1. Chuyển đổi giới tính là gì ?

Chuyển đổi giới tính là thuật ngữ dùng để chỉ hành động dùng biện pháp y khoa để làm thay đổi giới tính của một con người. Chuyển đổi giới tính là quá trình can thiệp là thay đổi giới tính của một cá nhân khi giới tính đó đã được xác định rõ. Khái niệm Chuyển đổi giới tính trên hay bị nhầm lẫn với khái niệm Xác định lại giới tính.

Chuyển đổi giới tính thường rơi vào những đối tượng có hội chứng “bức bối về tâm giới tính” tức là họ không thỏa mãn về giới tính của mình. Hội chứng này bắt nguồn từ thời kì bào thai mới 3-4 tháng, khi não thai nhi biệt hóa thành nam, nữ nhưng sự biệt hóa này trái ngược với cấu trúc gen sinh học của họ. Những người “bức bối về giới tính của mình còn tự coi mình là Giới tính khác( Transgendist). Họ luôn cảm thấy mình không thuộc về giới tính hiện tại mà khát khao giới tính kia và mong muốn được thay đổi. 

Trước Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện có biện pháp phẫu thuật can thiệp nhằm chuyển đổi ngoại hình, giới tính đối với những người đã có cơ thể đã định hình hoàn chỉnh về giới tính. Tuy nhiên, ngày 24/11/2015, với 282/366 số phiếu, Quốc hội Việt Nam đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính – quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại lại chưa có văn bản cụ thế hướng dẫn quy trình thay đổi, điều chỉnh hộ tịch đối với các trường hợp công dân đã thực hiện việc chuyển đổi giới tính.

2. Xác định lại giới tính là gì ?

Xác định lại giới tính – một thuật ngữ chỉ những thủ tục dùng để điều chỉnh lại giới tính của một người do người đó có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc bộ phận sinh dục chưa được định hình chính xác. Xác định lại giới tính là một trong các quyền nhân thân cơ bản của công dân được quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số văn bản chuyên ngành điều chỉnh việc xác định lại giới tính là Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính; Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24/5/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một sổ điều của Nghị định sổ 88/2008/NĐ-CP.

Theo đó, công dân có quyền xác định lại giới tính khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật; 

– Chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Giới tính chưa được định hình chính xác  là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Nguyên tắc xác định lại giới tính:

– Bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình;

– Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính;

– Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.

3. Điều kiện cần lưu ý khi muốn xác định lại giới tính

Không phải mọi trường hợp đều được pháp luật cho phép xác định lại giới tính, hiện nay, pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc cho phép những người có đủ các điều kiện sau đây thực hiện việc xác định lại giới tính:

Thứ nhất, về biểu hiện của bệnh lý: Những người được xem xét để xác định lại giới tính là những người có những biểu hiện sau:  Một là, có khuyết tật bẩm sinh về giới tính: Có khuyết tật bẩm sinh về giới tính được hiểu là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.

 – Nữ lưỡng giới giả nam: là một người có nhiễm sắc đồ kiểu nữ (46, XX), có 2 buồng trứng nhưng cơ quan sinh dục ngoài lại giống như nam, thường do trong thời kỳ phôi thai, thai nhi nữ bị phơi nhiễm quá nhiều với hormon nam ngay từ khi chưa sinh ra. Môi lớn và môi nhỏ của cơ quan sinh dục nữ dính vào nhau nên trông giống như bìu và âm vật phát triển to giống như dương vật. Thường vẫn có tử cung và 2 vòi trứng bình thường.

– Nam lưỡng giới giả nữ: là trường hợp có nhiễm sắc đồ kiểu nam 46, XY nhưng cơ quan sinh dục ngoài lại không thành hình hoàn chỉnh, không rõ nam hay nữ hoặc rõ là con gái. Bên trong cơ thể thì 2 tinh hoàn có thể bình thường hay dị tật hay không có.

– Lưỡng giới thật: là trường hợp có cả 2 tuyến sinh dục (cả tinh hoàn và buồng trứng) tồn tại trên một cá thể, từ sự cố về gen học và cũng rất hiếm. Những người này có thể sống được nhưng không thể sinh sản và hạn chế về khả năng tình dục vì các hormon nam đã triệt tiêu tác dụng của các hormon nữ và ngược lại. Hai loại mô buồng trứng và tinh hoàn có thể trên cùng tuyến sinh dục (ovotestis) hay có một buồng trứng và một tinh hoàn riêng biệt. Người bệnh có thể có nhiễm sắc thể giới XX hoặc XY hay cả hai. Hai là, giới tính chưa định hình chính xác được hiểu là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới.

Điều kiện thứ hai, để một cá nhân có quyền xác định lại giới tính đó là độ tuổi: Về cơ bản thì không hạn chế bất kỳ một độ tuổi nào trong việc xác định lại giới tính của cá nhân. Tuy nhiên, do Luật Dân sự đã quy định rất cụ thể về năng lực hành vi dân sự” của cá nhân tương ứng với từng độ tuổi:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

và 

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều của Bộ luật này

Như vậy, trong các mối quan hệ dân sự thì người thành niên được coi là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được tự mình quyết định mọi vấn đề liên quan đến các giao dịch do mình thực hiện. Còn các trường hợp khác phải có người giám hộ để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân đó. Việc xác định lại giới tính cho cá nhân cũng phải tuân theo các quy định về độ tuổi của cá nhân.

Điều kiện thứ 3, về tính tự nguyện, trong mọi trường hợp người muốn xác định lại giới tính phải làm đơn gửi cơ sở khám chữa bệnh xin xác định lại giới tính, nếu không có đơn thì cơ sở y tế không được phép tiến hành xác định lại giới tính cho cá nhân.

4. So sánh chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính

Xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính, về mặt y học, có vẻ chúng có nét giống nhau ở chỗ, cả hai thuật ngữ này đều mô tả việc là thay đổi giới tính của một người thành giới tính khác. Tuy nhiên, về bản chất y học, giữa chúng vẫn có những khác biệt, bên cạnh đó, điểm khác nhau lớn giữa chúng là về có hay chưa các quy định pháp lý điều chỉnh chi tiết ?

Xác định lại giới tính là quyền cơ bản của cá nhân trong việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự về quyền xác định lại giới tính, ngày 05/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ – CP hướng dẫn cụ thể về quyền xác định lại giới tính của cá nhân như các vấn đề: Đối tượng được quyền xác định lại giới tính cho cá nhân là: các cá nhân, tổ chức trong nước và các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên tắc xác định lại giới tính: Bảo đảm cho mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình; việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính, giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính. Như vậy, về cơ bản các quy định của pháp luật về việc xác định lại giới tính của cá nhân là khá đầy đủ và toàn diện, tạo hành lang pháp lý cho phép cá nhân và cơ sở ý tế được phép tiến hành xác định lại giới tính.

Chuyển đổi giới tính lại khác. Chuyển đổi giới tính là một thuật ngữ dùng để chỉ việc con người can thiệp làm thay đổi giới tính của cá nhân khi giới tính đã được xác định rõ.

Về biểu hiện bệnh lý, chuyển đổi giới tính thường rơi vào những đối tượng khác với đối tượng được xác định lại giớ tính ở chỗ: những đối tượng chuyển giới thường rơi vào hội chứng “ bức bối về giới tính”( nghĩa là họ không thỏa mãn về giới tính của mình). Nam giới khi bị trong trạng thái này sẽ cảm thấy mình là phụ nữ, đối với nữ giới thì ngược lại. Vì thế, họ luôn tìm cách bỏ đi những thứ vô dụng để trở thành giới tính mà họ mong muốn.

 Về mặt sinh học thì cấu tạo cơ thể của hoàn toàn bình thường, Các bộ phận sinh dục trong và ngoài cơ thể phát triển phù hợp với bộ nhiễm sắc thể của nam hoặc nữ. Tuy nhiên, vấn để mà những người chuyển giới gặp phải ở đây không nằm ở mặt sinh học mà nằm ở tâm lý. Họ cảm thấy mình không thuộc giới tính mình đang sở hữu ở bên ngoài mà sâu tận trong tâm hồn họ mong muốn mình là giới tính khác. 

Hội chứng “bức bối về giới tính” theo các nhà khoa học đó là một loại bệnh, có nguyên nhân bẩm sinh. Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận tính hợp pháp của việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay cho thấy, việc chuyển đổi giới tính diễn ra không chỉ đối với những người bệnh thật mà nó còn được những người hoàn toàn bình thường sử dụng như một thú vui lệch lạc về giới tính. Tuy đã được pháp luật quy định là một trong các quyền công dân nhưng lại chưa được hướng dẫn chi tiết. Do vậy, việc cấp bách là cần ban hành những quy định hướng dẫn một cách chi tiết các đối tượng, điều kiện, trường hợp được phép thực hiện chuyển đổi giới tính cũng như quy định các hành vi bị nghiêm cấm… để những người thực sự cần có thể thực hiện chuyển đổi đúng quy định và bảo vệ được những quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

5. Việc chuyển đổi giới tính sẽ làm thay đổi những quyền nhân thân nào ?

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quyền nhân thân bao gồm các nhóm quyền sau:  Nhóm quyền nhân thân gắn liền với chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình( Quyền kết hôn, Quyền bình đẳng vợ chồng,Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con, Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đìnhQuyền ly hôn, Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con); Nhóm các quyền liên quan tới sự cá biệt hóa cá nhân (Quyền đối với họ tênQuyền thay đổi họ, tên, Quyền xác định dân tộc, Quyền được khai sinh, Quyền được khai tử, Quyền của cá nhân đối với hình ảnhQuyền xác định lại giới tính, Quyền đối với quốc tịch); Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân, Nhóm các quyền liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể; Nhóm các quyền nhân thân đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

Do chưa có những quy định cụ thể dành cho người chuyển giới nên hầu hết các quyền nhân thân của họ đều bị ảnh hưởng.

Quyền về tinh thần bị ảnh hưởng nhiều nhất, khiến tâm lý những người chuyển giới trở lên mặc cảm là Quyền mưu cầu hạnh phúc. Một phần do Luật HNGĐ chỉ cho phép nam và nữ( tức là những người hoàn thiện về giới tính theo quy định của pháp luật) kết hôn. Còn đối với người chuyển giới, do gặp trở ngại trong việc xin giấy tờ thay đổi ( xác định lại) giới tính nên người con trai chuyển giới không thể lấy người cùng giới và với phụ nữ cũng vậy. Không chỉ pháp luật không cho phép mà ngay cả cộng đồng dư luận xã hội cũng lên tiếng chê bai, dè bỉu. Không ít người còn quá xa lạ với hình ảnh những người chuyển giới mà có thái độ khinh bỉ, coi thường họ. Bởi những trở ngại như vậy mà những khát khao hạnh phúc trong họ gần như không thể có được một cách bình thường như bao công dân khác.

Nhóm quyền thứ hai bị ảnh hưởng là nhóm quyền liên quan tới sự cá biệt hóa cá nhân. Họ tên, giới tính, quốc tịch … là những thứ mà mỗi công dân được pháp luật bảo vệ từ khi sinh ra và gắn với mỗi người tới suốt cuộc đời. Nghị định 88/2009/NĐ-CP (và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 88/2009/NĐ-CP) chỉ cho phép xác định lại giới tính và thay đổi một số thông tin cho những người bị ghi nhầm, xác định nhầm giới tính kể từ khi sinh ra hoặc có nhứng khiếm khuyết bẩm sinh về giới tính. Còn từ trước tới nay, chưa có tiền lệ hay quy định, hướng dẫn nào về việc thay đổi tên họ, giới tính và một số quyền nhân thân khác cho nghững người chuyển giới( chuyển từ giới tính này sang giới tính khác dù cơ thể phát triển bình thường). Chính vì vậy, nhứng người chuyển giới bỗng lâm vào tình huống giở khóc giởi cười trên con đường đi xin xác định lại giới tính và thay đổi tên họ cho phù hợp với dáng vẻ mà họ đã phẩu thuật chuyển đổi. Không những vậy, việc tự do đi lại, cư trú của những người chuyển giới cũng gặp không ít khó khăn. Khi mà tên và ảnh trong chứng minh( hay hộ chiếu và các giấy tờ khác liên quan) là hình của nam( nữ) nhưng diện mạo hiện tại lại khác hoàn toàn. Khi mà pháp luật chưa có các quy định cụ thể để đảm bảo quyền tự do đi lại, cư trú thì việc xuất nhập cảnh, di chuyển tới nhiều nơi trên đất nước hay cư trú của người chuyển giới còn gặp cản trở.

Luật LVN Group sưu tầm và biên tập!

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.