Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2008, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng hơn ba lần, đạt gần 63 tỉ USD trong năm 2008. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy xuất khẩu của Việt Nam xuống dưới 57 tỉ USD trong năm ngoái, nhưng nó được dự báo là sẽ phục hồi trở lại trong năm nay khi nhu cầu ở Mỹ và các thị trường xuất khẩu quan trọng khác tăng lên.
Mặc dù vậy, điều này không làm giảm bớt những lo ngại về thâm hụt thương mại gia tăng của Việt Nam, khi mà con số này đã lên đến bằng 12,8% GDP trong năm 2008. Thâm hụt thương mại đều đặn không hẳn là tiêu cực, đặc biệt là khi nó đưa đến việc nhập khẩu máy móc và công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, trường hợp của Việt Nam là có vấn đề với những lý do sau:
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu và phụ tùng để phục vụ cho guồng máy xuất khẩu, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp may mặc và giày dép. Điều này chứng tỏ Việt Nam thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết để thu lợi ích kinh tế lớn hơn từ xuất khẩu và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá. Sự lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu đầu vào cũng làm cho kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những thay đổi từ thị trường bên ngoài, bao gồm cả sự biến đổi nhanh chóng của giá cả hàng nguyên liệu.
Thâm hụt thương mại gia tăng của Việt Nam với Trung Quốc kể từ năm 2001 là một nguyên nhân đặc biệt đáng quan tâm. Trong năm 2009, thâm hụt với Trung Quốc lớn hơn 11 tỷ USD, chiếm hơn 91% tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam.
Thách thức từ hàng nhập khẩu Trung Quốc, vốn đã đe dọa sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, có thể gia tăng khi Việt Nam tham gia vào tự do hóa thương mại hơn nữa thông qua Khu vực Thương mại Tự do Asean-Trung Quốc – điều này sẽ cho phép một tỷ lệ lớn hơn của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu từ năm 2015.
Thâm hụt thương mại cũng làm giảm phạm vi xoay sở kinh tế vĩ mô. Năm ngoái, khi các nguồn chính của dòng ngoại hối chảy vào, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối, giảm mạnh, chính phủ đã buộc phải tiêu bớt dự trữ ngoại tệ để trang trải cho các đơn đặt hàng nhập khẩu vẫn cao. Trong một nỗ lực nhằm bảo tồn lượng dự trữ đang giảmvà kiềm chế thâm hụt thương mại, chính phủ đã hai lần phá giá tiền đồng – 5,4% trong tháng 11 năm 2009 và 3,4% trong tháng hai năm nay.
Tuy nhiên, những can thiệp này đã không thu hẹp được khoảng cách thương mại. Trong quý một năm 2010, giá trị nhập khẩu tăng gần 38% trong khi xuất khẩu giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với thâm hụt thương mại khoảng 13,3 tỉ USD trong năm nay, tương đương với khoảng 13,4% của con số GDP được dự báo là 99.3 tỉ USD.
Việc phá giá tiền đồng đã làm phức tạp thêm những nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát. Các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được sử dụng trong lúc cuộc suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đang ở đỉnh cao đã giúp Việt Nam duy trì được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,3% vào năm ngoái, nhưng chúng đã làm gia tăng áp lực lạm phát.
Do tiền đồng bị suy yếu, giá nhập khẩu của các sản phẩm và nguyên liệu đầu vào đã tăng lên và thúc đẩy lạm phát cao hơn. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu không để tỷ lệ lạm phát lớn hơn 7% trong năm nay. Nhưng có rất ít các nhà phân tích tin rằng điều này có thể đạt được, mặc dù đã có một số biện pháp để kiềm chế tăng giá và kiểm soát các chính sách nới lỏng trước đây.
Sự thiếu vắng của các giải pháp dễ dàng để kiềm chế thâm hụt thương mại bắt nguồn từ các động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động và các mặt hàng nguyên liệu. Nói chung, đây là những hàng hoá có giá trị gia tăng tương đối thấp, rất khó làm tăng mạnh giá trị xuất khẩu để giảm bớt thâm hụt thương mại.
Chính phủ cũng không có một kế hoạch rõ ràng để xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn. Nỗ lực để thúc đẩy một số sản phẩm thay thế nhập khẩu vẫn chưa có kết quả khả quan do thiếu hiệu suất kinh tế và áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất có giá thành thấp của Trung Quốc
Tầng lớp trung lưu ngày càng khá giả hơn của Việt Nam cũng có xu hướng thích sản phẩm nhập khẩu hơn là các sản phẩm nội địa khi họ có khả năng mua chúng. Do đó, nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu cũng đã góp phần làm cho thâm hụt thương mại cao một cách bướng bĩnh. Các nhà kinh tế cho rằng cách duy nhất để thu hẹp khoảng cách nhập khẩu là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện khả năng cạnh tranh.
Theo đây, cải cách sâu hơn khu vực kinh tế nhà nước, hiện đang chiếm gần 35% GDP, sẽ giúp. Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền, chẳng hạn như có cơ hội thuận lợi tiếp cận tín dụng và trợ cấp, nhưng nhìn chung rất thiếu hiệu suất. Buộc các doanh nghiệp nhà nước họat động có hiệu suất hơn và theo các quy tắc thị trường sẽ tháo gỡ được một lực cản lớn cho nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam cũng cần phải đưa ra một kế hoạch hành động có ý nghĩa để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với nhu cầu phát triển rộng rãi hơn của đất nước. Nhật Bản đã sẵn lòng để giúp đỡ. Với việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, sẽ có cơ hội để tham gia sản xuất chung các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Nếu không có một cam kết cao hơn của các nhà lãnh đạo đất nước để cải cách và tái cấu trúc, nhập khẩu sẽ tiếp tục vượt qua xuất khẩu và góp phần tạo ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế thị trường vẫn còn đang chuyển đổi của Việt Nam.
SOURCE: ASIA TIMES – TRẦN LÊ ANH
Trích dẫn từ: tuanvietnam.net (Như Quỳnh dịch)