Bởi lẽ đó, cần có những biện pháp mạnh hơn nữa nhằm giải quyết vấn nạn hàng nhái, hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước.
Thực trạng nạn hàng nhái, hàng giả ở nước ta
Theo báo cáo của cơ quan công an ở 43/64 tỉnh/thành từ năm 2002 đến 2007, có tới gần 11.000 vụ và 1.500 đối tượng buôn bán hàng giả bị phát hiện, gây hại và đe dọa nghiêm trọng thị trường trong nước. Thống kê sơ bộ về hàng giả bị bắt giữ trong gần 5 năm qua khiến mọi người phải hoảng sợ. Cụ thể là 8 tấn bột ngọt, 85.000 tấn xi măng, 25 tấn mỹ phẩm, 35 triệu cơ số tân dược, 25.000 chai rượu các loại, 50.000 chai bia, nước giải khát, 50.000 tấn sắt thép xây dựng, 15.000 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đó là những vụ được phát hiện, còn nếu tính cơ số vụ chưa phát hiện được thì con số có thể lớn gấp nhiều lần, bởi ngoài số hàng giả nói trên, cơ quan chức năng còn bắt giữ tới trên 5 tấn vỏ hộp, bao bì, nhãn mác giả.
Hàng giả hiện nay được làm rất tinh vi về chất lượng khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt, chúng không chỉ được bày bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà len lỏi vào cả các siêu thị lớn. Mới đây, cuộc thanh tra ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đơn cử nhãn hiệu thời trang Valentine được bán trong các shop sang trọng phần lớn đều là hàng giả. Thành phố Hà Nội đã từng phát hiện ngay tại Tràng Tiền Plaza bán túi sách hiệu L.V giá hàng triệu đồng một chiếc nhưng cũng là hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc. Chanel, một hãng nước hoa và thời trang danh tiếng đang hối thúc các Luật sư của LVN Group Việt Nam xử lý việc vi phạm nhãn hiệu này trên thị trường Việt Nam, bởi gần đây từ trung tâm thương mại, siêu thị đến các shop mỹ phẩm thời trang, mua hàng Chanel thật còn khó hơn mua hàng Chanel giả. Bvlgari mới vào thị trường Việt Nam cũng bắt đầu phải yêu cầu các Luật sư của LVN Group bảo vệ nhãn hiệu của mình đang bị “nhái” ngày một nhiều. Các loại đồng hồ danh tiếng nhất thế giới từ Omega, Rolex, Tissot đến Longines, Swatch đều đang là khách hàng của Luật sư của LVN Group Phạm và liên danh.
Với hàng giả sản xuất trong nước thì thường được làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự, giống hệt thật, hoặc sản xuất hàng giả dùng mác thật có cả chỉ dẫn địa lý. Điều đáng lo ngại là hầu hết các mặt hàng giả đều là thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, thuốc men ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mệnh của người dân.
Bức xúc trước thực trạng báo động này, giám đốc một công ty dược phẩm cho biết: doanh nghiệp đã phải tốn kém rất nhiều chi phí cũng như thời gian, công sức cho việc bảo vệ uy tín sản phẩm của mình nhưng vẫn chưa thấm vào đâu; khi thương hiệu đã có uy tín thì hàng bị làm nhái, làm giả lập tức xuất hiện. Chi phí cho nhiệm vụ phân biệt hàng thật, hàng giả của từng công ty có thể khác nhau, nhưng tối thiểu cũng chiếm từ 1 – 3% doanh số và làm giảm doanh thu của công ty từ 20 đến 30%. Điều đáng nói hơn là nó làm cho các nhà sản xuất hoang mang và mất lòng tin ở khách hàng. Cứ hễ doanh nghiệp thay đổi về mẫu mã và cách trang trí thì chỉ trong một thời gian ngắn hàng thật đã bị làm nhái. Doanh nghiệp có giải thích, hướng dẫn cho khách hàng đâu là thật, đâu là giả thì chỉ sau một thời gian sản phẩm cũng bị làm nhái, làm giả.
Hàng giả có thể do một gia đình, một doanh nghiệp hoặc một số đối tượng liên hiệp sản xuất ra. Có thể dẫn ra vài vụ điển hình như: (1) Vụ buôn bán rượu ngoại giả của “trùm rượu giả” Nguyễn Văn Hữu tại phường 3 – quận 8 – thành phố Hồ Chí Minh với thủ đoạn là pha rượu lúa mới với nước màu rồi đem trộn với rượu ngoại. (2) Vụ Trần Thị Bạch Linh, chủ doanh nghiệp tư nhân Linh Sâm – Nghệ An, sản xuất rượu ngoại giả với thủ thuật pha chế dùng 50% rượu Brandy pha với 50% rượu ngoại rồi đóng chai, dập nút và dán tem nhập khẩu đưa đi tiêu thụ. (3) Vụ sản xuất phân bón giả quy mô lớn ở huyện Thuận An-Bình Dương, do một số đối tượng liên hiệp tiến hành bằng cách dùng nguyên liệu, cát, muối và bột màu đóng vào bao (loại 50kg), giả nhãn hiệu phân Kali, lân… đưa đi tiêu thụ chủ yếu ở Bình Phước, Đăk nông, Đăk lăk. (4) Vụ Mai Công Nghệ đứng ra tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, phòng bệnh giả.
Đáng lo ngại là tốc độ công nghiệp hoá quá nhanh đã đẩy nông dân vào việc mất đất hoặc vào cảnh nông nhàn nhiều hơn. Từ đó bọn đầu nậu, thương lái đến lôi kéo đội ngũ này đi làm hàng nhái, hàng giả. Ví dụ như nghề sản xuất tròng kính và mắt kính giả ở Thái Bình với các nhãn hiệu nổi tiếng như Rayban, Gucci, Pilot…
Ngay ở một số xã ở ngoại thành Hà Nội cũng có tổ chức sản xuất bánh kẹo dán các nhãn hiệu Bảo Ngọc, Hải Hà, Kinh Đô… và hàng may mặc giả các nhãn hiệu May 10, Thành Công, Nhà Bè, thậm chí là cả nhãn của Anh, Pháp, ý…
Với hàng giả sản xuất tại nước ngoài, phần lớn đều là những loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc muốn sản xuất phải mất chi phí cao như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông. Một báo cáo của C15 Bộ Công an cho biết, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bằng cả đường tiểu ngạch và chính ngạch. Thủ đoạn để nhập hàng giả theo đường chính ngạch là đặt làm hàng giả nước ngoài, sau đó thay bằng nhãn mác khác, về thị trường Việt Nam mới bỏ nhãn mác đó đi và thay bằng nhãn mác nổi tiếng. Đáng chú ý là sự xuất hiện nền công nghiệp sản xuất hàng hoá của Trung Quốc. Hầu như trong lĩnh vực nào, trong tất cả các chủng loại hàng hoá từ cao cấp đến rẻ tiền, Trung Quốc đều làm nhái được với mẫu mã, hình thức giống y hàng thật.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ thì hành vi nhái những nhãn hiệu còn được đưa vào nhái trên cả mặt hàng không liên quan tới nhãn hiệu thật. Như Honda hiện nay đang bị một số doanh nghiệp nhái để đặt tên cho mũ bảo hiểm hoặc cả hàng may mặc, mặt hàng mà hãng Honda không hề kinh doanh.
Nguyên nhân
Sở dĩ hàng nhái, hàng giả ngày càng phát triển là do siêu lợi nhuận thúc đẩy, lôi kéo một số đối tượng tham lam vô độ. Một sản phẩm làm giả có thể đưa lại lợi nhuận gấp 5, gấp 10 lần, do đó họ bất chấp lương tri, không hề tính toán gì đến tác hại cho người tiêu dùng và xã hội.
Mặt khác, tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng ngoại, ham rẻ, đó là nhân tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có nơi lưu hành thuận lợi. Hơn nữa, người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác và ít có thông tin về sản phẩm nên khó biết được sản phẩm thật – giả nếu chưa sử dụng.
Song một nguyên nhân hết sức quan trọng, theo nhận định của “chính những người trong cuộc” là do quy định pháp lý về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là về pháp lý xác định hành vi và quy trình thủ tục pháp lý trong quá trình kiểm tra. Theo Chi cục Quản lý thị trường, một cái khó nữa là thủ tục về giám định và kết luận vi phạm, hồ sơ khiếu nại và thẩm quyền kiểm tra xử lý.
Về giám định, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ không còn chức năng giám định mà chỉ có ý kiến chuyên môn khi cơ quan trưng cầu thì khi một vấn đề phát sinh là kết quả giám định do doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan thực thi có được coi là chứng cớ pháp lý hay chỉ là một tài liệu tham khảo. Hồ sơ khiếu nại cũng là vấn đề tranh cãi bởi chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hồ sơ hợp lý và đầy đủ. Các văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này cũng chưa thật sự rõ ràng khiến doanh nghiệp cũng không có căn cứ cụ thể để chuẩn bị hồ sơ khiếu nại. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc thụ lý hồ sơ trước khi đưa ra quyết định kiểm tra. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý cũng là vấn đề hết sức bức xúc của lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo xử lý nghiêm minh, triệt để, tránh tình trạng kiểm tra xử lý tràn lan, tuỳ tiện gây tác động xấu đến thị trường.
Thủ tục hành chính trong thanh tra, kiểm tra rườm rà không hợp lý, có khi chuẩn bị được thủ tục thì đối tượng làm hàng giả đã phi tang, biến mất. Vấn đề giám định cũng không có nguồn kinh phí, phương tiện giám định thiếu, lạc hậu dẫn đến thời gian giám định không đảm bảo vì phải gửi ra nước ngoài thẩm định. Các hành vi xâm phạm làm hàng giả lại quy định chỉ khi nào vượt quá giá trị 30 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự theo luật như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Một số giải pháp
Theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác, phối hợp và hợp tác với các cơ quan pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể trực tiếp gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng Luật sư của LVN Group để khiếu nại với Cục Sở hữu trí tuệ.
Đối với người tiêu dùng, cần giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn là chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Việt Nam hiện nay cần phải thiết lập một cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nhà sản xuất phải bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng nhái, hàng giả. Hơn nữa, cũng nên có một hành lang pháp lý do Hội bảo vệ người tiêu dùng lập ra để bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.
Phải hoàn chỉnh hành lang pháp lý về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Các điều quy định trong Luật phải được hướng dẫn, xử lý cụ thể để cơ quan thực thi tiến hành thoả đáng. Một mặt cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường, một mặt tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác. Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho có đủ sức răn đe tội phạm.
Vấn nạn hàng nhái, hàng giả hiện nay đang diễn biến nóng bỏng và phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nước ta khi đã là thành viên chính thức của WTO. Do đó cần có luật pháp nghiêm minh với các cơ quan thực thi đủ năng lực, trình độ, lôi cuốn được các doanh nghiệp và mọi người dân tích cực tham gia mới hy vọng đạt được kết quả mong muốn./.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 16 THÁNG 8/2008 (432) – TS. NGUYỄN QUỐC LUẬT
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)