Cuối tháng 6 vừa qua, Nicolas Hayek đã qua đời ở tuổi 82, sự nghiệp kinh doanh của ông sẽ mãi là huyền thoại trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Lần  đầu tiên Hayek để ý đến đồng hồ là  thập niên 1980, cũng là lúc ông được hỏi ý kiến về việc đóng cửa một ngành công nghiệp. Thay vì đưa ra những giải pháp tốn kém cho việc đóng cửa này, Hayek đã trở thành vị cứu tinh của ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ.

>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

“Swiss watch” và “Swiss Swatch”
Được đào tạo để trở thành một nhà khoa học, do đó, Hayek không phải là người thiết kế ra chiếc đồng hồ Swatch, mà đó là công sức của đội kỹ sư Thụy Sỹ. Tuy nhiên, bằng năng khiếu marketing của một doanh nghiệp, Nicolas Hayek là người đã “làm hàng” để sản phẩm này đến được với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hayek đã thành công nhờ biết kết hợp giữa tính khả dụng, kinh tế, độ tin cậy để tạo ra một chiếc đồng hồ hiện đại, phù hợp trong nhiều hoàn cảnh.

Trước khi mất, Nicolas Hayek là chủ sở hữu 19 nhãn hiệu thời trang cao cấp, trong đó có Jaquet Droz, Hamilton, Omega và đặc biệt là Swatch – biểu tượng thành công của đồng hồ Thụy Sỹ. Hiện nay, mỗi năm thương hiệu Swatch sản xuất 300 mẫu thiết kế, một nửa trong số đó được thải loại sau 6 tháng, nhờ đó, Swatch trở thành một đồ dùng được nhiều người lựa chọn sưu tầm. Đã có nhiều câu lạc bộ sưu tầm đồng hồ Swatch.

Ngày nay, với nhiều nhà  máy ở Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Thái Lan, Malaysia và  Trung Quốc, tập đoàn Swatch Group là nhà sản xuất và cung cấp đồng hồ lớn nhất thế  giới, chiếm hơn 25% thị phần của thị trường này. Năm 2001, hãng xuất xưởng 114 triệu chiếc đồng hồ, doanh thu đạt 3,3 tỷ USD. Ngoài mặt hàng truyền thống là đồng hồ, hãng còn tham gia vào lĩnh vực vi điện tử, truyền thông, máy tính và thiết bị y tế.

Cái tên Swatch vẫn nổi tiếng trên thế giới là những chiếc đồng hồ chính xác, sang trọng, và cả thời trang. Nicolas Hayek đã từng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học lớn ở châu Âu, là thành viên của hội đồng tư vấn chính phủ Đức, Pháp và nhiều nước khác trong Cộng đồng châu Âu. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý của nhiều quốc gia, nhưng Hayek nói, phần thưởng đáng giá nhất đối với ông chính là “bản chứng nhận chất lượng” – những chiếc đồng hồ Swatch – được hàng triệu người đeo hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Swatch Group được thành lập vào đầu thập niên 1980. Đó là kết quả của cuộc sáp nhập giữa hai đại gia sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đang gặp khó khăn SSIH và ASUAG. Lúc đó SSIH và ASUAG đã có sẵn những thương hiệu lớn với lịch sử vĩ đại là Omega và Tissot của SSIH, Rado và Longines của ASUAG.

Ngoài các nhãn hiệu  đồng hồ cao cấp, ASUAG còn sở hữu ETA, một nhà  sản xuất các bộ phận chuyển động của  đồng hồ nổi tiếng trên thế giới và Nivarox-FAR, nhà sản xuất linh kiện đồng hồ. Hầu hết các nhà sản xuất đều phải mua lại các bộ phận  đồng hồ do ETA và Nivarox-FAR sản xuất.

Tuy vậy, đến đầu những năm 1980, cả hai hãng này đều rơi vào tình trạng bế tắc trước mối đe doạ đến từ  phương Đông. Đầu những năm 1970, thị trường đồng hồ thế giới chứng kiến sự lấn sân  ồ ạt của những nhãn hiệu đồng hồ Nhật Bản như Casio, Timex, Seiko và Citizen. Thời gian này, tổng doanh thu của các hãng đồng hồ Thụy Sỹ đã đạt con số 10 tỷ USD và dòng chữ khắc trên vỏ đồng hồ “Made in Switzerland” vẫn đảm bảo cho nhu cầu của các khách hàng đã quen với các sản phẩm tốt nhất. Nhưng chỉ chưa đến một thập kỷ sau, những chiến binh Samurai của Nhật Bản đã thu hẹp thị trường của người Thụy Sỹ, vốn đã quen nghĩ rằng thị trường ở đây hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của họ.

Giữa lúc SSIH và ASUAG đang gặp khó khăn thì Seiko ra giá mua lại Omega và các nhãn hiệu khác. Các ngân hàng cho rằng, với chi phí nhân công cao, ngành đồng hồ Thụy Sỹ khó có thể tồn tại. Theo họ, Thụy Sỹ nên tập trung vào phân khúc hạng sang, nhường sân chơi cấp trung và cấp thấp cho các đối thủ châu Á. Và các ông chủ đồng hồ Thụy Sỹ đã gõ cửa nhà tư vấn Nicolas Hayek. Những tên tuổi lớn trong giới kinh doanh thời đó thường sử dụng dịch vụ tư vấn của ông có thể kể đến Volkswagen, Nestle, US Steel, AEG-Telefunken, Alfa-Romeo, Daimler-Chrysler, Siemens, DEC, BMW, Dresdener Bank.

Bằng lòng tự tôn dân tộc và khả năng thẩm định thị  trường tốt, Hayek đã quyết tâm vực dậy ngành đồng hồ của nước mình. Hayek nói rằng, muốn cạnh tranh với người Nhật thì nhất thiết phải thay đổi hình thức kinh doanh từ trước đến nay, vốn gắn với sự độc quyền.

Hayek đã lên kế hoạch sáp nhập SSIH và ASUAG, tinh gọn bộ máy sản xuất tại hai công ty này và đối đầu với các đối thủ Nhật ngay trên phân khúc sở trường của họ  – dòng đồng hồ quartz giá rẻ. Các ngân hàng đã bị ông thuyết phục. Họ chỉ định ông tham gia ban chỉ đạo với nhiệm vụ sáp nhập SSIH và ASUAG.

Lúc đó, cái tên Hayek đã được biết đến ở khắp châu Âu. Mặc dù đã bước sang tuổi 60, Hayek không phải là  người có tư tưởng bảo thủ. Ông quyết  định hướng nền công nghiệp đồng hồ sang thế hệ trẻ, những người luôn coi thời trang và phong cách quan trọng hơn chất lượng và truyền thống. Trong lĩnh vực này, độ bền và sự sang trọng luôn được cho là những yếu tố then chốt, và các nhà sản xuất cũng luôn tin tưởng rằng đấy chính là những gì người tiêu dùng chờ đợi ở đồng hồ Thụy Sỹ.

Hayek đã tìm ra một  đáp án cho bài toán thị trường của mình. Đó chính là sự ra đời của một sản phẩm mang thông điệp  “Chất lượng cao, giá thấp, có tính khiêu khích, phá cách và tràn đầy niềm vui sống”. Theo ý kiến của Hayek, người tiêu dùng mua loại đồng hồ mới này không phải chỉ để xem giờ, mà chính sự sở hữu món hàng sẽ làm cho họ cảm thấy vui thích.

Hayek cho rằng, đồng hồ  cũng như bất cứ đồ vật nào được giới trẻ hâm mộ, có thể là thứ để sưu tập. Chính từ quan điểm đó, Hayek biến  đồng hồ trở thành một loại hàng hoá có thể mua vài ba chiếc vào những dịp khác nhau, đôi khi người ta mua chỉ vì cảm thấy thích, để cho bộ sưu tập thêm phong phú.

Vấn đề còn lại là nghĩ ra một cái tên, một thương hiệu sao cho vừa ngắn gọn, vừa mạnh mẽ, lại vừa thể hiện  được cảm xúc. Hàng trăm phương án được đưa ra, hàng chục cái tên được “mổ xẻ”, nhưng Hayek vẫn chưa hài lòng. Cho đến ngày kia, một nhân viên của SMH , trước giờ ăn trưa viết lên bảng dòng chữ nhắc nhở mọi người về cuộc thảo luận tiếp theo “Swiss watch”. Tên gọi Swatch có thể đọc một cách dễ dàng bằng hầu hết các thứ tiếng này ngay lập tức tạo ra một cơn cuồng nhiệt trong giới trẻ ở khắp nơi, và người ta nhanh chóng lãng quên cái tên khô khan SMH sau khi The Swatch Group, Ltd. ra đời.

Vị cứu tinh của đồng hồ Thụy Sỹ

Không chỉ là đồng hồ

Tiếp đó, theo chỉ đạo của Hayek, các kỹ sư của Swatch Group đã chế tạo ra đồng hồ quartz chỉ có 51 bộ phận, trong khi một mẫu đồng hồ của Nhật có tới 151 bộ phận. Nhờ công nghệ sản xuất tự động, đồng hồ đã được sản xuất trong nước và bán với giá chưa tới 50 USD. Năm 1983, sau 1 năm có mặt trên thị trường, lượng đồng hồ Swatch bán ra đạt đến 1,1 triệu chiếc, sau đó lên tới hơn 12 triệu chiếc vào năm 1986.

Swatch đã trở thành một biểu tượng của Thụy Sỹ vào thập niên 1980. Cuối thập niên 1980, làn sóng ưa chuộng Swatch càng trở nên nóng bỏng. Đến năm 1985, Hayek đã sở hữu lượng cổ phần khống chế trong SMH. SMH đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ sự thành công của nhãn hiệu Swatch. Hayek đã dùng số tiền đó để tái đầu tư các nhà máy mới, chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và mua lại các nhãn hiệu như Blancpain và Glashütte Original.

Năm 1985, Hayek cùng một nhóm các nhà đầu tư mua lại cổ phần kiểm soát của cả ASUAG và SSIH để hợp nhất thành công ty SMH, với mục tiêu hướng đến nhóm khách hàng tiềm năng hoàn toàn mới. Ông cùng các cộng sự muốn thu hút giới trẻ trong khoảng từ 18 đến 30 tuổi- đồng hồ Thụy Sỹ đời mới cần phải hoà hợp một cách hữu cơ với tiêu chuẩn “sành điệu” của họ bao gồm giày thể thao của hãng Nike, áo sơ mi nhãn hiệu Gap và áo len mác Benetton.

Vào năm 1999, Hayek đã thực hiện một cuộc thâu tóm để thỏa mãn niềm  đam mê của ông về ngành nghệ thuật chế  tác đồng hồ tinh xảo. Ông mua lại thương hiệu 235 tuổi có uy tín Breguet từ một nhóm công ty ở  Bahrain với giá 175 triệu USD. Hayek thừa nhận việc mua lại Breguet là một cơ duyên nhưng điều đó đã đem đến cho ông một nhãn hiệu sản xuất ra 4.000 chiếc đồng hồ mỗi năm với lợi nhuận xấp xỉ 940.000 USD. Ông trở thành Tổng giám đốc của Breguet. Sau 11 năm hoạt động cùng với việc đầu tư thêm 80 triệu franc, hiện nay, Breguet có một nhà máy mới sản xuất ra những chiếc đồng hồ có giá bán lên tới 1,6 triệu USD/chiếc.

Hayek chưa bao giờ  để cho Swatch Group chỉ quanh quẩn xung quanh chiếc  đồng hồ. Vào giữa thập niên 1990, ông đã ra mắt Swatchmobile, sau này trở thành nhãn xe Smart Car thuộc sở hữu của Mercedes. Một trong những liên doanh hiện tại của Swatch Group là Belenos Clean Power, một công ty chuyên phát triển các dạng năng lượng thay thế như mặt trời, gió và pin nhiên liệu hydro.

Vào năm 2002, Hayek gửi  một lá thư cho tất cả khách hàng của ETA, tuyên bố rằng, bắt đầu vào năm 2006, hãng sẽ ngừng phân phối các bộ phận chuyển động không lắp ráp. Các bộ phận chuyển động của đồng hồ của ETA được xuất xưởng dưới 2 dạng: hàng lắp ráp đã hoàn chỉnh và hàng không lắp ráp. Các công ty nước ngoài đặt mua các bộ phận không lắp ráp của ETA để sản xuất đồng hồ theo ý họ.

Tuy nhiên, Hayek vẫn chưa dừng lại ở đó. Cuối năm ngoái, ông cho biết  đang xin phép để ETA và Nivarox-FAR được quyền từ chối phân phối bất kỳ linh kiện nào gồm cả phần dây tóc đồng hồ, mà tới 90% nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đang cần. Trước những tranh cãi về bước đi này, Hayek cho rằng: “Tôi làm điều này vì ngành đồng hồ Thụy Sỹ. Nếu không làm thế, người ta sẽ không có tầm nhìn nào, không có động cơ để sản xuất đồng hồ, những người muốn làm đồng hồ chỉ để kiếm tiền. Kết quả là đánh mất đi giá trị của ngành này. Tôi tin rằng đồng hồ của chúng ta không là thứ đồ chỉ để xem giờ. Chúng còn hơn thế nữa. Đó là cả một nghệ thuật”.

Đằng sau ánh hào quang của Swatch ngày nay, ít người biết đến bước khởi đầu đầy vất vả với những con số không của Nicolas Hayek. Ở những bước khởi nghiệp đầu tiên, ông đã từng phải đem thế chấp đồ đạc và vay ngân hàng để lấy vốn kinh doanh. Hayel vốn sinh ra trong một gia đình Libăng. Gia đình ông đã chuyển đến Thụy Sỹ từ năm Hayek mới 7 tuổi và ông học hoá học, toán học và vật lý học tại Đại học Lyons ở Pháp. Hayek đã từng có 6 năm làm nhân viên thống kê và năm 1963, ông thành lập công ty tư vấn quản lý Hayek Engineering. Công ty này đã đạt được những thành công đáng kể với các khách hàng lớn bao gồm Nestle, Siemens và cả US Steel.

Theo nguoilanhdao.com

——————————————————–

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.