Một trong những chủ đề quan trọng được đưa ra thảo luận là vai trò và chức năng của NHTW cần phải được thay đổi như thế nào trong môi trường tài chính mới dựa trên những diễn biến tiêu cực của nhiều định chế tài chính lớn của một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và trong bối cảnh nền tài chính thế giới đã bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, tuy rằng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Xin giới thiệu nội dung một số kiến nghị liên quan đến vai trò và chức năng của NHTW trong môi trường tài chính mới đã được thảo luận tại Hội nghị.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn luật đầu tư – Ảnh minh họa
1. Đánh giá rủi ro của toàn bộ hệ thống
Trước hết, NHTW cần phải đánh giá rủi ro trên toàn bộ hệ thống của một quốc gia có cân nhắc đến mối quan hệ giữa nền kinh tế sản xuất và thị trường tài chính và giữa các định chế tài chính với nhau. Việc đánh giá này sẽ làm cơ sở cho các hành động chính sách liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Đương nhiên, đây chính là câu chuyện mà nhiều người cho rằng nói thì dễ nhưng làm thì khó. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng, các NHTW đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng tích tụ rủi ro thông qua các báo cáo hệ thống tài chính. Tuy nhiên, việc công bố những lời cảnh báo không phải là việc làm khó khăn chút nào. Các nhà lãnh đạo ngân hàng và bản thân các đối tượng tham gia thị trường ở chừng mực nào đó đã nhận biết được những rủi ro đó. Nếu người ta nghiêm chỉnh hành động để cắt giảm các rủi ro đó, thì cần phải thực hiện những hành động chỉnh sửa.
Nhưng để vượt qua khuôn khổ của công tác phân tích và thực hiện những hành động chỉnh sửa, thì cần phải thực hiện việc đánh giá một cách kỹ lưỡng, cần một ý chí chính trị mạnh mẽ cùng với một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để cho phép thực hiện những hành động có hiệu quả cao. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu không thực hiện việc đánh giá toàn bộ một hệ thống, thì không thể thực hiện được các hành động. Rõ ràng NHTW có được vị thế đương nhiên để đóng vai trò thực hiện việc đánh giá đó. Với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, NHTW tập trung vào các điều kiện kinh tế vĩ mô, có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác thị trường tài chính và có nền văn hóa thể chế sẽ quan tâm thích đáng đến công tác nghiên cứu.
2. Đánh giá lại việc thực thi chính sách tiền tệ
Thứ hai, cần phải đánh giá lại việc thực thi chính sách tiền tệ. Khi nhìn vào các đối tượng tham gia thị trường và toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, thì động cơ của họ chịu sự tác động của điều kiện kinh tế vĩ mô và tài chính. Ví dụ điển hình nhất là công cuộc tìm kiếm lãi suất được người ta chứng kiến trong cái gọi là Thời kỳ Tiết chế vĩ đại. Vấn đề động cơ này chuyển biến thành mối thách thức đầy khó khăn cho chính sách tiền tệ khi mà tình trạng bong bóng tài sản có xuất hiện. Vấn đề này thường được tranh luận một cách đơn giản là phải chăng chính sách tiền tệ nên chống lại làn gió vừa xuất hiện hoặc tình trạng giá cả tài sản có leo thang. Tuy nhiên, người ta tin rằng cách đặt vấn đề như vậy gây ra tình trạng rối rắm trong các cuộc thảo luận về chính sách tiền tệ. Không có NHTW nào tin rằng tình trạng bong bóng có thể hoặc cần phải ngăn chặn chỉ thông qua chính sách tiền tệ mà thôi. Cách đặt vấn đề thực tế hơn đối với các NHTW là: “chính sách tiền tệ có thể hoặc cần được thực thi như thế nào trong một môi trường mà ở đó giá cả tài sản có đang tăng lên, hoạt động tín dụng đang tăng lên và tình trạng cho vay vượt quá mức cho phép đang diễn ra và nền kinh tế đang tăng trưởng, điều đó đánh đi một tín hiệu mạnh mẽ cần phải xiết chặt chính sách, trong khi chỉ có mặt bằng giá cả là ổn định?”. Trong một bầu không khí ảm đạm như vậy, việc nâng lãi suất cơ bản ở chừng mực nào đó có tác động ngắn hạn trong việc làm giảm bớt các hoạt động kinh tế giống như tình trạng bong bóng. Mặt khác, nếu NHTW duy trì chính sách tiền tệ rất nới lỏng, thì sẽ gây ra hậu quả cấp tín dụng tràn lan và cho vay quá mức cho phép. Khi người ta thảo luận về mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tình trạng bong bóng, chẳng có ai tỏ ra quá lạc quan hoặc quá bi quan. Việc tích tụ các khoản nợ quá mức không thể hạn chế bằng một mình chính sách tiền tệ, mà cần phải phối hợp hàng loạt các biện pháp chính sách. Đồng thời, nếu chính sách tiền tệ không phù hợp, thì tình trạng bong bóng lại càng trở nên nghiêm trọng hơn, và cuối cùng sẽ nổ tung làm cho nền kinh tế suy giảm trầm trọng.
3. Chỉnh sửa lại các quy chế an toàn
Thứ ba là các NHTW cần phải góp phần vào cuộc tranh luận đang diễn ra trong việc chỉnh sửa lại các quy chế an toàn. NHTW có thể hoặc không phải đóng vai trò là cơ quan quản lý điều tiết tùy thuộc vào quy định trong hệ thống pháp luật của từng nước. Tuy nhiên, cho dù quy định của hệ thống pháp luật như thế nào đi chăng nữa, thì các NHTW là những cơ quan chịu trách nhiệm về sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể và cần phải đóng vai trò xây dựng trong việc thiết kế các quy định an toàn. Cách hành xử của các định chế tài chính chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường kinh tế vĩ mô lẫn các quy định an toàn. Lấy một ví dụ cụ thể như các quy định an toàn về yêu cầu vốn pháp định và các thông lệ ngân hàng như nhu cầu trích lập dự phòng cần phải được đánh giá lại với mục đích giảm bớt xu hướng thiên về chu kỳ. Một khuôn khổ hướng dẫn các ngân hàng thiết lập quỹ dự phòng trong điều kiện kinh tế phát triển để các ngân hàng có thể sử dụng các quỹ dự phòng đó nhằm duy trì chức năng trung gian tài chính của mình trong tình hình kinh tế vĩ mô gặp khó khăn là điều vô cùng quan trọng.
4. Tăng cường việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng
Thứ tư là cần phải tăng cường việc cung cấp các dịch vụ của NHTW. Trong những năm gần đây, các NHTW đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường tính ổn định và hiệu quả của hệ thống thanh toán, chẳng hạn như các biện pháp giảm thiểu rủi ro thanh toán phát sinh từ sự khác biệt trong múi giờ trong các giao dịch ngoại hối và đẩy mạnh việc kiểm soát hệ thống thanh toán. Trong quá trình khủng hoảng, trong lĩnh vực hoạt động của thị trường tiền tệ, các NHTW đã mở rộng quy mô thế chấp và mạng lưới các đối tác, và các NHTW lớn đã hợp tác với nhau để cung cấp thanh khoản đô la Mỹ. Các biện pháp này đã giúp đỡ cho việc phục hồi sự ổn định của các thị trường tài chính.
Tuy nhiên, trong các thị trường tài chính thường xuyên biến động vẫn còn nhiều thách thức. Người ta thường nói rằng các thị trường tài chính đang dần dần trở nên thông suốt theo nghĩa bóng. Nhưng thực tế thị trường này còn lâu mới trở nên thông suốt, và chỉ cần nhìn vào bằng chứng được thể hiện trong các giao dịch tài chính và các giao dịch thanh toán không thôi là sẽ rõ. Trong ngày, những lệnh thanh toán từ trong ra và từ ngoài vào hoàn toàn không đồng bộ, và do đó lại xuất hiện yêu cầu tín dụng thêm một ngày nữa. Điều này là đặc trưng trong các giao dịch ngoại hối, cho dù các rủi ro đó đã giảm đi thông qua việc áp dụng nghiệp vụ thanh toán kết nối liên tục (CLS). Ngoài ra, tình trạng biến động thị trường có thể bất ngờ tăng nhu cầu tài trợ ngắn hạn, do các định chế tài chính yêu cầu bổ sung thế chấp trong khuôn khổ các thỏa thuận ký quỹ. Kết quả là trong quá trình thực hiện các giao dịch tài chính, tình trạng rò rỉ thanh khoản hoặc ứ đọng thanh khoản tạm thời là không thể tránh khỏi và do vậy nảy sinh tình trạng ách tắc. Trong thời kỳ khủng hoảng, tình trạng thiếu thanh khoản do sự ách tắc như vậy có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng. Các NHTW cần phải liên tục đánh giá để làm sao các dịch vụ ngân hàng có thể khắc phục được những khiếm khuyết đó.
5. Tăng cường văn hóa tổ chức và nguồn nhân sự
Công tác tổ chức tại các NHTW không thể phát triển mạnh mẽ nếu như không có một nền văn hóa phong phú nhấn mạnh đến các mục tiêu căn bản và nếu như không có lực lượng nhân sự hùng mạnh để thể hiện nền văn hóa đó.
Thứ nhất, cả các NHTW lẫn các định chế tài chính cần phải xây dựng một nền văn hóa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì một viễn cảnh dài hạn. Nếu không, cả hai không thể đạt được mục tiêu một cách bền vững, đó là sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô dài hạn cho các NHTW và khả năng sinh lời lâu dài cho khu vực tư nhân.
Thứ hai, trong trường hợp của các NHTW, người ta phải chuẩn bị sẵn sàng để khắc phục những khiếm khuyết của các hợp đồng chưa hoàn chỉnh và các thị trường. Các giao dịch tài chính được hoàn tất bằng việc sử dụng một loạt các hợp đồng và người ta không thể soạn thảo một hợp đồng thể hiện mọi thực trạng trong tương lai. Theo thuật ngữ kinh tế học thì không bao giờ tồn tại “các hợp đồng hoàn chỉnh”. Ví dụ, một NHTW có thể đóng vai trò là một nhà môi giới trung thực hay là một chất xúc tác trong việc xây dựng một giải pháp theo hướng thị trường cho một vấn đề mới phát sinh. Để sẵn sàng khắc phục các khiếm khuyết đó, điều tối quan trọng là các NHTW rất nhạy bén với những thay đổi trên các thị trường tài chính và trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, vì các NHTW không phải là các tổ chức thiên về lợi nhuận, cho nên có nguy cơ là các NHTW không thể nhanh chóng nhận biết được những thay đổi đó. Mặt khác, từng định chế tài chính và các đối tượng khác tham gia thị trường lại không nhất thiết phải đồng hóa những tác động có thể xảy ra về hành vi của mình lên toàn bộ hệ thống tài chính. Không thể duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính nếu không có sự hợp tác giữa các NHTW và khu vực tư nhân. Các NHTW cần có những cán bộ có kỹ năng xuất sắc để thúc đẩy mối quan hệ xây dựng với các định chế tài chính và các đối tượng tham gia thị trường, nắm vững các thông lệ kinh doanh một cách chi tiết và mài sắc quan điểm vĩ mô của mình. Một trong những vai trò quan trọng của NHTW là phải phát triển nền văn hóa tổ chức đó. Các NHTW phải xây dựng cho mình một nền văn hóa thừa nhận tầm quan trọng của các nỗ lực hợp tác và kịp thời công bố cho dân chúng biết những vấn đề mới nảy sinh trong nền kinh tế của các thị trường tài chính có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường tài chính.
Hội nghị Tiền tệ quốc tế có một lịch sử lâu đời. Được thành lập vào thập kỷ 50, Hội nghị đã quy tụ những nhà quản lý cao cấp nhất của các NHTW và các định chế tài chính lớn nhằm tạo ra cho cả khu vưc tư nhân lẫn các cơ quan nhà nước một cơ hội quý giá để thảo luận một cách thẳng thắn hàng loạt các vấn đề liên quan đến các định chế tài chính, các thị trường tài chính và hệ thống tài chính. Chủ đề chính của hội nghị năm nay là “Vai trò của các Ngân hàng Trung ương trong môi trường tài chính mới” trùng hợp với những diễn biến trong cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có trong lịch sử toàn cầu.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM – PMH (Nguồn Ban thư ký Hội nghị tiền tệ quốc tế và NHTW Nhật Bản)
Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn/