1. Tóm tắt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính và đảm bảo chất lượng đào tạo

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan thì nhắc tới điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính và điều kiện đảm báo chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục là đang nhắc tới các điều kiện để cơ sở giáo dục được thành lập và các điều kiện để cơ sở giáo dục đã thành lập hợp pháp được tiến hành hoạt động giáo dục trên thực tế.

Đối với mỗi loại hình cơ sở giáo dục đào tạo ở các trình độ đào tạo sẽ có các điều kiện thành lập và hoạt động khác nhau.

Ví dụ: Để cơ sở giáo dục phổ thông được hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đáp ứng các điều kiện sau: 

– Trường học được xây tại một khu vực riêng, có tường bao quanh, có cổng trường và biển tên trường.

– Phòng học được xây dựng đạt chuẩn, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh, có bàn ghế của giáo viên, có bảng viết và bảo đảm học nhiều nhất là hai ca trong một ngày; đảm bảo môi trường giáo dục, an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên. 

– Phòng học bộ môn đạt các quy chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

– Có các khối công trình phục vụ học tập gồm nhà tập đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn – Đội, phòng truyền thống;

[…]

– Có tài liệu, chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.

– Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

Quý bạn đọc có thể tham khảo toàn bộ bài viết về các điều kiện thành lập, hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông tại bài viết:

Quy định về thành lập, cấp phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục và giải thể cơ sở giáo dục phổ thông

Hoặc điều kiện thành lập và hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác:

Thủ tục thành lập trường tiểu học và các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể đối với trường tiểu học

Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, đình chỉ và giải thể trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ.

Thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động và giải thể đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Điều kiện thành lập và thủ tục thành lập trường đại học

Các quy định về thủ tục thành lập trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm 

2. Hành vi vi phạm quy định về mua sắm, tiếp nhận, sử dụng tài liệu, thiết bị giảng dạy

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, nhóm các hành vi vi phạm quy định về mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 – 50.000.000 đồng. Nhóm các hành vi vi phạm bị xử phạt bao gồm:

– Hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới, biển và đảo, lợi ích cộng đồng và hòa bình, an ninh thế giới nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc lịch sử nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Hành vi mua sắm, tiếp nhận, sử dụng sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín, truyền bá tôn giáo, hủ tục, tệ nạn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng: Buộc hủy bộ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học.

3. Hành vi vi phạm quy định về vận động tài trợ trong cơ sở giáo dục

Câu hỏi: Thưa Luật sư của LVN Group, cơ sở giáo dục không thực hiện đúng quy trình vận động, tiếp nhận và quy định về quản lý, sử dụng tài trợ thì bị xử phạt thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 31, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận động tài trợ trong cơ sở giáo dục bị xử phạt như sau:

– Hành vi vi phạm quy trình về vận động, tiếp nhận tài trợ: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.

– Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài trợ: Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng: Buộc trả lại các khoản chi không đúng quy định từ nguồn vận động tài trợ.

4. Hành vi vi phạm quy định về thu, chi tài chính

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về thu, chi nêu trên là hành vi vi phạm quy định về chi không đúng quy định đối với các khoản chi thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Cụ thể, các hành vi này bị xử phạt như sau:

– Hành vi thu các khoản không đúng quy định của cấp có thẩm quyền: Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi phí tổ chức trả lại. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền thu được do thực hiện hành vi vi phạm mà có để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả trả lại số tiền đã thu.

– Hành vi chi không đúng quy định của cấp có thẩm quyền đối với các khoản chi không thuộc ngân sách nhà nước: Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai.

5. Hành vi vi phạm quy định về đảm bảo chất lượng hoặc điều kiện an toàn môi trường học

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 nghị định 04/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng hoặc điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học bị xử phạt như sau:

– Hành vi không bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường, lớp học: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học.

– Hành vi không bảo đảm tỷ lệ người học trên giảng viên hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học đối với cơ sở giáo dục có tỷ lệ người học trên giảng viên vượt từ 50% đến 100% định mức quy định hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học chỉ đạt từ 50% đến 90% định mức quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

– Hành vi không bảo đảm tỷ lệ người học trên giảng viên hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học đối với cơ sở giáo dục có tỷ lệ người học trên giảng viên vượt từ 100% định mức quy định trở lên hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học chỉ đạt dưới 50% định mức quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 12 tháng đến 24 tháng

6. Hành vi vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục

Trả lời:

Các hành vi vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục bị xử phạt tịa Điều 34 nghị định 04/2021/NĐ-CP như sau:

– Đối với cơ sở giáo dục có hành vi tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

– Đối với cơ sở giáo dục có hành vi báo cáo kết quả đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục không đúng thực tế: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

– Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, công khai không chính xác các nội dung trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện công khai theo quy định hoặc buộc cải chính thông tin sai sự thật

– Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có hành vi thành lập đoàn đánh giá ngoài không đúng quy định của pháp luật hiện hành: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi phí tổ chức trả lại.

– Đối với hành vi thực hiện đánh giá ngoài cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng.

– Đối với hành vi công nhận kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng – 60.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục từ 12 tháng đến 24 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi phí tổ chức trả lại.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Các thông tin trên có giá trị tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group