Kính thưa Luật sư của LVN Group. Tôi có tìm hiểu quy định pháp luật hiện hành về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng vì khả năng tìm kiếm căn cứ pháp lý còn hạn chế nên chưa thu thập được nhiều thông tin. Mong Luật sư của LVN Group giải đáp giúp tôi thắc mắc sau: Pháp luật dân sự hiện hành quy định như thế nào về việc xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài? Rất mong nhận được hồi đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Mạnh Hùng – Quảng Ninh
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Phạm vi quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật Dân sự năm 2015
Bản chất cơ bản của quan hệ dân sự (QHDS) có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam được thể hiện tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự (BLDS). Phạm vi xác định QHDS có yếu tố nước ngoài trong khoản 2 Điều 663 BLDS được phân định theo một trong ba nhóm chính sau: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của QHDS đó ở nước ngoài.
Theo quy định trên, việc xác định phạm vi QHDS có yếu tố nước ngoài cần dựa trên các yếu tố sau:
2.1. Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài
Đây là một quy định xác định chủ thể trong QHDS có yếu tố nước ngoài. Chủ thể này bắt buộc là cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài. Trong quan hệ này, các nhà làm luật đã quy định mang định lượng “tối thiểu” một bên phải là tổ chức hay cá nhân nước ngoài. Dưới góc độ khoa học pháp lý, chúng tôi cho rằng, cá nhân nước ngoài được hiểu là “người nước ngoài”, còn tổ chức nước ngoài được hiểu là pháp nhân nước ngoài.
Khoản 1 Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định: “Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Như vậy, “người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch”. Trong đó, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân; trường hợp người nước ngoài thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì được xác định theo pháp luật Việt Nam.
Tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài. Khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ghi “quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam”. Điều 676 BLDS quy định về pháp nhân có yếu tố nước ngoài, quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập. Ví dụ, Tập đoàn Sam sung của Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam là một pháp nhân 100% vốn nước ngoài có quốc tịch pháp nhân nước ngoài, không phải quốc tịch pháp nhân Việt Nam. Hau Công ty TNHH Amway Việt Nam là một pháp nhân có quốc tịch nước ngoài. Đây là một tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài có trụ sở thành lập ở Mỹ và có chi nhánh hoạt động tại 63 tỉnh, thành trong cả nước Việt Nam. Xét về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân thì tên gọi, đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ “trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam”. Ví dụ, Hãng Honda của Nhật Bản thiết lập quan hệ, thực hiện quan hệ các giao dịch tại nước ta thì năng lực dân sự pháp nhân nước ngoài của hãng này được xác định theo pháp luật nước ta là Honda Việt Nam.
2.2. Các bên tham gia đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng giao dịch đó lại được xác lập ở nước ngoài
Với nhóm này, việc xác định phạm vi quan hệ có yếu tố nước ngoài xảy ra với điều kiện khi các bên tham gia “xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ” là cá nhân, pháp nhân Việt Nam tại nước ngoài. Đối chiếu với quy định tại Điều 758 BLDS cũ năm 2005: “theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài…” thì quy định “xảy ra tại nước ngoài” của BLDS đã thể hiện nội hàm bao quát rộng, khoa học và dễ hiểu đối với mọi chủ thể khi áp dụng quy định pháp luật. Mọi giao dịch dân sự đều xảy ra ở nước ngoài mà các bên là người Việt Nam hay tổ chức Việt Nam đều thuộc về quan hệ có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Ở đây, các nhà làm luật đã kế thừa quy định BLDS cũ năm 2005 khi xác định quan hệ có yếu tố nước ngoài mà chủ thể là cá nhân, pháp nhân người Việt Nam xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ tại nước ngoài đó xảy ra phải theo pháp luật nước ngoài điều chỉnh.
Xác lập được hiểu các bên là người Việt Nam, tổ chức Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ với nhau, cam kết với nhau bằng hợp đồng miệng, bằng văn bản hoặc bằng các hình thức khác tương đương ở nước ngoài. Xác lập luôn luôn thể hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên thì mới thuộc về xác lập quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Thay đổi QHDS có yếu tố nước ngoài khi đã được các chủ thể là cá nhân, pháp nhân Việt Nam xác lập quyền và nghĩa vụ trước đó tại nước ngoài. Thay đổi quyền và nghĩa vụ trên cơ sở nguyên tắc chung bởi ý chí tự nguyện của các bên, không bên nào ép buộc bên nào, trong thực tiễn thường thống nhất cách hiểu chung đó là phụ lục hợp đồng đã được xác lập.
Thực hiện QHDS có yếu tố nước ngoài xảy ra ở nước ngoài là thực hiện các quyền và nghĩa vụ được các bên là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam xác lập ở tại nước ngoài. Việc thực hiện phải theo đúng pháp luật của nước sở tại. Nếu việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự giữa công dân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài không tuân thủ theo đúng quy định của nước sở tại thì việc thực hiện QHDS đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước ta liên quan đến QHDS có yếu tố nước ngoài.
Chấm dứt QHDS có yếu tố nước ngoài là việc các bên là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình trong QHDS có yếu tố nước ngoài tại nước ngoài theo quy định của nước đó chứ không theo quy định pháp luật của Việt Nam.
2.3 Các bên tham gia đều là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của QHDS đó ở nước ngoài
Điểm c khoản 2 Điều 663 BLDS xác định quan hệ có yếu tố nước ngoài thể hiện ở đối tượng của QHDS đó ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa, đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài. Đây là những điểm mới đáng ghi nhận của BLDS so với BLDS cũ năm 2005. Theo chúng tôi, trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, BLDS hiện hành xác định quan hệ có yếu tố nước ngoài của nước ta ghi nhận đối tượng của QHDS đó ở nước ngoài thể hiện sự hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh QHDS có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Ví dụ, Chị Nguyễn Thị H là cá nhân người Việt Nam có quan hệ hợp đồng mua căn hộ cao cấp với một công ty (pháp nhân Việt Nam) ở Moscow thuộc Liên bang Nga theo quy định của pháp luật Liên bang Nga và quan hệ này có xảy ra tranh chấp. QHDS này được xác định là quan hệ có yếu tố nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 663 BLDS, bởi chủ thể tham gia trong giao dịch hợp đồng mua bán căn hộ cao cấp ở Moscow của Liên bang Nga đều là cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng đối tượng, việc mua bán căn hộ cao cấp (tài sản) khi có sự kiện pháp lý xảy ra đó là ký kết hợp đồng quan hệ tài sản do pháp luật dân sự Liên bang Nga điều chỉnh và quá trình thực hiện hợp đồng này có tranh chấp xảy ra ở Liên bang Nga.
Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam được hiểu là trong một giao dịch xảy ra ở nước ngoài dù là giao dịch đó cả hai đều là cá nhân người Việt Nam; hoặc cả hai đều là pháp nhân người Việt Nam; hoặc cả hai là cá nhân người Việt Nam với pháp nhân Việt Nam, thì thuộc về quan hệ có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 663 BLDS. Quy phạm pháp luật này thể hiện tính hiệu lực về không gian của giao dịch dân sự là ở nước ngoài.
3. Bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật về quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Cho đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định về QHDS có yếu tố nước ngoài của BLDS. Việc này đã dẫn đến những bất cập trong quá trình áp dụng luật trên thực tế. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến pháp luật áp dụng đối với QHDS có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:
3.1. Thống nhất về “người Việt Nam ở nước ngoài” với “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình:
Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…”. Quy định này không phù hợp với quy định về phạm vi QHDS có yếu tố nước ngoài trong BLDS.
Khoản 5 Điều 3 và Điều 28 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một nhóm chủ thể riêng biệt trong QHDS có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, xác định chủ thể tham gia vào QHDS có yếu tố nước ngoài, BLDS không sử dụng cụm từ “định cư”.
Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng:
Điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định: “Hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài là hợp đồng xây dựng được ký kết giữa một bên là nhà thầu nước ngoài với nhà thầu trong nước hoặc chủ đầu tư trong nước”. Quy định này không phù hợp với quy định của BLDS về QHDS có yếu tố nước ngoài ở chỗ, trong quy định này không xuất hiện hiệu lực không gian diễn ra của quan hệ giao dịch đó ở nước ngoài. Theo đó, hợp đồng xây dựng được các bên là công dân Việt Nam ký kết ở nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Trong lĩnh vực giáo dục:
Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài,… đầu tư cho giáo dục”. Như vậy, cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” trong điều khoản này chưa phù hợp với quy định của BLDS về chủ thể QHDS có yếu tố nước ngoài, bởi cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” chưa được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung bằng cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài”.
Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nuôi con nuôi; khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS 2015 về QHDS có yếu tố nước ngoài.
3.2 Vị trí của các quy phạm xung đột
Điều 664 BLDS quy định: “Pháp luật áp dụng đối với QHDS có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam”. Tuy nhiên, các văn bản luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Xây dựng năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014;… có chung nội dung liên quan chưa đồng nhất quy định như Điều 664 BLDS. Cho đến thời điểm hiện tại, các văn bản luật chuyên ngành chưa cụ thể hóa các quy phạm xung đột của BLDS hiện hành cũng như VBQPPL dưới luật liên quan. Vì các quy định của BLDS là văn bản “gốc”, chung nhất làm cơ sở để xây dựng các văn bản luật chuyên ngành khác, chúng tôi cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phù hợp với Điều 664 BLDS để bảo đảm tính đồng bộ, thuận lợi cho các bên tham gia vào quan hệ theo từng lĩnh vực ngành có yếu tố nước ngoài.
3.3 Áp dụng tập quán quốc tế
Theo quy định của Điều 666 BLDS, tập quán quốc tế được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Xét theo góc độ khoa học pháp lý, việc áp dụng tập quán quốc tế trong QHDS có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ thuộc các lĩnh vực khác có yếu tố nước ngoài là không thể thiếu vắng trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thể chế hóa vấn đề áp dụng tập quán quốc tế như ghi nhận của BLDS. Tuy nhiên, một số VBQPPL lại chưa cụ thể hóa vấn đề này. Có thể kể đến các văn bản như: Luật Thương mại 2005, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, những văn bản luật này chịu tác động, điều chỉnh bởi tập quán quốc tế nhiều nhất. Do chưa được chuẩn hóa theo quy định của BLDS về áp dụng điều ước quốc tế (áp dụng tập quán quốc tế nếu tập quán quốc tế không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật Việt Nam), nên quy định về áp dụng điều ước quốc tế trong các văn bản này thiếu tính nhất quán.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định của các văn bản luật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất với BLDS, theo hướng tập quán quốc tế được áp dụng nếu hậu quả của nó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
3.4. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Điều 683 BLDS 2015 đưa ra nguyên tắc mới về lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt với hợp đồng có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, các bên trong hợp đồng sẽ có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài là pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ các trường hợp sau:
– Hợp đồng liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam nếu bất động sản đó được đặt tại Việt Nam (khoản 4).
– Nếu hợp đồng lao động hoặc hợp đồng giao kết với người tiêu dùng áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 5).
– Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý (khoản 6).
Tuy nhiên, BLDS không giải thích “người thứ ba được hưởng” là những người nào. Điều này dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Có nơi hiểu có thể là bất kỳ cá nhân nào trong thực tiễn thi hành luật, thậm chí có địa phương hiểu điều đó phải là bên được chỉ định cụ thể trong hợp đồng.
Ngoài ra, BLDS cũng quy định về trường hợp “pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng” (khoản 1 Điều 683 BLDS) Theo đó, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với với hợp đồng sẽ được áp dụng. Quy định pháp luật áp dụng cho hợp đồng, pháp luật do các bên thỏa thuận; nếu các bên không thỏa thuận, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó cũng áp dụng với hình thức hợp đồng và “trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”. Trong khi đó, theo quy định của Khoản 4 Điều 683 BLDS, “trong hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản”.
Tuy nhiên, về vấn đề này, quy định của một số VBQPPL hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS. Ví dụ: Điều 11 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định: “Hợp đồng xây dựng phải áp dụng hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và tuân thủ các quy định của Nghị định này”. Khoản 4 Điều 3 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định:“Trong trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hoá thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hoá được trả theo hợp đồng”. Những quy định này không phù hợp với Khoản 4 Điều 683 BLDS về hợp đồng khi có xung đột xảy ra.
Về hình thức hợp đồng, khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hàng hải quy định: “Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể; vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”. Quy định này không phù hợp với khoản 1 Điều 531 BLDS về hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Điều 71 Bộ luật Hàng hải, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP theo hướng phù hợp với quy định của BLDS.
3.5 Các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
Theo quy định của Điều 670 BLDS, pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp chỉ khi nào, “hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Điều này có nghĩa là, hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì được phép áp dụng pháp luật nước ngoài vào trong QHDS có yếu tố nước ngoài mà BLDS điều chỉnh hoặc các luật chuyên ngành khác điều chỉnh. Tuy nhiên, một số VBQPPL như: Luật Đầu tư năm 2014; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Thương mại năm 2005; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… quy định việc áp dụng pháp luật nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Nhìn nhận dưới góc độ khoa học pháp lý, các văn bản luật chuyên ngành này là những mắt xích quan trọng trong quá trình vận hành điều chỉnh mọi lĩnh vực để phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Nó xuất phát từ những quy chuẩn chung nhất làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển, hoàn thiện khuôn khổ hành lang pháp lý điều chỉnh quan hệ xã hội, bảo vệ tuyệt đối quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Xét ở phương diện điều kiện để áp dụng luật nước ngoài là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia QHDS quốc tế, đảm bảo sự ổn định, củng cố và phát triển hợp tác về mọi mặt trong giao lưu dân sự giữa các quốc gia. Song, việc áp dụng luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện là luật nước ngoài được áp dụng không trái với nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội và pháp luật trong nước của nước áp dụng luật nước ngoài.
Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS về các trường hợp
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập