VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC TRONG CÁC GIAI ĐOẠN TỐ TỤNG
Quá trình nhận thức là quá trình phát triển toàn diện tất cả các thành phần của hoạt động tư pháp. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp, thì hoạt động nhận thức đóng vai trò là một trong những dạng hoạt động cơ bản, đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp là thông qua việc nhận thức một cách toàn diện, đúng đắn sự thật khách quan của vụ án cùng với các hoạt động thiết kế, giáo dục nhằm bảo vệ các quyền của Nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân. Ngoài ra, nó là một hoạt động trung tâm, là hoạt động cơ sở cho các hoạt động tâm lý khác trong cấu trúc của hoạt động tư pháp. Bởi hoạt động nhận thức là hoạt động đầu tiên, nó là cơ sở để thực hiện các hoạt động khác, nếu không có hoạt động nhận thức thì các hoạt động còn lại trong cấu trúc của hoạt động tâm lý thì khó mà thực hiện được hoặc nếu nhận thức mà không đúng thì đương nhiên các hoạt động còn lại sẽ sai lầm, dễ dẫn đến oan sai.
Bất kỳ một chủ thể nào của hoạt động tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ của mình đều phải sử dụng hoạt động nhận thức. Hoạt động nhận thức nhằm giúp cho các cán bộ tư pháp:
– Thu thập các thông tin cần thiết có liên quan đến vụ án đã xảy ra;
– Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá các thông tin đó để làm sáng tỏ vụ án: làm sáng tỏ động cơ, mục đích, diễn biến, hậu quả của tội phạm, qua đó xác định được mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
– Hiểu được các diễn biến tâm lý và các đặc điểm về nhân cách của người phạm tội và những người tham gia tố tụng khác.
– Xác định thời hạn cũng như các biện pháp giáo dục, cải tạo, cảm hóa phù hợp đối với người phạm tội.
Ở mỗi giai đoạn tố tụng, hoạt động nhận thức lại có một vai trò nhất định, góp phần quyết định và thúc đẩy đạt được mục đích của từng giai đoạn tố tụng cũng như đạt được mục đích của cả hoạt động tố tụng nói chung.
1. Vai trò của hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Hoạt động nhận thức trong giai đoạn điều tra đóng một vai trò hết sức quan trọng:
1.1 Hoạt động nhận thức là hoạt động trung tâm của giai đoạn điều tra
Hoạt động nhận thức là hoạt động trung tâm của giai đoạn điều tra vì nó hoạt động nhận thức trùng với mục đích của hoạt động điều tra. Ở giai đoạn này, hoạt động nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất, thông qua hoạt động nhận thức, từ việc tri giác, phân tích, tư duy cơ quan điều tra mới có thể xác định được can phạm, xác định được hành vi phạm tội, thiệt hại và hậu quả xảy ra. Thu thập thông tin về sự việc phạm tội thông qua nhận thức trong hiện tại và quá khứ trên cơ sở phân tích thông tin đó điều tra viên tái tạo và khôi phục lại mô hình về diễn biến khách quan của vụ án đã xảy ra. Hoạt động nhận thức nhằm đảm bảo thu thập tất cả các chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án, phân tích, đánh giá chứng cứ, tìm hiểu thái độ, hành vi xử sự, nắm bắt được đặc điểm tâm lý của người tham gia tố tụng, đưa ra các cách thức, phương pháp tác động tới tâm lý của người tham gia tố tụng.
Khi nhận thức được rõ ràng, thì cơ quan điều tra mới có thể tiến hành phân tích, đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án, điều này muốn nói rằng, các điều tra viên phải có nhận thức đầy đủ về vụ án thì mới có thể làm sáng tỏ được vụ án. Chỉ khi nào hoạt động nhận thức được thông suốt, thì lúc đó điều tra viên mới có thể tìm hiểu thái độ, hành vi xử sự của những người tham gia tố tụng hay nắm bắt được những đặc điểm tâm lý của những người tham gia tố tụng. Bởi vì, những người tham gia tố tụng có hành vi xử sự và tâm lý khác nhau, tùy từng trường hợp mà cơ quan điều tra phải nắm rõ những đặc điểm tâm lý để có thể khai thác được họ. Ví dụ: Trong quá trình hỏi cung bị can, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, điều tra viên nhận thức được bị can đang khai báo gian dối, không thành khẩn, điều tra viên đã áp dụng phương pháp ám thị gián tiếp, làm cho bị can phải thay đổi và khai ra sự thật vụ án.
1.2 Hoạt động nhận thức là cơ sở cho các hoạt động tâm lý khác
Hoạt động nhận thức là hoạt động đầu tiên, là tiền đề, cơ sở cho những hoạt động còn lại trong cấu trúc hoạt động tâm lý.
Trong giai đoạn điều tra, hoạt động nhận thức có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với các hoạt động thiết kế và giáo dục. Trên cơ sở các kế hoạch hành động của điều tra viên, cùng những quyết định và thi hành quyết định của cơ quan điều tra, điều tra viên tiến hành nhận thức về vụ án. Mặt khác, sau khi đạt được những kết quả nhất định trong việc nhận thức về các tình tiết của vụ án, cơ quan điều tra sẽ ra những quyết định, kế hoạch để giải quyết vụ án hình sự – đó là hoạt động thiết kế. Ví dụ: Chị A lên cơ quan công an trình báo sự việc chồng chị đêm qua uống rượu say rồi về nhà ngủ (lúc đó chị đã ngủ rồi nên không biết). Sáng thì thấy chồng đã tắt thở. Trên người nạn nhân còn nhiều vết bùn đất và vết máu, điều tra viên B thì cho rằng nghi phạm là 1 nhóm du côn đã xô xát với nạn nhân vào đêm hôm trước nên dẫn đến nạn nhân bị ngã xuống cống, cố gắng gượng về nhà rồi tử vong, điều tra viên C khi nhận thấy những vết bùn đất ở những vị trí không hợp lí trên người nạn nhân, lại thêm có sự tác động lau chùi vết máu trên giường nạn nhân nằm nên cho rằng nghi phạm lớn nhất lại là chị vợ (chị A). Sau khi điều tra theo hướng của điều tra viên C thì chị vợ đã khai nhận hành vi giết chồng của mình với động cơ anh chồng phát hiện việc chị ta ngoại tình và dọa sẽ giết cả chị ta và người tình. Như vậy, việc điều tra viên có sự nhận thức ban đầu về vụ việc như thế nào ảnh hưởng rất lớn đến các giai đoạn phía sau của tố tụng. Hay sau khi nhận thức về vụ việc một cách toàn diện, kết hợp với thực tế diễn ra trong quá trình giải quyết vụ án mà điều tra việc thụ lý giải quyết vụ án có thể sử dụng các biện pháp giáo dục, thúc đẩy nhanh quá trình khám phá sự thật khách quan của vụ án. Ví dụ: Trong quá trình hỏi cung bị can, điều tra viên nhận thấy bị can vẫn còn quanh co, khai báo không thành khẩn, điều tra viên đã thuyết phục để bị can hiểu rằng thành khẩn khai báo sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
2. Vai trò của hoạt động nhận thức trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự
Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án để ra bản án, quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ lớn nhất của giai đoạn xét xử là ra được bản án, quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật. Do vậy, trong giai đoạn xét xử thì hoạt động thiết kế đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, để thực hiện được tốt và chính xác hoạt động thiết kế trong giai đoạn này thì nhất thiết phải có hoạt động nhận thức trước đó. Hoạt động thiết kế của Tòa án chỉ có thể thực hiện được sau khi đã thực hiện hoạt động nhận thức trên cơ sở kiểm tra và đánh giá những chứng cứ đã thu thập được trong tài liệu điều tra.
