Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013

– Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014

2. Địa vị pháp lý và vai trò của Hội Thẩm nhân dân trong công tác xét xử

Việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án được thể hiện tập trung nhất thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân. Đây là một chế định được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013).

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 8, 9) thì việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử độc lập với Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc hiến định.

Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng.

Khi được phân công giải quyết vụ án thì Hội thẩm có các nhiệm vụ như: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ án (riêng đối với vụ án hình sự thì theo BLTTHS cũ năm 2003 thì Hội thẩm có thể tham gia xét xử theo thủ tục phúc thẩm trong trường hợp cần thiết, BLTTHS năm 2015 thì HĐXXPT chỉ có ba Thẩm phán); tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, pháp luật tố tụng quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm; trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì Hội đồng xét xử có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Về nguyên tắc xét xử, Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”.

Với các quy định nêu trên thì Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử, vì khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) và khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Như vậy, khi xét xử nếu ý kiến biểu quyết của các Hội thẩm là giống nhau và khác với ý kiến của Thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của các Hội Thẩm (đa số), mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp thì Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.

Nhận thức rõ địa vị pháp lý và vai trò quan trọng của Hội thẩm trong công tác Tòa án, cũng như yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ Hội thẩm bảo đảm về tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu giải quyết, xét xử các loại vụ án, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ (thay mặt cho Chính phủ) ban hành nhiều văn bản liên quan tới công tác Hội thẩm, như: Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 01/3/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân; Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 05/12/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân.

Với việc chủ động hoàn thiện về thể chế liên quan tới công tác Hội thẩm và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, tổ chức và hoạt động của Hội thẩm ngày càng ổn định và nề nếp. Các Hội thẩm đa số đều đảm bảo có trình độ hiểu biết pháp luật, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm, nên đã và đang có những đóng góp quan trọng cho công tác xét xử của Tòa án các cấp.

3. Những vấn đề chung của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án

3.1. Việc cần phải làm trước khi nghiên cứu hồ sơ

– Kiểm tra hồ sơ có đúng là hồ sơ vụ án (hoặc các hồ sơ vụ án) của phiên tòa mà mình được phân công tham gia xét xử không; đảm bảo đúng thủ tục và tính an toàn trong công tác giao nhận hồ sơ vụ án khi nghiên cứu hồ sơ;

– Xem qua hồ sơ vụ án để xác định Hội thẩm nhân dân có thuộc trường hợp bị thay đổi người tiến hành tố tụng không.

– Xác định mục đích nghiên cứu hồ sơ: Nghiên cứu hồ sơ để nắm vững nội dung vụ án, xác định các loại tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm bắt được diễn biến của vụ việc, nội dung các tình tiết và hệ thống các chứng cứ của vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng pháp luật; xác định vụ án đã đủ điều kiện để quyết định đưa ra xét xử chưa.

– Xác định yêu cầu cụ thể khi nghiên cứu hồ sơ: Các tình tiết trong vụ án có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy cần phải nghiên cứu toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án một cách hệ thống. Trước hết cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ, sau đó so sánh các tài liệu chứng cứ để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Trên cơ sở đó tổng hợp lại để phát hiện những điểm bất hợp lý hoặc mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu và xác định độ tin cậy của từng tài liệu, chứng cứ. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, phải phát hiện những vấn đề còn thiếu chứng cứ hoặc chưa rõ cần phải làm rõ. Làm rõ các quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ án, những vấn đề nào thống nhất, những vẫn đề nào cần phải chứng minh làm rõ.

– Xác định thời gian nghiên cứu hồ sơ: Thông qua việc giao nhận hồ sơ vụ án, Hội thẩm nhân dân xác định thời gian cần thiết để nghiên cứu hồ sơ. Từ đó có thể trao đổi với Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án để bố trí thời gian, địa điểm thích hợp và cần thiết đảm bảo việc nghiên cứu hồ sơ đầy đủ hoặc các trao đổi khác khi cần thiết. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm nhân dân có trao đổi với Thẩm phán về các thông tin liên quan đến các văn bản pháp luật áp dụng cho việc giải quyết vụ án mà mình đang nghiên cứu và sẽ tham gia xét xử tại phiên tòa.

– Xác định phương pháp nghiên cứu hồ sơ: Tùy theo loại án (hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại hoặc hành chính…), tính chất của vụ án (phức tạp hoặc đơn giản)… lượng thời gian giành cho việc nghiên cứu hồ sơ mà Hội thẩm có phương pháp nghiên cứu hồ sơ cho phù hợp. Tuy nhiên, Hội thẩm chọn phương pháp nghiên cứu nào cũng phải đảm bảo là để nắm được nội dung của vụ án và các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án đó.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Hội thẩm phải ghi chép những vấn đề quan trọng có liên quan đến việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hoặc những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa, những điều luật cần áp dụng…, để làm tài liệu khi tham gia xét hỏi tại phiên tòa.

3.2. Một số kỹ năng cơ bản khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Nội dung nghiên cứu:

Vụ án hình sự là tập hợp các văn bản (tài liệu) do các cơ quan tiến hành tố tụng lập theo quy định của pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, được sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng đắn. Mỗi tài liệu chứa đựng một hoặc nhiều thông tin liên quan chặt chẽ với nhau phản ánh nội dung vụ án.

Tất cả mọi thông tin về vụ án đều phải được ghi lại dưới hình thức văn bản, sơ đồ, bản ảnh, băng đĩa hình, ghi âm theo quy định của BLTTHS và đưa vào hồ sơ vụ án, thường gồm các tài liệu sau:

– Các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can, như: tài liệu về nguồn tin tội phạm, biên bản người phạm tội tự thú, quyết định khởi tố vụ án …

– Các văn bản về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, lệnh tạm giữ, tạm giam; công văn xin phê chuẩn lệnh bắt, lệnh bắt, biên bản bắt; lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam; thông báo về tạm giam; quyết định truy nã; lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú…

– Các tài liệu phản ánh kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nhiệm tử thi , thực nghiệm điều tra, khám xét, thu giữ kê biên tài sản; lệnh khám xét, thu giữ vật chứng; bản ảnh hiện trường; Quyết định trưng cầu và kết luận giám định; yêu cầu định giá, kết luận của hội đồng định giá…

– Các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng: Biên bản ghi lời khai của những người bị tạm giữ, tạm giam, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền có nghĩa vụ liên quan, người làm chứng ….

– Các tài liệu về nhân thân bị can, bị cáo: Lý lịch bị can, các tài liệu về tiền án tiền sự, giấy khai sinh; giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù …

– Các tài liệu về nhân thân người bị hại: giấy khai sinh hoặc các giấy tờ chứng minh về độ tuổi của người bị hại …

– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.

– Tài liệu kết thúc điều tra: Kết luận điều tra, biên bản giao nhận, thông báo kết quả điều tra cho đương sự…

– Các tài liệu truy tố: Các tài liệu Viện kiểm sát bổ sung; bản cáo trạng; biên bản giao nhận cáo trạng và giao nhận hồ sơ vụ án

– Tài liệu Tòa án bổ sung sau khi thụ lý vụ án (nếu có)

Việc nghiên cứu phải làm rõ những nội dung sau:

– Vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Tòa án không?

– Các thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật không?

– Hành vi của bị cáo có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không; tội danh và điều khoản BLHS mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp không?

– Có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình vụ án hay không?

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án:

Có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Hội thẩm. Thông thường sử dụng một trong hai phương pháp sau đây:

– Phương pháp nghiên cứu theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ quyết định khởi tố vụ án đến kết luận điều tra, cáo trạng. Phương pháp này có ưu điểm là bảo đảm khách quan không bị chi phối bởi quan điểm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là mất nhiều thời gian mới nắm được đầy đủ nội dung vụ án vì không tận dụng tối đa được kết quả điều tra đã được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tổng hợp khi đưa ra kết luận.

– Phương pháp nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ cáo trạng sau đó đến các tài liệu khác có trong hồ sơ theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố. Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian vì tận dụng được kết quả nghiên cứu tổng hợp của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có nhược điểm là dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát dẫn đến sự định kiến, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.

