Thời gian gần đây, thuật ngữ “xã hội hóa” trong cải cách dịch vụ công không chỉ được đề cập trong các văn bản mang tính chất định hướng của Đảng, Nhà nước, mà còn được sự quan tâm khá đặc biệt từ phía các nhà nghiên cứu. Thậm chí, nó đã không còn xa lạ với đa số người dân, mặc dù không hẳn ai cũng hiểu tường tận khái niệm này. Liên quan đến công việc quản lý nhà nước, thuật ngữ này được sử dụng như một “giải pháp” cho cải cách việc cung ứng các dịch vụ công ích gắn liền với một số lĩnh vực như công chứng, xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường… Theo cách này, vai trò cung ứng dịch vụ của các đối tượng sẽ có sự thay đổi: chuyển từ sự độc quyền của Nhà nước sang hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ này ra ngoài khu vực nhà nước nhằm tập hợp nguồn lực của xã hội để cùng thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công. Phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước một mặt sẽ giảm tải được gánh nặng cho các cơ quan công quyền, mặt khác huy động được các nguồn lực trong xã hội. Không chỉ vậy, xã hội hóa còn được hiểu là quá trình để mọi người được tham gia bình đẳng vào môi trường lành mạnh, được thụ hưởng những lợi ích công bằng do dịch vụ công đem lại.

Nhìn lại một số thành quả đã đạt được từ việc xã hội hóa dịch vụ công trên tất cả các lĩnh vực đời sống có thể thấy, nó đem lại những lợi ích không thể phủ nhận. Bắt đầu từ thay đổi nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với các dịch vụ công liên quan đến thủ tục hành chính – lĩnh vực mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách – thì hiện nay đã đã chuyển giao một phần cho các tổ chức ngoài nhà nước. Có thể kể đến các dịch vụ: công chứng, công chứng tại nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ vệ sinh môi trường đã từng bước được thừa nhận hiệu quả; sự ra đời của hàng chục các hãng phim tư nhân và những công ty tổ chức biểu diễn đã đem đến diện mạo mới cho lĩnh vực văn hóa giải trí; các trường đại học tư thục ra đời; các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhanh chóng trong một thời gian ngắn và làm ăn có hiệu quả… Các ví dụ này đã từng bước thể hiện tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ dịch vụ công trên phạm vi rộng.

Tuy nhiên, xã hội hóa các dịch vụ công ích còn nhiều khía cạnh cần được xem xét thấu đáo hơn. Vẫn còn các hoài nghi chung quanh các nội dung: liệu xã hội hóa các dịch vụ công có đem lại hiệu quả bền vững? Nên xã hội hóa dịch vụ công ở mức độ nào? Nhà nước có bảo đảm được vai trò quản lý của mình khi các dịch vụ này được xã hội hóa rộng rãi?

.Xã hội hóa và chất lượng cung ứng dịch vụ công

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

1. Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công 

Cần thiết phải xác định rõ mục tiêu mà công cuộc cải cách dịch vụ công hướng tới là chất lượng dịch vụ chứ không phải là mức độ xã hội hóa. Xã hội hóa loại hình dịch vụ này chỉ là phương thức để đạt được chất lượng dịch vụ công mong muốn. Ở nhiều nước phát triển, xu thế chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức khu vực tư ngày càng được áp dụng nhiều dưới những hình thức khác nhau. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm cung cấp những lĩnh vực mà khu vực tư không hoặc chưa tham gia. Có nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động cung ứng dịch vụ công của khu vực nhà nước thường kém hiệu quả hơn so với khu vực tư nhân. Đối với Việt Nam, hiện nay cung ứng dịch vụ công vẫn phụ thuộc phần lớn vào Nhà nước vì khu vực tư chưa đủ năng lực để cung cấp tốt các dịch vụ này. Do vậy, cần phải xác định được lĩnh vực nào cần xã hội hóa, và xã hội hóa ở cấp độ nào thì đem lại hiệu quả tốt nhất cho người dân, chứ không vì tiêu chí xã hội hóa mà thiếu quan tâm tới chất lượng dịch vụ.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ công, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết 90/NĐ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đối với hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao; Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao. Từ các cơ sở pháp lý này, hàng loạt cơ sở cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao đã ra đời. Đồng thời, hiện thực này đã nảy sinh nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng dịch vụ. Thông thường, các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân chú trọng nhiều đến lợi nhuận, luôn có xu hướng đẩy giá dịch vụ lên cao, các loại phí dịch vụ bị điều chỉnh tùy tiện, chất lượng dịch vụ yếu, cơ chế tài chính không minh bạch. Vẫn còn nhiều cơ sở tư nhân được thành lập dưới dạng tự phát nên khó kiểm soát chất lượng. Hàng loạt trường mầm non tư thục không đủ tiêu chuẩn như thiếu không gian cho trẻ, thực phẩm không an toàn, các điều kiện chăm sóc trẻ không được đảm bảo; các cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng được yêu cầu, nâng tùy tiện giá thuốc; các trường học tư thục thiếu giáo viên cơ hữu; các hãng phim chạy theo xu hướng giải trí rẻ tiền, thiếu định hướng… Tất cả đang đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng đối với các dịch vụ được khối tư nhân cung ứng cho xã hội. Tất nhiên, tình trạng kém chất lượng trong cung ứng dịch vụ không bắt nguồn từ việc xã hội hóa, song mức độ xã hội hóa ồ ạt, thiếu kiểm soát rõ ràng đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ. 

 

2. Cần cơ chế quản lý phù hợp

Muốn đảm bảo chất lượng chất lượng dịch vụ công đồng thời mở rộng chuyển giao việc cung ứng dịch vụ cho khu vực tư nhân, Nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp. Trước hết hoàn thiện pháp luật một cách đồng bộ về bộ máy nhà nước, trao thẩm quyền cụ thể cho từng loại cơ quan thực hiện quản lý và cung ứng dịch vụ công. Đặt ra chế tài xử lý vi phạm cùng với cơ chế bảo đảm thực hiện các chế tài đó khi có hành vi vi phạm. Đồng thời, nâng cao vai trò của Tòa Hành chính trong việc xét xử các quyết định hành chính, hành vi công vụ.

Điều quan trọng là phải ban hành được các chuẩn về chất lượng dịch vụ công. Hiện nay chúng ta mới chỉ cung ứng các dịch vụ công một cách thụ động và ở mức độ cơ bản, thiết yếu so với nhu cầu của người dân và chưa có một hệ thống chuẩn mực nào để so sánh và hướng tới. Cách thức cung ứng dịch vụ công theo các mô hình dập khuôn, kém năng động chưa phù hợp với các vùng miền có đặc điểm về kinh tế – xã hội đặc biệt (như việc phân biệt giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng).

Việc chuyển đổi các cơ sở công lập sang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp – tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm – cũng phải được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi tự chịu trách nhiệm. Làm rõ cơ chế tài chính và mức độ vượt quá để Nhà nước có thể can thiệp. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến học phí, viện phí, trợ giá, trợ cước và các loại phí dịch vụ khác. Quy định rõ Nhà nước sẽ can thiệp khi có những thay đổi khách quan như thay đổi mức phí, khi giá dịch vụ cao hơn mặt bằng chung hoặc khi thực hiện chính sách xã hội…

Chế độ chịu trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Cùng với việc đặt ra hệ thống tiêu chuẩn chất lượng thì trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong cung ứng dịch vụ phải được nâng cao. Nên đề cao trách nhiệm cá nhân đồng thời đặt ra cơ chế giải trình hợp lý. Như vậy công tác kiểm soát, giám sát sẽ có hiệu quả hơn.

 

3. Cải thiện dịch vụ công trong khu vực nhà nước

Xu hướng chuyển chức năng cung ứng dịch vụ công ra khỏi khu vực nhà nước một cách tối đa đã được một số nước thực hiện từ lâu. Điển hình như nước Mỹ, gần như tất cả các dịch vụ công đều do khu vực tư nhân đảm trách, Chính phủ chỉ giữ vai trò kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt mới đây, người ta còn nghĩ tới việc xã hội hóa nhà tù. Thật mới mẻ, chính quyền bang Arizona, Mỹ đang tính đến chuyện mở thầu công khai cho tất cả các trại giam trên toàn bang. Nếu việc này trở thành hiện thực, đây sẽ là bang đầu tiên thực hiện chế độ tư nhân hóa trại giam toàn phần ở Mỹ.

Với hoàn cảnh, điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc xã hội hóa mới chỉ được thực hiện ở cấp độ thấp. Lý do chủ yếu là chưa có cơ chế quản lý hiệu quả, thêm nữa khu vực tư chưa đủ lớn mạnh để tiếp nhận việc cung ứng một cách tốt nhất. Như vậy ở Việt Nam, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ chốt trong cung ứng dịch vụ công. Vấn đề đặt ra là đồng thời với việc thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, thì chính các cơ sở công lập phải tự nâng cao chất lượng lượng phục vụ. Với quan điểm đặt chức năng phục vụ lên hàng đầu, Nhà nước cần phải đảm bảo những dịch vụ cần thiết, chất lượng cho người dân.

Hơn nữa, Nhà nước phải là người có trách nhiệm điều tiết dịch vụ công. Trách nhiệm này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền, bằng cách hỗ trợ cho những khu vực có điều kiện kinh tế, môi trường sống khó khăn hơn như khu vực miền núi, hải đảo, khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống… Bên cạnh đó, Nhà nước còn có vai trò đặc trưng là đảm bảo các dịch vụ công ích, đem lại cho người dân môi trường và các điều kiện sống tốt hơn.

Xã hội hóa dịch vụ công một phần xuất phát từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Song chính dịch vụ công lại bị ảnh hưởng trở lại bởi kinh tế thị trường với những tác động hai mặt của nó. Bởi vậy, để tránh được tình trạng biến tướng từ “xã hội hóa” dịch vụ công thành “tư nhân hóa”, không chỉ cần đến những giải pháp tác động mạnh và đồng bộ hơn mà còn yêu cầu phải có cách nhìn thấu đáo hơn trong việc xác định trọng tâm của công cuộc đổi mới.

Tác giả: Đinh Mai Lan – Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng.

Nguồn: http://www.nclp.org.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)