Thứ nhất, loại việc do lỗi của bên bán hàng khi đưa hàng không đúng chủng loại đã giao kết trong hợp đồng
Đối với hàng hoá có giá trị tương đối lớn hoặc rất lớn, thông thường bên bán hàng yêu cầu bên mua hàng đặt trước một lượng tiền nhất định dưới dạng tiền đặt cọc, tiền ứng trước tương đương với một phần giá trị khối lượng hàng đặt mua. Khi bên bán hàng cầm tiền tạm ứng của bên mua mới đi mua hoặc đặt hàng từ các hãng sản xuất. Phổ biến loại việc này là mua các hàng hoá chế tạo, lắp ráp có xuất xứ từ nước ngoài. Do đặc điểm hàng hoá, linh kiện có xuất xứ chính gốc từ cơ sở chính của hãng sản xuất bao giờ cũng bảo đảm chất lượng và có giá cả cao hơn so với hàng cùng loại sản xuất từ các chi nhánh của hãng sản xuất đó tại các quốc gia khác, nên các nhà kinh doanh thường chấp nhận loại hàng hoá lắp ráp bởi linh kiện do cơ sở của hãng sản xuất ở các quốc gia khác sản xuất, chế tạo. Phía người mua thông thường đặt mua hàng hoá có xuất xứ từ gốc, từ chính hãng sản xuất, chế tạo. Phía người bán do sự thiếu hiểu biết hoặc do cố tình mua loại, hàng hoá, thiết bị cùng loại nhưng không bảo đảm các linh kiện được lắp ráp có xuất xứ như hợp đồng giao kết giữa hai bên.
>>Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Ví dụ điển hình: Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco) ký hợp đồng mua của công ty Đạt Phát một máy phát điện 500 KVA với quy cách chất lượng là máy hiệu Misubistshi, xuất xứ Japan, model 0450B, động cơ Misubistshi, model S6A3-PTA-S, đầu phát Stamford (UK), sản xuất năm 2001 – 2002. Giá mua 57.036 USD, tương đương 858.391.800 đồng. Thoả thuận về thanh toán:
Lần 1: Thanh toán 10% (85.839.180 đồng) ngay sau khi ký hợp đồng.
Lần 2: Thanh toán 70% (600.874.260 đồng) khi có giấy báo hàng về cảng.
Lần 3: Thanh toán 17% ngay sau khi nghiệm thu máy.
Lần 4: Thanh toán 3% sau khi hết hạn bảo hành.
Công ty Grainco tạm ứng trước cho Công ty Đạt Phát 80% giá trị máy khi đã đưa về lắp đặt và chạy thử tại cơ sở do công ty Grainco yêu cầu. Tuy nhiên, công ty Grainco từ chối ký biên bản nghiệm thu máy và từ chối thanh toán tiền cho công ty Đạt Phát. Lý do từ chối là công ty Đạt Phát xác định xuất xứ máy phát điện từ Singapore, không phải từ Japan. Công ty Grainco yêu cầu công ty Đạt Phát nhận lại máy, thanh toán trả lại cho công ty Grainco số tiền đã nhận cùng tiền lãi theo lãi suất ngân hàng từ khi nhận tiền tới khi xét xử sơ thẩm.
Diễn biến quá trình giải quyết vụ án:
Bản án kinh tế sơ thẩm số 148/KT-ST ngày 26/9/2003 của Toà án nhân dân thành phố H căn cứ các điều khoản của hợp đồng mua bán máy của hai bên, quyết định xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Grainco, buộc công ty Đạt Phát nhận lại máy, thanh toán trả cho công ty Grainco số tiền đã nhận, tiền lãi suất và tiền phí giám định máy tổng cộng là 766.642.765 đồng.
Bị đơn kháng cáo, cho rằng do máy là hàng đặt, không thể bán cho đơn vị khác, hơn nữa bên mua đã sử dụng thử máy nên chất lượng không còn đảm bảo 100%, đề nghị Toà án buộc bên mua nhận máy và tính tiền mua máy giảm giá do chênh lệch về xuất xứ.
Bản án kinh tế phúc thẩm số 107/PT-KT ngày 09/4/2004 của Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, cho rằng máy có xuất xứ không đúng hợp đồng, nhưng đã được giám định là máy mới 100%, là hàng đặt nên không thể bán cho người khác, máy đã chạy thử nên không còn mới 100%, bên mua đã chấp nhận cho bên bán lắp đặt máy để sử dụng và giá của máy đã lắp đặt chênh lệch so với giá máy được ký trong hợp đồng. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm xử buộc công ty Grainco phải nhận máy và thanh toán cho công ty Đạt Phát số tiền còn lại, buộc công ty Đạt Phát trừ số tiền chênh lệch do mua hàng sai xuất xứ.
Ngày 04/01/2005, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kháng nghị số 01/KN-AKT đối với bản án phúc thẩm nêu trên với lập luận: Phía công ty Đạt Phát đã có lỗi mua hàng hoá không đúng chủng loại (xuất xứ) như thoả thuận tại hợp đồng, do đó, buộc công ty Đạt Phát nhận lại máy đã giao, trả lại tiền tạm ứng, lãi và chi phí phát sinh như quyết định của bản án sơ thẩm mới đúng.
Quyết định giám đốc thẩm số 09/HĐTP-KT ngày 30/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ y bản án phúc thẩm.
Như vậy, quan điểm nhận thức nêu trong kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý vụ án này chưa được chuẩn xác khi buộc công ty Đạt Phát phải nhận lại máy, công ty Grainco được nhận lại tiền mua hàng đã thanh toán cho Công ty Đạt Phát, do đó, không được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã có quan điểm chấp nhận buộc bên mua phải nhận máy, nhưng bên bán phải giảm giá bán như quan điểm của Toà án cấp phúc thẩm để bảo đảm quyền lợi của hai bên.
Trong vụ án kinh tế khác: Người bán hàng là cửa hàng H.Quang, người mua hàng là công ty P.Lâm, hai bên ký Hợp đồng mua bán số 1905 ngày 19/5/2006, theo đó bên mua đặt mua một số lượng 5 mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Mỹ trị giá 10.234 USD. Ngày 27/6/2006 hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 1905/PL với số lượng đặt hàng 3 mặt hàng bổ sung trị giá là 1.882 USD. Tổng giá trị hai hợp đồng là 12.116 USD, tương đương 190.366.000 đồng, phía người mua đã chuyển tiền cho người bán.
Ngày 27/7/2006, cửa hàng H.Quang giao hàng, hai bên lập biên bản xác định có 3/8 mặt hàng quan trọng nhất và có giá trị nhất theo hợp đồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan. Phía người bán đề nghị người mua chấp nhận sử dụng hàng đã giao, cam kết bảo hành bảo đảm hoạt động tốt như hàng hoá đã thoả thuận và đồng ý chi thêm 500 USD vì lý do hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ. Phía người mua nhận thiết bị để sử dụng và đã nhận 500 USD do người bán chuyển đến.
Sau hơn một tháng sử dụng, thiết bị hoạt động không tốt nên công ty P.Lâm đã có văn bản khiếu nại tới bên bán hàng yêu cầu nhận lại hàng hoá và bồi thường khoản tiền công ty P.Lâm phải đi thuê máy của đơn vị khác để sử dụng. Ngày 01/11/2006, công ty P.Lâm khởi kiện vụ án, đề nghị Toà án buộc cửa hàng H.Quang thực hiện yêu cầu nêu trên, cụ thể là buộc cửa hàng H.Quang nhận lại hàng đã bán và thanh toán trả 190.366.000 đồng và những thiệt hại kinh tế do công ty P.Lâm phải thuê thiết bị từ ngày 28/9/2006 đến khi xét xử là 300.000 đồng/ngày (tương đương 42.750.000 đồng).
Diễn biến quá trình giải quyết vụ án:
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2007/KDTM-ST ngày 23/7/2007 của Toà án nhân dân quận C, thành phố H xử:
– Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là trả lại tất cả 8 mặt hàng có giá trị 190.366.000 đồng.
– Không chấp nhận yêu cầu nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 42.750.000 đồng. Buộc cửa hàng H.Quang trả số tiền chênh lệch giá của 3 mặt hàng giao sai xuất xứ (theo cách tính tại văn bản định giá của Hội đồng định giá do Uỷ ban nhân dân quận thành lập theo yêu cầu của Toà án) cho công ty P.Lâm là 48.258.080 đồng.
Chủ cửa hàng H.Quang kháng cáo, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm buộc bên mua phải nhận máy và không chấp nhận quyết định buộc cửa hàng H.Quang phải trả 48.258.080 đồng tiền chênh lệch giá máy do sai xuất xứ.
Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 1511/2007/KDTM-PT của Toà án nhân dân thành phố H xử: Không chấp nhận yêu cầu của công ty P.Lâm đòi cửa hàng H.Quang nhận lại máy đã bán, thanh toán số tiền là 233.116.000 đồng phát sinh trong hợp đồng kinh tế ngày 19/5/2006 và phụ lục hợp đồng ngày 27/6/2006, gồm giá trị hàng hoá đã mua là 190.366.000 đồng và phạt vi phạm hợp đồng là 42.750.000 đồng.
Công ty P.Lâm khiếu nại quyết định của Toà án phúc thẩm.
Quan điểm của chúng tôi là từ khi hai bên lập biên bản xác định lỗi của bên bán hàng đến khi khởi kiện, công ty P.Lâm đã có yêu cầu bên bán sửa chữa, khắc phục chất lượng hàng đã nhận là phù hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 41, Điều 49 Luật Thương mại; khoản 2 Điều 437, khoản 1 Điều 444, khoản 3 Điều 447 Bộ luật Dân sự.
Trong vụ án này, phía người bán có lỗi đã chuyển 3/8 mặt hàng cùng loại nhưng không đúng xuất xứ, phía người mua chấp nhận nhận thiết bị, máy móc để đưa vào sử dụng với điều kiện người bán phải sửa chữa, khắc phục sai sót về tính chất của hàng hoá. Khi cửa hàng H.Quang không khắc phục được vi phạm (hàng hoá sai xuất xứ) thì công ty P.Lâm có quyền trả lại vật để lấy lại tiền, phù hợp quy định tại Điều 49 Luật Thương mại, khoản 3 Điều 447 Bộ luật Dân sự.
Công ty P.Lâm khai phải thuê máy móc thay thế máy đã mua để sử dụng và xuất trình tài liệu chứng minh thiệt hại (theo hợp đồng ký với đơn vị khác). Đây là thiệt hại thực tế, mặc dù trong hợp đồng không có quy định mức bồi thường thiệt hại, song căn cứ khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự thì công ty P.Lâm có quyền yêu cầu cửa hàng H.Quang khắc phục vi phạm (sửa chữa để máy móc có chất lượng tương đương hàng đặt mua) và bồi thường thiệt hại (tiền thuê máy).
Do đó, theo chúng tôi Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để Toà án xét xử buộc cửa hàng H.Quang có trách nhiệm trả khoản tiền chênh lệch về thiết bị mua sai xuất xứ cho công ty P.Lâm và bồi thường khoản tiền thuê thiết bị mà bên mua đã chi phí nhằm khắc phục thiệt hại bằng khoản tiền thuê thiết bị đã ký kết với đơn vị khác trong thời gian chờ cửa hàng H.Quang sửa chữa, thay thế thiết bị có tính chất đúng tiêu chuẩn đã giao kết trong hợp đồng.
Thứ hai, lỗi do bên bán hàng không giao hàng cho bên mua như thoả thuận trong hợp đồng
Trong một số vụ án, sau khi đã nhận tiền đặt cọc hoặc tạm ứng trước một phần tiền mua hàng của bên mua, bên bán hàng đã không giao hàng cho bên mua mà chiếm đoạt hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích khác, hết thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn không tìm được hàng để giao cho bên mua.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu bên bán mới nhận khoản tiền đặt cọc mà hợp đồng không có thoả thuận khác thì đương nhiên bên bán phải trả cho bên mua với tổng số tiền là 200% giá trị khoản tiền đặt cọc đã nhận khi từ chối thực hiện hợp đồng.
Đối với khoản tiền tạm ứng mua hàng bên bán đã nhận của bên mua thì không thể xử lý như đối với khoản tiền đặt cọc được. Trường hợp này, cần hiểu là bên bán đã chấp nhận bán cho bên mua số lượng hàng hoá có giá trị tương đương với số tiền đã nhận. Vì bất cứ lý do gì (ngoài những lý do pháp luật đã loại trừ), cần tôn trọng và áp dụng nguyên tắc bên bán phải có trách nhiệm giao cho bên mua khối lượng hàng hoá tương đương giá trị tiền đã nhận tại thời điểm đó. Có nghĩa tại thời điểm nhận tiền tạm ứng, bên bán có nghĩa vụ giao cho bên mua đủ số lượng hàng hoá tương đương số tiền theo giá trị hợp đồng.
Khi bên bán không thực hiện được hợp đồng, tức là có vi phạm xảy ra, bên bán có trách nhiệm phải trả bên mua đúng số lượng hàng hoá tương đương với tỷ lệ giá trị hợp đồng đã ký kết mới bảo đảm quyền lợi của bên mua. Nếu hợp đồng không có thoả thuận khác về phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại thì chỉ có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết nội dung tranh chấp.
Tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định, nên không thể buộc bên bán phải thực hiện đầy đủ toàn bộ nội dung của hợp đồng, tức là không thể buộc bên bán giao 100% hàng hoá cho bên mua, cũng không thể buộc bên bán giao hàng hoá cho bên mua nếu bên bán không có khả năng đó. Trong tình huống này, cần buộc bên bán trả lại giá trị cho bên mua theo nguyên tắc nêu trên.
Vụ án chúng tôi đang nghiên cứu: Ngày 18/9/2006, Xí nghiệp tư doanh H.Trang ký hợp đồng mua cà phê với doanh nghiệp tư nhân Đ.Mãi với số lượng 60 tấn cà phê hạt Rxô với giá bình quân là 24.250 đồng/kg. Tổng giá trị hai hợp đồng đã ký kết là 1.455.000.000 đồng. Bên bán phải giao 1/2 số lượng hàng trước ngày 15/11, số lượng còn lại giao trước ngày 15/12. Bên mua ứng trước cho bên bán số tiền tương ứng 80% giá trị hàng, trị giá 1.150.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền tạm ứng, nội bộ doanh nghiệp tư nhân Đ.Mãi gặp khó khăn do chồng của chủ doanh nghiệp ốm chết nên không tổ chức thu mua được hàng, không thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn như thoả thuận trong hợp đồng cho Xí nghiệp tư doanh H.Trang.
Ngày 30/11/2006, bà Đặng Thị Thuỳ Tr, Giám đốc Xí nghiệp H.Trang khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại, đề nghị Toà án giải quyết buộc bà Nguyễn Thị M, chủ doanh nghiệp Đ.Mãi phải giao đủ 60 tấn cà phê hạt Rxô có chất lượng theo thoả thuận tại hợp đồng đã ký và trả cho doanh nghiệp Đ.Mãi số tiền 305.000.000 đồng như thoả thuận trong hợp đồng đã ký.
Doanh nghiệp Đ.Mãi không chấp nhận giao 60 tấn cà phê như hợp đồng, đề nghị Toà án xét xử để xí nghiệp H.Trang nhận lại số tiền doanh nghiệp Đ.Mãi được tạm ứng là 1.150.000.000 đồng.
Diễn biến giải quyết vụ án:
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2008/KDTM-ST ngày 16/5/2008 của Toà án nhân dân thành phố PK, tỉnh G nhận định doanh nghiệp Đ.Mãi có lỗi vi phạm hợp đồng đã ký kết, phải có trách nhiệm thực hiện tất cả những nghĩa vụ của mình đã ký kết, phía xí nghiệp H.Trang không có lỗi nên phải được hưởng tất cả các quyền lợi của mình đã ký kết, quyết định xử buộc doanh nghiệp Đ.Mãi phải giao cho xí nghiệp H.Trang 60 tấn cà phê Rxô chất lượng như đã giao kết trong hợp đồng, buộc xí nghiệp H.Trang giao cho doanh nghiệp Đ.Mãi số tiền 305.000.000 đồng.
Phía bị đơn: Bà M có đơn kháng cáo.
Ngày 29/5/2008, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G có Kháng nghị số 05/QĐ/KNPT-P5 với nội dung: Buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ giao hàng là không đúng giá trị thực, gây thiệt hại cho bị đơn 12.000 kg cà phê, dẫn đến tính án phí không chính xác.
Ngày 05/9/2008, Toà án nhân dân tỉnh G có Bản án phúc thẩm số 02/2008/KDTM-PT, bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn và bác Kháng nghị số 05/QĐ/KNPT-P5 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G, quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi có bản án phúc thẩm, doanh nghiệp Đ.Mãi có khiếu nại, đề nghị Toà án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với lý do chỉ chấp nhận trả xí nghiệp H.Trang số tiền tạm ứng mua hàng đã nhận.
Có ý kiến cho rằng, xí nghiệp H.Trang đã ký kết hợp đồng thì phải có trách nhiệm tôn trọng các điều khoản của hợp đồng.
Quan điểm của chúng tôi là, trường hợp không thực hiện được hợp đồng nêu trên có lý do khách quan làm cho phía người bán không thể thu mua được hàng trả cho người mua; cần xem xét đó không phải là lỗi cố ý. Do đó, không thể coi xí nghiệp H.Trang đã thực hiện đủ 100% nghĩa vụ của hợp đồng để buộc doanh nghiệp Đ.Mãi phải thực hiện 100% nghĩa vụ đã cam kết. Đây là hợp đồng song vụ nên không thể buộc doanh nghiệp Đ.Mãi phải trả xí nghiệp H.Trang 60 tấn cà phê như thoả thuận ký kết trong hợp đồng, mà chỉ có thể buộc doanh nghiệp này trả cho bên mua 48 tấn cà phê (tương đương 80% giá trị của hai hợp đồng). Mặt khác, Toà án cũng không thể xử doanh nghiệp Đ.Mãi chỉ phải trả xí nghiệp H.Trang 1.150.000.000 đồng đã nhận vì tại thời điểm ký kết, số tiền đó có sức mua tương đương 48 tấn cà phê hạt cùng loại ký trong hợp đồng.
Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, cơ quan có thẩm quyền đã xác định giá cà phê cùng loại là 32.500 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá cà phê khi ký kết hợp đồng. Do đó, cần giải quyết lại vụ án trên bằng một bản án với quyết định buộc người bán trả người mua giá trị tiền tương ứng 48 tấn cà phê cùng loại đã ký kết trong hợp đồng mới bảo vệ được quyền lợi của người mua.
Đối với loại việc này, khi quyết định giải quyết tranh chấp, vấn đề tính lãi suất ngân hàng đối với số tiền đã được bên mua giao cho bên bán không được đặt ra nếu hai bên không có thoả thuận về lãi suất tiền tạm ứng trong hợp đồng.
Quan điểm của chúng tôi thì chỉ khi nào giải quyết theo hướng buộc doanh nghiệp Đ. Mãi trả cho xí nghiệp H.Trang giá trị tương đương 48 tấn cà phê hạt Rxô theo tiêu chuẩn đặt hàng mua mới bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người mua hàng.
Theo chúng tôi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, giao hồ sơ về Toà án nhân dân cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục chung theo hướng phân tích trên mới bảo đảm quyền lợi của hai bên. Do Toà và Viện kiểm sát còn có nhiều ý kiến khác nhau về hướng giải quyết các vụ án nêu trên. Vì vậy rất mong được độc giả trao đổi để làm sáng tỏ cách giải quyết loại tranh chấp này./.
SOURCE: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 5/2005 – LÊ SONG LÊ – KIỂM SÁT VIÊN, VKSND TỐI CAO
Trích dẫn từ: http://tapchikiemsat.org.vn