>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi:  1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

Cơ sở pháp lý căn cứ vào quy định của: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP;  Nghị định số 39/2019/NĐ-CP và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP có thể phân tích như sau:

 

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là thuật ngữ dùng để chỉ những doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ. Tùy theo điều kiện cụ thể mà các quốc gia trên thế giới quy định tiêu chí xác định quy mô loại doanh nghiệp này. Ở Việt Nam, Doanh nghiệp nhỏ và vừa được định nghĩa là những doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.

 

2. Vai trò của tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của quốc gia, như: tạo việc làm, giảm nghèo, giảm chênh lệch thu nhập. Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp này rất năng động, dễ ứng dụng công nghệ sản xuất mới, vì vậy có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực chính của phát triển kinh tế và cũng phổ biến ở các nền kinh tế phát triển, chiếm 95% tổng số doanh nghiệp trong khu vực OECD.

Tín dụng là một giao dịch về tài sản (tiền hoặc hàng hóa) giữa bên cho vay (ngân hàng và các định chế tài chính khác) và bên đi vay (cá nhân doanh nghiệp và các chủ thể khác), trong đó bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả về điều kiện vốn gốc và lãi cho bên cho vay khi đến hạn thanh toán.

Tiếp cận tín dụng là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tiếp cận đầy đủ nguồn tín dụng là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia. Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của lãi suất, tài sản bảo đảm. Cơ cấu có thể là tín dụng dài hạn, ngắn hạn hoặc tín dụng thương mại. Do các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn chủ sở hữu nhỏ, không đủ đầu tư vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh khiến các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài chính khác như vay ngân hàng hay các loại tín dụng khác.

Trong thực tế, nguồn tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu dựa vào nguồn vốn nội bộ của chủ doanh nghiệp, nguồn vốn nội bộ này có được nhờ huy động vốn mới từ cổ đông, tiền tiết kiệm cá nhân của chủ sở hữu hoặc từ phần lợi nhuận được giữ lại hoặc chưa phân phối từ nguồn thu hoạt động kinh doanh có được trong những năm trước. Nguồn tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể từ nguồn không chính thức bên ngoài như hỗ trợ tài chính từ gia đình, bạn bè, tín dụng đen, đầu tư mạo hiểm cùng với các nguồn tài chính chính thức từ bên ngoài như tín dụng ngân hàng, tổ chức tài chính và chứng khoán.

Hiện nay, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng vẫn là một hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này dẫn đến hạn chế tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi tín dụng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và việc tiếp cận nguồn tín dụng đầy đủ là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.

 

3. Thực trạng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát triển rất nhanh, có sức lan tỏa đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân. Giai đoạn từ 2017 – 2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP liên tục tăng từ 41,75% (năm 2017) lên 42,68% (năm 2020). Năng suất lao động, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa rất phát triển3. doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương, tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ.

Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận4. Với kết quả này cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng sản xuất quan trọng của nền kinh tế, tạo ra của cải vật chất và việc làm, thu nhập cho xã hội.

Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là nền tảng để hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân của đất nước. Do vậy, khung chính sách, pháp luật về tín dụng và hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Đặc biệt, sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017, trong đó quy định rõ việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chính sách tăng dư nợ cho vay theo từng thời kỳ và cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Nghị định này, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện việc cho vay, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; quản lý tài chính…

Song song với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn. Cùng với việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước còn tổ chức các Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại nhiều địa phương nhằm thúc đẩy nguồn vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất – kinh doanh. Năm 2019, đã có gần 195.000 doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn với tổng số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay đạt 2,5 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cho vay hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác5.

Với những định hướng mở hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam năm 2019 được xếp hạng 32/190 nền kinh tế6.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, mặc dù đã thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng các quỹ này có quyền hủy ngang hoặc từ chối toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh, dẫn đến nguy cơ tranh chấp đối với các tổ chức tín dụng cho vay. Khi cho vay, các quỹ cũng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm nên vẫn không giải quyết được khó khăn nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không khuyến khích được Quỹ bảo lãnh tín dụng phát triển. Hơn nữa, bảo lãnh cho vay là hoạt động có rủi ro, song hiện chưa có hướng dẫn về việc trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh áp dụng cho Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Thứ hai, theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ hướng đến thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay trực tiếp thay vì vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, hành lang pháp lý hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải bảo đảm an toàn vốn, tương tự như Quỹ bảo lãnh tín dụng, vì vậy, để tiếp cận nguồn vốn này vẫn cần có tài sản bảo đảm.

Thứ ba, quy mô của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 3,5% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu suất của khu vực kinh tế này còn thấp và có sự suy giảm, có tới 42% doanh nghiệp có doanh thu hằng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% doanh nghiệp hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ đồng7, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy tăng hằng năm nhưng quy mô bình quân của mỗi doanh nghiệp là không lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa như kỳ vọng là do nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố vướng mắc từ quá trình tiếp cận tín dụng để mở rộng quy mô sản xuất, bởi nhóm doanh nghiệp này ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế, vì vậy vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Thứ tư, quy mô doanh nghiệp nhỏ không có tài sản bảo đảm thì việc tiếp cận nguồn tín dụng cũng rất khó khăn. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro8.

Thứ năm, do tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng mà còn có xu hướng thắt chặt, trong khi nguồn vốn tín dụng không thiếu. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc mới thành lập thì tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hơn nữa, đặc thù các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp có thời gian thành lập hoặc vòng đời kinh doanh ngắn, thiếu tính ổn định trong hoạt động kinh doanh, do đó, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, đánh giá uy tín của khách hàng trong quan hệ tín dụng để đưa ra quyết định cho vay.

Thứ sáu, mạng lưới hệ thống các tổ chức tín dụng phân bố chưa đều, chưa hợp lý, tập trung đa phần ở các thành phố, đô thị lớn, trong khi ở các vùng nông thôn lại rất ít, thậm chí, có vùng còn không có sự hiện diện của ngân hàng… Điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến khả năng đa dạng hóa các kênh huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

4. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng hiệu quả

Để tháo gỡ những rào cản, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng hiệu quả để mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, để triển khai quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả cần điểu chỉnh cơ chế bảo lãnh không hủy ngang để giúp tổ chức tín dụng yên tâm khi cấp tín dụng. Đồng thời, xây dựng những quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng rủi ro, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro. Để mở rộng quy mô, tăng vốn điều lệ của Quỹ, có thể kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các quỹ nước ngoài.

Hai là, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp này, bởi vì, đối với thị trường vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính minh bạch thông tin và đánh giá khả năng chi trả của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là hạn chế, dẫn đến các tổ chức tín dụng còn e ngại trong quyết định cho vay, hoặc gia tăng yêu cầu hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiếu các công cụ để chứng minh khả năng chi trả vốn vay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu hình thành thị trường chứng khoán chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa vào vận hành thị trường mua bán nợ; hình thành mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đồng thời thích ứng với bối cảnh phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả. Chủ động cải tiến công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Bốn là, minh bạch trong sổ sách kế toán, tài chính bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập trong trường hợp cần minh chứng tính minh bạch đối với các tổ chức tín dụng.

Năm là, các ngân hàng cần hướng đến đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ Big Data (Dữ liệu lớn) vào quản lý các hoạt động của ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh có hiệu quả không, đồng thời đánh giá được mức độ tín dụng của khách hàng kịp thời, chính xác.

Sáu là, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ, Nhà nước chú trọng phát triển. Đồng thời, thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.

Bảy là, để khắc phục khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi cung ứng.

Có thể đánh giá uy tín và mức độ rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa (với vai trò là nhà cung cấp, nhà phân phối đối với doanh nghiệp trung tâm) dựa vào uy tín và mức độ rủi ro của một doanh nghiệp trung tâm (khách hàng lớn và truyền thống của ngân hàng), có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn như các sản phẩm tín dụng thông thường, với chi phí lãi suất thấp hơn do được dựa trên nền tảng xếp hạng tín dụng, uy tín của doanh nghiệp trung tâm. Với cách thức này có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục được khó khăn khi thiếu tài sản bảo đảm – là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Luật LVN Group  (Sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)