HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 07 tháng 9 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Trần Kế

Trú tại: 8B (A1/3) Trần Bình Trọng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Địa chỉ liên lạc: Khu tập thể dệt 2/9 thị xã Quảng Ngãi.

Bị đơn:Ông Lê Thảo (đã chết) có con trai là anh Lê Trung Thuận, đại diện theo uỷ quyền.

Trú tại: 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

NHẬN THẤY:

Căn nhà toạ lạc tại số 177 đường Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích 107m2 thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Lê Thảo và bà Tôn Thị Tằng. Ngày 28-9-1978 ông Lê Thảo đã ký vào bản kê khai chi tiết căn nhà trên khi thực hiện chính sách cải tạo nhà của thị xã Quy Nhơn.

Ngày 3-8-1979 ông Lê Thảo lập văn tự bán căn nhà số 177 Tăng Bạt Hổ cho ông Trần Kế với giá 8.000 đồng, ông Kế đã giao cho ông Thảo 6.000 đồng, gia đình ông Kế đã chuyển về ở một phần trong căn nhà. Ngày 8-10-1979 Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình ban hành Quyết định số 882/QĐ-UB quản lý căn nhà trên. Ngày 30-9-1980 Uỷ ban nhân dân phường Lê Lợi lại chứng thực vào văn tự mua bán nhà giữa ông Trần Kế với ông Lê Thảo.

Sau khi có Quyết định 882/QĐ-UB ngày 8-10-1979 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định thì gia đình ông Thảo không đồng ý bán nhà cho ông Trần Kế nữa.

Năm 1993 ông Trần Kế khởi kiện yêu cầu ông Thảo tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà.

Tại quyết định số 11 QĐ/TA ngày 28-12-1994, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự “Về việc yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán nhà” giữa ông Trần Kế với ông Lê Thảo và bà Tôn Thị Tằng do anh Lê Trung Thuận đại diện theo uỷ quyền.

Ngày 3-2-1999, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định có quyết định số 318/QĐ-UB có nội dung: “Công nhận sở hữu chủ nhà số 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn cho ông Lê Thảo và gia đình sau khi đã hoàn thành các thủ tục theo quy định của nhà nước về nhà, đất”.

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 20-5-1999 ông Trần Kế đề nghị Toà án giải quyết buộc ông Lê Thảo tiếp tục thực hiện hợp đồng, giao lại ngôi nhà 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn cho gia đình ông.

Tại Quyết định số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án tranh chấp “Hợp đồng mua bán nhà” đã thụ lý số 06/DSST ngày 12-8-1999. Trả lại đơn khởi kiện
ngày 20-5-1999 cho ông Trần Kế với lý do: Vụ án đã được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực (Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án số 11/QĐ-TA ngày 28-12-1994 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định).

Sau khi có quyết định nêu trên, ngày 25-4-2003 ông Kế kháng cáo không đồng ý với quyết định của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định.

Tại Quyết định phúc thẩm số 29/QĐ-PT ngày 1-7-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định: “Bác đơn kháng cáo của ông Trần Kế, giữ nguyên Quyết định sơ thẩm số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định có hiệu lực pháp luật. Ông Trần Kế phải chịu 5.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm”.

Sau khi có Quyết định số 29/QĐPT ngày 01-7-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, ông Trần Kế có nhiều đơn khiếu nại yêu cầu được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm nói trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 101/2006/DS-KN ngày 27-6-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định phúc thẩm số 29/QĐ-PT ngày 01-7-2003 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng với nhận định:

Theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự về thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân không có quy định vụ án “Về việc yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán nhà” như yêu cầu khởi kiện của ông Trần Kế vào năm 1993, nên Toà án nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định số 11 QĐ/TA ngày 20-12-1994 là có căn cứ. Sau khi có quyết định 318/QĐ-UB ngày 3-2-1999 về việc công nhận sở hữu đối với ngôi nhà 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn cho ông Lê Thảo, ông Trần Kế lại khởi kiện và Toà án các cấp đã xác định đây là quan hệ pháp luật về “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” là đúng.

Như vậy, vụ án mà Toà án nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý ra Quyết định số 11QĐ/TA ngày 20-12-1994 đình chỉ việc giải quyết khác với vụ án mà
Toà án nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý và ra Quyết định đình chỉ số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003; do đó, việc khởi kiện ngày 20-5-1999 của ông Trần Kế chưa được giải quyết, nhưng tại Quyết định sơ thẩm số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003 và tại Quyết định phúc thẩm số 29/QĐPT ngày 01-7-2003, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định và Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng lại cho rằng việc khởi kiện ngày 20-5-1999 của ông Trần Kế đã được giải quyết tại Quyết định số 11QĐ/TA ngày 20-12-1994, nên đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là sai.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Quyết định phúc thẩm nêu trên và huỷ Quyết định sơ thẩm số 04/QĐTA ngày 21-4-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi có quyết định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, ngày 9-8-2006 anh Lê Trung Thuận (đại diện uỷ quyền của ông Lê Thảo bị đơn) có đơn khiếu nại không đồng ý với Quyết định kháng nghị số 101/2006/DS-KN ngày 27-6-2006 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và cho rằng Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm là đúng.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu đề nghị: không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 101/2006/DS-KN ngày 27-6-2006 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao vì cho rằng vụ án đã được giải quyết bằng các Quyết định có hiệu lực của hai cấp Toà án; tuy nhiên cần hướng dẫn ông Trần Kế khởi kiện lại bằng một vụ kiện đòi lại tài sản do ông Trần Kế đã giao số tiền mua bán nhà cho ông Lê Thảo.

XÉT THẤY:

Ngày 3-8-1979 ông Lê Thảo lập văn tự bán căn nhà số 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn cho ông Trần Kế với giá 8.000 đồng, ông Trần Kế đã giao cho ông Lê Thảo 6.000 đồng. Sau đó, ngày 8-10-1979 Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình có quyết định số 882/QĐ-UB quản lý căn nhà trên, do đó, việc
ngày 30-9-1980 Uỷ ban nhân dân phường Lê Lợi lại chứng thực vào văn tự mua bán nhà giữa ông Trần Kế với ông Lê Thảo là không đúng pháp luật. Sau khi có Quyết định số 882/QĐ-UB ngày 8-10-1979 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình ông Thảo không đồng ý bán nhà cho ông Kế nên ông Kế có đơn yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán nhà. Toà án nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng sự việc không thuộc thẩm quyền của Toà án giải quyết nên đã căn cứ vào khoản 5 Điều 36 khoản 4 Điều 46 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra Quyết định số 11QĐ/TA ngày 20-12-1994 đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định số 11QĐ/TA ngày 20-12-1994 không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm chưa xem xét và giải quyết về nội dung của quan hệ pháp luật đang tranh chấp.

Sau khi có Quyết định số 318/QĐ-UB ngày 03-02-1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc công nhận sở hữu căn nhà 177 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn cho ông Lê Thảo, ngày 20-5-1999 ông Trần Kế lại khởi kiện, yêu cầu ông Lê Thảo tiếp tục thực hiện hợp đồng, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã thụ lý vụ án và xác định đây là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà là đúng và lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải giải quyết về nội dung tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, nhưng Toà án nhân dân tỉnh Bình Định lại căn cứ vào Quyết định đình chỉ số 11 QĐ/TA ngày 28-12-1994 và cho rằng sự việc đã được giải quyết để ra Quyết định đình chỉ số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003 là sai. Tại Quyết định số 29/QĐPT ngày 01-7-2003 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã bác đơn kháng cáo của ông Trần Kế, giữ nguyên Quyết định số 04/QĐ-TA nêu trên cũng là không đúng. Trong vụ án này yêu cầu của ông Trần Kế về việc giải quyết nội dung của tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà chưa được Toà án các cấp giải quyết, làm thiệt hại đến quyền lợi của ông Trần Kế.

Về tố tụng: Căn nhà đang tranh chấp là tài sản của vợ chồng ông Lê Thảo và bà Tôn Thị Tằng, lẽ ra Toà án phải xác định địa vị tố tụng của bà Tôn Thị Tằng để bà có quyền tham gia tố tụng, nhưng trong quyết định đình chỉ số 04 nói trên, Toà án chỉ xác định mình ông Lê Thảo là bị đơn trong khi ông đã chết là không đúng. Do đó, khi giải quyết lại vụ án, Toà án cấp sơ thẩm phải xác định đúng địa vị tố tụng của các bên và phải đưa những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Lê Thảo vào tham gia tố tụng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ Quyết định phúc thẩm số 29/QĐPT ngày 01-7-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và Quyết định sơ thẩm số 04/QĐ-TA ngày 21-4-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định về việc đình chỉ giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn là ông Trần Kế với bị đơn là ông Lê Thảo.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết, xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

____________________________________________

– Lý do huỷ quyết định sơ thẩm và quyết định phúc thẩm:

Toà án cấp sơ thẩm cho rằng sự việc đã được giải quyết và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng pháp luật.

– Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các quyết định sơ thẩm, phúc thẩm:

Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.

Ý kiến bổ sung:
Từ diễn biến phiên tòa giám đốc thẩm, chúng ta có thể nhận thấy rằng ngay cả phía đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có những cách hiểu khác nhau về tên gọi của loại tranh chấp dân sự này. Theo ý kiến của chúng tôi, một hợp đồng dân sự được tạo nên từ 2 yếu tố: hình thức và nội dung. Hình thức và nội dung phải thống nhất với nhau thì mới tạo nên một hợp đồng hoàn chỉnh. Như vậy, với trường hợp cụ thể này, tòa án phải xem xét cả nội dung tranh chấp ở đây là “Tranh chấp về hợp đồng”