Nếu không vì lý do bất khả kháng, người bán không nên tự tuyên bố ngừng thực hiện hợp đồng
Tranh chấp giữa Bên mua là các Cty của Argentina và của Hungary, Bên bán là một Cty của Nga. Bên mua kiện bên bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã không giao hàng như cam kết. Bên bán cho rằng Bên mua đã vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã chậm thanh toán. Tranh chấp được xét xử tại Hội đồng trọng tài Zurich, phán quyết tuyên ngày 31/5/1996. Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi tắt là CISG) đã được áp dụng.
Diễn biến tranh chấp
Từ năm 1991, người bán Nga (một tổ chức của Chính phủ) ký kết một số hợp đồng bán nhôm cho một số người mua có trụ sở kinh doanh ở Argentina và Hungary (bên mua). Việc giao hàng được tiến hành đúng thời hạn cho tới khi Cty người bán chuyển quyền sở hữu cho một Cty tư nhân của Nga. Cty này ngay lập tức tuyên bố sẽ không tiếp tục thực hiện việc giao hàng. Trong quá trình trao đổi thư từ giữa hai bên sau đó, bên mua lưu ý rằng, họ sẽ phải chịu những thiệt hại nặng nề nếu như hàng hoá không được giao đúng hạn. Bên bán đưa ra hoá đơn theo đó ghi rõ số tiền cụ thể đòi bên mua phải thanh toán theo nhiều chuyến hàng trước đó. Bên bán cho rằng, việc bên mua trì hoãn thanh toán tiền hàng những lô hàng trước dẫn tới vi phạm cơ bản nghĩa vụ của bên mua, do vậy, bên bán có quyền từ chối thực hiện hợp đồng. Bên mua đề nghị đàm phán để giải quyết tranh chấp nhưng bên bán từ chối. Bên mua đã kiện bên bán ra trọng tài đòi bồi thường các khoản thiệt hại phát sinh do không giao hàng.
Quyết định của trọng tài
Về việc người bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng: Trọng tài phán xét rằng, việc người bán ngừng giao hàng dẫn tới vi phạm nghĩa vụ của người bán theo điều 30 CISG. Hơn nữa, người bán lại tuyên bố rõ là từ chối thực hiện nghĩa vụ giao hàng, điều này khiến cho vi phạm của người bán cấu thành vi phạm cơ bản theo điều 25 CISG và vì vậy, bên mua được quyền tuyên bố huỷ hợp đồng mà không cần phải gia hạn cho người bán (theo điều 49.1.a CISG).
Việc người mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán: Để xem xét liệu vi phạm của bên mua về nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng giao hàng từng phần có phải là vi phạm cơ bản hay không, trọng tài đã trích dẫn điều 73.2 CISG, “nếu một bên không thực hiện một nghĩa vụ có liên quan đến bất cứ lô hàng nào cho phép bên kia có lý do xác đáng để cho rằng sẽ có một sự vi phạm cơ bản với các lô hàng sẽ được giao trong tương lai thì họ có thể tuyên bố huỷ hợp đồng đối với các lô hàng tương lai đó”. Trọng tài lập luận rằng, không có chứng cứ chỉ ra việc bên mua không thể hay không có thiện chí thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình, vì trên thực tế, bên mua vẫn có khả năng thanh toán và vẫn muốn đàm phán với bên bán về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hơn nữa, bên bán đã không gia hạn thêm cho việc thanh toán và vì thế không thể đòi hủy hợp đồng theo điều 64.1.b CISG. Trọng tài chỉ thêm rằng, việc bên bán từ chối đàm phán với bên mua đi ngược lại với nguyên tắc thiện chí. Với những lập luận nói trên, trọng tài ra phán quyết người mua được đòi bồi thường những thiệt hại cho những tổn thất thực tế của họ (bao gồm chi phí lưu kho và chi phí tài chính phát sinh do việc ngừng giao hàng), theo điều 74 CISG.
Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, nếu không vì lý do bất khả kháng, người bán không nên tự tuyên bố ngừng thực hiện hợp đồng, nếu không, vi phạm của người bán sẽ bị coi là vi phạm cơ bản và người bán sẽ phải bồi thường những thiệt hại đối với người mua do việc vi phạm hợp đồng của người bán gây ra.
Thứ hai, người bán muốn quy kết người mua vi phạm cơ bản hợp đồng thì phải có những căn cứ xác đáng và bằng chứng chứng minh. Trong trường hợp người mua chậm thanh toán, đây không được coi là vi phạm cơ bản, người bán không có quyền ngay lập tức hủy hợp đồng. Người bán phải gia hạn cho người mua một thời hạn hợp lý để thực hiện nghĩa vụ. Nếu hết thời hạn này mà người mua vẫn không thanh toán thì người bán có quyền hủy hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại (điều 64 CISG).
Thứ ba, người bán không nên từ chối việc đàm phán với người mua để giải quyết tranh chấp. Điều này thể hiện sự không thiện chí, thiếu hợp tác của người bán và mâu thuẫn với nguyên tắc thiện chí và trung thực trong thương mại quốc tế. Đây sẽ là điểm bất lợi cho người bán trong quá trình khiếu nại, kiện tụng.
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP – TS. NGUYỄN MINH HẰNG – ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG HÀ NỘI
Trích dãn từ: http://dddn.com.vn