Với 71 quốc gia[1] thành viên, ước tính Công ước này điều chỉnh các giao dịch chiếm đến hai phần ba thương mại hàng hóa thế giới[2]. Thực tiễn áp dụng Công ước Viên cho thấy, Công ước này cung cấp một khung pháp lý thống nhất, hiện đại về mua bán hàng hóa quốc tế, có thể được áp dụng tại mọi quốc gia không phân biệt truyền thống pháp luật hay trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Thực tiễn trên đặt ra câu hỏi: Việt Nam có nên gia nhập Công ước này và những lợi ích cũng như chi phí cho việc gia nhập này là gì?

1. Những lợi ích của việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên

Việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ đem lại cho Việt Nam những lợi ích sau đây:

– Có được một khung pháp lý thống nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giảm bớt chi phí và tranh chấp trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng.

Theo Điều 1.1.a. của Công ước, Công ước Viên sẽ được áp dụng cho các hợp đồng mua bán giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia thành viên, và các quốc gia thành viên sẽ có một khung pháp lý thống nhất, được áp dụng một cách tự động cho các hợp đồng của mình. Các công ty, doanh nghiệp Việt Nam khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhờ vậy, sẽ tránh được một vấn đề luôn gây tranh cãi và khó khăn trong đàm phán, đó là vấn đề lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, vì dù các bên trong hợp đồng không thỏa thuận gì về luật áp dụng thì Công ước Viên vẫn được tự động áp dụng cho hợp đồng mua bán giữa các bên. Ngoài ra sẽ giảm bớt được các khó khăn và chi phí có thể phát sinh do luật được lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng là luật nước ngoài và tránh được việc phải sử dụng đến quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp đồng.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:   1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Cần phải nhấn mạnh rằng, những lợi ích nói trên có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế, vì họ ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý, cũng như có ít thế và lực trong vấn đề đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Những lợi ích do một văn bản thống nhất luật như Công ước Viên đem lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng lớn, thì chúng ta lại càng khẳng định những lợi ích mà Công ước này đem lại cho Việt Nam, một quốc gia ở đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 80% số lượng các doanh nghiệp.

– Có được một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn cho các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Công ước Viên đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết hầu hết mọi vấn đề pháp lý có thể phát sinh trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế[3]: giá trị pháp lý, thời hạn hiệu lực của chào hàng, của chấp nhận chào hàng; quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua; các biện pháp mà một bên có được khi bên kia vi phạm hợp đồng. Những giải pháp mà Công ước Viên đưa ra là khá hợp lý, hiện đại. Ví dụ, các quy định về thời hạn hiệu lực của chào hàng[4], về các điều khoản chủ yếu của hợp đồng[5], về các trường hợp được hủy hợp đồng[6], về khái niệm vi phạm cơ bản[7]…, đều được quy định nhằm tạo sự phù hợp ở mức cao nhất với thực tiễn hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Ngoài tính hiện đại, theo đánh giá của các luật gia và các chuyên gia về thương mại quốc tế, các điều khoản của Công ước Viên còn tạo được sự bình đẳng giữa người mua và người bán trong quan hệ hợp đồng[8], giúp các bên bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì thế, dù là bên bán hay bên mua, Công ước này đều trở thành một khung pháp lý hữu hiệu và an toàn để giải quyết các tranh chấp phát sinh, nếu có.

Tính ưu việt của Công ước Viên được khẳng định trong thực tiễn với hơn 1900 án lệ có liên quan[9]. Một điều dễ nhận thấy, đó là hơn 1900 án lệ này không chỉ diễn ra tại các quốc gia thành viên. Tại các quốc gia chưa phải là thành viên, Công ước vẫn được áp dụng, hoặc do các bên trong hợp đồng lựa chọn Công ước Viên như là luật áp dụng cho hợp đồng, hoặc do các tòa án, trọng tài dẫn chiếu đến để giải quyết tranh chấp.

