Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Để tồn tại, doanh nghiệp phải có người đại diện. Việc xác định ai là người có thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong giao dịch sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam nếu doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt Nam và giao dịch đó được thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Việt Nam giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua người đại diện, thì việc xác định ai là người có thẩm quyền đại diện của các doanh nghiệp này để thực hiện một giao dịch lại trở nên phức tạp. Bởi về vấn đề này, pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài quy định không giống nhau. Trong khi đó, thực tiễn pháp lý Việt Nam trong những năm gần đây thường xảy ra những tranh chấp về thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong những trường hợp đó, việc quy định sử dụng pháp luật nước nào để điều chỉnh là cần thiết. Ví dụ:

Ngày 28/10/1995, Công ty Kurihara Kogyo được thành lập theo pháp luật Nhật Bản có chi nhánh tại Singapore ký với Công ty HN (là công ty liên doanh) một hợp đồng. Ngày 06/6/1998, Công ty HN ký một hợp đồng thanh toán trong đó thỏa thuận chọn trọng tài Hồng Kông khi các bên có tranh chấp. Người đại diện ký kết của Công ty HN là ông Thành và người đại diện của bên kia là ông Tài. Sau đó, Công ty HN cho rằng “ông Thành – Tổng giám đốc Công ty liên doanh không có quyền ký thỏa thuận trọng tài vì đây là vấn đề xác định vốn Công ty liên doanh nên phải do Hội đồng quản trị Công ty liên doanh quyết định”. Công ty HN cũng cho rằng, “ông Tài không đủ thẩm quyền ký hợp đồng thanh toán 06/6/1998 vì ông Tài là Giám đốc Công ty liên doanh Kurihara Thăng Long ký hợp đồng với Công ty liên doanh HN 28/10/1995, rồi lại thay mặt Công ty Kurihara Kogyo Ltd – Chi nhánh Singapore – ký hợp đồng là không đúng quy định của pháp luật”(Xem Quyết định số 01/QĐ ngày 21/9/2001, thụ lý số 01/KTST ngày 18/6/2001 của TAND TP. Hà Nội).

Để biết ông Thành và ông Tài có thẩm quyền ký kết giao dịch trên hay không, chúng ta phải xác định pháp luật nước có thẩm quyền giải quyết. Chọn pháp luật nước nào khi ở đây có ba hệ thống pháp luật có thể được sử dụng: pháp luật Nhật Bản, pháp luật Singapore và pháp luật Việt Nam? Pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định rõ về vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cùng nghiên cứu và tìm hướng giải quyết.

 

Thực trạng pháp luật Việt Nam

Thực trạng văn bản

Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện nay có quy định về xác định pháp luật điều chỉnh năng lực hành vi dân sự của cá nhân (Điều 762) và năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài (Điều 765). Tuy nhiên, cần thấy rằng, năng lực hành vi hay năng lực pháp luật dân sự của cá nhân hay pháp nhân và thẩm quyền đại diện doanh nghiệp là hai vấn đề khác nhau. Năng lực là khả năng của ai đó làm việc gì. Trong khi đó, thẩm quyền là khả năng của một ai đó thay mặt chủ thể khác thực hiện một hành vi pháp lý. Ví dụ, công ty A hoàn toàn có khả năng ký kết một thoả thuận trọng tài nhưng liệu ông B, phó giám đốc của công ty, có thể thay mặt công ty ký một thoả thuận trọng tài hay không lại là vấn đề thẩm quyền của ông B. Ngược lại, ông A là giám đốc một công ty có thể không có năng lực dân sự để ký thỏa thuận trọng tài để giải quyết một số tranh chấp cá nhân của mình, nhưng hoàn toàn có thể ký một thỏa thuận trọng tài với đối tác của công ty trên danh nghĩa là người có thẩm quyền đại diện công ty.

Bộ luật Dân sự Việt Nam cũng đã có các quy định về xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh năng lực pháp luật dân sự nhưng chưa có các quy định về vấn đề thẩm quyền. Luật Doanh nghiệp năm 2005 có những quy định về pháp luật áp dụng và quốc tịch của doanh nghiệp (Điều 3, 4) nhưng cũng không cho biết là pháp luật nước nào sẽ được chọn để điều chỉnh thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định cụ thể, rõ ràng về việc xác định pháp luật điều chỉnh thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp trong quan hệ có yếu tố nước ngoài.

Thực tiễn pháp lý

 Thực tiễn pháp lý Việt Nam có hai xu hướng xác định pháp luật áp dụng về thẩm quyền đại diện doanh nghiệp.

Xu hướng thứ nhất là xác định thẩm quyền thông qua nghiên cứu một hệ thống pháp luật (pháp luật một nước). Ví dụ, tại Quyết định số 51/KTPT ngày 26/10/2001, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh có nhận xét: “Hợp đồng mua bán mà Công ty Recofi (Pháp) và Công ty Sunimex (Việt Nam) có quy định tại Điều 11 là việc thoả thuận chọn Trọng tài thuộc Phòng thương mại quốc tế Paris là không chặt chẽ theo điều lệ mẫu quy định. Do đó, khi phát sinh tranh chấp; quan điểm của mỗi bên hoàn toàn khác biệt nhau, không giải quyết thân thiện với nhau được theo nội dung của hợp đồng, mà phải ký thêm các điều kiện thoả thuận về việc chọn Trọng tài. Ngày 15/8/1998, các bên tiến hành ký kết các thể thức tham chiếu ICC vụ kiện số 9677/AC/DG. Phía Sunimex do ông Minh làm đại diện. Nhưng ở thời điểm này, ông Minh chỉ giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sunimex theo quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh. Việc ông Minh tham gia ký đã không đủ tư cách là người đại diện hợp pháp để thoả thuận thể thức tham chiếu ICC ngày 15/8/1988 theo quy định của pháp luật Việt Nam, đã vi phạm Khoản 1, Khoản 2, Điều 102 Bộ luật Dân sự, Điều 37 Luật Doanh nghiệp nhà nước và trái với Điều 19 Điều lệ hoạt động của Tổng công ty Sunimex”.

Ví dụ trên cho thấy, tòa án Việt Nam đã sử dụng pháp luật Việt Nam để cho rằng, ông Minh là người không có thẩm quyền đại diện công ty Sunimex trong giao dịch với Công ty Recofi, bởi lẽ, ông Minh chỉ là Phó Tổng Giám đốc Sunimex.

Xu hướng thứ hai là để xác định một người có thẩm quyền đại diện hay không, tòa án còn dẫn chiếu pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam (pháp luật hai nước), ví dụ:

Ngày 20/4/1993, Công ty Novus của Nga ký hợp đồng và hai phụ lục hợp đồng để bán cho Công ty Vinatex của Việt Nam một số lượng thép. Đại diện ký hợp đồng và phụ lục của bên bán là ông Malitski (Tổng giám đốc Công ty Novus) và bên mua là ông Nội (đại diện của Công ty Vinatex tại Nga). Thời gian sau, hai bên phát sinh tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, phía Việt Nam cho rằng, ông Nội không đủ tư cách ký hợp đồng và không được ủy quyền ký hợp đồng; còn phía Nga cho rằng, ông Nội có thẩm quyền ký kết hợp đồng (các bên không có tranh chấp về thẩm quyền đại diện của ông Malitski). Xung quanh thẩm quyền đại diện của ông Nội, tòa án nhận định: “Căn cứ Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cơ quan Đại diện kinh tế thương mại Việt Nam ở nước ngoài – ban hành kèm theo Nghị định 283/HĐBT ngày 8/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, căn cứ Khoản 2, Điều 2 Quy định số 299/TMDL-XNK ngày 09/4/1992 quy định về ký kết và quản lý hợp đồng Vinatex – chiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam, ông Nội là người không đủ thẩm quyền, không được ủy quyền để ký kết hợp đồng cũng như ký kết thỏa thuận trọng tài nêu trên”. Mặt khác, “Xét thấy, tại giải trình ngày 08/4/1996 của Công ty Novus gửi Tòa án trọng tài thương mại quốc tế, đại diện Công ty Novus nêu ra một trong những lý do để từ chối việc ký kết văn bản của Công ty là: “Theo Điều lệ của Công ty Novus thì chỉ có Tổng giám đốc mới có quyền ký bất kỳ văn bản nào mà không cần giấy ủy nhiệm. Mọi cán bộ trọng trách của Công ty Novus chỉ có thể ký kết hợp đồng khi có ủy quyền do Tổng giám đốc Công ty cấp…”. Đây cũng là nguyên tắc chung thống nhất được ghi nhận ở cả hai nước, bên ký kết đều phải tuân thủ và thực tế đều đã biết” (Xem Quyết định số 59/KTPT ngày 04/6/1998, thụ lý số 174 ngày 13/12/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội).

Như vậy, để biết ông Nội có thẩm quyền đại diện Công ty Vinatex hay không, tòa án Việt Nam đã dẫn chiếu những quy định của pháp luật hai nước.

Từ những ví dụ trên, có thể nói là thực tiễn pháp lý Việt Nam chưa thống nhất về xác định thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế.

Phương hướng giải quyết

Giải pháp có thể: Có thể xác định một người nào đó là đại diện của doanh nghiệp bằng nhiều hệ thống pháp luật hay không ?

Những tranh chấp được đề cập trên đây liên quan đến thẩm quyền để thiết lập một thỏa thuận trọng tài hay một hợp đồng. Đây không phải là một đặc thù của Việt Nam, bởi ở Pháp, những tranh chấp liên quan đến thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp Pháp (xem ví dụ 1)hay của doanh nghiệp nước ngoài (xem ví dụ 2) đối với việc ký kết một số giao dịch cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, chúng ta có thể áp dụng pháp luật của nước sở tại – nơi mà các giao dịch được ký kết – theo nguyên tắc, nếu giao dịch được ký tại Việt Nam thì xác định thẩm quyền đại diện doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam; nếu giao dịch được thiết lập ở nước ngoài thì theo pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp này có nhược điểm là làm cho việc xác định thẩm quyền đại diện của một doanh nghiệp phụ thuộc vào nơi ký kết giao dịch, trong khi đó nơi này hoàn toàn có thể là sự lựa chọn tình cờ (một thỏa thuận trọng tài có thể được ký ở Việt Nam, hay ở nước mà đối tác của doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở hoặc ở một nước thứ ba). Thực tiễn pháp lý một số nước trên thế giới cho thấy, những tranh chấp về thẩm quyền đại diện doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở những giao dịch. Vì vậy, việc lấy tiêu chí pháp luật của quốc gia mà tại đó đã thiết lập giao dịch như trên, không bao trùm được hết những vấn đề pháp lý cần giải quyết (xem ví dụ 3).

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng pháp luật của tòa án (ở đây là pháp luật Việt Nam), pháp luật nơi doanh nghiệp có trụ sở để giải quyết. Chúng ta cũng có thể xem xét đồng thời hai hay nhiều hệ thống pháp luật nêu trên cùng một lúc để xem xét thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp.

Giải pháp nên sử dụng:Vì vấn đề thẩm quyền liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thiết nghĩ, chúng ta nên sử dụng pháp luật của nước nơi doanh nghiệp có trụ sở vào thời điểm mà người đại diện thiết lập giao dịch trên danh nghĩa của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp được đại diện có trụ sở ở nước ngoài, thì chúng ta xác định là người nào đó có thể đại diện doanh nghiệp hay không theo pháp luật của nước ngoài này. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam, thì xác định thẩm quyền này theo pháp luật Việt Nam như Tòa án đã làm trong tranh chấp giữa Recofi của Pháp và Sunimex của Việt Nam mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Thông thường, các bên có tranh chấp về thẩm quyền đại diện của một doanh nghiệp tham gia giao dịch, nhưng đôi khi, thẩm quyền đại diện của cả hai doanh nghiệp tham gia giao dịch đều gây tranh cãi. Trong trường hợp này, tòa án phải nghiên cứu pháp luật của cả hai nước. Tuy nhiên, ở đây tòa án không nên sử dụng cả pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam để xác định thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hay của doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ nghiên cứu pháp luật Việt Nam để xem xét thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp Việt Nam và áp dụng pháp luật nước ngoài để xem xét thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp nước ngoài. Đó cũng là giải pháp được sử dụng trong tranh chấp mà chúng tôi đề cập ở phần trên. Cụ thể, liên quan đến thẩm quyền đại diện của ông Thành đối với Công ty HN, tòa án đã có nhận xét sau: “Theo tài liệu do phía Công ty HN xuất trình và theo lời trình bày của đại diện khách sạn thì đây là hợp đồng thanh toán cuối cùng của hợp đồng cung cấp thiết bị điện và vật liệu để sửa chữa, mở rộng khách sạn HN được ký giữa Công ty liên doanh HN và Công ty Kurihara Kogyo Singapore 28/10/1995 – Bổ sung ngày 05/3/1997, chứ không phải là bản quyết toán tăng vốn của toàn bộ Công ty liên doanh. Do đó, ông Thành ký hợp đồng thanh toán ngày 06/6/1998 là hoàn toàn có đủ thẩm quyền, phù hợp với Điều 12 Điều lệ Công ty liên doanh, không vi phạm điều 8, khoản 1 điểm c Pháp lệnh hợp đồng kinh tế như Công ty đưa ra”. Còn về thẩm quyền đại diện của ông Tài đối với Công ty Kurihara, tòa án cho rằng: “Theo giải trình và hồ sơ yêu cầu mà Công ty Kurihara Kogyo Ltd – chi nhánh Singapore xuất trình, thì ông Tài được Tổng giám đốc chi nhánh Singapore bổ nhiệm làm Giám đốc tại thông báo bổ nhiệm có lực từ 01/7/1990 và Giám đốc cao cấp tại thông báo bổ nhiệm có hiệu lực từ 01/7/2000. Trong quá trình Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông giải quyết tranh chấp, phía Công ty HN không thắc mắc gì về tư cách ông Tài cũng như về pháp nhân Công ty Kurihara Kogyo Ltd – Chi nhánh Singapore, Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông cũng đã thừa nhận tư cách pháp nhân của Công ty Kurihara Kogyo Ltd – Chi nhánh Singapore. Mặt khác, tại phiên tòa hôm nay, phía Công ty  HN cũng không thắc mắc hay đưa ra được chứng cứ hợp pháp khẳng định ông Tài hoặc Công ty Kurihara Kogyo không đủ năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài theo luật Singapore”.

Ví dụ 1: Henri, Tổng giám đốc Công ty Aliment sain của Pháp, tham gia đầu tư bất động sản ở Marốc (với tư cách cá nhân). Trong quá trình đầu tư, Henri đã ký chấp nhận bảo lãnh một khoản tiền với tư cách là Tổng giám đốc Công ty Aliment sain. Khi bị người nhận bảo lãnh (một ngân hàng Marốc) khởi kiện, Công ty Alimentsain cho rằng Henri không có thẩm quyền ký kết bảo lãnh trên. Tòa phúc thẩm Paris đã giải quyết vấn đề thẩm quyền này theo pháp luật của Pháp (xem Tòa phúc thẩm Paris ngày 26/3/1966: Tạp chí JDI năm 1966, tr. 841, bình luận B. Goldman và Tạp chí RCDIP năm 1968, tr. 58, bình luận Y. Loussouarn).

Ví dụ 2: Một người đại diện của Công ty General (doanh nghiệp của Ê – cốt) đã ký chấp nhận một bảo lãnh. Khi bị người nhận bảo lãnh khởi kiện, Công ty General đã viện dẫn pháp luật Pháp để cho rằng hợp đồng bảo lãnh trên là không hợp pháp (theo pháp luật Pháp, hợp đồng bảo lãnh phải được Hội đồng quản trị cho phép). Nhưng theo Tòa án, pháp luật điều chỉnh thẩm quyền đại diện của Công ty General không phải là pháp luật Pháp mà là pháp luật của nước nơi Công ty có trụ sở, tức là pháp luật Ê – cốt (xem Tòa dân sự, Tòa án tối cao Pháp ngày 8/12/1998: Tạp chí RCDIP 1999, tr. 284, bình luận M. Menucq).

Ví dụ 3: vụ kiện giữa một công ty Pháp (bị đơn) và một công ty Đức (nguyên đơn) tại Pháp. Trong quá trình tố tụng, bị đơn cho rằng người tham gia vụ kiện của nguyên đơn không phải là người đại diện của doanh nghiệp Đức. Trước phản tố này, Tòa phúc thẩm Grenoble đã viện dẫn pháp luật Đức để giải quyết (xem Tòa phúc thẩm Grenoble ngày 7/11/1989: Tạp chí Droit des sociétés tháng 5/1990, bình luận số 121). ở đây, vấn đề thẩm quyền được đặt ra không liên quan đến giao dịch dân sự mà đến tố tụng trước  Tòa án Pháp.
Đỗ Văn Đại –  Theo TC NCLP

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)