Cùng với các hình thái sáng tạo và phổ biến truyền thống, mạng internet là một hình thái mới để văn hoá tồn tại và phát triển. Môi trường kỹ thuật số đã đưa đến cách thức mới để sáng tạo tác phẩm, truyền đạt chúng, làm cho nó sẵn sàng phục vụ công chúng ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào do họ lựa chọn. Thật là thành quả vĩ đại của loài người, khi chúng ta được khai thác, sử dụng nó vì mục đích phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, giao lưu giữa các nền văn hoá. Bài viết này đề cập tới quy mô và thành tựu phát triển của văn hoá mạng tại Trung Quốc.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số:  1900.0191

Thành tựu qua số liệu:

Đến tháng 6/2007, tổng số công dân mạng của Trung Quốc đã đạt 162 triệu người, cao nhất thế giới. Từ cuối năm 2006 trở lại đây tăng 25 triệu người, trung bình cứ 1 phút tăng thêm 100 người. Họ là những công dân trẻ, 40% thuộc độ tuổi từ 30 trở xuống. Ở trình độ đại học và trên đại học chiếm 40%, học sinh chiếm 1/3.

Tại Trung Quốc số lượng các trang Web là 1.310.000, trung bình nửa năm có trên 470.000 trang web mới. Tỷ lệ tăng trưởng 60%/năm, trung bình 1000 người dân có một trang web. Người vào mạng internet chủ yếu là thu thập thông tin, đồng thời giải trí. Về địa điểm vào mạng, tại nhà riêng là chủ yếu, chiếm 73,8%, sau đó là tại quán internet, tại cơ quan và tại trường học. Các Blog cá nhân được thiết lập rất nhiều, từ nhu cầu của cá nhân. Có nhiều Blog có số người truy cập lớn, trong đó Blog của Từ Tĩnh Lôi có tới 115 triệu lượt người truy cập.

Chi phí vào mạng tại Trung Quốc được giảm dần theo năm. Hiện tại mỗi công dân mạng trung bình phải trả 75,1 Nhân dân tệ/tháng. Tổng chi phí vào mạng trong 1 năm trên phạm vi toàn quốc là 150 tỷ Nhân dân tệ.

Điện thoại di động có thể tải nhạc trên 12.530 website có dữ liệu âm nhạc. Hiện có 44.300.000 người sử dụng điện thoại di động, chiếm 10% trong tổng số 450 triệu máy vào mạng để xem phim.

Cư dân có thể đọc báo, tạp chí điện tử qua điện thoại di động. Website “Dưới bóng cây đa” là website về tác phẩm văn học lớn nhất Trung Quốc, giúp cư dân mạng thưởng thức tác phẩm trên mọi nẻo đường. Game online là lĩnh vực hoạt động mạng thu hút đông đảo công dân mạng giải trí.

Bài toán khó có tính toàn cầu:

Internet trở thành công cụ quan trọng của các thế lực đối lập trong chiến lược phân hoá và tây hoá Trung Quốc. Các thông tin giả, không lành mạnh, văn hoá hủ bại, lạc hậu xuất hiện tràn lan trên mạng. Các hành vi vi phạm như đánh bạc, sex v.v…không ngừng xuất hiện, mặc dù đã bị ngăn cấm. Ý thức công dân mạng không cao.

Quản lý nội dung và quản lý ngành nghề chưa hoàn toàn thống nhất, phương pháp quản lý không theo kịp tốc độ phát triển kỹ thuật mạng.

Nhiệm vụ chủ yếu:

Tinh thần chỉ đạo là phát triển mạnh văn hoá mạng mang màu sắc Trung Quốc với các vấn đề sau:

– Phải cung cấp cho quần chúng những dịch vụ và sản phẩm văn hoá mạng nhiều và tốt hơn nữa. Tăng cường xây dựng mặt trận văn hoá tư tưởng trên mạng; phát triển mạnh các sản nghiệp văn hoá mạng. Nỗ lực để hình thành dư luận tích cực đóng vai trò chủ đạo trên mạng.

– Thực hiện chủ trương tiến thêm một bước trong quy hoạch dịch vụ thông tin mạng gồm các nội dung: xác định rõ ràng phạm trù quản lý dịch vụ thông tin văn hoá mạng; Quy định chế độ cho phép tham gia thị trường, dần dần thực hiện phân loại, phân cấp quản lý; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.

– Xây dựng một môi trường văn hoá mạng văn minh gồm các nội dung: Xây dựng xu hướng đạo đức lành mạnh trên mạng; tăng cường tính tự giác của các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, của các chủ thể hoạt động văn hoá trên mạng và vai trò giám sát của xã hội; Tập trung phát triển quy hoạch môi trường văn hoá mạng; Thúc đẩy pháp chế hoá nội dung quản lý và xây dựng văn hoá mạng.

– Tăng cường chỉ đạo đối với việc xây dựng và quản lý văn hoá mạng, gồm các nội dung công việc: Hoàn thiện thể chế lãnh đạo; Thăm dò và xây dựng thể chế quản lý, trong đó có sự kết hợp giữa lập pháp, giám sát thi hành, tinh thần tự giác và bảo đảm kỹ thuật; Tăng cường xây dựng đội ngũ văn hoá mạng./.

TS. Vũ Mạnh Chu – Cục bản quyền tác giả

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)