Mục tiêu nghiên cứu của luận án là nhằm phác họa những nét chính về diện mạo và chỉ ra những đặc điểm cơ bản của bộ phận văn học dịch bằng tiếng Việt ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Bước đầu xác định vai trò của bộ phận văn học dịch đối với quá trình hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam chặng đường nửa đầu thế kỷ XX.
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng gồm các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Văn học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Tạp chí Diễn đàn văn nghệ. Hội đồng do PGS.TS. Phan Trọng Thưởng làm Chủ tịch.
Nội dung chính của luận án được trình bày trong 3 chương. Chương 1: Văn học dịch – sự giao lưu giữa các nền văn học. Chương 2: Vai trò của văn học dịch Trung Quốc đối với quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Chương 3: Vai trò của văn học dịch phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.
Luận án một mặt đã cung cấp cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và vận động của bộ phận văn học dịch ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX để giúp cho việc nhìn nhận đúng hơn về diện mạo chung của văn học Việt Nam ở chặng đường này. Mặt khác, luận án cũng chỉ ra những tác động của văn học dịch Trung Quốc và phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam ở chặng đường nửa đầu thế kỷ XX. Luận án đã chỉ ra được cơ chế giao lưu giữa các nền văn học, khẳng định vai trò to lớn của dịch thuật văn học và văn học dịch. Khôi phục, tái hiện diện mạo của bộ phận văn học dịch ở Việt Nam. Nêu lên những đặc điểm cơ bản, xác định những đóng góp của bộ phận văn dịch Trung Quốc đối với quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX trên phương diện sự hình thành của dòng tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết tình cảm. Chỉ ra những đặc điểm cơ bản, xác định những đóng góp của bộ phận văn dịch phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX trên phương diện tiếp nhận mô hình thể loại và sự hình thành dòng tiểu thuyết trinh thám.
Kết quả của luận án ít nhiều có thể dùng làm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu khi viết giáo trình văn học sử Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Vũ (Nguồn sưu tầm)
——————————————-