1. Khái niệm giá
Theo Khoản 4 Điều 4 Luật Giá 2012: Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.
Theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 02, 03 và 04: “Giá trị thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường.”; “Giá trị thị trường thể hiện mức giá hình thành trên thị trường công khai và cạnh tranh. Thị trường này có thể là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế, có thể bao gồm nhiều người mua, người bán hoặc bao gồm một số lượng hạn chế người mua, người bán.”
Dễ thấy rằng, đứng ở góc độ của người mua thì giá chính là số tiền phải trả một số lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định để có thể sử dụng hay chiếm hữu hàng hóa, dịch vụ đó. Còn theo quan điểm của người bán thì giá là phần thu nhập hay doanh thu mà họ nhận được khi tiêu thụ một đơn vị hay một số lượng sản phẩm, dịch vụ nhất định. Giá thị trường có thể được tính trong thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế.
2. Nội dung cơ bản trong hoạt động điều tiết giá của nhà nước
Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để “cân bằng” giá cả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Khi Luật Giá 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thay thế cho Pháp lệnh Giá 2002 thì nhà nước sẽ không còn thực hiện việc áp đặt giá đối với các mặt hàng trên thị trường mà sẽ để cho doanh nghiệp tự định đoạt. Tuy nhiên, nhà nước vẫn có những hoạt động nhất định điều tiết giá nhằm mục đích đảm bảo nền kinh tế phát triển một cách toàn diện. Các biện pháp để điều tiết giá bao gồm Bình ổn giá, định giá và Hiệp thương giá và Kiểm tra các yếu tố hình thành giá
2.1. Bình ổn giá
Tại Khoản 10 Điều 4 Luật giá 2012 quy định: “Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.”.
Khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 quy định các hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng bệnh.
Nghị định số 177/2013/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 146/2016/NĐ-CP quy định về mặt hàng bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu điêzen, dầu mazut; Điện bán lẻ; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm urê; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý so với mức tăng hoặc giảm giá do tác động của các yếu tố hình thành giá được tính theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật hoặc phương pháp tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng hoặc giảm bất hợp lý trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế – tài chính, mất cân đối cung – cầu tạm thời;… Các biện pháp điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông; các biện pháp tài chính, tiền tệ …
Thẩm quyền và trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá được quy định tại Điều 18 Luật Giá 2012. Theo đó, Chính phủ quyết định bình ổn giá trên phạm vi cả nước; Bộ trưởng Bộ Tài chính, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ quyết định các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp thực hiện bình ổn giá tại địa phương.
2.2. Định giá
Tại Khoản 5 Điều 4 Luật giá 2012 quy định: “Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ”. Nhà nước thực hiện định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng và với hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhà nước tiến hành định giá dựa trên các yếu tố khác nhau như giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến của doanh nghiệp; dựa trên quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; căn cứ vào giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ
Đồng thời tiến hành định khung giá và mức giá cụ thể đối với đất, mặt nước, nước ngầm, rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và nước sạch sinh hoạt; giá cho thuê, thuê mua nhờ ở xã hội, nhà ở công vụ được xây dựng chi từ nguồn ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước;
Tại Điều 19 Luật giá 2012 quy định về tiến hành định giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh; sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định, đối với sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước và định giá cho thuê đối với tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng.
Việc định giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Bộ tài chính quy định và Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.
2.3. Hiệp thương giá
Khoản 7 Điều 4 Luật giá 2012 có quy định: “Hiệp thương giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức … thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).”
Luật Giá quy định cụ thể điều kiện đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện hiệp thương giá, thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức hiệp thương giá. Hàng hóa tiến hành hiệp thương giá đó chính là những hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và đối với hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được.
2.4. Kiểm tra các yếu tố hình thành giá
Các trường hợp áp dụng kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định tại Điều 26, theo đó thì tại Khoản 2 quy định cụ thể các loại hàng hóa phải kiểm tra yếu tố hình thành giá. Và thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định tại Điều 27 Luật Giá 2012.
Như vậy, dù đối với biện pháp điều tiết giá nào, thì hoạt động điều tiết giá đều có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thị trường. Điều tiết giá cần có sự thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện, nên cần phải không ngừng trau đồi, nâng cao trình độ của các cá có nhiệm vụ trong cơ quan thực hiện điều tiết giá. Để phù hợp với tình tình hiện tại, thì chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan điều tiết giá cũng cần thiết phải thay đổi theo hướng giảm việc định giá trực tiếp, tăng cường thanh tra, kiểm tra giá, tư vấn, hướng dẫn và thông tin giá cả và thị trường.
3. Vai trò của hoạt động điều tiết giá
Điều tiết giá cả của nhà nước là một trong những khâu chính trong hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô tổng thể của nhà nước vì giá cả là phạm trù tổng hợp có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của hầu hết các tham số kinh tế vĩ mô. Điều tiết giá cả là đóng vai trò là đòn bẩy, và cũng là công cụ có tính quyết định đảm bảo sự thành công của các hoạt động điều tiết khác. Bên cạnh đó, điều tiết giá cả của nhà nước được thực hiện nhằm mục đích khắc phục những hạn chế của thị trường từ đó góp phần khai thác tốt các nguồn lực quốc gia bằng giá cả.