– Tăng cường hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Với tính chất là một văn bản thống nhất luật, Công ước Viên đã thống nhất hoá được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển.

Hầu hết các cường quốc thương mại trên thế giới đều đã gia nhập Công ước Viên, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như Pháp, Mỹ, Italia, Liên bang Nga, Canada, Đức, Hà Lan, Australia, Trung Quốc…[10] Các công ty, doanh nghiệp của các nước này đã áp dụng và đã quen áp dụng Công ước Viên cho các hợp đồng mua bán hàng hoá ký với các đối tác nước ngoài.

Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách chủ động và tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó thương mại hàng hóa vẫn là hoạt động sôi động nhất. Trong quá trình tiến hành trao đổi hàng hóa với các đối tác nước ngoài, việc áp dụng các văn bản luật quốc gia sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi, làm phát sinh những xung đột pháp luật với các nước khác và khi giải quyết tranh chấp cũng khó khăn. Khi gia nhập Công ước Viên, Việt Nam sẽ thống nhất nguồn luật áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế với các nước đối tác khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi đó, các thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài sẽ cùng chung tiếng nói, cùng chung một cơ sở pháp lý và các mối quan hệ mua bán hàng hóa sẽ gắn chặt hơn, lâu bền hơn và rộng mở hơn nữa, tránh được các tranh chấp phát sinh.

– Nâng cao mức độ tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường hội nhập của Việt Nam

Theo đánh giá mới đây trong báo cáo của Trung tâm thương mại quốc tế ITC[11] phối hợp cùng Bộ Thương mại thực hiện, mức độ tham gia của Việt Nam vào các điều ước quốc tế đa phương quan trọng có ảnh hưởng đến thương mại mới chỉ ở mức dưới trung bình so với mức trong khu vực và trên toàn thế giới[12]. Đánh giá này cho thấy tầm quan trọng của việc phải tăng cường khả năng tham gia của Việt Nam vào các điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực thương mại, trong đó, Công ước Viên là một trong số các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất được nhấn mạnh mà Việt Nam cần phê chuẩn trong thời gian sớm nhất có thể.

Các quốc gia ASEAN, tại Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ ba[13] đã khuyến nghị các quốc gia gia nhập Công ước Viên nhằm hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN.

Gia nhập Công ước Viên sẽ giúp tăng cường mức độ tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, đặc biệt là các văn bản thống nhất pháp luật thương mại quốc tế, từ đó cũng tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam.

2. Chi phí của việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên

Kinh nghiệm từ các quốc gia thành viên của Công ước Viên cho thấy, các chi phí cho việc gia nhập là không đáng kể. Các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ đóng góp về tài chính, không phải thành lập một cơ quan riêng để thực thi Công ước, cũng không có bất kỳ nghĩa vụ báo cáo định kỳ nào. Nhìn chung, các nguyên tắc của Công ước cũng phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật hợp đồng Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 đã được ban hành trên cơ sở tham khảo các văn bản luật quốc tế, trong đó có Công ước Viên, và vì vậy, nhìn chung là tương thích với các nguyên tắc của Công ước này. Với lý do đó, khi gia nhập Công ước Viên, Việt Nam không phải sửa đổi pháp luật hiện hành và không phát sinh chi phí cho việc sửa đổi đó.

Một số chi phí khác cần phải được tính đến như chi phí để phổ biến kiến thức và chi phí để triển khai việc thực thi Công ước tại các cơ quan áp dụng pháp luật. Chi phí này bao gồm chi phí tổ chức một số hội thảo cho các đối tượng có liên quan như thẩm phán, Hội luật gia, giảng viên giảng dạy về luật thương mại quốc tế tại các trường đại học luật và kinh tế tại Việt Nam; chi phí bồi dưỡng cho các thẩm phán; chi phí hỗ trợ tổ chức các khóa học ngắn hạn cho các doanh nghiệp; chi phí hỗ trợ cho các trường đại học trong việc tăng cường giảng dạy về Công ước Viên. Về vấn đề này, những nỗ lực của các quốc gia thành viên và của ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) trong việc phổ biến và cung cấp thông tin về Công ước Viên trên phạm vi quốc tế đã đem lại những kết quả đáng khâm phục. Hàng loạt các cơ sở dữ liệu rất phong phú và miễn phí trên Internet đã ra đời, cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về Công ước Viên[14]: các bình luận, các bài viết, đặc biệt là hàng nghìn án lệ được tập hợp từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Những cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần làm giảm đáng kể chi phí phổ biến kiến thức cho mọi đối tượng quan tâm, đồng thời sẽ là hướng dẫn quan trọng cho các thẩm phán, các trọng tài viên trong việc áp dụng Công ước Viên để xét xử các tranh chấp có liên quan.

3. Một số kiến nghị

Những phân tích trên đây cho thấy Việt Nam cần gia nhập Công ước Viên trong thời gian sớm nhất, nhằm tận dụng được những lợi ích có được khi gia nhập Công ước này. Chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:

– Chính phủ cần nghiên cứu và có kế hoạch thực hiện các thủ tục cần thiết để Việt Nam có thể gia nhập Công ước Viên trong thời gian sớm nhất. Khi gia nhập Công ước Viên, cần chú ý một số vấn đề mà Công ước cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu. Với tư cách là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể tiến hành bảo lưu theo điều 96 và điều 12 của Công ước Viên. Đây là bảo lưu liên quan đến hình thức của hợp đồng, theo đó, các quốc gia mà pháp luật đòi hỏi các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản có thể bảo lưu không áp dụng nguyên tắc tự do về hình thức mà Công ước Viên đưa ra. Đây là bảo lưu phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành cũng như thực tiễn kinh doanh quốc tế của các thương nhân Việt Nam, theo đó, hình thức văn bản là cần thiết nhằm đảm bảo tính chắc chắn, sự rõ ràng cho các hợp đồng mua bán có yếu tố nước ngoài.

– Các cơ quan Tòa án, trọng tài cần phải tiên phong trong việc áp dụng Công ước Viên. Ngay từ bây giờ (khi Việt Nam chưa là thành viên Công ước), các thẩm phán và các trọng tài viên, khi xem xét các tranh chấp có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể vận dụng và dẫn chiếu đến các điều khoản của Công ước này, nhằm giải quyết tranh chấp phù hợp với những tiêu chuẩn và nguyên tắc chung đã được thừa nhận rộng rãi trong mua bán hàng hóa quốc tế.

Khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên, các thẩm phán và trọng tài viên, khi áp dụng Công ước này, cần thường xuyên tham khảo các bình luận và tuyển tập các án lệ về Công ước. Đây là cách thức được khuyến nghị bởi UNCITRAL với mục đích đảm bảo việc áp dụng thống nhất Công ước này tại các quốc gia khác nhau, tránh tình trạng tại các quốc gia thuộc các hệ thống pháp luật hay có chế độ kinh tế, chính trị, trình độ phát triển khác nhau, các điều khoản của Công ước lại được hiểu theo những nghĩa khác nhau, không phù hợp với tinh thần và ý nghĩa của Công ước – một văn bản thống nhất luật trên phạm vi quốc tế.

Ngoài ra, cũng theo khuyến nghị của UNCITRAL, các cơ quan áp dụng pháp luật cần có một hệ thống báo cáo án lệ về Công ước Viên. Hệ thống này sẽ tập hợp và báo cáo các án lệ có liên quan đến Công ước này cho Ban thư ký của UNCITRAL để cơ quan này đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu CLOUT (Case Law on UNCITRAL Texts). Việc công khai hóa các án lệ của Việt Nam sẽ góp phần làm tăng sự tin tưởng của cộng đồng kinh doanh quốc tế vào sự minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam về thương mại quốc tế.

– Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu để nắm được tinh thần và nội dung của Công ước Viên, đặc biệt là các doanh nghiệp đã, đang và sẽ kinh doanh xuất nhập khẩu. Ngoài việc tham gia vào các khóa học, các hội thảo có liên quan, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận với các nguồn thông tin rất phong phú, đa dạng trên Internet liên quan đến Công ước.

Hiện nay, tuy Việt Nam chưa tham gia Công ước Viên nhưng các doanh nghiệp, khi đã nghiên cứu và hiểu được những lợi ích mà Công ước đem lại cho mình, có thể lựa chọn Công ước này là luật áp dụng cho hợp đồng. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến các trường hợp Công ước Viên được áp dụng tại các quốc gia chưa phải là thành viên theo quy định tại điều 1.1.b. của Công ước[15], vì thế, các tranh chấp về mua bán hàng hoá quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài rất có thể sẽ được giải quyết bằng Công ước Viên bởi các tòa án Việt Nam, tòa án nước ngoài và đặc biệt là các trọng tài quốc tế.

Trong tương lai, khi Việt Nam là thành viên Công ước này, khi số lượng các quốc gia thành viên của Công ước này tăng lên, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt buộc phải thường xuyên áp dụng Công ước. Vì thế, họ cần nắm chắc những nội dung cơ bản của Công ước để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong kinh doanh quốc tế.

================

[1]Tính đến hết ngày 30/6/2007, nguồn: www.unilex.info

[2]International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam, Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A cost/benefit analysis, March 2007, tr.27

[3] Tuy vậy, cần phải chú ý rằng, Công ước Viên không thể bao trùm mọi vấn đề pháp lý có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước Viên không điều chỉnh các vấn đề sau: trách nhiệm của các bên trong giai đoạn đàm phán, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, vấn đề ủy quyền, vấn đề thời hiệu. Vì thế, bên cạnh Công ước Viên, các bên nên lựa chọn một luật quốc gia như là luật điều chỉnh các vấn đề mà Công ước Viên không đề cập đến.

[4] Xem điều 18 khoản 2 Công ước Viên

[5] Xem điều 14, điều 55 Công ước Viên

[6] Xem các điều 49, 64, 81, 82, 83, 84 Công ước Viên

[7] Xem điều 25 Công ước Viên

[8] Điều này có thể được nhận thấy ngay từ việc quan sát cơ cấu của Công ước Viên với những chương, mục, điều lần lượt áp dụng cho người bán và cho người mua, tạo ra những quyền và nghĩa vụ có tính chất tương xứng giữa hai bên.

[9] Tính từ thời điểm Công ước này có hiệu lực (ngày 1/1/1988). Nguồn: www.cisg.law.pace.edu

[10] Xem http://www.unilex.info/dynasite.cfm?dssid=2376&dsmid=13351&x=1

[11] International Trade Centre

[12] Việt Nam đã tham gia 52 trong số 210 điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, trong khi đó tỷ lệ trung bình trên thế giới là 72/210 và trong khu vực là 59/210. Về vấn đề này, Việt Nam được xếp hạng thứ 132 trên thế giới (trên 192 quốc gia) và thứ 14 trong khu vực Châu Á (trên 23 quốc gia). Xem: International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam, Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A cost/benefit analysis, March 2007, tr.3

[13] Diễn ra tại Viên -chăn (Lào), ngày 11-13/9/2006

[14] Có thể tham khảo một số website sau đây: www.cisg.law.pace.edu; www.unilex.info; www.uncitral.org

[15] Xem thêm Nguyễn Minh Hằng, Một vài suy nghĩ về việc áp dụng Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, số 11 và 12 năm 2006 (ngày 08 và 10/02/2006).

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 105 THÁNG 9 NĂM 2007 – NGUYỄN MINH HẰNG

(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)