Năm 2005 Luật sở hữu trí tuệ đầu tiên của Việt Nam được thông qua dưới sức ép của quá trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dù nhận thức được tầm quan trọng của đạo luật này tuy nhiên việc bảo vệ và thực thi các quyền sở hưu trí tuệ chưa phải là ưu tiên số một của các nhà làm luật lúc bấy giờ. Năm 2020, chương trình sửa đổi luật sở hữu trí tuệ được khởi động dưới sức ép của việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên cho đến nay, bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhiều, về vấn đề sở hữu trí tuệ đã không còn chỉ là đòi hỏi về hoàn thiện pháp luật để hội nhập với bên ngoài mà nó chính là sự đòi hỏi cần có quy phạm pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tối ưu hơn khi sự tồn tại của các nền tảng (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian) ngày càng nhiều trong nền kinh tế số.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Sở hữu trí tuệ của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;

Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BTTT-BVHTTDL.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian là gì? Tiktok là gì?

Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giải thích như sau:

1. Dịch vụ trung gian bao gồm: dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ tìm kiếm thông tin số, dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gồm:

a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;

b) Doanh nghiệp viễn thông;

c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử;

d) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

đ) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số.

3. Nội dung thông tin số bao gồm tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được số hóa và được xử lý, lưu trữ, trao đổi, truyền đưa, cung cấp trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.”

Theo đó, Tiktok thuộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Nó được sử dụng để tạo các video ca nhạc ngắn, hát nhép, khiêu vũ, hài kịch và tài năng từ 3 đến 15 giây.Điều thắc mắc đặt ra ở đây là Tiktok có hay không việc xin phép đối với các đơn vị sở hữu độc quyền các bản ghi âm, thu âm đó?

3. VNG (mp3.zing) kiện Tiktok với cáo buộc có hành vi xâm phạm quyền liên quan tại điều 35 Luật sở hữu trí tuệ

Đã có rất nhiều dự đoán sẽ xuất hiện nhiều vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ với sự xuất hiện của nền tảng này. Và giờ đây, điều dự đoán đó đã thành hiện thực ở Việt Nam. Cụ thể ngày 28/5/2020, công ty cổ phần VNG (chủ sở hữu của nền tảng nghe nhạc trực tuyến Mp3.zing) đã khởi kiện Tiktok Inc (chủ sở hữu của mạng xã hội chia sẻ video ngắn tiktok) đến tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc Tiktok thực hiện hành vi truyền đạt đến công chúng nhiều bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc do VNG sở hữu quyền tác mà không có sự đồng ý của VNG, cấu thành hành vi xâm phạm quyền liên quan theo khoản 8 Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ.

Thực trạng các quy định pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của các nền tảng trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường số hiện nay còn chưa chặt chẽ. Cuộc chiến giữa VNG và Tiktok sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các nền tảng nhiều quyền lực. Kết quả của cuộc chiến này có thể sẽ được giải quyết thực sự thông qua các biện pháp ngoài tòa án. Trước đó, bản thân VNG cũng từng là bị đơn của nhiều vụ kiện tương tự từ các tác giả, nghệ sỹ (vụ ca sĩ Mỹ tâm và MP3.zing là một điển hình). Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để những vụ kiện như vậy có thể trở thành công cụ pháp lý bảo vệ hiệu quả ngăn chặn hành vi xậm phạm quyền tác giả, quyền liên quan?

