Bản thân cơ chế thị trường không phải là một mô hình kinh tế, đó chỉ là cách thức phân phối lợi ích dựa theo các quy luật kinh tế khách quan. Cơ chế thị trường có thể giống nhau ở các nước khác nhau, nhưng việc vận dụng nó trong nền kinh tế thị trường ở mỗi nước có thể khác nhau do những đặc trưng riêng về thể chế chính trị và mô hình kinh tế đặc thù của mỗi quốc gia. Một số trong những nhân tố tạo nên sự khác biệt căn bản nói trên là nhận thức 2 vấn đề: Vấn đề sở hữu và vấn đề thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Lý luận và thực tiền về sở hữu:
Thứ nhất, bản chất của quan hệ sở hữu là quyền sở hữu tư liệu sản xuất (TLSX) là quan hệ giữa người với người về mặt chiếm hữu TLSX. Đây là quan hệ khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, quan hệ đó thể hiện ở cả 4 khâu của quá trình tái sản xuất xã hội (sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng); Thứ hai, chế độ sở hữu là sự pháp lý hoá các quan hệ sở hữu thành các quyền như: quyền định đoạt, quyền sử dụng, quyền quản lý sản xuất kinh doanh, quyền thực hiện các lợi ích kinh tế. Tương ứng với các phương thức sản xuất khác nhau có thể có các loại hình sở hữu phổ biến khác nhau. Cho đến nay, thế giới đã có 3 hình thức sở hữu chính: sở hữu xã hội, sở hữu tư nhân và sở hữu hỗn hợp. Thứ ba, nhận thức đúng, xử lý hài hoà về quan hệ sở hữu sẽ giải phóng sức sản xuất xã hội và tạo ra động lực lợi ích của con người để truyền sức mạnh cho nền kinh tế. Nếu không định rõ quyền sở hữu, không làm rõ “cái tôi” trong quan hệ sở hữu và/hoặc giới hạn tới đâu về quyền sở hữu sẽ chắc chắn dẫn đến quá trình vô chính phủ trong khai thác và sử dụng của cải xã hội ở khu vực kinh tế Nhà nước cũng như nói chung trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế nhiều thành phần. Thứ tư, tính hiệu quả của khu vực kinh tế dưới hình thức “công hữu” đã làm lu mờ sự phân định trên thực tiễn các quyền của các hình thức sở hữu mà cứ tưởng nó bao gồm. Mặt khác quá trình tư nhân hoá, ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… ở thế kỷ XX cũng cho thấy không có bằng chứng cụ thể nào khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là hiệu quả hơn khu vực công nếu chỉ xét thuần tuý về thành phần kinh tế hay thuần tuý dựa vào chế độ sở hữu. Vấn đề hiệu quả của các khu vực kinh tế phụ thuộc vào việc định danh rõ người chủ sở hữu, vào xử lý tốt vấn đề quan hệ lợi ích kinh tế (tiền công…), vào cơ chế quản lý và công nghệ quản lý, cách mà nhà quản lý tác động vào đối tượng quản lý; Thứ năm, có một xu hướng đã khá rõ ràng được rút ra từ các nước có nền kinh tế chuyển đổi cũng như từ bản thân các nước có nền kinh tế phát triển là người ta đã sử dụng thuật ngữ “sở hữu xã hội” như là một phạm trù kinh tế – xã hội thay cho cách gọi chế độ công hữu. Sở hữu xã hội bao gồm: sở hữu Nhà nước (thay cho cách gọi sở hữu toàn dân), sở hữu tập thể và sở hữu hỗn hợp (đặc trưng là sở hữu cổ phần). Xã hội ở đây là một phạm trù gồm những tổ chức, những liên minh và những con người được nhân danh sở hữu, có tên gọi, có địa chỉ, có số lượng và/hoặc quan hệ tỷ lệ rõ ràng thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật cụ thể, với con người bằng xương, bằng thịt có thể qui trách nhiệm được; Thứ sáu, ở mọi quốc gia không phân biệt phương thức sản xuất hay thể chế chính trị đều tồn tại sở hữu Nhà nước được biểu hiện dưới hai cấp độ: Một là: Nhà nước đại diện cho nhân dân (Dân tộc, Cấp đại diện cao nhất) về quyền sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng, núi, tài nguyên trong lòng đất, sông ngòi, vùng biển, thềm lục địa và không phận quốc gia… ứng với cấp độ này là quyền tuyệt đối. Nó đan xen, chi phối trong tất cả các thành phần kinh tế trên toàn lãnh thô:  Hai là: sở hữu các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần chi phi như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, an ninh, quốc phòng, tiền tệ, ngân hàng thiết yếu của đất nước. Đây là khu vực có hoạt động sản xuất kinh doanh với tư cách là những đơn vị kinh tế bình đẳng với các đơn vị kinh tế ở các khu vực có hình thức sở hữu khác.

Lý luận và thực tiễn về thành phần kinh tế:

Thứ nhất, trong lịch sử kinh tế thị trường cũng như hiện tại, hầu hết các nền kinh tế đều tồn tại song song nhiều thành phần. Sự tồn tại đó là khách quan do phong tục, tập quán, lịch sử, văn hoá và trình độ quyết định; Thứ hai, thông thường tương ứng với mỗi hình thức sở hữu thì có một thành phần kinh tế. Như vậy, lịch sử kinh tế thị trường đã và đang tồn tại ít nhất 4 thành phần kinh tế: Nhà nước (toàn dân, quốc hữu); tập thể; hỗn hợp (cổ phần) và tư nhân; Thứ ba, quan hệ tỷ lệ về lượng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường luôn luôn vận động và có sự chuyển hoá lẫn nhau. Quá trình chuyển hoá này cũng luôn tuân theo những quy luật khách quan. Trong đó, quy luật quan trọng nhất là: quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Không loại trừ bất cứ quốc gia theo thể chế chính trị nào. Thứ tư, từ thực tiễn của một số nền kinh tế chuyển đổi và cả đối với các nền kinh tế thị trường đã phát triển ở trình độ cao, cho thấy đã xuất hiện một xu hướng khá rõ ràng về quan hệ của các thành phần kinh tế đã và đang tuân thủ một cách có hiệu quả của mô hình kinh tế thị trường Nhà nước pháp quyền. Nội dung cơ bản của mô hình này là: Nhà nước dẫn dắt thị trường; Thị trường dẫn dắt doanh nghiệp và nhà sản xuất; Còn doanh nghiệp và nhà sản xuất thì tạo ra của cải, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Thực tiễn những gì đang diễn ra trong các giải pháp “cứu” nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng suốt hơn một năm qua đã và đang chứng minh học thuyết “hai bàn tay” của trường phái Paul A. Samuelson là thích hợp với quy luật cạnh tranh lành mạnh trong mô hình kinh tế thị trường Nhà nước pháp quyền hiện đại. Ngược lại, chủ nghĩa “tự do dân chủ” trong kinh tế kiểu Mỹ là không thể can thiệp được các xu hướng “cá lớn nuốt cá bé” hay sự phân hoá giàu – nghèo quá lớn hiện nay.

Một số đề xuất cho Việt Nam:

Về sở hữu: Có thể khẳng định nền kinh tế nước ta trong thời gian tới luôn tồn tại nhiều hình thức sở hữu là một thực tế khách quan. Để gọi đúng tên của nó chúng ta có thể tổ hợp thành 4 hình thức sở hữu sau đây: sở hữu Nhà nước (cả hai cấp độ); sở hữu tập thể; sở hữu hỗn hợp (cổ phần) và sở hữu tư nhân. Với cách tổ hợp như trên vẫn bao hàm được đầy đủ các hình thức sở hữu đang có mà không cần phải chia ra một cách chi tiết, thậm chí khó hiểu như cách chúng ta từng phân chia, gồm 6 hình thức: công hữu (sở hữu toàn dân), sở hữu tập thể, sở hữu tư bản tư nhân, sở hữu tư bản Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Vì trong đó: Sở hữu tư bản Nhà nước (vốn Nhà nước), thực chất là thuộc sở hữu Nhà nước; Sở hữu tư bản tư nhân thực chất là sở hữu tư nhân, sở hữu khu vực có vốn nước ngoài thực chất là sở hữu hỗn hợp, còn “công hữu và/hoặc sở hữu toàn dân thực chất chỉ là cách gọi khác của “quốc hữu” hay sở hữu Nhà nước.

Về thành phần kinh tế:

Tương ứng với bốn hình thức sở hữu nói trên, nên tổ hợp lại thành bốn thành phần kinh tế gồm: thành phần kinh tế Nhà nước (tương ứng với cấp độ sở hữu thứ 2 – Khu vực kinh tế Nhà nước có sản xuất kinh doanh và tương đương với khu vực kinh tế “tư bản Nhà nước” theo nghĩa Nhà nước đầu tư, sản xuất – Tư bản Nhà nước), thành phần kinh tế tập thể, thành phần kinh tế hỗn hợp (cổ phần) và thành phần kinh tế tư nhân. Theo đó, nên gọi đúng tên từng thành phần kinh tế và ở Việt Nam mọi thành phần kinh tế đều hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, đều có thể chuyển hoá lẫn nhau, đều bị điều chỉnh thống nhất bởi pháp luật chung theo nguyên tắc Nhà nước Pháp quyền – Công khai, minh bạch và bình đẳng. Do đó không nên “chính trị hoá” hay “lí lịch hoá” thành phần kinh tế;

Về quan điểm, đường lối và mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam:

Cần phải luôn luôn nhất quán một số nội dung sau: i) Xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần bằng cách sử dụng cơ chế thị trường; ii). Pháp luật phải đối xử theo nguyên tắc bình đẳng với mọi thành phần kinh tế (khu vực có sản xuất, kinh doanh); iii). Tỷ trọng về lượng của mỗi thành phần kinh tế tham gia cấu thành các lực lượng sản xuất cần tôn trọng tính quy luật khách quan của các quá trình chuyển hoá giữa chúng trên nền tảng luật pháp ngày càng hoàn thiện và phù hợp với môi trường mở cửa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, không nhất thiết phải chủ động “chia phần” thành các tỷ lệ sở hữu và/hoặc tỷ lệ tạo GDP của mỗi thành phần kinh tế là bao nhiêu cho từng thời kỳ, mà đó chỉ là kết quả đã diễn ra trong thực tiễn từng thời kỳ. Việc nào, lĩnh vực nào phù hợp với thành phần kinh tế cụ thể nào mà ở đó làm tốt nhất thì hãy để cho quy luật đào thải tiến tới trao việc cho thành phần kinh tế ấy thực hiện trong sự điều chỉnh công bằng, minh bạch của pháp luật. Tuy nhiên, do tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất rất không đều nhau ở những vùng, những đơn vị hành chính có các điều kiện địa sinh thái và/hoặc tập quán, trình độ khác nhau… nên không thể không có định hướng đường lối cụ thể cho đặc trưng mang tính bản chất chế độ để can thiệp. Do đó, Nhà nước cần thông qua luật pháp và chính sách cụ thể để hình thành những “hàng rào” kỹ thuật về kinh tế cụ thể khác nhau, với nội hàm, không gian, thời gian cụ thể, minh bạch để nâng đỡ, tạo điều kiện cho những nơi được coi là còn yếu thế có cơ hội phát triển, đuổi kịp mặt bằng phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Vì vậy, phần “định hướng XHCN” phải là sự can thiệp của pháp luật bằng cách phản ánh rõ thái độ chính trị cũng như mục tiêu phát triển đất nước của chế độ ta. Ngoài ra, phần “định hướng XHCN” phải là phần can thiệp của pháp luật để khắc phục những mặt trái tự nhiên của cơ chế thị trường như: chèn ép, huỷ hoại thiên nhiên, môi trường, phân hoá giàu nghèo… Đây cũng là một trong những vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước.

Từ 2 vấn đề then chốt nêu trên, xin đề xuất: mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam nên là kinh tế thị trường Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trong đó, Nhà nước dẫn dắt thị trường bằng luật pháp, các hàng rào kỹ thuật và thông lệ quốc tế; Thị trường dẫn dắt doanh nghiệp, nhà sản xuất bằng các quy luật khách quan của cơ chế thị trường; Còn doanh nghiệp và nhà sản xuất là lực lượng tạo ra cung của cải, dịch vụ đáp ứng cho cầu của nền kinh tế. Nếu vấn đề được tư duy một cách nhất quán và “lật ngửa bài” như vậy thì không còn mâu thuẫn giữa cơ chế thị trường với CNXH và cũng không thể coi cơ chế thị trường là công cụ riêng của CNTB và cũng không cần đưa cụm từ “định hướng XHCN” vào tên gọi của mô hình kinh tế.

Ts. Nguyễn Đại Lai
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản lý

(MINHKHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)