Tuy nhiên, tổ chức hành nghề công chứng của nước ta được thiết kế như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường mà vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước là điều nhiều người băn khoăn để có nên có một đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng?

1. Có nên xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng?

Nhìn một cách tổng thể, “xã hội hoá” công chứng là việc Nhà nước huy động các nguồn lực ngoài xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công chứng nhằm giảm bớt áp lực đè nặng lên ngân sách cũng như hướng tới mục tiêu tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy hành chính nhà nước. Để làm tốt công tác này, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải xây dựng được kế hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau về đề án quy hoạch.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, không cần thiết phải lập đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Theo quan điểm này, hiện chúng ta đã tiến hành “xã hội hoá” hoạt động công chứng tức là cho phép công chứng viên ngoài Nhà nước được quyền tự đầu tư mở văn phòng công chứng thì việc thành lập hay chấm dứt hoạt động văn phòng công chứng sẽ do công chứng viên bỏ vốn toàn quyền quyết định (trừ trường hợp chấm dứt theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 34, Luật Công chứng). Cơ sở pháp lý cho quan điểm này chính là nội dung điểm a, Khoản 1, Điều 22, Luật Công chứng. Theo đó, công chứng viên có quyền “được lựa chọn nơi để hành nghề công chứng, trừ công chứng viên của Phòng công chứng”. Những luật gia ủng hộ quan điểm thứ nhất cho rằng, quy mô phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng sẽ được quyết định bởi chính nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo đúng quy luật cung – cầu của thị trường. Nơi nào có nhu cầu công chứng cao sẽ là nơi nhiều văn phòng công chứng đặt trụ sở. Ngược lại, ở những địa phương có số lượng giao dịch, hợp đồng ít, Nhà nước tiếp tục phải đầu tư kinh phí thành lập phòng công chứng hoặc giao chức năng công chứng cho hệ thống cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền khác thực hiện.

.Về đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, các nhà quản lý hoạt động công chứng phải xây dựng được đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng và coi đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm thiết chế công chứng có thể phát triển lành mạnh. Điểm a, Khoản 2, Điều 11, Luật Công chứng khi quy định về “Trách nhiệm quản lý nhà nước về công chứng” đã khẳng định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ “Xây dựng và trình Chính phủ chính sách phát triển công chứng”, bao gồm cả việc xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi toàn quốc. Còn ở quy mô địa phương, Sở Tư pháp khi giúp việc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về công chứng có nhiệm vụ “Xây dựng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương để đáp ứng nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt; tổ chức thực hiện đề án đó sau khi được phê duyệt” (Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/1/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng).

Trên thế giới tồn tại cả hai quan điểm nêu trên trong pháp luật của các quốc gia có mô hình tổ chức công chứng hành nghề tự do, bao gồm cả quốc gia theo trường phái công chứng hình thức lẫn quốc gia theo trường phái công chứng nội dung. Qua tham khảo những quy định về công chứng được ghi nhận trong pháp luật của một số quốc gia, chúng tôi thấy nhiều quốc gia theo trường phái công chứng hình thức (nổi trội là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) không đặt ra điều kiện phải xây dựng đề án quy hoạch phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trong khi các quốc gia theo trường phái công chứng nội dung (tiêu biểu là Cộng hoà Pháp) yêu cầu trên lại được pháp luật ghi nhận. Theo chúng tôi, đây chính là hệ quả xuất phát từ những nhiệm vụ mà thiết chế công chứng phải đảm nhiệm trong mỗi trường phái công chứng nói riêng. Đứng trên phương diện truyền thống, chúng tôi cho rằng, về bản chất, công chứng Việt Nam hiện nay thuộc trường phái công chứng nội dung nên chúng ta cũng phải xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, điều đó không chỉ bắt nguồn từ tập tục mà còn dựa trên đặc điểm của công chứng Việt Nam. Theo chúng tôi, quan điểm thứ nhất không phải là không có cơ sở nhưng chưa đầy đủ và không phản ánh triệt để bản chất của loại hình “dịch vụ công chứng”. Tất nhiên, về cơ bản, trong nền kinh tế thị trường nói chung, quy mô cung cấp mọi hình thức dịch vụ, bao gồm cả “dịch vụ công chứng” được điều tiết bởi quy luật cung – cầu. Quay trở lại với lý thuyết kinh tế thị trường, chúng ta thấy ngay cả những nhà kinh tế học cổ điển cũng đã đưa ra mô hình nền kinh tế thị trường được điều chỉnh bởi quy luật “hai bàn tay”, trong đó “bàn tay vô hình” chính là nhu cầu khách quan của thị trường trong khi “bàn tay hữu hình” không có gì khác ngoài sự điều tiết của Nhà nước. Ở nước ta, các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ IX và lần thứ X cũng khẳng định chủ trương xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, “nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước” lại là một trong bốn yêu cầu cơ bản để có thể xây dựng thành công “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam. Như vậy, ngay cả khi áp dụng quy luật cung – cầu của mô hình kinh tế thị trường vào quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng, yếu tố điều tiết của Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng. Đó là chúng ta còn chưa kể đến năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực công chứng. Đây cũng là điều các nhà quản lý phải cân nhắc khi nước ta đang thực hiện những bước đi đầu tiên của toàn bộ chương trình “xã hội hoá” hoạt động công chứng nói riêng cũng như xây dựng mô hình tổ chức công chứng hành nghề tự do nói chung trong điều kiện kinh nghiệm quản lý hầu như chưa có, cơ chế quản lý vẫn trong quá trình hoàn thiện. Từ sự phân tích ở trên, việc lập quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng cũng như đội ngũ công chứng viên khi thực hiện chủ trương “xã hội hoá” hoạt động công chứng đóng vai trò hàng đầu, quyết định sự thành bại của chủ trương này. Không những thế, quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng còn phải tính đến tầm ảnh hưởng to lớn của loại hình dịch vụ công chứng đối với an sinh xã hội cũng như tính ổn định, bền vững của mạng lưới. Chúng ta không thể hình dung hậu quả xảy ra khi một loạt văn phòng công chứng được thành lập mới sau vài tháng hành nghề lại chấm dứt hoạt động do không có khách hàng. Chấm dứt hoạt động văn phòng công chứng không đơn giản như giải thể một doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh đơn thuần do lĩnh vực công chứng đòi hỏi rất cao về tính ổn định. Thông thường, văn bản công chứng (ví dụ: hợp đồng vay tiền, hợp đồng thế chấp hay di chúc…) chỉ phát huy “hiệu lực thi hành” hay “giá trị chứng cứ” (Điều 6, Luật Công chứng) sau một khoảng thời gian nhất định, có khi kéo dài đến hàng chục năm. Chính vì vậy, sẽ rất khó giải quyết hậu quả nếu tại thời điểm xảy ra tranh chấp về nội dung văn bản công chứng, công chứng viên chứng nhận văn bản công chứng đó đã nghỉ việc trong khi văn phòng công chứng cũng chấm dứt hoạt động, nhất là khi văn bản công chứng có sai sót. Đây cũng chính là lý do các luật gia quy định thời gian thuê hoặc mượn nhà làm trụ sở văn phòng công chứng phải có thời hạn tối thiểu là 3 năm (Điều 4, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/1/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng). Đến đây, chúng ta khẳng định rằng xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng là yêu cầu tất yếu xét trên cả phương diện khoa học cũng như căn cứ theo quy định của pháp luật.

2. Các tiêu chí xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Trên thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lại áp dụng hệ quan điểm rất khác nhau khi xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng. Minh chứng cho nhận định trên chính là quy mô và cách thức phát triển tổ chức hành nghề công chứng rất khác nhau ngay giữa các tỉnh, thành phố có nhiều điểm tương đồng về điều kiện kinh tế – xã hội. Ví dụ: TP. Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 2.095 km2, bao gồm 19 quận, 5 huyện với dân số khoảng 7,123 triệu người. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 7 phòng công chứng và 12 văn phòng công chứng (trong đó có 1 văn phòng chưa đăng ký hoạt động) được phép đặt trụ sở. Trong khi đó, thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên vào khoảng 3.325 km2, bao gồm 1 thị xã, 10 quận và 18 huyện với dân số xấp xỉ 6,449 triệu người lại có tới 9 phòng công chứng và 39 văn phòng công chứng. Tính trung bình ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi quận, huyện chỉ có 0,79 tổ chức hành nghề công chứng; nếu căn cứ theo diện tích tự nhiên, mỗi tổ chức hành nghề công chứng phải phụ trách một địa bàn rộng 110 km2; nếu căn cứ theo đầu người, mỗi tổ chức hành nghề công chứng phải phục vụ 374.900 người. Trong khi đó, tỉ lệ tương ứng ở thủ đô Hà Nội là 1,65; 69,27 km2; 134.350 người. Đó là chúng ta còn chưa kể đến các yếu tố không kém phần quan trọng khác như số lượng công chứng viên hành nghề tại từng tổ chức hành nghề công chứng và đặc biệt là số lượng hợp đồng, giao dịch thực tế diễn ra ở mỗi địa phương…

Có thể thấy rằng, sự phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng tại hai trung tâm đầu não của đất nước về kinh tế không tuân theo một bản đề án quy hoạch được tạo lập dựa trên cùng một tiêu chí thống nhất. Các địa phương tự xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của địa phương mình dựa trên những tiêu chí do họ tự đặt ra. Trước tình hình đó, ngày 09/9/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ-BTP về việc thành lập Tổ soạn thảo Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Chúng tôi cho rằng, để có thể xây dựng được một bản đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng có chất lượng, làm “kim chỉ nam” cho xu thế vận động của hoạt động bổ trợ tư pháp này tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi toàn quốc, vừa bảo đảm tính thống nhất nhưng cũng vừa phù hợp với điều kiện khách quan của từng vùng, miền, chúng ta cần đưa ra những tiêu chí cơ bản cho việc xây dựng bản đề án nói trên, bao gồm:

Thứ nhất, phải xác định chính xác chủ thể của hoạt động công chứng. Hiện đang tồn tại rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về chủ thể của hoạt động này. Quan điểm thứ nhất cho rằng chỉ có công chứng viên mới là chủ thể thực hiện hành vi công chứng. Quan điểm này được ghi nhận rất rõ ràng tại Điều 2, Luật Công chứng: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai lại khẳng định có nhiều chủ thể khác cũng được thực hiện hành vi công chứng trong một số loại hình giao dịch nhất định hay trong những điều kiện xác định. Ví dụ: điểm b, Khoản 1, Điều 127, Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất”. Chúng ta cũng có thể bắt gặp những quy định tương tự trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều 658, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”; Khoản 3, Điều 93, Luật Nhà ở năm 2005 quy định “Trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở”; Điều 660, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực”; Điểm 2, Mục I, Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất quy định về “Công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản về bất động sản” khẳng định: “Hợp đồng, văn bản về bất động sản trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thì xác nhận tại Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế, Ban quản lý Khu công nghệ cao”… Như vậy, thực tế ở nước ta, công chứng viên không phải là chủ thể duy nhất được pháp luật trao cho quyền năng “chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch”. Sở dĩ có tình trạng trên là do đặc thù của cách thức quy định chủ thể công chứng không chỉ gói gọn trong nội dung Luật Công chứng. Theo cách thức quy định như hiện nay, các nhà làm luật có thể mở rộng hoặc thu hẹp chủ thể thực hiện hành vi công chứng trong các đạo luật chuyên ngành mà không phải sửa đổi bất cứ điều nào của Luật Công chứng. Đây là một quan điểm xây dựng pháp luật không phù hợp với những gì đã được thể hiện trong Luật Công chứng. Tất nhiên, nếu cùng một hành vi nhưng có nhiều chủ thể được quyền thực hiện thì áp lực, khối lượng công việc sẽ giảm xuống và ngược lại. Theo chúng tôi, việc quy định công chứng viên là chủ thể duy nhất của hoạt động công chứng là một yêu cầu vượt quá xa khả năng đáp ứng của hệ thống tổ chức hành nghề công chứng hiện có cũng như sẽ có. Vì vậy, chúng ta đã đề ra chủ trương và bước đầu thực hiện tiến trình “xã hội hoá” hoạt động công chứng. Trong khi Nhà nước không đủ tiềm lực tài chính, nhân sự… để có thể xây dựng một mạng lưới phòng công chứng rộng khắp trên toàn quốc thì các công chứng viên “tự do” bỏ vốn thành lập văn phòng công chứng cũng có xu hướng đầu tư vào những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, số lượng giao dịch lớn… nhằm bảo đảm yếu tố thu hồi vốn và khả năng sinh lời cao. Điều này có nghĩa các tổ chức, cá nhân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh vẫn không có điều kiện tiếp cận, sử dụng dịch vụ công chứng một cách thuận tiện. Do đó, việc quy định công chứng viên là chủ thể duy nhất thực hiện hành vi công chứng là bất hợp lý và khó thực thi. Pháp luật công chứng của một số quốc gia như Cộng hoà Bê Nanh, Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Liên bang Đức, Hàn Quốc… – những nơi có chế định công chứng phát triển với lịch sử hàng trăm năm xây dựng và trưởng thành – vẫn cho phép ngoài công chứng viên, một số chức danh nhất định có quyền thực hiện hành vi công chứng trong những điều kiện, hoàn cảnh xác định. Đó có thể là một vài cá nhân hay cơ quan, tổ chức – nơi những cá nhân này công tác như Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng, Phòng Hộ tịch… Chúng tôi cho rằng, quy định như vậy là hợp lý nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng cho cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu trong điều kiện không nhất thiết phải duy trì hoạt động của một công chứng viên và/hoặc tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, thưa thớt dân cư và có ít giao dịch.

Thứ hai, cần xác định phạm vi công chứng hay những công việc mà công chứng viên phải đảm nhiệm. Để xác định phạm vi công chứng, các nhà làm luật thường dựa trên hai yếu tố cơ bản sau:

Yếu tố thứ nhất là bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật. Đây là yếu tố thể hiện ý chí chủ quan của Nhà nước trong quản lý các hợp đồng, giao dịch quan trọng nhằm giảm thiểu tranh chấp, phòng ngừa vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Yếu tố trên thường được nhấn mạnh trong pháp luật công chứng của các quốc gia có mô hình tổ chức công chứng nhà nước, nơi vai trò quản lý của công chứng được đặt lên hàng đầu.

Yếu tố thứ hai là yếu tố mang tính tự nguyện của người yêu cầu công chứng. Dựa vào yếu tố này có thể khẳng định công chứng không phải là biện pháp quản lý hành chính nhà nước thuần túy mà ở khía cạnh nào đó, công chứng chính là công cụ để đương sự chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân. Đây cũng chính là yếu tố nổi trội trong pháp luật công chứng của các quốc gia có mô hình tổ chức công chứng hành nghề tự do, nơi quan niệm công chứng là một dạng nghề nghiệp.

Căn cứ vào hai yếu tố kể trên, pháp luật công chứng cũng có hai cách thức quy định phạm vi công chứng khác nhau. Cách thứ nhất là liệt kê cụ thể từng đầu việc mà công chứng viên hoặc văn phòng công chứng được phép thực hiện ngay trong văn bản quy phạm pháp luật về công chứng. Cách này có lợi thế là dễ áp dụng nhưng rất phức tạp khi cần thiết phải thay đổi phạm vi công chứng. Pháp luật công chứng nước ta cũng đã từng áp dụng cách quy định này tại Nghị định số 31/CP ngày 18/05/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước. Cách thứ hai là quy định mang tính nguyên tắc để công chứng viên chủ động áp dụng hoặc xác định phạm vi công chứng rải rác trong các đạo luật chuyên ngành. Cách này tuy khó thực hiện do đòi hỏi công chứng viên phải có trình độ chuyên môn cao và liên tục cập nhật văn bản nhưng phạm vi công chứng có thể được thay đổi, bổ sung một cách thuận tiện. Hiện nay, Luật Công chứng quy định phạm vi công chứng một cách vô cùng mềm dẻo, linh hoạt. Cách quy định hiện hành tồn tại cả hai yếu tố là công chứng theo quy định của pháp luật và công chứng theo yêu cầu của đương sự (Điều 2, Luật Công chứng). Hệ quả là chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xác định quy mô những công việc mà công chứng viên phải đảm nhiệm. Rõ ràng, các nhà làm luật có thể quy định thêm hay bỏ bớt đi các hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng khi xây dựng từng đạo luật hoặc văn bản quy phạm dưới luật. Để minh chứng cho nhận định trên, dưới đây chúng tôi xin đơn cử một ví dụ như sau. Về nguyên tắc, phạm vi công chứng được quy định tại Điều 3, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực không có gì khác biệt so với Luật Công chứng (Điều 2). Tuy nhiên, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, bằng việc ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Chính phủ đã sử dụng một văn bản quy phạm dưới luật để thu hẹp quy mô công việc đầu vào cho các tổ chức hành nghề công chứng. Một khối lượng công việc không nhỏ (bao gồm việc chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký và chứng nhận bản dịch) trước đây thuộc thẩm quyền của hệ thống tổ chức hành nghề công chứng nay đã được chuyển giao cho hệ thống cơ quan khác. Nghiên cứu các quy định thực định của pháp luật, chúng tôi gặp không ít những trường hợp tương tự. Điều này dẫn đến khối lượng công việc đầu vào của hệ thống tổ chức hành nghề công chứng đã giảm đi một cách đáng kể. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, để có thể lập được đề án quy hoạch phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng một cách hiệu quả, chúng ta phải dự liệu được hệ thống cơ quan này phải đảm đương những công việc gì.

Thứ ba, cần xác định tiêu chí phân bố tổ chức hành nghề công chứng hay công chứng viên theo những quy chuẩn thống nhất. Đây là yêu cầu nhằm bảo đảm quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng được phát triển, bố trí hợp lý trên phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương, nhất là trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, các vùng, miền ở nước ta không đồng đều. Qua tìm hiểu pháp luật công chứng của một số quốc gia, chúng tôi thấy khi quy hoạch mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng họ thường sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các biện pháp sau:

Biện pháp thứ nhất là ấn định số lượng tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên được phép hoạt động trong một địa hạt (địa giới hành chính của một hoặc một vài quận, huyện, thậm chí có thể căn cứ theo đơn vị hành chính nhỏ hơn hay được xác định theo thẩm quyền của Toà án sơ thẩm cùng cấp với tổ chức hành nghề công chứng) nhất định. Thông thường, người ta sử dụng phương pháp này khi pháp luật công chứng có xác định địa hạt là phạm vi hành nghề cho tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên. Theo biện pháp này, tại mỗi địa hạt, căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, các nhà làm luật sẽ ấn định một số lượng nhất định tổ chức hành nghề công chứng và/hoặc công chứng viên hành nghề công chứng trên địa hạt đó. Cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền chỉ bổ nhiệm công chứng viên hoặc cho phép thành lập mới tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi số lượng đã được ấn định. Biện pháp này bảo đảm cho mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng được phát triển rộng khắp trên mọi địa bàn nơi có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau. Nhược điểm lớn nhất của biện pháp thứ nhất là quy mô mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng và/hoặc công chứng viên sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan của nhà quản lý.

Biện pháp thứ hai là xác định số lượng công chứng viên hành nghề trên một địa hạt nhất định dựa vào tình hình thực tế. Đây là biện pháp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu công chứng thường xuyên của cá nhân, tổ chức tại một địa hạt. Căn cứ vào những phần việc cụ thể mà công chứng viên phải xử lý khi giải quyết một yêu cầu công chứng nhất định, trình độ trung bình của công chứng viên và số ngày công tác theo quy định của Nhà nước…, các nhà làm luật đưa ra một tỉ lệ chuẩn số vụ việc công chứng mà công chứng viên có thể giải quyết trong một ngày làm việc. Sau đó, căn cứ vào kết quả thống kê hàng năm tổng số yêu cầu công chứng đã được giải quyết tại một địa hạt bất kỳ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ấn định số lượng công chứng viên hành nghề tại địa hạt đó. Ví dụ, tỉ lệ đưa ra là mỗi năm một công chứng viên có thể giải quyết khoảng 2.000 yêu cầu công chứng. Căn cứ số lượng yêu cầu công chứng đã được giải quyết tại một địa hạt nhất định (ví dụ, 4.000 yêu cầu công chứng trong một năm), cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền sẽ ấn định số lượng công chứng viên hành nghề tại địa hạt đó là 2 công chứng viên. Tất nhiên, người ta cũng có thể quy định một tỷ lệ tăng, giảm nhất định để việc bổ nhiệm mới hoặc miễn nhiệm bớt công chứng viên sát với yêu cầu thực tế. Ví dụ, số lượng yêu cầu công chứng tăng hoặc giảm dưới 30% thì không tiến hành bổ nhiệm thêm hoặc miễn nhiệm bớt công chứng viên. Tỉ lệ này cũng chính là căn cứ pháp lý để cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành bổ nhiệm mới công chứng viên hành nghề tại những địa bàn chưa có công chứng viên hoạt động. Chúng tôi cho rằng, biện pháp này tỏ ra có tính khoa học cao, tránh được tình trạng lạm dụng quyền lực hay bổ nhiệm công chứng viên một cách bừa bãi. Vấn đề mấu chốt là các nhà quản lý cần xác định được chính xác một công chứng viên với trình độ trung bình có khả năng giải quyết bao nhiêu yêu cầu công chứng trong một khoảng thời gian nhất định (đó là các yêu cầu công chứng không quá phức tạp mà công chứng viên thường xuyên phải xử lý). Biện pháp này còn có ưu điểm là các ứng cử viên cho chức danh công chứng viên cũng được cung cấp đầy đủ thông tin để quyết định đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm mình vào những vị trí còn đang bỏ trống.

Biện pháp thứ ba là xác định số lượng công chứng viên hành nghề tại một địa hạt căn cứ theo quy mô dân số của địa hạt đó. Nhìn một cách tổng thể, biện pháp này cũng được xây dựng trên cùng một nguyên lý như biện pháp thứ hai. Ở biện pháp thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác định nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trung bình trên mật độ dân cư để từ đó quy định số lượng công chứng viên cần thiết tính theo đầu người. Ví dụ: tỉ lệ được xác định là 1 công chứng viên trên 100.000 người dân thì sẽ bổ nhiệm 3 công chứng viên hành nghề tại một địa hạt có 300.000 người. Tương tự như biện pháp thứ hai, các nhà làm luật cũng ấn định một tỉ lệ tăng, giảm nhất định để bổ nhiệm thêm hoặc miễn nhiệm bớt công chứng viên khi quy mô dân cư tại một địa hạt nào đó tăng hoặc giảm. Biện pháp thứ ba còn có một biến thể khác là xác định khoảng cách tối thiểu giữa trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng. Ví dụ, trụ sở tổ chức hành nghề công chứng phải được đặt cách nhau tối thiểu là 2 km đường bộ. Đây là tiêu chí không dựa vào địa giới hành chính, số lượng cư dân, khối lượng giao dịch mà lại dựa vào khoảng cách tối thiểu giữa trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng, địa điểm tác nghiệp chính của công chứng viên nhằm bảo đảm mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng phát triển rộng khắp. Hoặc người ta có thể quy định trong một diện tích xác định sẽ chỉ được phép đặt trụ sở một số lượng tổ chức hành nghề công chứng nhất định. Ví dụ, quy định mỗi tổ chức hành nghề công chứng phải bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng cho một địa bàn rộng 5 km2 thì trong một địa hạt có diện tích 10 km2 sẽ chỉ được phép đặt trụ sở tối đa hai tổ chức hành nghề công chứng.

Trên đây là một vài khía cạnh của cơ sở lý luận cũng như thực tiễn có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng cũng như tầm quan trọng của đề án quy hoạch đối với sự phát triển của thiết chế công chứng tại Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Trên cơ sở đặc tính của trường phái công chứng nội dung, trường phái công chứng mà nước ta đang áp dụng, chúng tôi phân tích một số vấn đề làm cơ sở cho quá trình xây dựng đề án quy hoạch, nhằm làm cho đề án quy hoạch này vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa bảo đảm yếu tố mềm dẻo để có thể áp dụng tại nhiều địa phương có điều kiện hoàn cảnh kinh tế – xã hội khác nhau.

 Tuấn Đạo Thanh – Phòng Công chứng số 3 TP. Hà Nội

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)