4. Hạn chế trong quy định về sở hữu trí tuệ Việt Nam là gì?

Có thể thấy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian từ lâu đã hưởng lợi từ các trường hợp ngoại lệ dành cho trạng thái trung lập của mình. Theo đó, họ chỉ phải gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả nếu họ được thông báo về vi phạm đó một cách hợp lý. Người thông báo thường là chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm (cá nhân sáng tạo nội dung). Vậy thực tiễn mỗi ngày khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải trên internet, bằng cách nào các nghệ sỹ, nhạc sỹ, youtuber… có thể kiểm soát được các nội dung của người khác đăng tải lên xâm phạm quyền của mình? Và khó khăn hơn nữa khi một nội dung xâm phạm bị gỡ đi ở bài đăng này, nội dung vi phạm đó có thể được đăng tải lại dễ dàng ngau sau đó ở một bài đăng khác. Do đó, nếu không có biện pháp hỗ trợ các tác giả kiểm soát bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả thì cuộc chơi ngày càng mất cân bằng theo hướng bất lợi cho người sáng tạo nội dung.

Về cơ bản Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giải quyết trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đang áp dụng theo cơ chế thông báo và gỡ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chỉ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian xóa bỏ nội dung theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể tại điều 5 Thông tư 07/2013/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định như sau:

“3. Gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.”

Tuy vậy, hiếm khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu gỡ một nội dung xâm phạm quyền tác giả của một cá nhân. Đây là quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ra đời năm 2005 như một yêu cầu phải đáp ứng để gia nhập WTO. 15 năm trôi qua, tình hình kinh tế xã hội đã thay đổi rất nhiều, các quy phạm pháp luật đã lạc hậu và không thể dự liệu được sự bùng nổ của internet và nền kinh tế nền tảng như hiện nay.

5. Đòi hỏi sửa đổi luật sở hữu trí tuệ từ nền kinh tế số

Với tư cách là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới và có mục tiêu hướng đến hình thành nền kinh tế số, Việt Nam đang chậm chân trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả trên internet. Mặc dù theo dự án chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, song khung pháp lý về bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL như đề cập chỉ có vỏn vẹn tám điều khoản, trong đó chỉ có hai điều khoản quy định trực tiếp về cơ chế xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Việt Nam. Hiện nay, dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện từ mà Bộ thông tin và truyền thông đang lấy ý kiến vẫn tiếp tục giữ im lặng về vấn đề này. Đây chính là điểm nghẽn dễ thấy nhất trong khung pháp lý về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian tại Việt Nam.

Cách mạng công nghệ thông tin nổi lên trong bối cảnh pháp luật về quyền tác giả đang bị thách thức bởi các nguyên tắc truyền thống đề cao giá trị cộng đồng của tác phẩm hơn là tính sở hữu cá nhân. Giờ đây Việt Nam đang phải đối mặt với với thách thức lớn trong việc làm sao duy trì được động lực phát triển của nền kinh tế số với tư cách là quốc gia đang phát triển đồng thời cải cách luật về quyền tác giả để cân bằng quyền lợi giữa người sáng tạo nội dung và các nền tảng số.

Có thể tham khảo tới Đạo luật bản quyền của Nghị viện châu Âu được thông qua ngày 26/3/2019. Theo đó, các nhà lập pháp châu Âu có quy định, yêu cầu các công ty trung gian cung cấp dịch vụ internet chủ động kiểm soát và gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả của chủ thể khác mà không cần thông báo từ chủ sở hữu quyền. Mặ dù quy định này vẫn còn nhiều tranh cãi về việc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cân thông tin. Tuy vậy, tác độngt ích cực trước mắt là quyền tác giả của những người sáng tạo nội dung sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều này là bước đi đầu tiên xóa bỏ trạng thái trung lập cực đoan mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian đang hưởng lợi.

Vụ việc giữa VNG và Tiktok Inc đã cho thấy pháp luật Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định về trách nhiệm của các nền tảng trong việc bảo vệ quyền tác giả để đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Trong thời gian tới sửa đổi luật sở hữu trí tuệ các nhà lập pháp nên cân nhắc các vấn đề trên và tham khảo cách thức giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền của các nền tảng tại các nước có nền kinh tế phát triển để học hỏi và chọn lọc xây dựng quy phạm pháp luật hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo được sự phát triển đa dạng và bền vững của nền kinh tế số.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập