Đầu tiên, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Ban tổ chức đã mời tôi tham dự Hội thảo này và dành cho tôi cơ hội được học hỏi qua những tranh luận với các học giả Việt Nam về những vấn đề nóng bỏng mà xã hội Việt Nam đang đối mặt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngày nay, nhất là khi tiến trình toàn cầu hoá đang song hành với sự bành trướng toàn cầu của kinh tế thị trường, không một đất nước nào thoát khỏi ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực của những vấn đề nghiêm trọng do kinh tế thị trường đem lại. Tôi vô cùng quan tâm đến việc trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng với các học giả Việt Nam, cũng như các học giả nước ngoài khác đến từ những bối cảnh kinh tế thị trường khác nhau.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Hàn Quốc thường được dẫn ra như một hình mẫu thành công, một quốc gia đã gặt hái được những thành tựu trong phát triển kinh tế và cả trong tiến trình dân chủ hoá về mặt chính trị. Ở một góc độ nào đó, điều đó là sự thật, nhưng từ những khía cạnh khác, chúng tôi hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, không chỉ là vấn đề kinh tế có liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn thế giới hiện thời, mà cả những vấn đề kinh tế – xã hội và văn hoá đáng lo ngại gắn với những biện pháp của chủ nghĩa tự do mới (ví dụ như cái gọi là “sự linh động hoá” của thị trường lao động và người lao động thời vụ), cũng như những vấn đề chính trị, bao gồm cả những xung đột về lợi ích trong lĩnh vực xã hội dân sự. Tôi xin trình bày ở đây kinh nghiệm của Hàn Quốc. Báo cáo của tôi là báo cáo mang tính mở. Tôi không giấu diếm những vấn đề tiêu cực, bởi tôi tin rằng, chúng ta có thể học hỏi được, kể cả từ những khiếm khuyết và sai lầm.

Phải thừa nhận rằng, kinh tế thị trường đang ngày càng có hiệu quả và khuyến khích mạnh mẽ tính sáng tạo. Nhưng, nguyên tắc cạnh tranh có thể phá huỷ tính liên đới (tính đoàn kết) và biến xã hội trở thành một khu rừng hoang mà trong đó, những kẻ có sức mạnh là những kẻ thống trị. Có rất nhiều lý do để giải thích vì sao người ta kiến tạo ra nhiều mô hình khác nhau nhằm mục đích điều chỉnh (cải biến) nền kinh tế thị trường như (mô hình) kinh tế thị trường xã hội (đặc biệt được đề cao bởi các nhà dân chủ xã hội ở Đức) hay kinh tế hỗn hợp, v.v.. Những mô hình này kết hợp thị trường tự do với sự can thiệp của nhà nước. Và, còn một lĩnh vực quan trọng hơn, lĩnh vực thứ ba [ngoài thị trường tự do và nhà nước đã nêu trên], cái có thể đóng góp rất lớn vào việc tạo dựng những quy tắc để chỉnh sửa những hệ quả của nền kinh tế thị trường và khiến cho xã hội trở nên nhân văn hơn – đó là xã hội dân sự.

Trong bài viết này, tôi không tranh luận về những học thuyết kinh tế, về kinh tế thị trường và những vấn đề có liên quan từ khía cạnh lý thuyết, mà lược thuật lại những hoạt động của xã hội dân sự trong quá trình phát triển kinh tế ở Hàn Quốc. Ở phần đầu bài viết, tôi lý giải vai trò của những nhóm hoạt động trong các phong trào xã hội và chính trị ở thời kỳ chính quyền độc tài chủ trương đẩy mạnh những chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là trong những năm 70 của thế kỷ XX, khi những nhóm tín hữu (church-based groups) đã đóng một vai trò quan trọng. Trong phần thứ hai tôi nói tới sự thay đổi của xã hội dân sự ở Hàn Quốc sau quá trình dân chủ hoá (thành tựu của nền dân chủ quy trình – procedural democracy), cũng như trong tiến trình bành trướng của chủ nghĩa tự do mới. Vấn đề được tranh luận ở đây là nguyên tắc “công tính” (the principle of “publicity”).

1. Sự hình thành xã hội dân sự và giai đoạn đầu của kinh tế thị trường

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Triều Tiên được giải phóng khỏi ách xâm lược của Nhật Bản, nhưng lại bị chia ct theo các phe phái của hệ chiến tranh lạnh. Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) bùng nổ bởi sự đối đầu ý thức hệ giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đã tàn phá cả đất nước. Năm 1960, Hàn Quốc là một đất nước nông nghiệp với thu nhập bình quân dưới 100 USD/người. Ngày nay, Hàn Quốc là một quốc gia công nghiệp, công nghệ cao với thu nhập bình quân hơn 12.000 USD. Hàn Quốc hiện tại là nước đứng thứ 11 hoặc 12 trên thế giới xếp theo tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Thời kỳ quá độ sang tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc bắt đầu từ những kế hoạch phát triển kinh tế (theo con đường tư bản chủ nghĩa) được phác hoạ và hiện thực hoá bởi chính quyền độc tài quân sự của Park Chung-Hee (Pắc Chung Hi) từ năm 1962.

Những điểm trọng yếu của kế hoạch phát triển kinh tế có thể kể đến là mô hình tăng trưởng kinh tế với định hướng xuất khẩu. Để tăng cường xuất khẩu, giá thành của sản phẩm trên thị trường thế giới phải thấp, nghĩa là chi phí sản xuất phải được hạ thấp. Để hạ thấp chi phí sản xuất, chính quyền đã thi hành chính sách lương thấp. Để cho người lao động có thể sống với mức lương thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp. Để thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực xuất khẩu tự do, nơi những nhà đầu tư nước ngoài có thể được ưu đãi về thuế cũng như quyền của người lao động bị hạn chế tối đa, đã được thiết lập. Tóm lại, mô hình tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc (lúc đó) dựa trên việc hy sinh quyền lợi của công nhân và nông dân.

Điều kiện sống của công nhân, nông dân và những người thị dân nghèo, những người di cư từ các khu vực nông nghiệp trong những năm 70 của thế kỷ XX là hết sức cực khổ – thời gian lao động kéo dài, điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp. Những người công nhân thường không đủ ăn, cho dù họ làm việc đến 14 tiếng mỗi ngày hoặc hơn thế. Tình trạng của người nông dân cũng tương tự. Khi đó đã xuất hiện một vài phong trào tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống, nhưng chính quyền độc tài thời đó đã đàn áp những phong trào này một cách không thương tiếc. Thực trạng khốn cùng ấy thậm chí không thể được phản ánh qua báo chí hay các phương tiện truyền thông khác do chính sách kiểm duyệt chặt chẽ. Các quyền dân chủ cơ bản, chẳng hạn như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến, đều bị đàn áp. Dưới tình cảnh ấy, sự phát triển của xã hội dân sự với tư cách một lĩnh vực độc lập với nhà nước là hết sức khó khăn.

Còn một yếu tố nữa mang đặc trưng của Hàn Quốc – đó là một đất nước bị chia cắt, sự chia cắt này cũng cản trở sự phát triển của xã hội dân sự. Chiến tranh Triều Tiên đã tạo nên một xã hội cực hữu tương đối thống nhất ở Hàn Quốc, nơi mà sự chống đối chủ nghĩa cộng sản được toàn xã hội tiếp thu như là một “sự đồng thuận giả tạo”. Sự đối đầu với Bắc Triều Tiên như là kẻ thù (về mặt pháp lý, chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên chưa kết thúc, mà mới chỉ là đình chiến) và sự sợ hãi chiến tranh đã gây nên một kiểu tâm thức nhị nguyên (đối đầu) – chúng ta hoặc chúng nó (nghĩa là kẻ thù, cũng có nghĩa là người cộng sản). Trong bầu không khí ấy thì không thể có chỗ cho những phê phán nội tại. Cần thiết phải xác định xem anh thuộc về bên nào – bên “chúng ta” hay bên “kẻ thù”. Và, trạng thái “chiến tranh giả tạo” đó đã biện minh cho mọi sự xâm phạm đối với quyền con người của “kẻ thù”. Nếu một người bị quy kết là người cộng sản, người đó sẽ mất hết mọi quyền tồn tại trong xã hội. Quy kết sự phê phán nhằm vào một chính sách nào đó của chính phủ là cộng sản chủ nghĩa là phương cách ưa thích và hiệu quả của chính quyền độc tài. Nếu một nhà hoạt động xã hội bị bắt, người đó sẽ bị tra tấn dã man để phải thú nhận mình là người cộng sản.

Mối liên hệ qua lại giữa ba nguyên tắc đó (“chống cộng”, “nhà nước độc tài” và “phát triển kinh tế”) là vô cùng quan trọng để hiểu về xã hội Hàn Quốc dưới thời độc tài quân sự (1961 – 1987). Và, những hệ quả của nó vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Quan điểm chống đối cộng sản là thứ cột chống không thể thiếu của chế độ độc tài và chính nó đã tạo dựng một ưu thế tuyệt đối của nhà nước đối với xã hội dân sự. Trong bối cảnh coi phát triển kinh tế là lý tưởng thì việc chống đối chủ nghĩa cộng sản đã bảo đảm cho tư bản một ưu thế tuyệt đối đối với người lao động(1).

Trong bối cảnh đó, chính nhà thờ Cơ Đốc giáo và những nhóm tín hữu đã có những đóng góp quan trọng trong việc vượt qua “uy quyền vạn năng” của quan điểm chống cộng và tạo dựng một vị thế thích hợp giữa “chúng ta” và “kẻ thù” như là một khả năng cho việc phát triển một xã hội dân sự độc lập với nhà nước. Những người Cơ Đốc giáo Hàn Quốc đã đưa sang Bắc Triều Tiên nhiều chuyến hàng cứu trợ trong suốt thời kỳ chia cắt đất nước và Chiến tranh Triều Tiên; họ làm công việc đó chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức nhà thờ bảo thủ của Hoa Kỳ. Thật là buồn cười và vô lý nếu gọi họ là những người cộng sản. Như vậy, sự phản kháng được những người Cơ Đốc giáo đề xướng đã tạo dựng một không gian nhất định cho sự phê phán mà không thể bị quy cho là theo “những ý định xấu xa của người cộng sản”(2).

Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Giáo hội Hàn Quốc đã bày tỏ tình đoàn kết đối với những nạn nhân của “sự phát triển kinh tế”. Trên lĩnh vực thần học, những tranh luận của Công đồng Vatican II và thần học giải phóng (liberal theology) từ Mỹ Latinh không chỉ tác động đến Giáo hội Thiên Chúa giáo Hàn Quốc, mà cả các Giáo hội Tin Lành nữa. Trong số các Giáo hội Tin Lành, một hình thức thần học tương ứng (contextual theology: thần học bối cảnh) của Hàn Quốc dưới cái tên “thần học Minjung” đã phát triển. Trong tín hữu của họ, họ bày tỏ nguyện ước muốn nhận diện ra Thiên Chúa trong số những người cùng khổ và những người bị áp bức (Matth. 25)(3) cũng như việc tham gia vào sứ mệnh của Chúa (missio dei).

Uỷ ban Nhân quyền của Hội đồng Giáo hội quốc gia Hàn Quốc (NCCK), Phái đoàn Công nghiệp Thành thị, Hiệp hội Nông dân Cơ Đốc giáo Hàn Quốc, Phái đoàn vì người nghèo thành thị, Liên hiệp hội Sinh viên Cơ Đốc giáo Hàn Quốc, Hội đồng Thanh niên của Giáo hội toàn thế giới, v.v. là những nhóm hoạt động điển hình dựa trên nền tảng của Giáo hội Tin Lành. Những tổ chức Thiên Chúa giáo, như Hiệp hội Linh mục Thiên Chúa giáo vì bình đẳng (thành lập năm 1974 từ Hội đồng Giám mục Thiên Chúa giáo Hàn Quốc, giữ một vai trò rất quan trọng cho đến tận ngày nay), hội Công nhân Cơ Đốc giáo trẻ (Jeunesse Ouvrières Chrétienne), Hiệp hội Nông dân Thiên Chúa giáođã để lại những dấu ấn đáng chú ý trong lịch sử Phong trào Lao động và Nông dân, cũng như tiến trình dân chủ hoá. Đó mới chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều tổ chức khác nhau.

Địa vị mà các nhóm tín hữu tạo lập được là một cơ sở quan trọng cho quá trình dân chủ hoá – nó dần mở rộng không gian tự do cho các nhóm hoạt động xã hội phi tôn giáo khác. Từ khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã có rất nhiều tổ chức độc lập với giáo hội, nên những nhóm tín hữu chỉ là một bộ phận của xã hội dân sự. Hơn nữa, một vài cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhóm tín hữu về (việc lựa chọn) định hướng giữa phát triển tâm tính cá nhân (individual spirituality) và sự tham gia xã hội đã làm yếu đi những tiềm lực chính trị của định hướng đó.

Năm 1987, một chính quyền dân chủ đã được thành lập qua một cuộc bầu cử tự do. Năm 1997, đảng đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được sự chuyển giao quyền lực bằng con đường hoà bình. Năm 2007, người Hàn Quốc đã kỷ niệm 20 năm nền dân chủ được thiết lập tại Hàn Quốc. Trong suốt tiến trình dân chủ hoá, phạm vi hoạt động của xã hội dân sự đã mở rộng không ngừng.

Ở Hàn Quốc, quá trình dân chủ hoá diễn ra trong bối cảnh của tăng trưởng kinh tế. Điều này không có nghĩa là sự phát triển kinh tế góp phần tích cực vào sự dân chủ hoá. Bởi lẽ, khi những biện pháp phát triển kinh tế trở nên quá phản nhân văn và mang nặng tính bóc lột, thì người dân sẽ tự tập hợp lại và phản bác những biện pháp đó. Sự phản kháng này là khởi điểm của xã hội dân sự và là động lực cho sự dân chủ hoá. Xã hội dân sự đang nảy sinh, rốt cuộc, đã đóng vai trò điều chỉnh trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, mặc dù chúng ta cũng không nên quên rằng, quá trình nảy sinh cũng như thực hiện vai trò điều chỉnh đó bao chứa những cuộc đấu tranh khốc liệt, những khổ đau và những hy sinh to lớn.

2. Xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường tự do mới

Cuộc khủng hoảng tài chính và sự can thiệp của IMF vào Hàn Quốc đã tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tự do mới. Sự tư hữu hoá, thương mại hóa (thậm chí cả văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và an sinh xã hội cũng trở thành hàng hoá), sự năng động hoá của thị trường lao động và sự bần cùng hoá của tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo khổ đã diễn ra ngày càng nhanh và dữ dội trong quá trình toàn cầu hoá. Chủ nghĩa tự do mới không tự hạn chế mình trong phạm vi kinh tế. Nguyên lý hiệu quả và nguyên lý cạnh tranh tự khuếch tán vào mọi lĩnh vực của đời sống. Với tư cách những học giả, chúng ta đã cảm thấy rằng, trong đời sống thường nhật, mức độ mà những nguyên lý của chủ nghĩa tự do mới tác động lên các trường đại học ngày càng mạnh mẽ và thống trị những hoạt động học thuật. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay và việc các chính phủ trên thế giới tuyên bố can thiệp [vào nền kinh tế], nhiều người đã dự báo sự cáo chung của chủ nghĩa tự do mới. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, một mặt, sự can thiệp của chính quyền được hướng vào đâu; mặt khác, những hậu quả của sự phát triển trên thực tế của chủ nghĩa tự do mới từ 30 năm trước cũng không dễ dàng mất đi.

Từ 1998 đến 2007, những chính phủ định hướng cải cách theo hướng tiến bộ đã lên nắm quyền ở Hàn Quốc. Trong bầu không khí chính trị ấy, ở Hàn Quốc đã có những tiến bộ trong tiến trình dân chủ hoá. Tuy nhiên, những chính quyền đó đãkhông những không vạch ra những chính sách khác để chống lại hệ thống kinh tế mang tính tự do mới, mà (thậm chí) còn tiếp tục đi theo hướng phát triển đó. Người ta cho rằng, chính quyền gần đây nhất đã “bật xi nhan” để rẽ sang phía tả, nhưng lại lái sang phía hữu. Đó chính là một hạn chế trong tiến trình dân chủ hoá: dân chủ hoá về phương diện kinh tế – chính trị, cuộc thử nghiệm để tiếp cận sự bình đẳng về kinh tế – chính trị đã bộc lộ những thiếu sót [của mình].

Xã hội dân sự đã được mở rộng rất nhiều và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Hiện nay, bản chất của xã hội dân sự cũng đã thay đổi rất nhiều. Như chúng tôi đã đề cập, xã hội dân sự Hàn Quốc nảy sinh từ trong cuộc đấu tranh vì công lý chống lại sự áp bức tàn bạo của kinh tế thị trường được hậu thuẫn bởi một chính phủ độc tài. Nền dân chủ và những quyền con người là những lý tưởng định hướng quan trọng. Khởi đầu, những người hoạt động trong xã hội dân sự định hướng tới lợi ích công (phổ quát) của toàn xã hội và chống lại một cách công khai những lợi ích riêng tư không xác đáng. (Đã có rất nhiều tổ chức phi chính phủ giả hiệu [pseudo-NGOs] hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền dưới nền độc tài. Chúng tôi không tính những tổ chức phi chính phủ đó vào hàng những nhà hoạt động của xã hội dân sự, bởi về thực chất, chúng luôn phụ thuộc vào chính quyền).

Dưới chế độ của chính quyền dân chủ, nhiều nhóm cánh hữu, nhiều tổ chức hay nhóm phản động đã nổi dậy tìm cách bảo vệ những quyền ưu tiên mà họ có được từ thời của chế độ độc tài. Ngày nay đã có rất nhiều nhóm trong xã hội dân sự theo đuổi những lợi ích tư cho riêng mình, những lợi ích không tương ứng với lợi ích chung hay lợi ích công của toàn xã hội. Ví dụ, một tổ chức phi chính phủ của những dân cư thuộc một khu vực giàu có đã chống lại việc mở một trường học cho trẻ em thiểu năng. [Trên thực tế], đã diễn ra nhiều xung đột rất gay gắt trong khuôn khổ của xã hội dân sự.

Quá trình tư nhân hoá những doanh nghiệp công (doanh nghiệp nhà nước), thậm chí cả bảo hiểm xã hội, đã cho thấy sự thống trị của lôgíc thị trường và tư nhân đối với toàn bộ xã hội và nhà nước. Lợi ích riêng tư của tư bản đã thẩm thấu vào khu vực công của xã hội dân sự. Vấn đề hiệu quả và cạnh tranh còn quan trọng hơn nhiều so với sự đa dạng của quan điểm, sự bình đẳng về cơ hội, sự quan tâm đối với thiểu số hay tình đoàn kết.

Trong bối cảnh đó, cần phải đưa ra quan niệm về “công tính” (publicity). Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh – “publicus”, là hình thức tính từ của “populus”. Đây là nguyên gốc của từ tiếng Anh – “people” (nhân dân, người dân), nhưng trong thời La Mã cổ đại, nó được hiểu là những công dân tự do có quyền tham dự vào các hoạt động chính trị của cộng đồng. “Populus” hàm ý chỉ nhà nước, “Populus Romanus” là một tên gọi chính thức của nhà nước La Mã(4). Quan niệm “công tính” có ba thành tố(5): (1) “populus” với tư cách một công dân tự do và bình đẳng; (2) quá trình giao tiếp minh bạch trong công chúng; (3) sự nỗ lực đạt tới mục tiêu phúc lợi cho toàn xã hội, cho lợi ích chung của cộng đồng.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nơi giống như rừng hoang, không thể tránh khỏi việc tạo ra một nhân tố điển hình có khả năng điều chỉnh những lợi ích cá biệt (tư). Dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng, xã hội dân sự có tiềm năng để đảm đương vai trò đó. Đồng thời, nó cũng phải được định hướng theo nguyên lý phục tùng lợi ích chung của toàn xã hội. Quan niệm về “công tính” cần phải được thảo luận trong bối cảnh đó./.

(1) Choe Hyondok. Hàn Quốc – Quyền con người với tư cách bộ phận của tiến trình dân chủ hoá. Aachen: Hội truyền giáo, 2004, tr.16.(2) Choe Hyondok. Sđd., tr.30.

(3) Kinh thánh (bản dịch năm 2002 của Nxb Tôn giáo, Hà Nội) Mathiơ 25: 31 Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. 32 Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người này với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; 33 để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả. 34 Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên – đàng đã sắm – sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần – truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. 37 Lúc ấy, người công – bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? 38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp – rước; hoặc trần – truồng mà mặc cho? 39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm – viếng Chúa? 40 Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn – mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. 41 Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm – sẵn cho ma – quỉ và những quỉ – sứ đó. 42 Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống; 43 ta là khách lạ, các ngươi không tiếp – rước; ta trần – truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm – viếng. 44 Đến phiên các người nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần – truồng, hoặc đau – ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư? 45 Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong số những người rất hèn – mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa. 46 Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình – phạt đời đời, còn những người công – bình sẽ vào sự sống đời đời.

(4) Xem: Jo Hansang. Công tính là gì (tiếng Hàn Quốc)? Seoul: Chaeksesang, 2009, tr.17-18.

(5) Xem: Jo Hansang. Sđd., tr.33-34.

SOURCE: TẠP CHÍ TRIẾT HỌC SỐ 4 (215) NĂM 2009

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)