1. Khái quát về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (tiếng Trung: 最高人民检察院, phanh âm: Zuìgāo Rénmín Jiǎncháyuàn, âm Hán Việt: Tối cao nhân dân kiểm sát viện) là cơ quan cao nhất cấp nhà nước chịu trách nhiệm về truy tố và điều tra ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hồng Kông và Ma Cao, là 2 đặc khu hành chính, nên có hệ thống pháp lý riêng biệt, dựa trên hệ thống thông luật của Bồ Đào Nha và Anh, nằm ngoài thẩm quyền của SPP.

2. Sự phát triển của Viện Kiểm sát Nhân dân Trung Quốc

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1954 (Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Trung Hoa) và Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1954, khi bàn về Viện kiểm sát, có quan điểm cho rằng cần quy định Viện kiểm sát chịu chế độ lãnh đạo song trùng (phụ thuộc vào Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương). Tuy nhiên, Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1954 được ban hành vẫn giữ nguyên nguyên tắc lãnh đạo trong ngành kiểm sát là Viện kiểm sát địa phương chỉ phục tùng sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vào những năm cuối của thập niên 50, nhiều ý kiến cho rằng phải xem lại các quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp. Thậm chí, còn xuất hiện quan điểm mạnh mẽ hơn, cho rằng cần bỏ cơ quan kiểm sát và quyền kiểm sát. Kết quả là vào năm 1961, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện việc nhập cơ quan kiểm sát vào cơ quan công an và đến năm 1968, hệ thống cơ quan viện kiểm sát Trung Quốc chính thức bị bãi bỏ. Hiến pháp năm 1975 của Trung Quốc quy định rõ “chức năng của cơ quan kiểm sát do cơ quan công an thực hiện”. Thực chất, cơ quan công an chỉ đảm nhiệm thêm chức năng công tố mà cụ thể là truy tố kẻ phạm tội ra toà, còn các nhiệm vụ khác của cơ quan kiểm sát không có cơ quan nào đảm nhiệm. Từ năm 1976, Cách mạng văn hoá chấm dứt, mở ra kỷ nguyên tái thiết luật pháp ở Trung Quốc. Cơ quan Viện kiểm sát ở Trung Quốc được khôi phục trở lại. Sự khôi phục cơ quan kiểm sát được đánh dấu bằng Hiến pháp năm 1978, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1979, và sau đó, được tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1982, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1983, 1995. Theo các quy định này, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát được thành lập ở trung ương và ở các địa phương (đến cơ quan hành chính cấp thứ tư), độc lập với cơ quan Toà án, có chức năng giám sát việc chấp hành pháp luật. So với Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1954, quy định về Viện kiểm sát theo Hiến pháp năm 1982, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1983 có nhiều thay đổi, thể hiện ở những điểm lớn sau: Thứ nhất, khẳng định chế độ lãnh đạo song trùng, theo đó, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương do Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và Đại hội đại biểu nhân dân địa phương lãnh đạo.

Thứ hai, thu hẹp chức năng, thẩm quyền của cơ quan kiểm sát đối với các vụ án dân sự và quyền giám sát đối với tố tụng hành chính, kinh tế, xã hội; Viện kiểm sát tập trung chủ yếu vào giải quyết các vụ án hình sự. Thứ ba, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm sát trong việc giám sát, điều tra, truy tố; Viện kiểm sát chịu trách nhiệm điều tra các vụ án tham nhũng và tội phạm chức vụ.

3. Vị trí của Viện Kiểm sát Nhân dân Trung Quốc

Ở Trung Quốc, Viện kiểm sát không thuộc Chính phủ như đa số quốc gia trên thế giới, mà là một hệ thống cơ quan riêng biệt. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu ra và chịu trách nhiệm trước cơ quan này. Viện kiểm sát được coi là cơ quan tư pháp chứ không phải là cơ quan hành pháp. Các Viện kiểm sát địa phương không thuộc hệ thống các cơ quan hành chính ở địa phương nhưng lại chịu sự giám sát của Đại hội đại biểu nhân dân địa phương-cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

4. Chức năng và nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân Trung Quốc

Điều 129 Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quy định “Viện kiểm sát nhân dân Trung hoa là cơ quan giám sát pháp luật của Nhà nước…”. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã quy định cụ thể chức năng, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân như sau:

(1) Thực hiện quyền kiểm sát đối với các vụ án phản quốc, chia rẽ đất nước và các vụ án phạm tội to lớn, phá hoại nghiêm trọng việc thực hiện thống nhất chính sách, pháp luật, pháp lệnh, quy chế hành chính của Nhà nước.

(2) Tiến hành điều tra đối với các vụ án hình sự được trực tiếp thụ lý.

(3) Kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự do cơ quan công an tiến hành; quyết định việc bắt giữ, truy tố hoặc miễn tố đối với các vụ án do cơ quan công an điều tra; thực hiện việc giám sát xem hoạt động điều tra của cơ quan công an có hợp pháp hay không.

(4) Khởi tố và hỗ trợ truy tố đối với các vụ án hình sự; thực hiện giám sát hoạt động xét xử của Toà án nhân dân xem có tuân thủ đúng pháp luật hay không.

(5) Thực hiện giám sát đối với việc chấp hành phán quyết và quyết định của các vụ án hình sự, hoạt động của trại giam, nơi tạm giam và cơ quan cải tạo lao động có hợp pháp hay không.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân còn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền tố cáo của công dân đối với các nhân viên nhà nước vi phạm pháp luật, truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với những người xâm phạm quyền thân thể, quyền dân chủ và các quyền khác của công dân (Điều 6).

Khác với nước ta, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát cũng như của kiểm sát viên mà trên cơ sở những quy định trên, trong từng lĩnh vực cụ thể, các văn bản pháp luật chuyên ngành (Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự…) sẽ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và kiểm sát viên trong các lĩnh vực đó.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

– Kiểm sát điều tra: Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố của cơ quan công an; phê chuẩn lệnh bắt giữ của cơ quan công an; kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của cơ quan công an và điều tra viên… bảo đảm việc điều tra được thực hiện đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bắt giữ trái phép, ép cung, bức cung, hãm hại báo thù, khám xét trái phép, xâm phạm thân thể, quyền dân chủ của công dân…

– Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp điều tra các tội phạm tham nhũng, chủ yếu là điều tra các tội tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội vì vụ lợi, cán bộ cơ quan nhà nước không làm tròn nhiệm vụ, lợi dụng chức quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân…

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đều có một bộ phận làm nhiệm vụ điều tra tội phạm tham nhũng. Tương tự như các nước khác, những người này là kiểm sát viên chứ không phải là điều tra viên như ở nước ta. Trong hoạt động điều tra, họ có quyền yêu cầu cơ quan công an và các cơ quan chuyên môn khác hỗ trợ khi cần thiết.

– Truy tố người phạm tội ra trước Toà án để xét xử, luận tội và đưa ra mức hình phạt.

– Kiểm sát xét xử hình sự: giám sát tính hợp pháp trong các phán quyết và quyết định của Toà án nhân dân, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ giám sát pháp luật đối với các hoạt động xét xử (Điều 14 Luật tố tụng dân sự). Trên thực tế, Viện kiểm sát nhân dân chỉ tập trung kiểm sát các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện bản án, quyết định đó có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích xã hội thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để yêu cầu Toà án xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm. Khi xét xử lại, Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia phiên toà (Điều 188 Luật tố tụng dân sự).

Trong lĩnh vực giam, giữ và cải tạo, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc giam, giữ và cải tạo. Các Viện kiểm sát cơ sở (quận, huyện) có bộ phận biệt phái tại nơi tạm giữ, tạm giam và cải tạo để thường xuyên giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan công an.

Trong lĩnh vực thi hành án, Viện kiểm sát có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm việc thi hành án của cơ quan thi hành án đúng pháp luật.

5. Tiêu chuẩn kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Trung Quốc

5.1. Tiêu chuẩn kiểm sát viên

Kiểm sát viên là chức danh pháp lý chủ yếu trong Viện kiểm sát nhân dân, người thực thi chủ yếu các nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Theo Luật cán bộ kiểm sát nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Điều 10), để có thể trở thành kiểm sát viên cần có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Có quốc tịch Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;

– Tán thành Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;

– Tròn 23 tuổi;

– Có tố chất chính trị, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt đẹp (chưa từng bị kết án hình sự hoặc bị khai trừ khỏi chức vụ);

– Khoẻ mạnh;

– Tốt nghiệp ngành luật của trường đại học hoặc tốt nghiệp trường đại học không thuộc ngành luật nhưng có kiến thức chuyên ngành luật và đã công tác tròn 2 năm hoặc đã có bằng đại học luật và công tác tròn 1 năm. Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ luật thì không bị hạn chế bởi thời gian công tác nói trên.

Nhân viên kiểm sát trước khi thi hành luật này, nếu không đủ điều kiện quy định về trình độ nêu trên thì phải được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

5.2. Cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm

Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa, việc bầu, bổ nhiệm, bãi miễn Viện trưởng, Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên, trợ lý kiểm sát viên… Viện kiểm sát nhân dân được quy định như sau:

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu và bãi miễn.

Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Nếu tiếp tục được bầu, nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không được vượt quá 2 nhiệm kỳ.

Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc căn cứ vào đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Đại hội đại biểu nhân dân các cấp ở địa phương bầu và bãi miễn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Việc bầu hoặc bãi miễn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương phải báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên để đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cấp đó phê chuẩn.

Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cấp đó bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương trùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp. Nếu tiếp tục được bầu, nhiệm kỳ của Viện trưởng cũng không được vượt quá 2 nhiệm kỳ.

Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có thể bãi bỏ, thay thế Viện trưởng, Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

Trợ lý kiểm sát viên và thư ký của Viện kiểm sát nhân dân các cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm. Sau khi được Viện trưởng phê chuẩn, trợ lý kiểm sát viên có thể làm thay nhiệm vụ của kiểm sát viên