Hoạt động nhận thức ở giai đoạn xét xử được thực hiện bởi các thành viên Hội đồng xét xử nhằm kiểm tra lại tính đúng đắn của các thông tin thu thập được trong giai đoạn điều tra thông qua hồ sơ và lời khai của những người tham gia tố tụng. Hoạt động nhận thức mang tính chủ động, ít căng thẳng hơn so với hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra do chủ thể nhận thức đã được tiếp cận với lượng thông tin ít hơn, cô đọng hơn, đã được sàng lọc ở giai đoạn điều tra. Mục đích cơ bản của hoạt động nhận thức trong xét xử là nghiên cứu, kiểm tra và xác minh lại những chứng cứ đã phản ánh trong tài liệu điều tra, để hiểu rõ bản chất của chúng từ đó thực hiện hoạt động thiết kế (ra bản án, quyết định đúng về vụ án đang xét xử)
Nhận thức đúng đắn thì giai đoạn xét xử mới đạt được hiệu quả. Nếu nhận thức không đúng đắn về vụ án thì có thể dẫn tới những bản án oan sai không đúng người, không đúng tội. Ví dụ: trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, dù trong giai đoạn xét xử ông đã kêu oan nhưng lại không được lắng nghe, không được Hội đồng xét xử nhận thức đúng đắn dẫn tới xử án oan.
3. Vai trò của hoạt động nhận thức trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân
Toàn bộ hoạt động giáo dục, và hơn nữa là hoạt động cải tạo cá nhân người phạm tội chỉ có thể tiến hành được với sự hiểu biết sâu sắc về tất cả các đặc điểm tâm lý của mỗi phạm nhân. Cán bộ quản lí phải biết họ không những cần nắm được trạng thái tâm lí của họ, mà còn phải biết cần giáo dục cho phạm nhân những phẩm chất nào, và cần phải loại bỏ những phẩm chất nào. Quá trình giáo dục, cải tạo phải kết hợp với việc nghiên cứu biểu hiện thái độ của phạm nhân trong lao động, học tập và đời sống xã hội…Do vậy, để đạt được hiệu quả nhất mục đích của hoạt động giáo dục thì hoạt động nhận thức trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân chiếm một vai trò khá quan trọng. Trên cơ sở đó sẽ đảm bảo cho hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân đạt kết quả tốt.
Hoạt động nhận thức trong giai đoạn giáo dục, cải tạo giúp các cán bộ tư pháp:
Thứ nhất, nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện phạm tội của từng phạm nhân. Điều này cho phép những người làm công tác giáo dục phạm nhân thấy được những đặc điểm tiêu cực trong nhân cách của từng phạm nhân, nguyên nhân hình thành và phát triển của chúng, từ đó dự kiến con đường và biện pháp giáo dục họ.
Thứ hai, nghiên cứu đặc điểm tâm lý, nhân cách của phạm nhân để phát hiện và khơi dậy những yếu tố tích cực, những điểm sáng còn lại trong con người phạm nhân, là cơ sở để “cải tổ” lại con người của họ, đưa họ trở thành người có ích cho xã hội.
Thứ ba, nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện, hoàn cảnh sống, các quan hệ giao tiếp ở trại giam đối với phạm nhân giúp cho việc xác định, điều chỉnh các biện pháp giáo dục cần thiết đối với họ, phòng ngừa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cuối cùng, nghiên cứu quá trình chuyển biến về tâm lý của phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù. Việc này cho phép giám thị, quản giáo trại giam đánh giá được hiệu quả của các biện pháp giáo dục đã được áp dụng, từ đó xác định kế hoạch và những biện pháp giáo dục cần thiết tiếp theo.
Ví dụ minh họa
Như trong trường hợp A 17 tuổi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và bị kết án tù. Do trước đó, bố mẹ A đều đã qua đời, A sống với bà, và rất yêu quý bà, nhà nghèo A bỏ học đi làm kiếm tiền giúp bà nhưng bị lôi kéo dụ dỗ và phạm tội. Phải chấp hành án tù ở một địa chỉ xa gia đình, bà không thể vào thăm A, không có tin tức từ bà ngoại làm A trở nên bất cần đời, không cải tạo tốt, gây gổ đánh nhau trong trại giam. Nhận thức được hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó, cán bộ quản giáo đã trò chuyện, lắng nghe, không dùng biện pháp mệnh lệnh mà dùng biện pháp thuyết phục, tạo điều kiện cho A gửi thư cho bà và nhận được thư trả lời của bà, A xúc động, có động lực và quyết tâm cải tạo tốt để được hưởng đặc xá, trở về với bà . Như vậy nhờ có quá trình nhận thức đúng mà chọn được phương pháp đúng giúp việc giáo dục, cải tạo phạm nhân đạt được hiệu quả.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group (sưu tầm)