1. Tầm quan trọng của việc quy định luật áp dụng cho tranh chấp

Tầm quan trọng của việc quy định trước luật áp dụng cho hợp đồng không thể bị coi nhẹ. Có thể nguy hiểm khi luật áp dụng không được quy định trong hợp đồng: điều này không chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết tranh chấp , mà đôi khi có thể dẫn đến phát sinh một tranh chấp mới về luật áp dụng. Ngay khi xảy ra tình huống bất kỳ nào mà không được quy định trong các điều khoản hợp đồng, hoặc nếu các điều khoản hợp đồng cần được giải thích, những thiếu sót trong hợp đồng sẽ phải được bổ sung nhằm xác định phạm vi nghĩa vụ của các bên trên cơ sở luật áp dụng. Khi tranh chấp được đưa ra uỷ ban trọng tài, các bên trước tiên sẽ phải thuyết phục uỷ ban trọng tài về luật mà họ coi là luật áp dụng, trước khi họ có thể bắt đầu tranh luận vụ việc. Rõ ràng, không quy định luật áp dụng trong hợp đồng sẽ dẫn đến sự trì hoãn và làm tăng các chi phí.

Đôi khi, các bên không đạt được thoả thuận về luật áp dụng sẽ quy định rằng tranh chấp được giải quyết bằng “nguyên tắc chung của luật” hoặc lex mexcatoria. Điều khoản đó nguy hiểm là để lại rất nhiều vấn đề không rõ ràng, và đây là lý do tại sao cộng đồng trọng tài luôn nhìn lex mexcatoria với sự hoài nghi. Tuy nhiên, từ năm 1994, Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts) (do Học viện quốc tế về thống nhất luật tư pháp tại Rome, Italia xuất bản) bắt đầu có hiệu lực (xem http://www.jurisint.org). Những nguyên tắc này có thể được các bên thoả thuận làm nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng.

Không cần biết các bên đã thoả thuận luật áp dụng hay chưa, uỷ ban trọng tài cũng sẽ luôn phải xem xét các tập quán thương mại.

 

2. Uỷ ban trọng tài và luật do các bên lựa chọn

Nếu các bên đã thoả thuận được luật áp dụng cho hợp đồng, uỷ ban trọng tài bắt buộc phải công nhận. Tuy nhiên, uỷ ban trọng tài vẫn phải xem xét liệu có giới hạn đối với việc áp dụng luật đó không.

Về điểm này, các bên nên nhớ rằng vấn đề về năng lực, hoặc thẩm quyền hành động của một bên thường được quyết định bởi luật áp dụng cho địa vị của thực thể đó (dù là pháp nhân hay thể nhân), chứ không phải bởi luật áp dụng cho hợp đồng (xem Mục B.1 dưới đây).

Tương tự, tài sản của một công ty bị giải thể sẽ phải quyết định bởi luật điều chỉnh công ty – thông thường là luật mà theo đó công ty được thành lập.

Khiếu kiện về bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo luật áp dụng cho hợp đồng, đặc biệt nếu hành vi sai trái phát sinh trong khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy vì trọng tài viên cũng có thể áp dụng lex loci delicti, đó là luật của nơi xảy ra mất mát hoặc thiệt hại.

Hơn nữa, uỷ ban trọng tài có thể thấy rằng phạm vi áp dụng của luật áp dụng bị giới hạn bởi sự can thiệp của trật tự xã hội bắt buộc của một hệ thống pháp luật khác mà liên quan tới hợp đồng.

 

3. Thẩm quyền xét xử như một nhà trung gian hoà giải

Nếu các bên đã trao thẩm quyền xét xử như một nhà trung gian hoà giải cho một uỷ ban trọng tài, thì có nghĩa là uỷ ban trọng tài, khi áp dụng một luật cụ thể, có thể không cần áp dụng nghiêm ngặt luật đó, nếu uỷ ban trọng tài thấy rằng việc áp dụng nghiêm ngặt đó dẫn đến kết quả không công bằng. Thẩm quyền này, dù không được công nhận ở tất cả các nền văn hoá pháp lý, cũng có thể trao cho các trọng tài viên quyền quyết định trên cơ sở công bằng (đó là ex aequo et bono) không cần thiết xác định luật áp dụng.

Uỷ ban trọng tài thậm chí sẽ được miễn ban hành phán quyết theo luật, nếu luật điều chỉnh tố tụng trọng tài cho phép điều đó.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những người giải quyết trên cơ sở công bằng dù thế nào cũng phải tôn trọng các quy tắc trật tự xã hội khi tiến hành trọng tài và ban hành phán quyết.

Tóm lại, các trọng tài viên có thể quyết định như những nhà trung gian hoà giải nếu các bên trao thẩm quyền này cho họ.

 

4. Xác định luật áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp, nếu không được các bên quy định

Nếu các bên không quy định luật áp dụng, chính uỷ ban trọng tài sẽ xác định các quy tắc áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp. Bởi một trọng tài viên quốc tế, không giống như một thẩm phán, không bắt nguồn từ một cơ quan có thẩm quyền quốc gia nơi ông ta/bà ta làm việc, trọng tài viên không tuân theo lex fori (luật của nơi xét xử). Vì vậy, trọng tài viên không có nghĩa vụ áp dụng luật nội dung của nước diễn ra tố tụng trọng tài, nếu các bên không quy định áp dụng luật nội dung này cho tranh chấp. Trọng tài viên cũng không phải áp dụng quy tắc xung đột luật của nơi xét xử trọng tài.

Qua các phán quyết trọng tài đã được xuất bản, người ta thấy có rất nhiều phương pháp được các trọng tài viên quốc tế sử dụng để xác định quy tắc luật áp dụng. Đa số các trọng tài viên xác định quy tắc luật áp dụng bằng cách sử dụng một trong ba phương pháp mô tả dưới đây.

Áp dụng quy tắc xung đột luật của các nước có mối quan hệ với vụ tranh chấp được đưa ra trọng tài

Theo nguyên tắc này, uỷ ban trọng tài xem xét quy tắc xung đột luật của từng hệ thống pháp luật liên quan tới tranh chấp (quy tắc của các nước mà các bên bắt nguồn từ đó, của các nước nơi hợp đồng được ký kết hoặc thực hiện,v.v…). Ưu điểm của phương pháp này là tính đến khả năng dự đoán phương thức giải quyết. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ không có tác dụng trong trường hợp việc áp dụng các quy tắc xung đột luật khác nhau không đưa đến sự lựa chọn một luật duy nhất.

 

Dựa trên những nguyên tắc chung của luật tư pháp quốc tế

Với phương pháp này, một số nguyên tắc chung hoặc được chấp nhận phổ biến được rút ra từ những bộ quy tắc xung đột luật quan trọng nhất. Các trọng tài viên thường sử dụng các nguyên tắc “trọng tâm” và “mối liên hệ mật thiết nhất”.

Mặc dù việc tham khảo các bộ quy tắc xung đột luật khác nhau có thể có sức thuyết phục, phương pháp này có tác dụng đơn giản hoá. Các nguyên tắc nêu trên không phải luôn luôn trùng khớp với các quy tắc xung đột luật được xem xét. Điều này có thể giải thích tại sao một số uỷ ban trọng tài, nhằm thúc đẩy sự lựa chọn của mình, dựa vào những công ước quốc tế như:

– Công ước về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng (Rome, 1980) – The Convention on the Law Applicable to Contractual Obligations;

– Công ước về luật áp dụng cho mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay ngày 15 tháng 6 năm 1955) – The Convention on the Law Applicable to the International Sale of Goods; hoặc

– Công ước về luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay ngày 22 tháng 12 năm 1986) – The Convention on the Law Applicable to Contracts for the International Sale of Goods.

Cách trực tiếp

Phương pháp trực tiếp nghĩa là ủy ban trọng tài trực tiếp tiến hành giải quyết tranh chấp mà trước tiên không đặt ra vấn đề về các quy tắc xung đột luật áp dụng. Theo phương pháp này, uỷ ban trọng tài xác định nhân tố liên hệ mà uỷ ban thấy có tính quyết định hoặc quan trọng, giữa hợp đồng và luật mà uỷ ban quyết định áp dụng. Nhân tố này có thể liên quan tới nơi thực hiện những nội dung chính của hợp đồng, trọng tâm của hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng, nơi cư trú của người bán,v.v… Tuy nhiên, phương pháp này có thể nguy hiểm và gây tranh cãi, nếu tranh chấp liên quan đặc biệt tới hiệu lực của hợp đồng fhoặc các vấn đề về thời hạn.

 

5. Áp dụng luật phi quốc gia cho nội dung vụ tranh chấp

Trong rất nhiều vụ, phán quyết của uỷ ban trọng tài không căn cứ vào luật của một quốc gia mà căn cứ vào “tập quán thương mại” hoặc “thực tiễn” hoặc “các nguyên tắc chung của luật”, hoặc thậm chí vào lex mercatoria. Và uỷ ban trọng tài đã làm như vậy trong trường hợp họ có thẩm quyền xét xử trên cơ sở công bằng và trong cả trường hợp họ không có thẩm quyền đó.

Tập quán thương mại hoặc “thực tiễn”

Một số công ước quốc tế, Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài và một số quy tắc tố tụng trọng tài quy định các trọng tài viên sẽ xem xét cả tập quán thương mại, thậm chí cả khi họ áp dụng luật quốc gia.

