1. Trung Quốc về Bồi thường thiệt hại

Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung Quốc được quy định trong Luật bồi thường Nhà nước – một chế định pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại. Hiện nay nhà nước Trung Quốc thừa nhận và chịu trách nhiệm bồi thường đối với hành vi vi phạm pháp luật do cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước gây ra tổn hại thực tế cho công dân, pháp nhân hay tổ chức khác. Đây là một loại trách nhiệm pháp luật đặc thù được thể  hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, đặc điểm nổi bật của bồi thường nhà nước là nhà nước thừa nhận trách nhiệm pháp luật và chi trả tiền bồi thường. Trong trường hợp nhân viên cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại cho công dân, pháp nhân hay tổ chức khác thì nhân viên đó không trực tiếp bồi thường cho người bị tổn hại mà nhà nước sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm bồi thường cho người bị hại đó. Đặc điểm này không giống với bồi thường dân sự mà ở đó thực hiện nguyên tắc “người nào vi phạm, người đó phải bồi thường”.

Nhà nước thừa nhận trách nhiệm và cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ bồi thường. Đặc điểm nổi bật của bồi thường nhà nước là nhà nước thừa nhận trách nhiệm pháp luật và chi trả tiền bồi thường. Trong trường hợp nhân viên cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại cho công dân, pháp nhân hay tổ chức khác thì nhân viên đó không trực tiếp bồi thường cho người bị hại đó. Đặc điểm này không giống với bồi thường dân sự mà ở đó thực hiện nguyên tắc “người nào vi phạm, người đó phải bồi thường”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Thứ hai, phạm vi bồi thường có hạn. Bồi thường nhà nước là việc các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước bồi thường cho các đối tượng bị tổn hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra. Bồi thường nhà nước không giống nguyên tắc bồi thường dân sự là “đối tượng bị thiệt hại đương nhiên phải được bồi thường tương ứng”. Tính có hạn ở đây được hiểu là nhà nước chỉ thừa nhận trách nhiệm bồi thường đối với một số lĩnh vực khi cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước có hành vi làm trái quy định của pháp luật. Ví dụ: Đối với một số hành vi của cơ quan lập pháp, cơ quan quân sự, cơ quan tư pháp mặc dù đã gây nên tổn hại nhưng nhà nước không thừa nhận trách nhiệm bồi thường.

Thứ ba, quy định về phương thức và tiêu chuẩn bồi thường. Phương thức và tiêu chuẩn bồi thường nhà nước so với bồi thường trong dân sự không giống nhau. Bồi thường nhà nước lấy việc chi tiền bồi thường làm phương thức chủ yếu, trả lại tài sản cũ và khôi phục nguyên trạng hiện vật để làm phương thức bổ trợ.

Trong nhiều trường hợp, nhà nước không dựa theo tổn hại thực tế của các đối tượng để chi trả tiền bồi thường, mà nhà nước căn cứ vào tiêu chuẩn, phương thức bồi thường nhà nước đã được qui định trong Luật bồi thường nhà nước với yêu cầu là đảm bảo nhu cầu sinh sống ít nhất ở mức tối thiểu cho người bị hại làm nguyên tắc để cấp kinh phí bồi thường. Ví dụ: Trong nhiều trường hợp khi công dân bị tổn hại, thì nhà nước sẽ căn cứ vào số năm công tác và mức tiền lương thực tế của người bị hại để trả tiền bồi thường mà không xem xét tổn thất thực tế của người đó. Đối với việc bồi thường tổn thất cho doanh nghiệp, nhà nước chỉ bồi thường khoản chi phí bình quân tất yếu phát sinh mà không bồi thường tổn thất gây ra đối với lợi nhuận và lợi ích thực tế của người kinh doanh.

Thứ tư, đa dạng hóa trình tự bồi thường. Theo đó, người bị hại có thể thông qua nhiều phương pháp để chọn cách thức bồi thường nhà nước. Luật Bồi thường nhà nước của nước CHND Trung Hoa đã qui định việc lựa chọn các loại trình tự của bồi thường tư pháp và bồi thường hành chính. Người bị hại yêu cầu được bồi thường hành chính, có thể trực tiếp đến cơ quan có nghĩa vụ bồi thường để đề xuất, cũng có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính… Người bị hại có yêu cầu bồi thường tư pháp, trước tiên có thể đề xuất cơ quan tư pháp có nghĩa vụ bồi thường giải quyết, nếu cơ quan này không giải quyết hoặc giải quyết chưa thoả đáng thì người bị hại có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp trên giải quyết và thẩm quyền cuối cùng do ủy ban bồi thường của Tòa án nhân dân xem xét, giải quyết. Trong trường hợp giải quyết các tranh chấp dân sự mà các bên đương sự không thể thoả hiệp được với nhau thì pháp luật quy định Toà án sẽ thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Về điều kiện bồi thường Nhà nước

Luật Bồi thường nhà nước của nước CHND Trung Hoa quy định việc bồi thường khi có đủ các điều kiện sau:

– Chủ thể gây thiệt hại phải là cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước, người bị gây thiệt hại là cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác.

– Về hành vi vi phạm pháp luật: hành vi đó phải liên quan trực tiếp đến quá trình thực thi công vụ của cơ quan nhà nước và nhân viên của cơ quan nhà nước.

– Hành vi vi phạm pháp luật phải dựa trên cơ sở yếu tố lỗi và hành vi này phải được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.

– Có tổn hại thực tế xảy ra: Kết quả của tổn hại phải do hành vi vi phạm pháp luật trực tiếp gây ra, nghĩa la, giữa tổn thất và hành vi vi phạm pháp luật co mối quan hệ nhân quả.

2. Quy định của Nhật Bản về bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự.

Chế định bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự ở Nhật Bản được quy định trong Luật Đền bù hình sự. Nội dung cơ bản của đạo luật này bao gồm:

– Điều kiện để được bồi thường: Trong trường hợp một người được phán quyết là vô tội theo thủ tục thông thường, thủ tục tái thẩm hoặc thủ tục kháng cáo đặc biệt của Luật Tố tụng hình sự nhưng đã bị bắt hoặc bị giam trước khi bản án có hiệu lực thì người đó có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường về việc bị bắt giữ hoặc bị giam giữ. Nếu người được phán quyết vô tội theo thủ tục kháng cáo do được khôi phục quyền kháng cáo hoặc thủ tục kháng cáo đặc biệt đã chấp àhnh hình phạt, người đó có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do đã chấp hành hình phạt.

Thời hạn yêu cầu bồi thường hình sự là 03 năm kể từ ngày phán quyết vô tội có hiệu lực.

– Thủ tục yêu cầu bồi thường hình sự : Yêu cầu bồi thường của người bị oan được gửi đến Toà án đã xử cho họ vô tội, yêu cầu bồi thường có thể thực hiện thông qua người đại diện. Người đã nộp đơn yêu cầu bồi thường mà sau đó rút đơn thì người đã rút đơn không thể yêu cầu bồi thường được nữa.Nếu người yêu cầu thấy mức bồi thường mà Tòa án tuyên không thoả đáng thì có thể kháng cáo lên Toà án phúc thẩm.

Luật đền bù hình sự có đưa ra  các mức bồi thường hình sự cụ thể.

– Thông báo công khai về quyết định bồi thường: được thực hiện ít nhất một lần trên công báo và tối đa trên ba loại báo mà người yêu cầu chọn.

– Yêu cầu trả bồi thường: được thực hiện tại Toà án đã ra quyết định bồi thường.

Pháp luật Nhật bản quy định hai điều kiện phát sinh trách nhiệm đền bù hình sự gồm: Người bị thiệt hại đã bị bắt giữ  hoặc tạm giam; tại phiên toà xét xử người này được Toà tuyên trắng án ( vô tội).

Hơn nữa, trách nhiệm đền bù hình sự không đề cập đến tính bất hợp pháp hay vấn đề lỗi của công chức mà chỉ quy định điều kiện của trách nhiệm đền bù, mức đền bù cao nhất, cách thức tính tiền đền bù…Luật đền bù hình sự thể hiện việc kết hợp hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại và đền bù tổn thất. Đó là không có sự phân biệt giữa hành vi hợp pháp hay bất hợp pháp là nguyên nhân gây ra tổn thất cho người bị thiệt hại. Đây không phải là khoảng trống của Luật Đền bù hình sự Nhật bản mà là để phòng trừ trường hợp mà người áp dụng không phân biệt được một hành vi có phải là hành vi hợp pháp hay hành vi bất hợp pháp. Nếu người bị thiệt hại cảm thấy mình đã bị thiệt hại bởi hành vi bất hợp pháp của công chức thì họ có thể khởi kiện theo Luật Bồi thường Nhà nước./.

SOURCE: TẠP CHÍ THANH TRA, SỐ 9 NĂM 2009 – TRẦN THỊ THU THỦY

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————— 

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;