Điều tiết giá điều tiết giá cả của nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là mục tiêu sản lượng. Mục tiêu sản lượng là mục tiêu tổng hợp, đây là thước đo thành tựu kinh tế, do việc đạt được các mục tiêu khác được phản ánh trong mục tiêu sản lượng. Sự điều tiết giá cả của nhà nước có tác dụng to lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu xã hội trong đó, là mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Hoạt động điều tiết giá giúp lập lại công bằng xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội, do giá cả là biểu hiện của quan hệ trao đổi của cải vật chất giữa người mua- người bản, giữa người sản xuất- người sử dụng,… rộng hơn nữa là giữa các nhóm dân cư, tầng lớp xã hội khác nhau,…
4. Một số điểm mới của pháp luật về giá
Xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá. Ngày 20 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Giá. Ngày 02 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Giá và luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, theo đó có một số điểm mới sau đây:
– Một là: Luật Giá đã đưa ra các tiêu chí để xác định loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là loại hàng hóa như thế nào, trên cơ sở đó mà xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể thực hiện bình ổn giá.
Để bình ổn giá, so với các quy định trước đây thì lần này Luật cũng đã bãi bỏ các biện pháp can thiệp của Nhà nước mang tính phi thị trường can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh làm “méo mó” hệ thống giá và không phù hợp với các cam kết quốc tế như: trợ giá, trợ cấp qua giá, bù chéo qua giá. Nhà nước thực hiện cơ chế can thiệp vào thị trường khi giá cả có những biến động bất thường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô như: điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ; các biện pháp tài chính tiền tệ; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; đăng ký giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá.
– Hai là: Luật cũng đã quy định cụ thể các tiêu chí để xác định thu hẹp phạm vi định giá của Nhà nước, bảo đảm để Nhà nước chỉ định giá trong phạm vi chủ yếu đối với hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; Hàng hóa, dịch vụ công như quy định tại Điều 19 nhằm khắc phục, hạn chế những khuyết tật, những tác động bất lợi của cơ chế thị trường đến nền kinh tế như: tự phát điều tiết sản xuất kinh doanh, độc quyền, liên kết độc quyền về giá, cạnh tranh không lành mạnh về giá. Điểm rất mới là giá những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đó cũng phải nhất quán theo nguyên tắc thị trường. Các chính sách an sinh xã hội phải được xử lý bằng các chính sách khác.
– Thứ ba, Luật quy định nội dung mới tại Điều 10 là quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá đối với cả cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; cán bộ, công chức thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá khi có các hành vi xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp, của người tiêu dùng; cản trở hoạt động bình thường của thị trường và mưu lợi cá nhân như can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; ban hành văn bản không đúng thẩm quyền; tiết lộ thông tin không cho phép; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Đồng thời, Luật cũng quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên về giá: khi có hành vi gian lận về giá, chuyển giá, thông đồng về giá… làm thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
– Thứ tư, một nội dung rất mới của Luật so với Pháp lệnh Giá trước đây là Luật quy định cả cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều phải có trách nhiệm công khai thông tin về giá bằng các hình thức thích hợp. Góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
– Thứ năm, Luật cũng đã quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động thẩm định giá tại Chương IV và bổ sung những nội dung rất mới như: Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá; quy trình thẩm định giá tài sản; thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam.
Đặc biệt là việc thẩm định giá tài sản nhà nước không chỉ do các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện mà còn có cơ quan nhà nước thực hiện đối với một số loại tài sản nhất định khi các doanh nghiệp thẩm định giá chưa đủ điều kiện thực hiện như thẩm định giá đối với tài sản nhà nước ở vùng sâu, vùng xa, hay tài sản thuộc bí mật nhà nước.
5. Các hành vi bị cấm đối với cơ quan, doanh nghiêp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá
– Đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước, các bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá mà can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật vào quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giá; ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục; tiết lộ, sử dụng thông tin do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ để vụ lợi.
– Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mà bịa đặt, loan tin không đúng sự thực về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, định họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.
– Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá mà tranh giành khách hàng dưới hình thức ngăn cản, đe dọa, lôi kéo, mua chuộc, thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác, thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá; nhận hoặc yêu cầu bất cứ khoản tiền hoặc lợi ích khác từ khách hàng thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã được thỏa thuận trong hợp đồng; giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên trái pháp luật về giá; tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật cho phép; gây trở ngại hoặc can thiệp vào công việc điều hành của tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá khi họ thực hiện đúng chức năng, nhiêm vụ theo quy định của pháp luật.
– Đối với thẩm định viên về giá hành nghề (ngoài các quy định tại Khoản 3, Điều 10 của Luật), không được thực hiện các hành vi hành nghề thẩm định giá với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên; thực hiện thẩm định giá cho đơn vị được thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.
– Đối với tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá; cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; mua chuộc, hối lộ, thông đồng với doanh nghiệp, thẩm định viên về giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá trên phạm vi cả nước, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ; các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định; UBND cấp tỉnh trong phạm vi trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật.