Khi được vớt lên, con tàu chạy bằng máy hơi nước này đã bị tách làm đôi, có tổng chiều dài khoảng 30m, rộng 5m, trọng tải chừng 100 tấn, ván gỗ nhiều chỗ đã mục và bung ra. Trên tàu có 3 chiếc bát, một số đồ gỗ khắc chữ Nho.

Đến nay, 10 ngày trôi qua, “chủ sở hữu” con tàu vẫn ở thế “giằng co” vì chính quyền vẫn niêm phong nó dù chưa rõ có phải tàu chở cổ vật hay không, trong khi để vớt được nó, gia đình anh Chuôm đã bán cả gia sản.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

“Cuộc tập kích bất ngờ”!

Câu chuyện trên xảy ra tại xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhân vật chính là anh Hà Công Chuôm, một người hành nghề hút cát mò sắt, gỗ trên sông Hồng quê ở thôn Hà Tân, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Anh Chuôm kể: Khoảng cuối năm 2008, khi đang chạy thuyền mò sắt trên sông Hồng, đến đoạn giáp danh giữa xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) với xã Thụy Phú (Phú Xuyên, Hà Nội) thì anh bắt gặp chiếc máy của con tàu nói trên. Khi đó, xác định chiếc máy vẫn gắn chặt thân tàu, lại bị bồi lấp dưới độ sâu chừng 10m so với mặt nước,cộng với thời tiết rét mướt lúc cuối năm nên anh quyết định “đánh dấu” và để dành, sau Tết sẽ tiến hành trục vớt bán sắt vụn.

Đúng ngày rằm tháng chạp, anh Chuôm bắt đầu tiến hành trục vớt con tàu này.

“Trước đó, tôi có đến Đoạn Quản lý Đường sông Vạn Điểm để xin phép và mượn một số biển báo hiệu luồng lạch hướng dẫn tàu bè qua lại quanh khu trục vớt, dự định 1 tuần sẽ xong. Sau một tuần trôi qua, công việc trục vớt lại phải kéo dài hơn dự dịnh vì xác tàu bị bồi lấp rất kĩ bởi đất gan gà, thay vì bùn như tiên đoán ban đầu. Vì thế, tôi đã phải lên tận Hà Nội thuê xà lan và thợ lặn về trục vớt với tổng chi phí 224 triệu đồng”, anh Chuôm cho biết.

Sau 25 ngày ngâm mình dưới nước, đến ngày 5/3, khi vừa kéo xác con tàu vào phía bờ thuộc địa phận xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) thì con tàu bị chính quyền địa phương tạm giữ ngay lập tức vì lí do: nghi tàu có cổ vật.

Tuy nhiên, điều khiến anh Chuôm khó hiểu là đã báo cáo và được cơ quan quản lí đường sông động viên trục vớt và trong gần 1 tháng trời tiến hành công khai thì không hề có chính quyền xã nào ghé thăm, nhưng khi vừa lên bờ thì bị niêm phong tức thì?!

10 ngày qua, anh Chuôm ăn ngủ trên con tàu vì sợ đồ đạc mà anh tìm thấy bị lấy đi, còn chính quyền cũng canh phòng 24/24h bởi sợ hiện trường bị tẩu tán!

Nhiều khả năng là tàu cổ từ thế kỷ XIX?!

Giải thích cho cuộc tập kích bất ngờ đó, lãnh đạo Công an xã Đại Tập cho rằng, khi anh Chuôm trục vớt tàu chính quyền không ai để ý, vì có thể đó là sắt vụn hay thuyền bè bình thường. Nhưng khi vào bờ, nghe quần chúng báo nghi ngờ có đồ cổ vì trên tàu có một số bát rất cũ, một tượng sứ, vài chi tiết khác lạ… nên xã xin ý kiến huyện và tiến hành niêm phong hiện trường ngay, nhằm phục vụ cho công tác giám định về sau. Vì nếu là đồ cổ thì có nguy cơ bị sẽ bị tẩu tán.

Vì vậy, suốt 10 ngày nay, hiện trường luôn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi 4 công an và 12 dân quân của xã, ngoại trừ một số chi tiết như mỏ neo, chân vịt của con tàu đã được đưa đi giám định bước đầu.

Còn ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên thì cho biết, theo Điều 40 Luật Di sản và Nghị định 86 về bảo vệ di sản, thì sau khi phát hiện di sản, cổ vật phải giao nộp hoặc báo cáo cơ quan chức năng, hay ít nhất cũng phải giữ nguyên hiện trường.

“Vì thế, nếu tiếp tục có ý định đòi đưa con tàu về nhà vì có công phát hiện mà không chịu giao nộp đầy đủ thì có thể anh Chuôm sẽ phạm Luật Di sản! Nếu đồng ý giao nộp đầy đủ, anh Chuôm sẽ được tỉnh tính toán để hỗ trợ tiền công trục vớt. Còn việc chính quyền niêm phong, bảo vệ là cần thiết và chỉ nhằm mục đích bảo vệ hiện trường”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu đó có phải là đồ cổ hay không thì chính ông Giám đốc bảo tàng cũng chưa chắc.

Ông Hiếu cho biết: cần có thời gian để mời chuyên gia về giám định. Và trước hết, Bảo tàng đã báo cáo, đề nghị tỉnh có quyết định thu hồi về bảo tàng để tiện cho nghiên cứu, đánh giá.

Ông Hiếu cũng nói thêm, theo quan điểm của cá nhân, có nhiều dấu vết cho thấy đây là một con tàu từ thế kỷ XIX, nhưng có thể là tàu buôn vải vì trên đó có nhiều thủ lâu (đồ nhuộm). Còn qua lớp men, những chiếc bát nghi là bát cổ thì theo ông Hiếu, nhiều khả năng chỉ là bát cho thủy thủ dùng, vì số lượng quá ít.

Được biết, UBND tỉnh Hưng Yên đã lập hồ sơ báo cáo Cục Di sản và sẽ có Quyết định thu hồi con tàu vào đầu tuần tới nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám định!

Câu chuyện “giằng co” về “chủ sở hữu” con tàu cổ của anh Hà Công Chuôm (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) với chính quyền xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau 2 tuần qua, kể từ ngày anh Chuôm trục vớt nó lên dưới đáy sông Hồng, cũng đã tạm thời có hồi kết khi UBND tỉnh Hưng Yên chính thức công bố quyết định thu hồi con tàu này, giao cho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên nghiên cứu, phục dựng.

Ông Nguyễn Duy Hy, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết: “Từ khi trục vớt lên đến nay, con tàu đã mất đi một số lá đồng ốp ngoài vỏ tàu và một số chi tiết khác. Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng vận động người dân giao nộp lại, tránh bị tẩu tán. Sau khi tỉnh ra quyết định, chúng tôi sẽ đưa tàu về bảo tàng tỉnh, tại đó mới có điều kiện nghiên cứu, phục dựng”.

Khi được hỏi về quyền lợi của anh Hà Công Chuôm, người đã bỏ ra 224 triệu để trục vớt con tàu trong gần 1 tháng trời, ông Hy nói: Theo quy định của pháp luật, nếu anh Chuôm, người trục vớt tàu, tự giác kê khai, giao nộp toàn bộ các đồ vật có trên tàu, Nhà nước sẽ trả anh Chuôm chi phí trục vớt và thưởng công anh xứng đáng. Nhưng nếu anh Chuôm và những người liên quan tẩu tán, bán các cổ vật trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết: Sáng 16/3, chúng tôi sẽ họp tại UBND xã Đại Tập để công bố quyết định thu hồi con tàu này. Khi Nhà nước tịch thu, đưa con tàu về bảo tàng, UBND tỉnh sẽ tính kinh phí thực tế chi cho việc trục vớt để trả cho anh Chuôm, người có công phát hiện, trục vớt con tàu.  Ông Hiếu nói thêm: “Với những dấu hiệu như tàu chở nhiều củ nâu (đồ nhuộm), có hộp gỗ kích thước 45x45cm để đựng đồ cá nhân, ở thân hòm có khắc chữ Hán, dịch ra có nghĩa là Giang Nam, cộng với việc tàu chạy bằng máy hơi nước, loại tàu rất phổ biến ở Trung Quốc thế kỷ XIX. Vì vậy, theo tôi, nhiều khả năng đây là tàu buôn từ Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX”.

Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn băn khoăn với giả thiết đây là tàu buôn vào cảng Phố Hiến (Hưng Yên) vì vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, thương cảng này đã suy tàn.

“Hôm nay (18/3), một số hiện vật trên chiếc tàu cổ được phát hiện tại xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên đã được đưa vào Bảo tàng Hưng Yên. Tiếp đây, xác tàu cũng sẽ được đưa về bằng bằng đường thuỷ để phục dựng nguyên hình hài khi vớt lên” – ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết.

Ông Hiếu nói: Chúng tôi đã lên phương án thuê xà lan đưa con tàu này về bằng đường thuỷ. Sau khi vượt 30km, cập cảng cầu Yên Lệnh (thị xã Hưng Yên), con tàu sẽ được chuyển tiếp 3km đường bộ về trung tâm bảo tàng.

Hiện tại, tỉnh đang giao bảo tàng tìm kiếm đối tác tại Hải Pòng, Hà Nội để họ đưa ra dự trù kinh phí, và tỉnh sẽ cấp tiền. Việc này phải làm càng sớm càng tốt để có điều kiện bảo lưu và phục dưng con tàu một cách tốt nhất.

Về phương án phục dựng, ông Hiếu cho rằng không quá phức tạp vì chỉ yêu cầu phục dựng nguyên trạng hình hài lúc con tàu được trục vớt lên tại bến sông. Nghĩa là, chỉ lắp ghép cơ bản 2 phần bị đứt lại với nhau chứ không có một hình mẫu con tàu nào khác.

Còn trước mắt, những chi tiết đã tách rời như trục cánh quạt, chân vịt, tượng quan âm, bát thuỷ thủ, ván đồng ốp thuyền… đã được đưa về bảo tàng.

Đáng chú ý, sau khi cùng một số chuyên gia tìm hiểu, đoàn khảo sát đã phát hiện ra những chữ cái (có thể là chữ Hà Lan) trên đồng hồ đo áp lực ở buồng máy. Song trên những tấm đồng ốp mui tàu lại xuất hiện những chữ cái, hay ký hiệu gì đó khác với chữ ghi ở đồng hồ.

Vì thế, có một số ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu về đất nước mà con tàu này đến, và không loại trừ khả năng tàu được đóng ở một nước, thuỷ thủ đoàn là người nước khác.

“Hơn nữa, khả năng tàu vào cảng Phố Hiến cũng ít, mà có thể vào cảng Quan Xuyên, Mễ Sở – những cảng khá sầm uất của Hưng Yên lúc bấy giờ, hay vào Bát Tràng (Hà Nội) buôn bán” – ông Hiếu cho hay.

Còn anh Hà Công Chuôm, người đã phát hiện và trục vớt con tàu thành công ngày 5/3 vừa qua cho biết, theo yêu cầu của UBND tỉnh Hưng Yên, anh đã kê khai toàn bộ chi phí và yêu cầu tiền hỗ trợ. Trong đơn kê khai, số tiền anh Chuôm yêu cầu là 232 triệu đồng.

Anh Chuôm cho biết thêm: “Có vị nói với tôi rằng như thế là tôi tham quá! Nhà nước cho đồng nào thì biết đồng đó thôi. Họ còn nói chỉ vài ba chục triệu, song riêng tiền dầu tôi đã mất gần bảy chục triệu rồi”.

SOURCE: VIETNAMNET – CHÍ HIẾU

Trích dẫn từ: http://vietnamnet.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)