Kỹ năng cơ bản khi nghiên cứu hồ sơ hình sự

– Kiểm tra xem hồ sơ đã đảm bảo về thủ tục tố tụng chưa, số lượng bút lục có đủ không.

– Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ: Đối với bất cứ tài liệu, chứng cứ nào cũng phải kiểm tra để đánh giá về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ tiến hành sau khi đã nghiên cứu toàn bộ tài liệu trong vụ án. Việc nghiên cứu có thể tiến hành theo trình tự sau:

– Nghiên cứu cáo trạng: Nghiên cứu kỹ cáo trạng để nắm vững nội dung vụ án, xác định việc truy tố có căn cứ hay không? Làm rõ giới hạn của việc xét xử, cụ thể như sau:

+ Các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong cáo trạng (kể cả hành vi không truy tố);

+ Các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội.

+ Tội danh và điều khoản của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với các bị cáo.

+ Những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

+ Mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có).

+ Các vấn đề liên quan đến vật chứng và xử lý vật chứng của vụ án.

– Nghiên cứu kết luận điều tra: Nghiên cứu để nắm được diễn biến tội phạm, các chứng cứ để cơ quan điều tra chứng minh tội phạm, người phạm tội; kết luận và đề nghị của cơ quan điều tra. So sánh những nội dung, quan điểm khác nhau giữa kết luận điều tra và cáo trạng.

– Nghiên cứu các lời khai của bị cáo: Đây là những chứng cứ trực tiếp để xác định sự thật của vụ án. Việc nghiên cứu lời khai của bị cáo, cần tiến hành theo trình tự lấy lời khai và cần xác định rõ những hành vi phạm tội nào bị cáo thừa nhận và hành vi nào không thừa nhận; lý do của việc thừa nhận hay không thừa nhận hoặc thay đổi lời khai; động cơ mục đích của hành vi phạm tội; mức độ ăn năn hối cải và thái độ khai báo của bị cáo trong quá trình điều tra; các điểm mâu thuẫn trong lời khai.

Lưu ý: Khi nghiên cứu các tài liệu này cần kiểm tra việc tuân thủ thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra khi lấy lời khai để đảm tính hợp pháp của chứng cứ.

– Nghiên cứu lời khai của người bị hại: Nghiên cứu lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của vụ án, các hành vi mà bị cáo đã thực hiện, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Việc nghiên cứu này cần chú ý đến đặc điểm, thái độ tâm lý của người bị hại đối với bị cáo, đối chiếu lời khai giữa các lần để xác định sự phù hợp hay mâu thuẫn trong lời khai của họ và tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn đó.

– Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng tương tự như nghiên cứu lời khai của người bị hại.

– Nghiên cứu biên bản đối chất để có thêm cơ sở đánh giá độ tin cậy trong các lời khai còn mâu thuẫn, xác định chứng cứ nào khách quan, chứng cứ nào không khách quan.

– Nghiên cứu biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, niêm phong…: cần kiểm tra việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về trình tự thực hiện đối với các hoạt động tố tụng này.

– Nghiên cứu kết luận giám định: Cần kiểm tra các tài liệu, đồ vật mà cơ quan giám định đã xem xét để đưa ra kết luận giám định; thẩm quyền của cơ quan giám định và tính hợp pháp của kết luận giám định.

– Nghiên cứu các tài liệu về nhân thân của bị cáo: Nhân thân của bị cáo phản ánh qua lý lịch, tiền án, tiền sự (theo tàng thư căn cước của Công an cung cấp); thành tích chiến đấu, công tác, học tập của họ trước khi phạm tội; giấy khai sinh và các tài liệu xác định về độ tuổi.

– Nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ: Như nghiên cứu biên bản giao nhận cáo trạng, giao nhận kết luận điều tra để xem thái độ của bị cáo khi nhận các tài liệu này. Nghiên cứu các biên bản xác minh, nhận xét của cơ quan, tổ chức và yêu cầu của những người tham gia tố tụng ….cũng cần thiết để làm rõ các tình tiết của vụ án.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án rồi tổng hợp để xác định độ tin cậy của từng chứng cứ, tài liệu; các tình tiết của vụ án đã làm rõ và những điểm còn mâu thuẫn cần được làm rõ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập