Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật thương mại năm 2005
– Luật trung mua, trưng dụng tài sản năm 2008
– Luật Hợp tác xã năm 2012
– Luật dữ trữ quốc gia năm 2012
2. Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản
Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là những “người” tham gia vào quan hệ pháp luật do Luật Dân sự điều chỉnh. Năng lực của chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng bị chi phối bởi luật điều chỉnh quan hệ đó.
Hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản (HĐMBHHNS) là một dạng của hợp đồng dân sự, thương mại. Do vậy, trong việc tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng, các chủ thể cũng bị điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật Thương mại (LTM) và pháp luật có liên quan. Năng lực của chủ thể HĐMBHHNS là các quyền và khả năng chủ thể tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng, là điều kiện thiết yếu để hợp đồng có hiệu lực pháp luật, đồng thời xác định nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khi tham gia HĐMBHHNS.
Trong thị trường tiêu thụ HHNS, hai chủ thể chính của HĐMBHHNS là người bán và người mua. Thông thường người bán là người sản xuất ra hàng hóa gồm hộ nông dân, các hợp tác xã, trang trại… và người mua là những nhà tiêu thụ sản phẩm, họ phần lớn là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trực tiếp hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, do tính chất sản xuất manh mún và còn lạc hậu ở nước ta, cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân còn thấp nên xuất hiện đội ngũ các nhà trung gian thương mại, như: thương lái, chủ vựa, hãng sơ chế, nhà máy xay xát… thực hiện việc thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản HHNS trước khi bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoặc tiêu thụ trực tiếp. Các trung gian thương mại tham gia với vai trò kết nối giữa người tiêu thụ sản phẩm và người sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tiêu thụ, điều tiết thị trường.
Tuy có nhiều tên gọi khác nhau ở từng ngành hàng nhưng căn cứ theo mối quan hệ trong hợp đồng, vai trò của các chủ thể có thể thay đổi tùy theo vị trí của họ trong thị trường là người mua hoặc người bán. Trong tính đa dạng đó, có thể phân chia ra các nhóm chủ thể chính đó là: Nhà nước và pháp nhân, tổ chức thuộc Nhà nước; pháp nhân thương mại; cá nhân; hộ gia đình và các tổ chức hợp tác; trung gian thương mại – thương lái.
2.1. Nhà nước và các pháp nhân, tổ chức thuộc Nhà nước
Nhà nước hoặc các pháp nhân, tổ chức của Nhà nước là chủ thể quan trọng trong các HĐMBHHNS. Khi tham gia hợp đồng, Nhà nước thực hiện vai trò tiêu thụ hoặc điều tiết thị trường thông qua các pháp nhân do mình thành lập như: Cục Dự trữ quốc gia, các tổng công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các quĩ tài chính thuộc sự quản lý của Nhà nước. Trong quan hệ HĐMBHHNS, các pháp nhân của Nhà nước bình đẳng với chủ thể khác và phải tự chịu trách nhiệm pháp lý khi tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng. Trong những trường hợp thật cấp thiết, Nhà nước cũng có thể sử dụng các biện pháp hành chính trưng thu hoặc trưng mua HHNS để thực hiện các nhiệm vụ vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia.
Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Nhà nước như Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và các đơn vị thành viên tại nhiều tỉnh thành phố là những pháp nhân do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 10/2014/NĐ-CP và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài nhiệm vụ kinh doanh thương mại, các doanh nghiệp này còn đảm đương các nhiệm vụ do Nhà nước giao như tham gia tiêu thụ lương thực hàng hóa của nông dân, góp phần bình ổn thị trường trong nước, xuất khẩu lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và điều tiết kinh tế vĩ mô….
Với khối lượng HHNS được tiêu thụ của riêng năm 2017 chỉ riêng Vinafood 2 đã mua vào là 1.500.000 tấn, bán ra 1.705.000 tấn gạo đã cho thấy khả năng tham gia tiêu thụ, bán ra và xuất khẩu trên thị trường của các công ty Nhà nước có ảnh hưởng lớn tới giá cả và điều tiết thị trường đối với HHNS. Ngoài vai trò điều tiết thị trường, các tổ chức của Nhà nước khác cũng là nhân tố tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp như trường học, bệnh viện, quân đội, các hoạt động nhân đạo, cứu trợ là những đối tượng tiêu thụ với lượng hàng nông sản lớn và thường xuyên.
Hoạt động của các pháp nhân thuộc Nhà nước có thể được xem như vai trò của một thương nhân trên thị trường. Việc thu mua HHNS được thực hiện theo các hình thức ký kết hợp đồng trực tiếp, không qua các khâu trung gian nên giảm chi phí đáng kể. Tuy nhiên, do hầu hết nguồn cung cấp đều được thực hiện dựa trên thị trường giao ngay nơi hàng hóa có sẵn để giao hàng ngay lập tức nên có thể dẫn đến chất lượng và khả năng kiểm soát chất lượng của sản phẩm không được đảm bảo. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể tham gia vào các hoạt động thu mua, bán hàng thông qua các chính sách trợ giá, tạm trữ hàng nông sản hoặc tham gia vào thị trường với vai trò độc quyền có thời hạn (Điều 2,3,6 Luật thương mại 2005). Trường hợp được sự chỉ định của Nhà nước thì các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải thực hiện hợp đồng thu mua hoặc bán HHNS với mục tiêu vì lợi ích cộng đồng được đặt lên trên mục tiêu lợi nhuận nhằm giải quyết các nhiệm vụ của Nhà nước giao cho.
2.2. Pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại được đăng ký và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với mục tiêu kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Pháp nhân thương mại là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và có đăng ký kinh doanh được gọi là thương nhân. Pháp nhân thương mại tham gia vào khắp các mặt hoạt động kinh doanh trên thị trường kể cả đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, phân phối, xuất khẩu HHNS. Các pháp nhân thương mại hoạt động kinh doanh HHNS dưới hình thức công ty nông nghiệp; nhà máy chế biến; siêu thị tiêu thụ nông sản; công ty xuất khẩu nông sản, công ty thương mại nông nghiệp… với nhiều quy mô đa dạng họ có thể là các doanh nghiệp nhỏ buôn bán với số lượng hạn chế ở thị trường địa phương hoặc hoạt động thương mại quy mô lớn phục vụ cho thị trường xuất khẩu hoặc là một công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động xuyên quốc gia.
Nông nghiệp là một lĩnh vực hoạt động mang tính chất kinh tế, xã hội vì có liên quan đến số đông người nghèo mà phần lớn trong đó là các hộ sản xuất nông nghiệp. Nhà nước ta đã áp dụng những chính sách đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp được ưu tiên với các cơ chế kinh tế tốt hơn hoặc được nhiều sự ưu đãi hơn các doanh nghiệp thương mại khác và các chính sách đó đã được nước ta duy trì khá ổn định trong nhiều năm. Bằng việc ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… đã tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ về nhiều mặt như: miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ…
Các pháp nhân thương mại tham gia vào HĐMBHHNS là chủ thể của hợp đồng, được điều chỉnh bởi những quy tắc pháp lý được qui định trong BLDS, LTM và Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh những chính sách ưu đãi được hưởng, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý khi tiến hành các hoạt động kinh doanh do mình thực hiện. Với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật, các doanh nghiệp thương mại hoạt động thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Khi người đại diện theo pháp luật thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân thì hành vi của người đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, đồng thời cũng làm phát sinh trách nhiệm của pháp nhân.
Các hợp tác xã (HTX) là một pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, là một thành phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta. HTX được pháp luật nước ta quy định bởi một chế độ pháp lý riêng tách rời khỏi Luật Doanh nghiệp, được Nhà nước dành cho những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt.
HTX cũng là tổ chức kinh tế tập thể đồng sở hữu được hình thành bởi các thành viên là cá nhân, hộ gia đình hoặc pháp nhân có đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. HTX hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX; Khi tham gia hợp đồng, HTX thực hiện việc ký kết với vai trò của một pháp nhân và chịu trách nhiệm trực tiếp về các nghĩa vụ đối với đối tác mà không phụ thuộc và vai trò cá nhân của từng thành viên. Trong trường hợp người đại diện tham gia hợp đồng gây thiệt hại cho HTX do không tuân thủ các nguyên tắc đã được thống nhất thì người đó sẽ bị xử lý nội bộ theo các quy tắc, điều lệ của HTX. Nếu thành viên của HTX là hộ gia đình thì người đại diện hộ khi thực hiện ký kết hợp đồng nhân danh HTX, các thành viên của hộ có khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm khi người đại diện hộ gây ra thiệt hại cho HTX. Muốn giải quyết được điều này phải có các quy tắc nội bộ của HTX để xử lý tình huống trên, dựa vào nguyên tắc chịu trách nhiệm của thành viên hộ gia đình theo quy định của BLDS.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi vi phạm Luật Hình sự. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân là đại diện hoặc người quản lý của pháp nhân. Như vậy, trong quan hệ hợp đồng nói chung và HĐMBHHNS nói riêng, người đại diện của doanh nghiệp khi thực hiện các hành vi liên quan đến ký kết, thực hiện hợp đồng sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân và pháp nhân đó có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Hình sự như: phạt tiền, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn.
2.3. Cá nhân
BLDS và LTM đều ghi nhận tư cách tham gia quan hệ hợp đồng của cá nhân khi có đủ điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi và ý chí thực hiện giao dịch hoàn toàn tự nguyện. LTM ghi nhận tư cách của cá nhân tham gia hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh là thương nhân. Trường hợp cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh thì không được gọi là “thương nhân”.
Các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên của một cá nhân không phải đăng ký kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP trong thị trường thu mua nông sản, những cá nhân này thường được gọi là “tư thương”. Hiện nay, các “tư thương” tham gia rất sâu và thị trường mua bán các sản phẩm nông nghiệp. Họ hoạt động như một cửa hàng, vừa bán hàng hóa chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng và họ thu mua các sản phẩm nông sản của nông dân để bán lại cho các thương lái, đại lý. Tư thương hoạt động phần lớn là không đăng ký kinh doanh, vì vậy Nhà nước rất khó quản lý hoạt động của họ. Tuy với số vốn ít, khả năng vận chuyển hạn chế nhưng lại rất phù hợp với thị trường manh mún nhỏ lẻ ở nước ta. Cũng như thương lái hoạt động của tư thương có thể mang cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Ở những vùng nông thôn sâu, vùng xa, tư thương là kênh thông tin thị trường của nông dân sản xuất. Hoạt động của tư thương có thể gây ra lũng đoạn giá nông sản ở một vùng, một địa phương nơi tư thương có vị thế độc quyền.
2.4. Hộ gia đình và tổ hợp tác
Hộ gia đình và tổ hợp tác là những thực thể pháp lý có bề dày tồn tại phát triển lâu dài trong hệ thống pháp luật ở nước ta và trong thực tiễn thực hiện pháp luật. Tư cách của các chủ thể này trong các quan hệ dân sự đã gây ra nhiều vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh. BLDS 2015 đã có sự điều chỉnh, thay đổi cơ bản địa vị pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác, khi tham gia giao dịch hộ gia đình, tổ hợp tác không còn là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự mà phải thông qua tư cách của cá nhân là các thành viên với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ dân sự.
Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” (Điều 101 BLDS). Về nghĩa vụ tài sản sẽ do thành viên gánh vác thế chỗ cho nghĩa vụ chung của hộ gia đình, tổ hợp tác, theo quy định về nghĩa vụ liên đới hoặc theo phần tương ứng với phần đóng góp (Điều 288 BLDS). Như vậy, BLDS 2015 đã đặt hộ gia đình và tổ hợp tác như là một thực thể pháp lý trong quan hệ pháp luật dân sự nhưng mang tính hình thức hơn là nội dung pháp lý.
Trong hoạt động nông nghiệp ở nước ta, nền tảng sản xuất vẫn phải dựa vào cơ sở kinh tế hộ gia đình. Do đó, các giao dịch nhằm duy trì, phát triển kinh tế hộ gia đình vẫn theo thói quen thông qua vai trò của người chủ hộ để thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại nhằm bảo đảm và phát triển kinh tế hộ gia đình. Mặt khác nông nghiệp là lĩnh vực mà phần lớn người dân có trình độ pháp luật hạn chế, cho nên sự thay đổi về tư cách pháp lý của hộ gia đình trong BLDS mới có thể sẽ tạo ra sự nhầm lẫn trong xác định vai trò chủ thể của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự trên thực tế. Để thực hiện đúng các quy định pháp luật về chủ thể hộ gia đình, cần phải tuyên tuyền và hướng dẫn cụ thể góp phần thay đổi nhận thức pháp luật để từng hộ gia đình nông dân tiếp cận, thực hiện đúng các quy định pháp luật mới.
Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế tập thể với hơn 98.000tổ chức hợp tác, tạo việc làm cho 1,1 triệu lao động. Trong tình hình nước ta hiện nay, mô hình hoạt động của tổ hợp tác phù hợp với nhu cầu liên kết của nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tổ hợp tác đặc biệt phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi tiến hành các hoạt động liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, cũng thấy rằng tổ hợp tác là mô hình thiếu chặt chẽ, không bảo đảm tính ổn định, bền vững. Việc thay đổi về cơ bản tư cách chủ thể của tổ hợp tác trong BLDS 2015 khi không còn là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự sẽ là một khoảng trống pháp lý điều chỉnh tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định sản xuất nông nghiệp nói chung và các giao dịch có sự tham gia của tổ hợp tác.
2.5. Trung gian thương mại – thương lái
Hiện chưa có khái niệm pháp lý về “thương lái”, tuy nhiên thuật ngữ này lại được sử dụng khá nhiều trong các văn bản chỉ đạo của ngành và các địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp.
Trong Từ điển từ ngữ Nam bộ xuất bản năm 2009 của Huỳnh Công Tín thì “thương lái” là từ chỉ chung giới buôn bán, có vốn nhiều. Trong cách hiểu dân gian, thương lái là người thu gom nông sản hàng hóa từ nông dân, là trung gian tiêu thụ HHNS. Người nông dân nhất là vùng Nam Bộ thường có cái nhìn còn tiêu cực đối với giới thương lái do xu hướng làm ăn mang tính ứng biến và cơ hội của họ.
Với vai trò là trung gian thương mại, thương lái có thể vừa là người mua sản phẩm của nhà sản xuất, sau đó họ bán lại cho các doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Trong quá trình đó, thương lái có thể tham gia các công đoạn như đóng gói, sơ chế, bảo quản… Trong thị trường, các trung gian tiêu thụ HHNS mang nhiều tên gọi rất đa dạng tùy thuộc tính chất ngành hàng khi họ tham gia: Đối với mặt hàng trái cây: người thu gom, vựa đóng gói, vựa phân phối, đại lý thu mua; Đối với mặt hàng lúa gạo: môi giới mua bán lúa gạo, hàng xáo, thương lái, đại lý thu mua, nhà máy xay xát; Đối với ngành hàng cà phê: các hãng rang xay, thương lái, các đại lý phân phối. Đối với ngành hàng thịt lợn: lái heo, thương lái, lò giết mổ… Thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ HHNS ở nước ta trong thời gian qua còn có sự tham gia của các thương lái nước ngoài tại thị trường Việt Nam, hoạt động của thương lái nước ngoài tác động rất lớn thị trường sản xuất và tiêu thụ nông sản trong nước.
Theo LTM, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (LTM, Điều 6). Theo quy định trên một bộ phận các hình thức trung gian thương mại và thương lái không hội đủ điều kiện của một thương nhân. Trong nhiều trường hợp, họ không cần phải đăng ký kinh doanh hoặc xin phép hoạt động từ bất cứ cơ quan nào. Họ hoạt động một cách tự do vừa mang tính chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp với qui mô lớn nhỏ khác nhau. Hình thức trung gian thương mại như thương lái xuất hiện nhiều trong thị trường mua bán sản phẩm cây trồng như: lúa, gạo, trái cây… Do thiếu sự kiểm soát của Nhà nước làm cho khả năng bảo đảm trách nhiệm của thương lái khi tham gia các giao dịch thấp, dễ dàng trốn tránh các nghĩa vụ hoặc sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với người sản xuất khi lợi ích của họ không được bảo đảm.
Trong hoạt động của mình, thương lái đóng vai trò vừa tích cực vừa tiêu cực trên thị trường nông sản. Thông qua hành vi mua – bán, thương lái có thể liên kết với nhau gây lũng đoạn giá hoặc đầu cơ hàng làm cho thị trường bị khan hiếm hoặc dư thừa, xảy ra lập lại thường xuyên. Hành vi tiêu cực của thương lái có thể làm thiệt hại đến các chủ thể khác trên thị trường. Do vậy, yêu cầu quản lý đối với hoạt động của thương lái nói riêng và các hình thức trung gian thương mại là rất cần thiết.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về địa vị pháp lý chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản
HĐMBHHNS có sự tham gia của các chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tổ hợp tác, cá nhân và các hình thức trung gian thương mại như thương lái… Trong quá trình tham gia thị trường mua bán, tiêu thụ HHNS, các chủ thể này đang ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, một số chủ thể hiện chưa được pháp luật điều chỉnh kịp thời nên chưa phát huy được vai trò cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện hợp đồng như: các hình thức trung gian thương mại trong nông nghiệp, tổ hợp tác. Do vậy, cần sớm hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật để kịp thời đưa các chủ thể tham gia quan hệ HĐMBHHNS vào đúng với vị trí pháp lý của chủ thể trong thị trường và Nhà nước cần có sự can thiệp điều chỉnh phù hợp.
3.1. Hoàn thiện khung pháp luật của tổ chức của tổ hợp tác
Trên cơ sở những thay đổi cơ bản của BLDS 2015 về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân, đồng thời kế thừa những kết quả trong hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về tổ hợp tác và nhằm khắc phục những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức hợp tác cần sớm ban hành quy định mới nhằm hoàn thiện địa vị pháp lý của tổ hợp tác theo hướng xác định rõ khái niệm và tư cách pháp lý của tổ hợp tác là tổ chức kinh tế tự chủ, tự nguyện được hình thành trên cơ sở một hợp đồng hợp tác có thời hạn giữa các bên tham gia, cùng đóng góp tài sản, kinh nghiệm và cùng chịu trách nhiệm chung để thực hiện mục tiêu hợp tác. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy tổ hợp tác phát triển khá phong phú ở các vùng sản xuất nông nghiệp dưới nhiều hình thức như câu lạc bộ, tổ đội nhóm sản xuất… nhưng thiếu tính ổn định, liên kết lỏng lẻo về tổ chức và tài sản. Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu dựa trên uy tín và sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên, khi sự tin tưởng không còn thì khả năng duy trì hoạt động của tổ hợp tác sẽ không phát huy hiệu quả hoặc sẽ tự tan rã. Do vậy, cần sớm phải xây dựng và ban hành các quy định điều chỉnh về tư cách chủ thể của tổ chức hợp tác phù hợp với sự thay đổi của BLDS, tạo khung pháp lý cho mô hình hoạt động tổ chức hợp tác phát triển, nhưng vẫn phải đảm bảo tính linh hoạt và ổn định để sự tồn tại của tổ hợp tác có thể đóng góp vào sự phát triển chung của hoạt động nông nghiệp, cũng như đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác và các chủ thể có liên quan tham gia vào các giao dịch với tổ chức này.
3.2. Pháp luật cần điều chỉnh đối với các hình thức trung gian thương mại và thương lái
Hoạt động của các hình thức trung gian thương mại ở nước ta trong những năm qua mang nhiều yếu tố tích cực lẫn tiêu cực như đã phân tích. Với điều kiện sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay ở nước ta thì hoạt động của trung gian thương mại và thương lái vẫn có lý do để tồn tại và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Do đã quen với cách làm ăn tự do thiếu sự quản lý của nhà nước nên phương thức hoạt động và cách thức ứng xử của đội ngũ thương lái không dựa trên nền tảng của pháp luật.
Để quản lý hoạt động của thương lái trước hết phải thay đổi từ nhận thức tới hành vi ứng xử của xã hội và pháp luật đối với đội ngũ thương lái. Về mặt xã hội, đội ngũ thương lái cần được xem như những doanh nhân, sự đóng góp của họ cho nền nông nghiệp nên được tôn vinh. Cần cổ vũ động viên họ tham gia vào các hoạt động từ sản xuất cho đến thị trường. Nhà nước cần tổ chức ra các hội đoàn nghề nghiệp của giới thương lái và tạo vị thế xã hội một cách công bằng đối với họ. Về luật pháp, phải xem đội ngũ thương lái nói riêng và các tổ chức, cá nhân hoạt động trung gian thương mại là thương nhân có địa vị pháp lý rõ ràng, cụ thể. Việc xây dựng khung pháp lý phù hợp để đưa vào quản lý các hoạt động đội ngũ này nhằm nâng cao tránh nhiệm và nghĩa vụ của họ trong các giao dịch dân sự, thương mại nhằm phát huy những mặt tích cực của họ trong các hoạt động sản xuất, mua bán, liên kết, đầu tư và cung cấp thông tin thị trường. Song mặt khác cũng phải hạn chế những tiêu cực trong hoạt động đầu cơ lũng đoạn của các thương lái trong và ngoài nước.
Để quản lý các hoạt động thương mại của thương lái cần thiết phải xây dựng một hệ thống đăng ký đối với các giao dịch hợp đồng có sự tham gia của thương lái. Khi ký kết HĐMBHHNS, thương lái phải đăng ký về mặt hàng và giá cả giao dịch. Việc đăng ký có thể thực hiện theo từng mùa vụ hoặc trong một thời hạn nhất định. Chế độ đăng ký là bắt buộc đối với các thương lái và tổ chức cá nhân hoạt động trung gian thương mại khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, việc đăng ký này nên được thực hiện ở cấp xã, hoàn toàn miễn phí, thủ tục phải rất đơn giản và nhà nước không thu bất kỳ khoản thuế hoặc đóng góp nào khác từ đội ngũ này để khuyến khích họ tham gia một cách tích cực.
Nông nghiệp Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển đó có đóng góp của đa dạng các tổ chức, cá nhân, thương nhân với vai trò là chủ thể tham gia vào các giao dịch, hợp đồng mua bán HHNS. Khi mà pháp luật chưa ghi nhận vai trò, vị trí của một chủ thể nào đó, đồng thời cũng sẽ làm cho tính tự do và cơ hội phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nói chung. Do vậy, hoàn thiện pháp luật về tư cách của các chủ thể tức là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho họ được thực hiện quyền tự do kinh doanh dựa trên pháp luật, đảm bảo cho sự đóng góp tích cực của họ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh HHNS. Qua đó góp phần vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập