Vốn là tiền, tài sản, quyền tài sản trị giá được thành tiền có thể sử dụng trong kinh doanh.

Khả năng sử dụng được trong kinh doanh là tiêu chí cơ bản để đánh giá tiền, tài sản, quyển tài sản trị giá được thành tiền có giá trị là vốn. Đối với tiền phải tích tụ đến mức nhất định thì mới có thể sử dụng trong kinh doanh với tư cách là vốn. Đối với tài sản nếu chỉ thuần tuý có giá trị và giá trị sử dụng mà không có khả năng chuyển đổi thành tiền và sử dụng trong kinh doanh thì cũng không có giá trị là vốn. Đối với các quyền tài sản, nếu không có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt để hoạch toán trong kinh doanh thì không thể dùng để đầu tư nên cũng không được xem là vốn. Vốn là tiền đề để thực hiện các hoạt động đầu tư. Cơ chế hình thành vốn và sử dụng vốn của các tổ chức, cá nhân được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật ngân sách nhà nước, Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật hợp tác xã…

 

1. Vai trò của vốn trong doanh nghiệp

Vốn có vai trò hàng đầu trong mọi loại hình doanh nghiệp, cụ thể là:

  • Vốn là điều kiện tiên quyết quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh.
  • Vốn là căn cứ để xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo mục tiêu đã định.
  • Bên cạnh đó vốn còn là cơ sở quan trọng đảm bảo sự tồn tại tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp trước pháp luật trong xuyên suốt quá trình trình lập và hoạt động phát triển.
  • Vốn là tiềm lực kinh tế, là yếu tố quyết định đến mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Để có thể tiến hành tái sản xuất mở rộng thì sau một chu kỳ kinh doanh vốn của doanh nghiệp phải sinh lời, tức là hoạt động kinh doanh phải có lãi đảm bảo cho doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển.
  • Vốn còn là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, thâm nhập vào thị trường tiềm năng từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.

Với những vai trò trên cho ta thấy vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong doanh nghiệp. Nhưng sử dụng vốn như thế nào cũng quan trọng không kém bởi nếu bạn sử dụng thông minh, phát huy được hết những tiềm lực và vai trò của chúng thì chắc chắc sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có sự khác biệt và tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Tùy vào mỗi loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và những ưu nhược điểm hay lợi thế cạnh tranh khác nhau mà lựa chọn phương thức sử dụng vốn hiệu quả, mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

 

2. Các loại vốn trong doanh nghiệp

Các loại vốn cơ bản trong doanh nghiệp hiện nay, có rất nhiều loại vốn trong thành lập và kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay. Mỗi loại vốn có vai trò và những lợi ích khác nhau.

 

2.1 Vốn điều lệ là gì?

Theo quy định tại Khoản 29 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì vốn điều lệ là tổng số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định khi thành lập công ty và được ghi vào điều lệ của công ty.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp được công ty đăng ký với Sở kế hoạch và đầu tư theo nhu cầu hoạt động và quy mô của công ty sau khi thành lập.

a) 5 loại tài sản dùng để góp vốn điều lệ gồm:

  • Tiền Việt Nam.
  • Ngoại tệ tự do chuyển đổi.
  • Vàng.
  • Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
  • Các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty mà thành viên góp vào để tạo thành vốn của công ty theo quy định của pháp luật.

b) Vai trò của vốn điều lệ trong doanh nghiệp

  • Vốn điều lệ là cơ sở xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp khi mới thành lập.
  • Đây là cơ sở để đảm bảo sự tồn tại tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp trước pháp luật.
  • Là cơ sở để phân chia lợi nhuận khi kinh doanh. Đồng thời cũng là căn cứ để sẻ chia rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
  • Thể hiện tính bền vững, phát triển của doanh nghiệp từ đó tạo sự tin tưởng cho đối tác, chủ nợ, mở ra cơ hội phát triển kinh doanh.

 

2.2 Vốn chủ sở hữu là gì?

Vốn chủ sở hữu hay còn được gọi là Owner’s Equity. Đây là phần tài sản thuần của doanh nghiệp thuộc sở hữu của cổ đông sau khi lấy tổng tài sản trư đi nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu là tất cả số vốn thuộc về cổ đông được cấu thành từ vốn cổ phần (vốn điều lệ), lợi nhuận chưa phân phối, và các nguồn khác. Như vậy, vốn chủ sở hữu bao gồm cả vốn điều lệ.

a) Vốn chủ sở hữu gồm những gì?

Vốn chủ sở hữu thường có mặt trong các bản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dưới các dạng sau:

  • Vốn cổ đông (hay vốn đầu tư ban đầu)
  • Thặng dư vốn cổ đông (khoảng chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu và giá thực tế phát hành)
  • Lãi chưa phân phối.
  • Quỹ dự phòng tài chính.
  • Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
  • Quỹ đầu tư phát triển.
  • Quỹ dự phòng tài chính.
  • Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu…

b) Các nguồn vốn chủ sở hữu tại Việt Nam

Với các loại hình, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khác nhau thì vốn chủ sở hữu cũng được hình thành từ các nguồn khác nhau.

  • Đối với doanh nghiệp nhà nước: Vốn chủ sở hữu là vốn hoạt động do nhà nước cấp hoặc đầu tư. Chủ sở hữu vốn là nhà nước.
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH): Vốn được hình thành do các thành viên tham gia thành lập công ty đóng góp. Các thành viên này chính là chủ sở hữu vốn.
  • Đối với công ty cổ phần: Vốn chủ sở hữu là vốn của các cổ đông. Do vậy, chủ sở hữu vốn ở đây là các cổ đông.
  • Đối với công ty hợp danh: Vốn được đóng góp bởi các thành viên tham gia thành lập công ty. Các thành viên này là các chủ sở hữu vốn.
  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: Vốn của doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp đóng góp. Vì thế, chủ sở hữu vốn đương nhiên là chủ doanh nghiệp.
  • Đối với doanh nghiệp liên doanh: Việc liên doanh có thể được tiến hành giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau hoặc doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Vốn cấp một (TIER 1) là vốn cổ phần của ngân hàng, còn được gọi là vốn cốt lỗi, hỗ trợ cho vay của ngân hàng, vốn của Tier 1 gồm cổ phiếu phổ thông và lợi nhuận giữ lại của ngân hàng.

Vốn cấp hai (TIER 2) là nguồn thứ cấp của vốn ngân hàng cung cấp tài chính cho các hoạt động của ngân hàng, vốn của Tier 2 gồm nợ phụ thuộc, chứng khoán có thể chuyển đổi và một phần của dự trữ lỗ khoản vay đối với khoản cho vay xấu.

 

3. Vốn cấp 1 là gì?

3.1 Khái niệm vốn cấp 1

Vốn cấp 1 trong tiếng Anh là Tier 1 Capital.

Vốn cấp 1 được sử dụng để mô tả mức độ an toàn vốn của ngân hàng và dùng để chỉ vốn nòng cốt bao gồm vốn chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại.

Vốn cấp 1 về cơ bản là hình thức hoàn hảo nhất về vốn của một ngân hàng, khoản tiền mà ngân hàng đã lưu trữ để duy trì hoạt động thông qua tất cả các giao dịch rủi ro mà nó thực hiện, như đầu tư và cho vay.

 

3.2 Cách thức hoạt động của vốn cấp 1

Theo quan điểm của cơ quan quản lí, vốn cấp 1 là thước đo nòng cốt về sức mạnh tài chính của một ngân hàng vì nó bao gồm vốn tự có.

Vốn tự có bao gồm chủ yếu là lợi nhuận giữ lại và cổ phiếu phổ thông. Nó cũng có thể bao gồm cổ phiếu ưu đãi không tích lũy, không được hoàn trả. Theo Ủy ban giám sát ngân hàng Basel, người ta nhận thấy rằng các ngân hàng cũng sử dụng các công cụ tài chính mới để tích lũy vốn cấp 1.

Tuy nhiên, các công cụ như vậy phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Vốn có được thông qua các công cụ này chỉ có thể chiếm 15% tổng số vốn cấp 1 của ngân hàng. Hiệp ước vốn Basel III được lên kế hoạch để loại bỏ vốn kiếm được thông qua các công cụ tài chính mới.

Hiệp ước vốn Basel III được phát triển để đáp ứng những thiếu sót trong qui định tài chính lộ ra sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 và 2008.

Tỉ lệ vốn cấp 1 so sánh vốn chủ sở hữu của ngân hàng với tổng tài sản có rủi ro (RWAs). RWAs là tất cả các tài sản được nắm giữ bởi một ngân hàng có trọng số rủi ro tín dụng. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều thiết lập các công thức tính trọng số rủi ro tài sản theo hướng dẫn của Ủy ban Basel.

 

4. Vốn cấp 2 là gì?

4.1 Khái niệm vốn cấp 2

Vốn cấp 2 trong tiếng Anh là Tier 2 Capital.

Vốn cấp 2 là thước đo tiềm lực tài chính của một ngân hàng liên quan đến các dạng nguồn lực tài chính có độ tin cậy ở hàng thứ hai sau vốn cấp 1. Vốn cấp 2 được chỉ định là vốn bổ sung và bao gồm các khoản mục như dự trữ định giá lại, dự trữ chưa công bố, công cụ lai giữa nợ và vốn, và nợ thứ cấp có kì hạn.

Vốn cấp 2 được coi là kém an toàn hơn vốn cấp 1. Tại Mỹ, yêu cầu về tổng vốn ngân hàng một phần dựa trên trọng số rủi ro tài sản của ngân hàng.

 

4.2 Cách thức hoạt động của vốn cấp 2

Luật điều chỉnh các yêu cầu về vốn ngân hàng bắt nguồn từ Hiệp ước Basel quốc tế. Theo Hiệp ước Basel, vốn của ngân hàng được chia thành vốn nòng cốt cấp 1 và vốn bổ sung cấp 2. Yêu cầu tỉ lệ dự trữ lệ vốn tối thiểu cho một ngân hàng được đặt ở mức 8%. Trong đó, 6% phải được cung cấp bởi vốn cấp 1. Tỉ lệ vốn của một ngân hàng được tính bằng cách chia vốn của nó cho tổng tài sản dựa trên rủi ro.

Vốn cấp 2 được coi là kém tin cậy hơn vốn cấp 1 vì khó tính toán chính xác hơn và bao gồm các tài sản khó thanh lí hơn. Nó thường được chia thành hai cấp độ: bậc trên và bậc dưới. Vốn cấp 2 bậc trên có đặc điểm là vĩnh viễn, và cao cấp hơn so với vốn và vốn chủ sở hữu. Nó cũng bao gồm các coupon và lãi suất tích lũy có thể gia hạn, tiền gốc có thể phát hành. Vốn cấp 2 bậc thấp có đặc điểm là ngân hàng phát hành không tốn kém, coupon không thể gia hạn cho tới khi đáo hạn, và nợ thứ cấp với thời gian đáo hạn tối thiểu 5 năm.

 

4.3 Các khoản cấu thành vốn cấp 2

Khoản đầu tiên của vốn cấp 2 là dự trữ định giá lại. Đây là khoản dự trữ được tạo ra bởi việc định giá lại một tài sản. Một dự trữ định giá lại điển hình là một tòa nhà thuộc sở hữu của một ngân hàng. Theo thời gian, giá trị của tài sản bất động sản có xu hướng tăng và do đó có thể được định giá lại.

Khoản thứ hai là dự phòng chung. Đây là những tổn thất mà một ngân hàng có thể có với số tiền chưa được xác định. Tổng số tiền dự phòng chung được được cho phép tương đương 1,25% tổng giá trị tài sản có rủi ro (RWA) của ngân hàng.

Khoản thứ ba là các công cụ lai giữa nợ và vốn. Cổ phiếu ưu đãi là một ví dụ về các công cụ lai. Một ngân hàng có thể bao gồm các công cụ lai trong vốn cấp 2 của nó miễn là các tài sản đó ngang với vốn chủ sở hữu để có thể cân đối các khoản lỗ trên mệnh giá của công cụ mà không khiến ngân hàng phải thanh lí.

Khoản cuối cùng của vốn cấp 2 là nợ thứ cấp có kì hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên. Khoản nợ này phụ thuộc vào người gửi tiền ngân hàng thông thường, các khoản vay khác và chứng khoán cấu thành khoản nợ cấp cao hơn.

 

5. So sánh vốn cấp 1 và vốn cấp 2

Vốn cấp 1 là nguồn vốn chính của ngân hàng. Thông thường, nó nắm giữ gần như tất cả các quĩ tích lũy của ngân hàng. Các quĩ này được tạo ra đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng bù đắp các khoản lỗ, giữ hoạt động của ngân hàng liên tục.

Theo phiên bản phát hành của Basel III, tỉ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%. Tỷ lệ này được tính bằng cách chia vốn cấp 1 cho tổng tài sản dựa trên rủi ro.

Vốn cấp 2 bao gồm các công cụ lai giữa nợ và vốn, dự phòng tổn thất cho vay và dự trữ định giá lại cũng như lợi nhuận chưa phân bổ. Vốn cấp 2 hoạt động như một nguồn vốn tài trợ bổ sung vì nó không đáng tin cậy như vốn cấp 1.

(Theo Investopedia)