Để có thể đưa vấn đề này vào cuộc sống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề trước hết cần bàn tới là việc phải tạo một khung pháp lý cơ bản.

Tiền đề pháp lý

Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến và tiếp thụ ý kiến đóng góp để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 53, Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

Chỉ thị 27/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh “trong quá trình soạn thảo VBQPPL có liên quan đến môi trường kinh doanh, đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, phải lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp”.

Có thể nói, những quy định làm cơ sở pháp lý đã rõ, điều cần bàn đến ở đây là mức độ, trách nhiệm của bên soạn thảo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và bên được lấy ý kiến tham gia đến đâu để sớm ra đời được một khung pháp lý đi vào thực tiễn.

Trên thực tế, việc quy định là rõ ràng, nhưng trách nhiệm của các nhà soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đôi lúc còn chưa thật chủ động trước vấn đề mới nảy sinh, nhiều khi việc đi lấy ý kiến còn mang tính thụ động, thậm chí mang tính hình thức nên thường dẫn đến hiện tượng văn bản mới vừa ban hành lại phải sửa đổi vì lạc hậu, không phù hợp với thực tế và tính hiệu quả pháp lý thấp. Còn trách nhiệm của bên có quyền tham gia đóng góp ý kiến thì luôn bị động, được hỏi mới trả lời, có lúc được hỏi việc trả lời cũng còn mang tính hình thức, không được hỏi thì không biết tham gia như thế nào… Đây là vấn đề mấu chốt để nhắc lại vai trò chủ động của doanh nghiệp kinh tế, Hiệp hội doanh nghiệp kinh tế khi thực hiện các quyền của mình đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thực tiễn từ các doanh nghiệp và các Hiệp hội kinh tế

Trong quá trình hình thành và hoạt động, để đạt được các mục tiêu của mình, doanh nghiệp kinh tế không chỉ ngồi chờ các cơ quan quản lý tạo ra “sân chơi, luật chơi” mà phải thấy, chính doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp (Hiệp hội) phải chủ động tạo dựng cho mình thế chủ động. Thế chủ động nói đến ở đây là “vận động hàng lang, vận động chính sách”. Vận động để nhằm sớm hình thành chính sách đó, đưa chính sách đó nhanh đi vào thực tế, chính sách đó có lợi cho doanh nghiệp và thuận lợi cho quản lý mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Có thể nói, đây chính là một nhu cầu thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, trong rất nhiều hoạt động vận động chính sách lúc đầu khó có tính khả thi bởi nhiều lý do, một trong những lý do đó là nhận thức của một số người, một số bộ phận được quản lý chưa bắt kịp với thực tế, vì không có điều kiện tham gia để được va chạm với các vấn đề nảy sinh. Mặt khác, xét về tính hiệu quả có thể sẽ thêm việc cho quản lý, khó cho quản lý và nảy sinh ra “ngại”, do đó mà nhiều chính sách rất khó ra đời, nếu có thì rất muộn… những lý do trên bao giờ lợi thế cũng thuộc về các nhà quản lý. Đây là vấn đề bức xúc bấy lâu nay của khối các doanh nghiệp kinh doanh và được báo chí phản ánh dưới góc độ là khi chưa quản lý được thì “cấm”.

Để thúc đẩy mọi hoạt động phát triển theo chiều hướng tốt, nhanh chóng đem lại lợi ích cho cộng đồng thì các doanh nghiệp phải dựa trên một nền tảng pháp lý rõ ràng. Đó là nhu cầu ra đời một khung pháp lý cho hoạt động vận động chính sách đối với doanh nghiệp. Xuất phát từ những luận cứ nêu trên, trong thời gian qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ động cùng với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học để cùng nhau trao đổi nhận diện vấn đề “Vận động hành lang, vận động chính sách của khối doanh nghiệp kinh tế”. Các cuộc hội thảo đều nhằm đến mục đích là làm rõ việc có cần hay không việc xây dựng một khung pháp lý cho hoạt động “Vận động chính sách đối với doanh nghiệp kinh tế thời hội nhập”. Đại đa số các chuyên gia trong nước và nước ngoài khi tham gia hội thảo về chuyên đề này đều khẳng định, trên thế giới loại hình của khung pháp lý này đã tồn tại và đang điều chỉnh những hành vi có liên quan đến quá trình vận động. Vì vậy, nhiều đại diện đều nhất trí đề nghị và cho rằng, Nhà nước sớm triển khai để cho ra đời khung pháp lý cho loại hình hoạt động này.

Vai trò của các cơ quan tham mưu

Chúng ta đã hội nhập, và một trong những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là tính minh bạch hoá. Minh bạch hoá nhằm giảm đi sự bất định, giảm đi sự thiên lệch của nội dung văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Để làm được điều này thì trước hết vấn đề đang được quan tâm cần được nêu ra, cần được công khai tranh luận về các ý kiến của các bên khi tham gia và mỗi khi chuẩn bị đi đên kết luận cũng cần công bố cho xã hội biết để mọi người dân, với quyền giám sát của mình, thấy được sự cân nhắc đó là hệ quả tối ưu nhất, có lợi cho các bên tham gia.

Trách nhiệm của các bên phải thấy rõ cơ chế chính thức khi tiến hành soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, đều phải gắn với những cam kết trước đó với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, quá trình này cần có sự tham vấn của các chuyên gia quốc tế. Đây là điều mà chúng ta thường coi nhẹ, đôi lúc còn bỏ qua và kết quả nhiều văn bản không tương tích với cộng động rộng lớn.

Vai trò của các Hiệp hội là cần sớm chuyên nghiệp hoá hoạt động đóng góp xây dựng chính sách có liên quan tới lợi ích của doanh nghiệp kinh tế với tư cách như người phản biện, thể hiện sự công tâm và hướng tới phát triển. Đặc biệt là chủ động đề xuất, kiến nghị việc hình thành chính sách pháp luật cho doanh nghiệp thuộc Hiệp hội của mình.

Các cơ quan quản lý nhà nước không nên quá ôm đồm tất cả mọi việc, có rất nhiều việc cứ để cho các tổ chức đại diện cho các loại hình doanh nghiệp như hiệp hội ngành nghề tiến hành. Vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện, cho cơ chế để Hiệp hội doanh nghiệp chủ động nêu sáng kiến pháp luật, theo đó theo dõi xây dựng pháp luật, Nhà nước với vai trò quản lý nắm chắc quá trình và tạo hướng đi, giảm sát, kiểm tra.

Vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước cần được nhấn mạnh ở đây là phát hiện, ngăn chặn việc “xé rào” của cuộc chơi, của việc hình thành chính sách. Đó là hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào quan hệ cá nhân tác động đến chính sách, nhằm đạt mục đích là đem lại lợi ích cục bộ và tập trung vào cá nhân.

Kiến nghị

Thứ nhất, Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành một khung pháp lý cho loại hình “Vận động chính sách đối với doanh nghiệp kinh tế thời hội nhập”. Mục đích là tạo ra một hành lang pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế, đại diện các doanh nghiệp (Hiệp hội) chủ động không chỉ trong việc tham gia ý kiến xây dựng, đóng góp vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp kinh tế mà còn chủ động nêu sáng kiến pháp luật để hoạt động đúng hướng, đúng pháp luật trong một sân chơi rộng.

Thứ hai, tuyên truyền sâu rộng chủ đề đang tiến hành là “xây dựng khung pháp lý cho hoạt động vận động chính sách đối với các doanh nghiệp kinh tế thời hội nhập” để có thêm nhiều ý kiến đóng góp, tham gia của các chủ thể và các chuyên gia trong nước và nước ngoài, nhằm khi đưa khung pháp lý sát với cuộc sống, nhanh đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cao.

Những vấn đề nêu ra mới chỉ phản ánh được một phần liên quan đến khối doanh nghiệp kinh tế khi tác nghiệp, tạo dựng chính sách liên quan đến hoạt động hiện tại và tương lai, mong rằng vấn đề này sẽ còn có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận để mục đích đạt được là “thuận trên hợp dưới”, một khung pháp lý mới ra đời, xác định rõ hiệu quả trong thực tế./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 2 (418) THÁNG 1 NĂM 2008 – TS. VŨ THỊ NHÀI