợp hai vợ chồng bạn đang ở nước ngoài và muốn làm hợp đồng ủy quyền cho bạn về Việt Nam để rút tiền trong sổ tiết kiệm thì hai vợ chồng bạn có thể ra Đại sự quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam ở quốc gia nơi hai bạn đang sinh sống để làm thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
2.2 Trường hợp vợ bạn hiện đang ở nước ngoài và bạn đã về Việt Nam
Căn cứ theo các quy định đã được nêu ở mục trên thì một mình vợ bạn có thể ra Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam ở quốc gia nơi vợ bạn đang sinh sống để công chứng hợp đồng ủy quyền cho bạn đi rút tiền trong sổ tiết kiệm. Tuy nhiên trường hợp công chứng hợp đồng ủy quyền này của bạn thuộc trường hợp công chứng nhưng cả hai bên không thể cùng đến để thực hiện thủ tục công chứng, do đó Khoản 2 Điều 55 Luật công chứng năm 2014 có quy định về thủ tục công chứng đối với trường hợp trên, cụ thể như sau: “Trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề để công chứng hợp đồng ủy quyền thì bên ủy quyền sẽ đến tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức có thẩm quyền công chứng nơi người ủy quyền cư trú để công chứng hợp đồng. Sau khi bên ủy quyền thực hiện xong thủ tục công chứng hợp đồng thì gửi hợp đồng đã được công chứng cho bên được ủy quyền, bên được ủy quyền sẽ đem hợp đồng này đến tổ chức hành nghề công chứng, có quan có thẩm quyền công chứng nơi họ cư trú để công chứng tiếp vào hợp đồng ủy quyền”.
Như vậy: Trước tiên vợ bạn sẽ ra Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam ở tại quốc gia nơi vợ bạn đang cư trú để công chứng hợp đồng ủy quyền cho bạn đi thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm. Sau khi hoàn thiện thủ tục công chứng tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam ở quốc gia nơi vợ bạn đang cư trú thì vợ bạn gửi hợp đồng công chứng này về Việt Nam cho bạn. Bạn sẽ đem hợp đồng ủy quyền mà vợ bạn đã công chứng đem ra văn phòng công chứng tại nơi bạn đang ở để công chứng tiếp vào bản hợp đồng này thì sẽ hoàn thiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
3. Thủ tục rút tiền tiết kiệm khi nhận ủy quyền
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định về thủ tục chi trả tiền tiết kiệm theo ủy quyền của người gửi tiền, cụ thể: Đối với những trường hợp chi trả tiền tiết kiệm theo thừa kế và thủ tục chi trả tiền tiết kiệm theo ủy quyền của người gửi tiền thì thủ tục chi trả sẽ theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng nơi mở sổ tiết kiệm. Thủ tục này sẽ tùy vào từng tổ chức tín dụng khác nhau, nhưng các quy định này của các tổ chức tín dụng phải phù hợp với các quy định của Thông tư số 48/2018/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời các thủ tục này cũng phải đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và sự an toàn cho các hoạt động của tổ chức tín dụng.
Do đó thủ tục rút tiền tiết kiệm sẽ phải phụ thuộc vào thủ tục mà tổ chức tín dụng mà vợ chồng bạn mở sổ tiết kiệm, bạn có thể liên hệ với ngân hàng, tổ chức tín dụng nơi vợ chồng bạn mở thẻ để biết chi tiết về thủ tục. Thông thường khi đi làm thủ tục rút tiền bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau: Sổ tiết kiệm của vợ bạn; Văn bản ủy quyền đã được công chứng theo đúng quy định đã được nêu ở trên và Giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng, ngân hàng nơi mở sổ tiết kiệm. Tham khảo bài viết liên quan: Rút tiền từ sổ tiết kiệm khi chồng bị tai biến mạch máu não? và Hỏi về luật ngân hàng: Rút tiền tiết kiệm của người bị hôn mê do tai nạn ?
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật LVN Group về thủ tục ủy quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm. Trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về vấn đề trên Quý khách hàng có thể vui lòng liên hệ trực tiếp tới bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để được tư vấn trực tiếp. Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Quý khách hàng. Trân trọng!