Việc tham khảo tập quán thương mại thường có thể bổ sung những thiếu sót trong luật áp dụng, bởi các tập quán trong thế giới thương mại quốc tế có thể phát triển nhanh hơn luật. Tuy nhiên, trọng tài viên không thể sao lãng luật do các bên chọn với lý do họ đang xem xét các tập quán thương mại.

Nếu các bên đã không chọn được luật áp dụng, thì các trọng tài viên đôi khi chỉ dựa trên các tập quán thương mại để nêu ra những căn cứ pháp lý cho quyết định của họ. Nếu làm như vậy, các trọng tài viên sẽ phải dựa vào các công ước quốc tế và/hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định các trọng tài viên có thể, hoặc sẽ, trong mọi trường hợp được dựa vào thực tiễn thương mại.

Lex mercatoria và các nguyên tắc chung của luật

Tập quán thương mại được đề cập tới trong cả các công ước quốc tế và các quy tắc tố tụng trọng tài. Đây không phải là lex mercatoria hoặc các nguyên tắc chung của luật. Hai khái niệm này thường được coi đồng nghĩa với nhau.

Lex mercatoria được tranh cãi trong học thuyết về luật từ những năm 60 (do Giáo sư Berhold Goldman và Giáo sư Clive Schmitthoff khởi xướng), mặc dù cho tới nay vẫn chưa có định nào xác định rõ ràng khái niệm và dung hoà tất cả những người có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Các tác giả của học thuyết đã chỉ ra các trọng tài viên thường phân biệt giữa tập quán thương mại và lex mercatoria.

Trong luật án lệ trọng tài, rất ít phán quyết được dựa trên lex mercatoria mà không áp dụng bất kỳ hệ thống pháp luật quốc gia nào. Đối với một số phán quyết dạng này, đơn đề nghị huỷ phán quyết đã được nộp cho các toà án quốc gia. Các toà án của Anh và Pháp đã bác những đơn đề nghị đó, và cho rằng một trọng tài viên có thể ra các quyết định dựa trên các nguyên tắc của luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng được quốc tế chấp nhận hoặc lex mercatoria. Luật án lệ đó cũng như luật án lệ trọng tài cho thấy các bên có thể đưa tranh chấp ra xét xử theo lex mercatoria chứ không theo luật quốc gia cụ thể. Quan điểm này được ủng hộ bằng cách tham khảo “các quy tắc của luật” trong Luật mẫu của UNCITRAL (Điều 28) và trọng luật trọng tài của nhiều quốc gia cũng như các quy tắc tố tụng trọng tài khác nhau.

Khi phải xác định các quy tắc lex mercatoria, hoặc của các nguyên tắc chung của luật về mua bán hàng hoá quốc tế, các trọng tài viên thường phải dựa trên:

– Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (The United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods) ký tại Viên ngày 10 tháng 4 năm 1980 (xem toàn văn công ước tại website của Juris International http://www.jurisint.org); hoặc

– Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (The UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts).

 

Định nghĩa lex mercatoria

Tháng 5 năm 1994, một nhóm làm việc dưới sự bảo trợ của UNIDROIT(International Institute for the Unification of Private Law) đã xuất bản Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (xem toàn văn văn bản này tại http://www.jurisint.org). Những Nguyên tắc này đặt ra 119 quy tắc chung cho hợp đồng quốc tế. Lời nói đầu của Nguyên tắc UNIDROIT như sau:

Nguyên tắc được áp dụng khi các bên đã thoả thuận rằng hợp đồng của họ được điều chỉnh bởi Nguyên tắc này. Nguyên tắc có thể được áp dụng khi các bên đã thoả thuận rằng hợp đồng của họ được điều chỉnh bởi “các nguyên tắc chung của luật”, ” lex mercatoria”, hoặc những gì tương tự như vậy. Nguyên tắc có thể cung cấp giải pháp cho một vấn đề phát sinh khi chứng minh được rằng không thể xác định quy tắc của luật áp dụng liên quan. Nguyên tắc cũng có thể sử dụng để giải thích hoặc bổ sung các văn kiện luật thống nhất quốc tế. Nguyên tắc có thể làm mẫu cho các nhà lập pháp quốc gia và quốc tế.

Nguyên tắc của UNIDROIT chắc chắn sẽ đóng góp vào việc mang lại cho lex mercatoria một nội dung được định nghĩa rõ hơn. Về mặt này, Nguyên tắc của UNIDROIT là một công cụ hữu ích để có thể sử dụng và áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế.

Luật LVN Group (tổng hợp từ các nguồn trên internet)