Khách hàng: Chủ tàu/người vận chuyển đưa tàu đến cảng nhận hàng (loading port) muộn hơn so với thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến với một lý do rằng tàu gặp thời tiết xấu và họ coi đây là “bất khả kháng” nên không chịu trách nhiệm về thiệt hại mà người thuê vận chuyển phải chịu do tàu đến chậm.

Vậy thế nào là “bất khả kháng” trong vận chuyển theo chuyến?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phận hỗ trợ khách hàng của Công ty Luật LVN Group, về vấn đề của bạn chúng tôi xin phép được hỗ trợ như sau:

1. Bất khả kháng

“Bất khả kháng” là một khái niệm đuợc dùng khá phổ biến nhưng nhiều khi chưa hẳn đã được hiểu đúng.

Ví dụ như, trong hợp đồng chuyển phát nhanh (in cùng với biên lai) của một hãng vận chuyển có câu: “Công ty không hoàn lại cước trong các trường hợp sau: Chuyển phát chậm trong các trường hợp bất khả kháng như: động đất, chiến sự, bão lụt…”, hoặc thông báo hoãn họp sau khi đã có xác nhận tham dự.

Thuật ngữ “bất khả kháng” dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau ở chỗ, trong một chừng mực nào đó, nó tùy thuộc vào suy nghĩ và đánh giá của người trong cuộc ở vào một tình huống cụ thể để xác định xem sự kiện nào đó có được coi là bất khả kháng hay không nếu không có những giải thích cụ thể (về bất khả kháng) do các bên có liên quan thỏa thuận.

Nói chung, có ba yếu tố cần lưu ý khi xem xét một sự kiện (sự việc, hiện tượng…) có được coi là bất khả kháng hay không. Đó là, trước hết, sự kiện đó phải có yếu tố tác động từ bên ngoài (foreign), tiếp theo là sự kiện đó không lường trước hay không dư tính trước (unexpected) – yếu tố bất ngờ và cuối cùng là không thể khắc phục hay vượt qua được (insurmountable).

2. Giải quyết tình huống của khách hàng

Sơ bộ khái niệm về bất khả kháng là như vậy. Tuy khá dễ dàng để hiểu về mặt định nghĩa nhưng thực tế cho thấy, để áp dụng những yếu tố nói trên vào một sự kiện cụ thể thì khó hơn rất nhiều. Tóm lại là, một sự kiện phải có đủ ba yếu tố nói trên mới được coi là bất khả kháng.

Về vấn đề thời tiết xấu nêu trên làm cho tàu không thể đến cảng đúng thời hạn theo thỏa thuận, thì thời tiết có thể coi là do khách quan, không vì ý chí chủ quan của một bên nào trong hợp đồng.

Ví dụ, Việt Nam nằm ở vị trí địa lý giao thoa giữa các loại gió mùa, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và tiếp giáp với dại dương rộng lớn mà hầu như năm nào cũng có ít nhất vài ba cơn bão vào một số tháng nhất định của năm, đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam, mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12, gần như được gọi là “mùa mưa bão” (và “sống chung với lũ”) thì nếu áp dụng “tiêu chuẩn” của bất khả kháng, yếu tố “không lường trước hay không dự tính trước được” còn có nhiều tranh cãi vì năm nào cũng có bão vào các tháng này, chắc chắn là biết trước được nhưng lại không thể xác đ|nh cụ thể là vào lúc nào.

Hoặc một ví dụ khác là ở vùng hay có động đất như Nhật Bản, hầu như năm nào cũng xảy ra động đất, không lớn thì nhỏ. Như vây là biết trước được nhưng cho đến nay không thể biết cụ thể là vào lúc nào, ở đâu và mức độ ra sao.

Một điểm nữa của bất khả kháng là “không thể khắc phục được”. Trở lại vói tình huống là việc tàu đến chậm vì thời tiết xấu, người thuê vận chuyển có thể lý luận ràng nếu tàu có kế hoạch chạy sớm hơn một chút để bù cho thời gian dự tính có thời tiết xấu thì tàu đã không đến chậm. Như vậy không phải là “không thể khắc phục được”. Do đó, việc không thể khắc phục được phải luôn luôn tồn tại và là một yếu tố gây ra chậm trễ quá mức bình thường làm cho hợp đồng không thực hiện được đúng như thoả thuận.

Cuối cùng, yếu tố tác động từ bên ngoài dễ dàng thấy hơn. Nêu ra như vậy chỉ để nhằm phân biệt với yếu tố chủ quan do các bên gây ra.

=> Như vậy, qua phần vừa nêu ở trên, khái niệm “bất khả kháng” rất dễ làm phát sinh tranh chấp. Có thể hạn chế tranh chấp bằng cách tham chiếu điều khoản mẫu về bất khả kháng của một tổ chức nào đó (ví dụ như “Điều khoản về bất khả kháng của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) năm 2003” – ICC Force Majeure Clause 2003) hoặc lập “danh sách” những sự kiện mà các bên coi là “bất khả kháng” để dễ dàng “đối chiếu” khi “có chuyện”.

Ví dụ dưới đây là điều khoản về bất khả kháng nêu trong một hợp đồng mua bán tàu biển theo cách “liệt kê”. Nguyên văn điều khoản như sau:

“Force Majeure

If the Sellers are unable to transfer title of the vessel or the Buyers unable to accept transfer of the title of the vessel, both in accordance with this agreement, due to outbreak of war, restraints of Government, Princes or People of any Nation or the United Nations, or by an act of God, or due to the vessel’s total loss, then either the Sellers or the Buyers may terminate this agreement upon written or telegraphic notice from one party to the other without any liability upon either party hereunder and this agreement shall be treated as null and void and the deposit referred to in Clause 2 herein, together with accrued interest, shall be returned immediately to the Buyers…”

3. Khái niệm bất khả kháng theo quy định pháp luật Việt Nam

Theo quy định của Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng là: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Ví dụ các trường hợp cụ thể được coi là bất khả kháng như do sự kiện tự nhiên: Thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, lũ lụt, sóng thần, bệnh dịch hay động đất hoặc các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa và bất kỳ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng nào.

Vậy đối với Bộ luật hàng hải hiện hành, dù không quy định như thế nào là trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng theo chuyến nhưng theo khái niệm và phân tích ở Bộ luật dân sự vừa trình bày ở trên thì trường hợp quy định tại điều 192 Bộ luật hàng hải năm 2015 có thể là sự kiện bất khả kháng.

“Điều 192. Chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường

1. Các bên tham gia hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường, nếu trước khi tàu biển bắt đầu rời khỏi nơi bốc hàng đã xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

a) Chiến tranh đe dọa sự an toàn của tàu biển hoặc hàng hóa; cảng nhận hàng hoặc cảng trả hàng được công bố bị phong tỏa;

b) Tàu biển bị bắt giữ hoặc tạm giữ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của các bên tham gia hợp đồng;

c) Tàu biển bị Nhà nước trưng dụng;

d) Có lệnh cấm vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng nhận hàng hoặc đến cảng trả hàng.

2. Bên chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải chịu chi phí dỡ hàng.

3. Các bên có quyền chấm dứt hợp đồng, nếu sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra trong khi tàu biển đang hành trình; trong trường hợp này, người thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả giá dịch vụ vận chuyển theo quãng đường thực tế và chi phí dỡ hàng”.

4. Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, một sự kiện sẽ được coi là bất khả kháng nếu rơi vào các trường hợp sau:

– Xảy ra một cách khách quan:

Một sự kiện xảy ra được coi là khách quan khi sự kiện đó xảy ra không theo ý chí của các bên. Hay nói cách khác, sự kiện đó không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên. Có thể thấy, để xác định yếu tố khách quan thì điều quan trọng là xác định bên vi phạm có lỗi chủ quan hay chủ ý để xảy ra sự kiện bất khả kháng hay không.

Ví dụ: Thiên tai, chiến tranh…
– Không thể lường trước được:
Một sự kiện được coi là xảy ra không thể lường trước được có thể được hiểu khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên. Vậy thời điểm hợp lý mà các bên phải lường trước được việc một sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra khi Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về vấn đề này. Có thể thấy các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng được các bên đưa ra dựa trên hoàn cảnh, điều kiện và yếu tố khách quan tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, có thể suy luận một cách hợp lý rằng, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà các bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng.
– Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép:
Sự kiện không thể khắc phục được mặc dù bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của sự kiện đến việc thực hiện hợp đồng. Điều kiện này cũng phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực và hướng đến việc đảm bảo thực hiện hợp đồng của các bên. Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng và không thể trông chờ việc xảy ra một trở ngại khách quan để làm căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
Dẫn đến hậu quả là bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng:
Như vậy mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và việc thực hiện hợp đồng là chặt chẽ. Có thể hiểu rằng sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Nếu tiếp cận như vậy, việc không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu sự kiện bất khả kháng đó trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ.

5. Xác định tình huống bồi thường thiệt hại

Khách hàng: Kính thưa Luật sư, trong trường hợp do cảng nhận hàng bị công bố phong tỏa do dịch Covid 19 mà bên vận chuyển không thể giao hàng cho bên thuê. Vì vậy bên vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo chuyến đã tự chấm dứt hợp đồng.
Vậy trường hợp này cảng nhận hàng bị công bố phong tỏa do dịch covid có phải sự kiện bất khả kháng không? Bên vận chuyển có phải bồi thường thiệt hại?
Cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất, hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy theo Bộ luật Dân sự năm 2015 ngoại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ những loại trách nhiệm nào mà bên vi phạm không phải chịu.
Thứ hai, theo Luật thương mại năm 2005 quy định rộng hơn về vấn đề này và miễn trách nhiệm của bên vi phạm đối với hầu hết các biện pháp khắc phục. Bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Thứ ba, theo Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường như sau:

“1. Các bên tham gia hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường, nếu trước khi tàu biển bắt đầu rời khỏi nơi bốc hàng đã xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

a) Chiến tranh đe dọa sự an toàn của tàu biển hoặc hàng hóa; cảng nhận hàng hoặc cảng trả hàng được công bố bị phong tỏa;

b) Tàu biển bị bắt giữ hoặc tạm giữ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của các bên tham gia hợp đồng;

c) Tàu biển bị Nhà nước trưng dụng;

d) Có lệnh cấm vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng nhận hàng hoặc đến cảng trả hàng.

2. Bên chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải chịu chi phí dỡ hàng.

3. Các bên có quyền chấm dứt hợp đồng, nếu sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra trong khi tàu biển đang hành trình; trong trường hợp này, người thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả giá dịch vụ vận chuyển theo quãng đường thực tế và chi phí dỡ hàng.”

Như vậy, với tình huống của bạn, trường hợp này cảng nhận hàng bị công bố phong tỏa do dịch covid đó là sự kiện bất khả kháng. Có thể nói dịch Covid-19 có thể đáp ứng đầy đủ ba điều kiện cơ bản đầu tiên để được coi là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với các hợp đồng được giao kết trước khi xảy ra Covid-19 khi Covid-19 (a) xảy ra một cách khách quan (không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên), (b) không thể lường trước được (nằm ngoài dự đoán của các bên trong trường hợp hợp đồng được giao kết trước thời điểm Covid-19) và (c) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (việc khắc phục Covid-19 nằm ngoài khả năng của các chủ thể theo hợp đồng).

Theo đó, các bên tham gia hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường khi vảng nhận hàng bị phong tỏa.

Tuy nhiên, bên vận chuyển là bên chấm dứt hợp đồng trong tình huống thì bên vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí dỡ hàng theo khoản 2 điều 192 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.

Trường hợp các bên chấm dứt hợp đồng do các sự kiện quy định tại khoản 1 Điều 192 này xảy ra trong khi tàu biển đang hành trình; trong trường hợp này, người thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả giá dịch vụ vận chuyển theo quãng đường thực tế và chi phí dỡ hàng cho bên vận chuyển.

Trân trọng!